Nguyễn Trung Tây
Đêm Giông Tố Biển Hồ

https://www.youtube.com/watch?v=P_pGEjz44IE

Lời Chúa
Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và này, một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mark 4:35-41).

Suy Niệm
Bài Tin Mừng Mark 4:35-41 tường thuật lại một đêm giông tố trên biển Hồ Galilê.

Khi đó thuyền gỗ có Đức Giêsu và các người môn đệ đang lênh đênh trên sóng biển. Hãi sợ bởi sóng ập vào thuyền gỗ, khiến thuyền đầy nước, các người môn đệ đánh thức Đức Giêsu khi đó đang nằm ngủ. Sau khi truyền lệnh cho Biển Hồ Galilê biển yên sóng lặng, Đức Giêsu la mắng các người môn đệ, “Tại sao các con vẫn chưa có lòng tin?” Lời la mắng của Đức Giêsu khiến độc giả Kinh Thánh nhận ra một điều thật là bất ngờ. Đó là, mặc dù đã đi theo Đức Giêsu một thời gian khá dài, đã chứng kiến Đức Giêsu chữa lành nhiều người, đã được nghe Đức Giêsu giảng dạy nhiều điều, nhưng các người môn đệ vẫn không nhận ra được căn tính đích thực của Đức Giêsu. Bởi thế, chứng kiến tận mắt phép lạ Đức Giêsu dẹp tan sóng biển, các người môn đệ vẫn hoảng sợ để rồi họ hỏi nhau, “Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”

Thần học gia Wilfrid Harrington đặt vấn đề, thật sự ra, tác giả Máccô đã sử dụng câu chuyện giông tố Biển Hồ để nhắc nhở các tín hữu trong cộng đồng của riêng ngài về mức độ niềm tin đêm giông tố của họ vào Đức Giêsu. Thật vậy, vào khoảng giữa thập niên 70 của thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, hoàng đế La Mã Nero đã bách hại rất nhiều tín hữu Kitô. Cùng thời gian đó, các vị lãnh đạo cột trụ của Giáo hội, Phaolô và Phêrô, đều đã lần lượt tử vì đạo. Thêm vào đó, vào năm 70, đền thờ Giêrusalem của tín hữu Kitô gốc Do Thái bị hủy diệt. Trên tất cả, theo niềm tin phổ biến vào đầu thế kỷ thứ nhất, Đức Giêsu Kitô sẽ tái quang lâm vào một ngày rất gần. Nhưng tín hữu thời tiên khởi đợi mãi, Đức Kitô vẫn chưa xuất hiện.

Trong bối cảnh hoảng loạn và đợi chờ ngày quang lâm của khoảng thời gian đó, tín hữu cộng đồng của thánh Máccô hoang mang dao động với niềm tin vào Đức Giêsu.

Thật sự ra, tín hữu của thời nào cũng vậy, khi giông tố biển đời kéo tới, khi sóng nước dâng ngập khoang thuyền cá nhân, khi tính mạng bị đe dọa bởi những áp lực nặng nề trong cuộc sống, khi đó niềm tin Kitô cũng dễ chao đảo dễ buông xuôi. Khi đó, tôi cũng không còn nhận ra Đức Giêsu vẫn đang đồng hành chung một thuyền gỗ, Ngài vẫn đang ngủ say, đợi chờ tôi đánh thức Ngài dậy, cứu con thuyền đời tôi vượt thoát đêm giông tố Biển Hồ.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con thấy.