Tới Muôn Loài Thụ Tạo (Mark 16:15)
Bàn về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngôi Nhà Chung trái đất, Thánh sử John viết rõ, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời. Thật vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (John 3:16-17).
Chữ “thế gian” tiếng Việt, hoặc “the world” tiếng Anh, hoặc tiếng Cổ Hy Lạp “kósmos” là danh từ tác giả John sử dụng trong câu 3:16. Đoạn tiếp theo sau, 3:17, một lần nữa xác nhận “thế giới” mới là đối tượng để Thiên Chúa gửi Con của Ngài xuống làm người. Điều nổi bật và cũng khá bất ngờ trong đoạn văn này là Thiên Chúa không chỉ yêu con người, muốn cứu chuộc con người, nhưng trên tất cả, Ngài yêu thương thế giới. Bởi yêu thương thế giới, Ngài muốn cứu chuộc thế giới. Đương nhiên, thế giới không chỉ có con người, nhưng bao gồm nhiều sinh vật và thực vật khác.
Đọc tiếp Kinh Thánh, độc giả sẽ còn ngạc nhiên nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa thế giới và ơn cứu chuộc. Theo như Tin Mừng Mark, “[Đức Giêsu Phục Sinh phán với các [môn đệ]: ‘Anh em hãy đi khắp bốn phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng tới muôn loài thụ tạo/pasē tē ktisei’” (Mark 16:15).
Tin Mừng Kitô thường được “hiểu và diễn giải” trong bối cảnh “tới con người và cho con người” để con người nhận được ơn cứu rỗi. Nhưng Đức Giêsu Phục Sinh trước khi về trời đã khai triển và mở rộng bối cảnh của ơn cứu chuộc. Theo như Ngài, không phải chỉ có con người mới là đối tượng của ơn cứu độ, nhưng "muôn loài thụ tạo” đều là đối tượng của Tin Mừng.
“Loài thụ tạo” trong Mark 16:15 đương nhiên không chỉ giới hạn về con người, nhưng bao gồm những sinh vật khác, thí dụ, chó, mèo, gà, vịt, con ong, cái kiến, bướm đẹp, sâu róm, cá cua, cỏ dại, hoa mắc cở, cây rừng; nói một cách tổng quát, tất cả những sinh vật đang chia sẻ cùng một “Ngôi Nhà Chung” với con người. Cho nên trong Laudato Si’ (LS), Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc tới Thánh Phanxicô Assisi, “người có mối liên hệ với mọi loài thụ tạo, ngay cả các bông hoa, [thánh Phanxicô] cũng rao giảng và mời gọi chúng ‘ngợi ca Thiên Chúa’” (LS 11).
Mối liên hệ mật thiết song phương giữa con người và các loại thụ tạo thật sự ra đã được chính Thiên Chúa thiết lập ngay từ những ngày đầu tiên của dòng lich sử ơn cứu độ. Theo như Sáng Thế Ký, sau khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã dựng nên vườn Địa Đàng. Và Ngài mang con người vào khu Vườn, trao cho con người sứ mạng “cày cấy và chăm sóc [khu Vườn]” (Gen 2:15). Vườn Địa Đàng chính là Trái Đất hay thế giới mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên cho con người và tất cả sinh vật, hay nói một cách khác, tất cả các loài thụ tạo mà Ngài đã dựng nên.
Bởi thế, thế giới này không phải là của riêng con người, nhưng của tất cả loài thụ tạo đang sinh sống trên Trái Đất cùng với con người. Nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Laudato Si’, trái đất chính là “Ngôi Nhà Chung” của tất cả mọi loài thụ tạo.
Nhưng rất tiếc, không biết từ bao giờ, con người nghĩ là mình là chủ nhân của Trái Đất, bởi thế con người phun khói xăng ngập trời vào bầu khí quyển.
Nhân danh cho văn minh và công nghệ, phát triển, họ chặt bỏ rừng xanh, xây dựng đô thị xe cộ chạy kín đường phố; họ đổ ra sông ra biển không biết bao nhiêu hóa chất giết chết bao nhiêu sinh vật của biển; họ săn bắn thú vật, ngà voi, sừng tê giác, nhồi bông thú hiếm, trưng bầy trong phòng khách.
Không biết từ bao giờ, con người nghĩ chỉ có mạng người mới là quý giá mới cần phải tôn trọng, còn lại tất cả chỉ là thứ yếu. Điều này không đúng! Tất cả những thứ gì xuất hiện trên Trái Đất, do Thiên Chúa tạo thành đều có những mối tương quan mật thiết với nhau, tương tự như mạng nhện. Khi tàn phá một phần của mạng nhện, tôi đang phá hủy toàn bộ.