Kathleen N. Hattrup, trên Aleteia ngày 27/03/24, tường trình nội dung bức thư của Đức Phanxicô gửi các Kitô hữu Đất Thánh nhân dịp Tuần Thánh 2024, trong đó, ngài viết: “Bây giờ, vào đêm trước Lễ Phục sinh này, một Lễ Phục sinh, đối với anh chị em, bị phủ bóng xiết bao bởi cuộc Khổ nạn và, cho đến nay, rất ít xiết bao bởi sự Phục sinh, tôi cảm thấy muốn viết cho anh chị em và nói để anh chị em biết anh chị em gần gũi với trái tim tôi biết dường nào.”

Quả vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết một bức thư gửi người Công Giáo Thánh địa, được Vatican công bố vào ngày 27 tháng 3 bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Ả Rập.

Có khoảng 200,000 Kitô hữu thuộc nhiều nghi lễ khác nhau ở Lãnh thổ Israel và Palestine, với một giáo xứ Công Giáo Rôma ở Gaza. Đức Giáo Hoàng đã thường xuyên gọi điện thoại cho giáo xứ đó trong thời gian xảy ra xung đột.

Đức Giáo Hoàng viết: “Trong những thời điểm ảm đạm này, khi dường như những đám mây đen của Thứ Sáu Tuần Thánh bay lơ lửng trên mảnh đất của anh chị em, và quá nhiều nơi trên thế giới của chúng ta bị tổn thương bởi sự điên rồ vô nghĩa của chiến tranh – vốn luôn là một thất bại cay đắng đối với mọi người – anh chị em là những ngọn đèn tỏa sáng trong đêm, những hạt giống tốt lành trong một mảnh đất bị chia cắt bởi xung đột.

Toàn văn bức thư như sau:

Anh chị em thân mến,

Trong một thời gian, anh chị em đã hàng ngày ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi. Bây giờ, vào đêm trước Lễ Phục sinh này, một Lễ Phục sinh, đối với anh chị em, bị phủ bóng xiết bao bởi cuộc Khổ nạn và, cho đến nay, rất ít xiết bao bởi sự Phục sinh, tôi cảm thấy muốn viết cho anh chị em và nói để anh chị em biết anh chị em gần gũi với trái tim tôi biết dường nào. Hỡi các tín hữu Công Giáo thân yêu đang sống trên khắp Đất Thánh, Tôi ôm hôn tất cả anh chị em, trong sự đa dạng của các nghi lễ của anh chị em. Một cách đặc biệt, tôi ôm lấy những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thảm kịch vô nghĩa của chiến tranh: những đứa trẻ bị cướp đi tương lai của chúng, những người đang đau buồn và đau đớn, và tất cả những ai thấy mình là nạn nhân của thống khổ và mất tinh thần.

Lễ Phục sinh, trung tâm đức tin của chúng ta, càng có ý nghĩa hơn đối với anh chị em, những người cử hành lễ này ở chính những nơi Chúa chúng ta đã sống, đã chết và sống lại. Lịch sử cứu độ, và thậm chí cả địa lý của nó, sẽ không tồn tại ngoài mảnh đất mà anh chị em đã cư trú trong nhiều thế kỷ. Anh chị em muốn ở lại đó, và điều tốt là anh chị em nên ở lại đó. Cảm ơn vì chứng tá đức tin của anh chị em, cảm ơn vì lòng bác ái hiện hữu giữa anh chị em cảm ơn vì khả năng hy vọng của anh chị em bất chấp mọi hy vọng.

Tôi muốn mỗi người trong anh chị em cảm nhận được tình phụ tử của tôi, vì tôi ý thức được những đau khổ và đấu tranh của anh chị em, đặc biệt trong những tháng gần đây. Cùng với tình cảm của tôi, mong anh chị em cảm nhận được tình yêu của người Công Giáo trên toàn thế giới! Xin Chúa Giêsu, Sự Sống của chúng ta, giống như người Samaritanô nhân lành, đổ trên những vết thương thể xác và tâm hồn của anh chị em dầu thơm an ủi và rượu nồng hy vọng.

Tôi nghĩ lại chuyến hành hương tôi đã thực hiện giữa anh chị em cách đây mười năm, và tôi muốn áp dụng những lời của mình mà cách đây 50 năm, Thánh Phaolô VI – Người kế vị Thánh Phêrô đầu tiên hành hương đến Thánh Địa – đã ngỏ với các tín hữu khắp nơi: “Những căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông, và việc thiếu tiến bộ cụ thể hướng tới hòa bình, là mối đe dọa thường xuyên và nghiêm trọng không chỉ đối với hòa bình và an ninh của các dân tộc đó – và thực sự của toàn thế giới – mà còn đối với những giá trị cực kỳ thân thương, vì những lý do khác nhau, đối với phần lớn nhân loại” (Tông huấn Nobis in Animo).

Anh chị em thân mến, cộng đồng Kitô hữu ở Thánh Địa không chỉ hành động trong nhiều thế kỷ như người bảo vệ những nơi cứu rỗi của chúng ta, mà còn làm chứng lâu dài, qua những đau khổ của chính mình, cho mầu nhiệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Bằng khả năng trỗi dậy một lần nữa và tiến về phía trước, anh chị em đã tuyên bố và tiếp tục tuyên bố rằng Chúa bị đóng đinh đã sống lại từ cõi chết; mang dấu vết Cuộc Khổ Nạn của mình, sau đó Người hiện ra với các môn đệ và lên trời để đem nhân loại đang bị dày vò nhưng nay đã được cứu chuộc của chúng ta đến trước Chúa Cha. Trong những thời điểm ảm đạm này, khi dường như những đám mây đen của Thứ Sáu Tuần Thánh bay lơ lửng trên mảnh đất của anh chị em, và quá nhiều nơi trên thế giới của chúng ta bị tổn thương bởi sự điên rồ vô nghĩa của chiến tranh – vốn luôn là một thất bại cay đắng đối với mọi người – anh chị em là những ngọn đèn tỏa sáng trong đêm, những hạt giống tốt lành trong một mảnh đất bị chia cắt bởi xung đột.

Đối với anh chị em và với anh chị em, tôi dâng lên lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, Chúa là sự bình an của chúng con (x. Eph 2:14-22). Chúa, Đấng đã tuyên bố là có phúc những ai xây dựng hòa bình (x. Mt 5:9): Xin giải thoát tâm hồn con người khỏi hận thù, bạo lực và tinh thần trả thù. Chúng con noi gương Chúa và noi theo Chúa, những người có lòng thương xót, hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11:29). Ước gì không ai cướp đi niềm hy vọng được sống lại với Chúa trong lòng chúng con. Chớ gì chúng con không bao giờ mệt mỏi trong việc bảo vệ phẩm giá của mọi người nam, nữ và trẻ em, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng con: phụ nữ, người già, trẻ em và người nghèo”.

Anh chị em thân mến, cho phép tôi nói với anh chị em một lần nữa rằng anh chị em không cô đơn; chúng tôi sẽ không bao giờ để anh chị em một mình, nhưng sẽ thể hiện tình liên đới của chúng tôi với anh chị em bằng lời cầu nguyện và lòng bác ái thực tế. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm trở lại giữa anh chị em trong tư cách những người hành hương, để đến gần anh chị em, ôm lấy anh chị em, cùng bẻ bánh tình huynh đệ và chiêm ngưỡng những mầm hy vọng dịu dàng nảy mầm từ những hạt giống mà anh chị em đang gieo trong đau đớn và nuôi dưỡng bằng sự kiên nhẫn.

Tôi biết rằng các giám mục, linh mục và tu sĩ luôn ở bên cạnh anh chị em. Tôi chân thành cảm ơn họ vì tất cả những gì họ đã làm và tất cả những gì họ đang tiếp tục làm. Trong lò thử thách đau khổ, ước gì vàng quý giá của sự hiệp nhất được thanh tẩy và tỏa sáng, giữa anh chị em và với anh chị em chúng ta thuộc các giáo phái Kitô giáo khác. Đối với họ cũng vậy, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi và khích lệ tinh thần của mình. Tôi giữ tất cả anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi.

Tôi chúc lành cho anh chị em và cầu xin sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, nữ tử của quê hương anh chị em Một lần nữa, tôi xin các Kitô hữu trên toàn thế giới bày tỏ sự ủng hộ cụ thể của họ đối với anh chị em và cầu nguyện không mệt mỏi để tất cả người dân trên mảnh đất thân yêu của anh chị em cuối cùng được sống trong hòa bình.

Trong tình huynh đệ,
Rôma, từ Nhà thờ Thánh Gioan Lateranô, Tuần Thánh 2024

Phanxicô


Gặp gỡ một người Israel và một người Palestine cùng lúc với bức thư

Theo Elise Ann Allen, trên Tạp chí Crux ngày 27 tháng 3 năm 2024, Đức Phanxicô đã gặp hai người cha, một người Israel và một người Palestine, mỗi người đều đã mất con do cuộc xung đột đang diễn ra ở Thánh địa và hiện nay họ là bạn bè.

Trước buổi tiếp kiến chung ngày 27 tháng 3, Đức Phanxicô đã gặp gỡ ngắn gọn với Bassam Aramin, một người Palestine, và Rami Elhanan, một người Israel, trước khi bước vào hội trường Phaolô VI của Vatican để phát biểu trước công chúng hàng tuần.

Abir, cô con gái 10 tuổi của Aramin, bị giết bởi một viên đạn cao su do một người lính Israel bắn khi cô bé rời trường học vào năm 2007. Tương tự, Smadar, cô con gái 13 tuổi của Elhanan cũng chết trong một vụ tấn công tự sát của người Palestine ở Giêrusalem năm 1997.

Theo văn phòng báo chí Vatican, tình bạn giữa Aramin và Elhanan đã được kể lại trong cuốn tiểu thuyết Apeirogon của Colum McCann, người đoạt giải Terziani, và đã gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến các nghệ sĩ ngày 23 tháng 6 năm 2023.

Cả hai người đàn ông đều làm việc cùng nhau để thúc đẩy hòa bình và công lý trong khu vực thông qua một hiệp hội có tên là “Vòng tròn cha mẹ”, bao gồm các gia đình Israel và Palestine đã mất người thân do xung đột.

Tổ chức này tuyên bố rằng một trong những nguyên tắc cốt lõi của nó là niềm tin rằng tiến trình hòa giải là điều kiện tiên quyết để đạt được hòa bình bền vững trong khu vực.

Đức Phanxicô đã gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Aramin và Elhanan khi nói: “Họ không nhìn vào sự thù địch của chiến tranh, họ nhìn vào tình bạn của hai người đàn ông quan tâm đến nhau và đã trải qua cùng một vụ đóng đinh”.

Ngài nói: “Chúng ta hãy nghĩ đến chứng từ đẹp đẽ của hai người này, những người đã phải chịu đựng cuộc chiến ở Thánh Địa vì mất đi con gái của họ,” và cảm ơn họ vì chứng tá của họ.

Đức Phanxicô, người đã bất ngờ bỏ qua bài giảng Chúa nhật Lễ Lá và thường phải ngồi trên xe lăn do những vấn đề liên tục ở đầu gối và các vấn đề về đau thần kinh tọa, đã đi bộ vào Đại sảnh Phaolô VI để tiếp kiến vào Thứ Tư và đích thân trình bầy những nhận xét của ngài.