Chống khô khan: Josef Pieper

Ngay từ những năm 1930, một số tác giả đã phàn nàn về “sự buồn tẻ trong cách diễn giải về Thánh Tôma”. (50) Và không khó để hiểu tại sao. Thời gian đã bảo tồn những tác phẩm hay hơn và sống động hơn, nhưng, như trường hợp của bất cứ lĩnh vực nào, những tác phẩm tồn tại bên cạnh phần nhiều tầm thường và buồn tẻ—có thể bị bỏ qua trong im lặng. Tuy nhiên, một nhân vật rõ ràng thuộc phạm trù trái ngược là nhà văn người Đức Josef Pieper (1904–1997). Pieper là một nhà trình bầy có tài năng, người đã mang lại sức sống, sự tươi mát và những góc nhìn độc đáo cho mọi điều được ông đụng tới. Tính trôi chảy và sức sống này cùng hiện hữu với một nhận thức rất chính xác và được nội tâm hóa sâu sắc về triết học cả cổ thời lẫn trung cổ, đến nỗi, bản vị và truyền thống dường như nói bằng một giọng nói duy nhất, độc đáo trong ông, tiết lộ những sự thật khác xa với tầm thường. Bài viết của Pieper hiếm khi mang tính kỹ thuật theo nghĩa xấu của thuật ngữ đó. Mỗi trang đều thể hiện khả năng nắm vững dễ dàng cả từ vựng lẫn nội dung của tài liệu triết học, nhưng tác phẩm của ông cũng thể hiện mối quan tâm thường xuyên là thu hút người đọc và lôi cuốn họ vào chủ đề bằng những phương tiện sáng suốt và tiết kiệm nhất. Không giống như tác phẩm của nhiều người hiện đại khác theo học thuyết Tôma, các tác phẩm của Pieper thường ngắn, mặc dù không dễ hiểu, theo nghĩa đơn giản hóa quá mức. Nhà thần học vĩ đại người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar nói rằng Pieper đã viết “những cuốn sách dày và nhỏ”. (51) Vấn đề có vẻ dễ hiểu, nhưng nó cần được suy gẫm mới đạt đến chiều sâu của chính Pieper.

Cuốn sách nhỏ sống động của ông Hướng dẫn về Thánh Tôma Aquinô mô tả những phẩm chất cơ bản của vị Tu sĩ Đa Minh vĩ đại: “Tôi có thể nói rằng trong những hành động đầu tiên của ngài, đã xuất hiện một khuôn mẫu... các sức mạnh thẩm hóa, tức các sức mạnh không loại trừ điều gì, không loại bỏ điều gì, khẳng định rằng mọi sự đều hiện hữu, đều 'thuộc về' — thí dụ, cả Kinh thánh lẫn siêu hình học của Aristốt”. Vài trang sau, ông giải thích điều gì khiến Thánh Tôma trở thành một thầy dạy vĩ đại:

“Việc giảng dạy theo đúng nghĩa chỉ diễn ra khi tiếp cận được người nghe—không phải do sức thu hút cá nhân hay phép thuật bằng lời nói nào đó, mà đúng hơn, khi sự thật của điều được nói đến với người nghe như là sự thật. Việc giảng dạy thực sự chỉ diễn ra khi kết quả cuối cùng của nó - điều phải được dự định ngay từ đầu - đạt được: khi người nghe được “dạy dỗ”. Và được dạy dỗ là một điều gì khác với việc bị cõng đi, và cũng là một điều gì khác với việc bị trí hiểu của người khác thống trị. Được dạy dỗ có nghĩa là nhận thức được rằng những gì thầy nói là đúng và có giá trị, và nhận thức được tại sao điều này lại như vậy. Do đó, việc giảng dạy giả định phải tìm người nghe ở nơi họ hiện hữu. (52)

Như chính những đoạn trích ngắn này cho thấy, Pieper không phải là người giải thích nặng nề hay buồn tẻ. Ông có một ý thức sống động về công trình làm triết học và ý nghĩa của nó cả khi bạn đang cố gắng giải thích Thánh Tôma. Cả hai điểm trong đoạn trích dẫn trên—về khả năng thẩm hóa và năng khiếu giảng dạy chân chính—đều là những đặc điểm nổi bật trong bài giảng và bài viết của ông.

Pieper đã viết về tình yêu, sự thật và truyền thống nhân đức. Cuốn The Four Cardinal Virtues (Bốn nhân đức chính] (53) của ông là một sự phục hồi hiện đại xuất sắc của đức khôn ngoan đạo đức cổ thời, một tác phẩm kinh điển hiện đại, mà ông đã bổ sung bằng những tập sách sáng sủa không kém về các nhân đức đối thần. Phản ảnh khía cạnh Platông của triết học Công Giáo, cuốn Enthusiasm and Divine Madness [Sự Nhiệt tình và Sự điên rồ Thần linh], tức cuốn bình luận của ông về cuốn Phaedrus của Platông, khám phá cách chúng ta “đứng ngoài chính mình” trong những trải nghiệm ngây ngất như tình yêu, bệnh tật, lời tiên tri và nhận thức về cái đẹp. Đây là một trong những cuốn sách nhỏ phong phú nhất được xuất bản trong toàn bộ thế kỷ XX. Nhưng có lẽ tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Leisure, the Basis of Culture [Hưởng nhàn, Căn bản của Văn hóa], lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Anh với lời tựa của một nhân vật không thua kém gì là T. S. Eliot. Viết vào đầu những năm 1950, Eliot đã chỉ ra rằng triết học hiện đại đã bộc lộ nhiều mặc cảm tự ti khi đối diện với toán học và khoa học hiện đại. Luận lý học biểu tượng và thậm chí cả đạo đức học vào đầu thế kỷ 20, và chủ nghĩa thực nghiệm luận lý ở giai đoạn giữa của thế kỷ, đã cố gắng bắt chước triết học của các đối thủ khoa học được kính trọng hơn về mặt trí thức. Nhưng như nhiều người phàn nàn, mặc dù định hướng này có thể dẫn đến sự chính xác ở quy mô nhỏ, nhưng nó đã không tạo ra những triết gia vĩ đại như thuật ngữ này đã được hiểu trong quá khứ: những nhà tư tưởng đáng chú ý đưa ra tầm nhìn sâu sắc và sự khôn ngoan. Eliot đã mô tả đúng tác phẩm của Pieper như đặt cơ sở trên nền tảng của Platông, Aristốt và Các Nhà Kinh viện và cung cấp chính loại chiều kích vượt thời gian của sự vĩ đại triết học.

Việc đề cập đến Platông là một tri nhận sắc sảo. Học thuyết Tôma thế kỷ 20 đã khám phá lại yếu tố Platông trong tư tưởng của Thánh Tôma. Cornelio Fabro và Louis-B. Geiger đặc biệt đã chỉ ra cách Thánh Tôma kết hợp các khái niệm tham gia của Platông, (54) và nhiều học giả khác đã khám phá ra món nợ của Thánh Tôma đối với con đường phủ định [apophatic] của Pseudo-Dionysius. Nhưng việc tiếp nhận các ý tưởng của Platông chỉ hình thành một phần ảnh hưởng của Platông đối với Pieper. Pieper không viết đối thoại, như Platông đã làm, nhưng những tiểu luận ngắn gọn, trau chuốt của ông thường đối thoại với một hoặc nhiều đặc điểm của cuộc sống đương thời. Trong khía cạnh này, ông giống Platông và Socrates của Platông thậm chí còn hơn cả cách mà ông sử dụng những ý tưởng ông thừa hưởng từ họ. Sự khéo léo và duyên dáng trí thức đó đã và đang là một điều gì đó khá độc đáo trong học thuyết Tôma nói chung là nặng nề của thế kỷ XX.

Cuốn Leisure, the Basis of Culture [Hưởng nhàn, Căn bản của Văn hóa] bắt đầu bằng một câu trích dẫn của Platông về các lễ hội như ơn phúc của các vị thần và một dòng lấy từ Thánh vịnh 65: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Thiên Chúa.” (55) Cả hai điều này có vẻ là điểm khởi đầu khá trừu tượng. Nhưng Pieper ngay lập tức chuyển sang các ứng dụng cụ thể. Trong những năm ngay sau chiến tranh, mọi người đều tập trung vào việc tái thiết, một sự nhấn mạnh dễ hiểu. Tuy nhiên, Pieper tự hỏi, việc tái thiết có dựa trên các nguyên tắc cổ điển của phương Tây không? Những người ngoại giáo và Kitô giáo vĩ đại coi nền văn minh là dựa trên trường dạy hát [schola], giải trí hoặc chiêm niệm, chứ không phải hành động thực tế, bất kể giá trị như thế nào. Ngược lại, nền văn minh của chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu cả điều này, như Aristốt từng nói, “chúng ta làm việc để có thời gian hưởng nhàn.” Thế giới của chúng ta đang có xu hướng coi bản thân việc làm như một loại cùng đích của con người. “Những thay đổi ngầm to lớn này trong thang giá trị của chúng ta và trong ý nghĩa của giá trị, không bao giờ dễ dàng phát hiện và phơi bày ra, và chắc chắn chúng không thể được nhìn thấy trong nháy mắt”, Pieper nhận xét và nói thêm rằng do đó chúng ta phải đi sâu tận gốc rễ nếu chúng ta muốn hiểu và hướng dẫn thời đại ngày nay một cách đúng đắn. (56)

Để làm như vậy, Pieper đối đầu với Kant, nhưng theo một cách khác với cách được sử dụng bởi những người theo học thuyết Tôma, những người cố gắng phản ứng chủ yếu đối với những hạn chế về nhận thức luận của Kant. Người xưa, ngoại giáo và Kitô giáo, tin vào sự chiêm niệm trí thức thuần túy. Ngược lại, Pieper nói, Kant tin rằng một điều như vậy là chủ nghĩa tình cảm lãng mạn và nhận thức thực sự là thành quả của lao động trí thức, là lý trí chứ không phải trí hiểu. Lý trí gắn liền với quan sát nghiêm ngặt và đấu tranh, trong khi trí hiểu tham gia vào một viễn kiến bao quát và ít cố gắng hơn. Tất nhiên, người cổ thời đã dành chỗ cho lý trí như một sức mạnh chuyên biệt của con người, nhưng họ cũng coi trí hiểu như “đã vượt quá phạm vi được dành cho con người”. (57) Khái niệm này xa lạ với chúng ta đến mức khó hiểu, nhưng loại bỏ nó sẽ là “bỏ qua một điều có tính yếu tính”. (58) Đánh đồng nhận thức với việc làm của chúng ta là khẳng định rằng không có điều gì trí thức đến với chúng ta một cách tự do; chúng ta không thể được truyền cảm hứng hoặc nhận được hồng ân hiểu biết. Và Pieper coi quan điểm này về việc làm trí thức tương tự như quan điểm của Kant về luân lý như một nghĩa vụ đòi hỏi hơn là việc không cần cố gắng của các nhân đức đã hoàn thiện của con người hay của tình yêu. Ngược lại, Thánh Tôma nói rằng yêu một kẻ thù, mà người ta thường nghĩ là rất khó, sẽ càng đáng khen hơn nếu nó không cần cố gắng vì tình yêu hoàn hảo (Quaest. disp. de caritate 8 ad 17). Tất cả điều này kết thúc trong nhận xét này là “hình thức nhận thức cao nhất đến với con người giống như một hồng ân—sự soi sáng bất ngờ, một nét thiên tài, sự chiêm niệm thực sự.” (59) Theo cách hiểu của Pieper, trái ngược với Kant, Thánh Tôma tin rằng “mục đích và chuẩn mực của kỷ luật là hạnh phúc.” (60)

Pieper khôn ngoan nhận thấy rằng tất cả những điều này cũng có một khía cạnh xã hội. Những “công nhân” trí thức mong muốn được biện minh trong sự hiện hữu của họ bằng cách được coi là một phần của thế giới việc làm có ích cho xã hội. Nhưng cũng dễ hiểu như việc nhấn mạnh vào kết quả thực tế luôn luôn như thế, do nhu cầu của con người, nền văn minh cũng luôn nhận ra nhu cầu phải có nghệ thuật tự do, những nghiên cứu vốn thuộc về con người chính vì con người được tự do chiêm ngưỡng bản thân, thiên nhiên và Thiên Chúa. Một chiều kích quan trọng của điều làm nên con người chúng ta phụ thuộc vào việc nhận ra điều này: “Liệu có một lĩnh vực của hoạt động nhân bản, thậm chí có thể nói của sự hiện hữu nhân bản, mà không cần phải được biện minh bằng cách lồng vào kế hoạch 5 năm và tổ chức kỹ thuật của nó không?” (61) Vào thập niên 1950, Pieper đã lo lắng về sự nhầm lẫn giữa giáo dục thực sự và huấn luyện thực tế, cả hai đều là những thành tựu có giá trị, nhưng hoàn toàn không giống nhau.

Một cách đặc trưng, ông kết nối việc không thể nhìn rõ điều này với một tật xấu hiện đại, là acedia. Thuật ngữ Latinh đó có nghĩa là “lười biếng”, và thoạt nhìn nó có vẻ mâu thuẫn với tất cả những gì ông đã nói khi gọi cuộc sống hiện đại là lười biếng. Nhưng có một ý nghĩa sâu sắc hơn của thuật ngữ được ông đưa ra. Hoạt động đơn thuần có thể là việc từ chối đối diện với những câu hỏi chuyên biệt của chúng ta trong tư cách các hữu thể tự do có khả năng hiểu biết và đối đầu với các lựa chọn về số phận đời đời của mình, hoặc, như Thánh Tôma từng nói, chúng ta không có được “sự bình an của tâm trí trong Thiên Chúa” (ST II-II, q. 35, a. 3 ad 1). (62) Pieper có khả năng phi thường khi trích dẫn một câu như thế này từ Thánh Tôma hoặc người Hy Lạp cổ thời chính vào thời điểm mà bạn có thể tin rằng, khi tham gia vào các vấn đề hiện đại, ông ở xa nhất đối với suy nghĩ của họ.

Và điều này đúng cho dù ông đang bàn tới định hướng của một tâm hồn cá nhân hay một vấn đề xã hội. Như ông đã chỉ ra trong một số tác phẩm, chúng ta cần các định chế, đặc biệt là các định chế tôn giáo, để bảo tồn ý niệm đúng đắn về hưởng nhàn như một hình thức cử hành. Đây là một chủ đề chính trong công trình của ông. Không có lễ hội thực sự nếu không có các vị thần, bất chấp chúng ta nói về một cuộc hôn nhân hay một kỳ nghỉ. Chúng ta có thể có những khoảng thời gian trong đó chúng ta nghỉ lao động—để trở lại lao động. Nhưng chỉ trong việc nếm trước điều vĩnh cửu mà chúng ta cảm nhận được trong một lễ hội thực sự, con người mới chạm tới một đặc điểm yếu tính của thế giới. Hoặc, như Pieper tổng kết: “Bị cắt đứt khỏi việc thờ phượng thần linh, hưởng nhàn trở thành lười biếng và việc làm vô nhân đạo.” (63) Trường phái Platông định rõ các lễ hiến tế cho các thần minh trong những ngày lễ đặc biệt—một dự ứng về phương diện triết học về các chân lý mà thế giới Kitô giáo tiếp nhận và bảo tồn trong những ngày thánh và cử hành đặc biệt của riêng họ. Chỉ có thực hành đó mới đưa chúng ta ra khỏi thế giới việc làm hàng ngày của chúng ta để bước vào lãnh vực thần linh.

Thêm vào công trình khác của mình, Pieper đã viết hai cuốn sách rất hay về Thánh Tôma, cả hai đều phản ảnh tâm trí sống động và độc đáo của ông. Cuốn Guide to Thomas Aquinas [Hướng dẫn về Thánh Tôma Aquinô] của ông với các lời giới thiệu của Chesterton, Chenu và Gilson—tất cả đều là những nhân vật xuất chúng, thuộc phong trào hồi sinh học thuyết Tôma thế kỷ 20 và như những phản bác đối với “sự buồn tẻ của cách giải thích về Thánh Tôma”. Bằng cách đặt Thánh Tôma trong bối cảnh lịch sử được nền học giả hiện đại tái tạo, Pieper đã cho thấy tâm trí của ông thực sự triệt để và rộng lớn đến thế nào. Ông tham gia một dòng khất sĩ, tương đương với một nhà quý tộc - như Pieper và Chesterton đều đã chỉ rõ - kết hôn với một người gypsy hoặc bỏ trốn theo gánh xiếc. Nhưng đồng thời, ông tiếp thu những chất liệu trí thức tiên tiến nhất hiện có trong thời đại của mình: trong tác phẩm mới được dịch của Aristốt, Pieper tuyên bố rằng không giống như những người kém cỏi hơn, Thánh Tôma không tìm cách tạo ra một hệ thống khép kín. Toàn bộ tinh thần đằng sau mỗi điều khoản của Tổng Luận [Summa] và các tác phẩm khác là một khám phá chung về sự thật, trong đó chính các đối tượng giúp dẫn xa hơn tới sự thật, tuy nhiên, luôn nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta ở đời này. Trong khía cạnh này, thành tựu thực sự của Thánh Tôma “rất gần với cuộc đối thoại của Platông”. (64) Trong một cuốn sách nhỏ sâu sắc khác, The Silence of St. Thomas [Sự Im lặng của Thánh Tôma], Pieper trích dẫn ngài: “Đây là điều tối hậu nằm trong sự hiểu biết của con người về Thiên Chúa: biết rằng chúng ta không biết Thiên Chúa.” (65)

Đằng sau mô tả khá bình tĩnh này là một sự không hài lòng rõ ràng với cách Thánh Tôma năng động và cởi mở bị trình bầy như một hệ thống mệt mỏi và khép kín. Pieper phủ nhận rằng Thánh Tôma đã viết một tác phẩm có hệ thống, bởi vì ở mọi điểm, nó đều cho thấy nguồn gốc của nó trong suy nghĩ của những người khác mà với họ, ngài không đồng ý và câu trả lời của ngài đối với những quan điểm đó (thí dụ: các điểm và phản điểm trong mỗi mục viết của Tổng Luận [Summa]). Theo quan điểm này, Thánh Tôma thậm chí không phải là người theo phái Aristốt, bất chấp việc ngài luôn nhắc đến ông như “Triết gia” [The Philosopher], bởi vì ngài không ngần ngại bất đồng với người tiền nhiệm Hy Lạp vĩ đại của mình hoặc thách thức những gì ngài cho là những phản bác quá hời hợt chống Platông trong các tác phẩm của Aristốt. Tất nhiên, Aristốt là một nhân vật quan trọng rất nhiều vì vào thời điểm đó trong lịch sử thời trung cổ, các bản văn của Aristốt mới được tìm lại và sự khôn ngoan của chúng đang được tiếp thu và đổi mới.

Tuy nhiên, cuối cùng, Pieper dường như là người ủng hộ điều mà Đức Gioan Phaolô II, trong Fides et Ratio [Đức tin và Lý trí] gọi là “phương pháp của Thánh Tôma”, nghĩa là theo đuổi sự thật một cách có hệ thống bằng cách xây dựng trên sự thật trước đó, hơn là cách thông thường mô tả Thánh Tôma như người đưa ra một lý thuyết về nhận thức, một hữu thể học và một siêu hình học, như được trình bày trong hầu hết các sách giáo khoa và các định chế Công Giáo.

Các thăm dò thêm

Vào giữa thập niên 1950, một sự kết hợp mới bắt đầu xuất hiện và sẽ tiếp tục phát triển trong thế kỷ 21: học thuyết Tôma phân tích (hay Wittgensteinian). Trong một hiện tượng phần lớn sử dụng tiếng Anh, những nhân vật như Elizabeth Anscombe và chồng bà là Peter Geach bắt đầu mở rộng việc phân tích “ngôn ngữ thông thường” và các chủ đề chặt chẽ nhưng hạn hẹp liên quan đến Bertrand Russell và Ludwig Wittgenstein trong truyền thống triết học Anh bằng cách tìm đến các khái niệm Aristốt và thời trung cổ như tính ý hướng [intentionality] chẳng hạn. Cả hai nhà triết học đều thăm dò nền đạo đức đức hạnh. (66) Về bề mặt, bất cứ nỗ lực nào nhằm kết hợp hai truyền thống này, vốn có vẻ gần như đối lập nhau, dường như đều thất bại. Nhưng trên thực tế, nếu đọc từ một góc độ nào đó, có thể thấy rằng có nhiều cách Thánh Tôma có thể được coi là đang phân loại ngôn ngữ “thông thường” của chúng ta cũng như những vấn đề phi thường (một lần nữa, hầu hết mọi mục của Tổng Luận [Summa] đều giải thích ý nghĩa của các thuật ngữ đã được phổ biến rộng rãi trong việc sử dụng chung). Sự chú ý và đánh giá của ngài đối với các chi tiết đặc thù của Sáng Thế cũng cung ứng một số nẻo đường để thông truyền hỗ tương. Phần lớn, việc đi lại giữa hai truyền thống này chỉ là một chiều, những người theo học thuyết Tôma lưu tâm đến triết học phân tích, chứ hầu như không bao giờ các triết gia quan tâm đến học thuyết Tôma. Nhưng một số nhân vật quan trọng, chẳng hạn như triết gia người Scotland John Haldane, có thể được mô tả rộng rãi là những người theo học thuyết Tôma phân tích, và một số cuốn sách đã xuất hiện gợi ý những nẻo đường phát triển hơn nữa dọc theo hướng này và các hướng khác. (67)

Như sẽ trở nên rõ ràng trong chương tiếp theo, cho dù nửa thế kỷ mở rộng này của triết học Tôma dường như đã đến hồi kết thúc vào thập niên 1960 tại Công đồng Vatican II, nhưng thực tế không phải vậy. Triết lý vĩnh viễn có tên như vậy bởi vì nó đã có thể đâm chồi non qua nhiều thế kỷ, ngay cả trong những thời kỳ như phần thứ ba cuối thế kỷ XX, thời kỳ cung cấp lớp đất rất mỏng cho bất cứ loại triết học nào phát triển. Và có những điều ngạc nhiên khi một số loại triết học được dự trữ sẵn một khi tình trạng hỗn loạn của Giáo hội hậu công đồng qua đi.

Ghi Chú

1 James V. Schall, The Regensburg Lecture [Giảng thuyết Regensburg] (South Bend, Ind.: St. Augustine’s Press, 2007), chứa bản văn và bình luận.

2 Xem Russell Hittinger, “Two Modernisms, Two Thomisms: Reflections on the Centenary of Pius X’s Letter against the Modernists” [Hai chủ nghĩa hiện đại, hai chủ nghĩa Tôma: Các Suy tư nhân kỷ niệm 100 năm bức thư của Đức Piô X chống lại những người theo chủ nghĩa hiện đại] Nova et Vetera, Ấn bản tiếng Anh, tập. 5, số 4 (2007): 843-80.

3 Để có cái nhìn về hình ảnh này, hãy xem Richard Peddicord, The Sacred Monster of Thomism: An Introduction to the Life and Legacy of Reginald Garrigou-Lagrange, O.P. [Con quái vật Thánh thiêng của chủ nghĩa Tôma: Dẫn nhập vào Cuộc đời và Di sảnh của Reginald Garrigou-Lagrange, O.P.] (South Bend, Ind.: St. Augustine's Press, 2005).

4 Karol Wojtyła, Faith according to St. John of the Cross [Đức tin theo Thánh Gioan Thánh Giá], Bản tiếng Anh của Jordan Aumann, O.P. (San Francisco: Ignatius Press, 1981).

5 Chẳng hạn, hãy xem tác phẩm đồ sộ ba tập của ông, The Three Ages of the Interior Life: Prelude of Eternal Life [Ba thời đại của đời sống nội tâm: Khúc dạo đầu của cuộc sống vĩnh cửu], bản dịch của M. Timothea Doyle (St. Louis, Mo., và London: Herder, 1947—1948); và Christian Perfection and Contemplation according to St. Thomas Aquinas and St. John of the Cross [Sự hoàn hảo và chiêm niệm Kitô giáo theo Thánh Tôma Aquinô và Thánh Gioan Thánh Giá] của ông, bản dịch của M. Timothea Doyle (St. Louis, Mo.: Herder, 1937).

6 Xuất bản bằng tiếng Ba Lan với tên Zagadnienie pommiotu morności [Vấn đề chủ thể đạo đức] (Lublin: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Lublin, 1991). Có một số bản dịch sang các ngôn ngữ châu Âu khác nhưng không có bản dịch sang tiếng Anh.

7 Xem Rocco Buttiglione, Karol Wojtyła: The Thought of the Man Who Became Pope John Paul II [Karol Wojtyła: Suy nghĩ của người trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II], Bản dịch của Paolo Guietti và Francesca Murphy (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1997).

8 Xem Arthur McGovern, Marxism: An American Christian Perspective [Chủ nghĩa Mác: Một Quan điểm Kitô giáo Mỹ] (Maryknoll: Orbis, 1980), 2.

9 Thảo luận về sự phục hưng của trường phái Tôma trong chương này dựa trên khảo sát xuất sắc của Gerald A. McCool, The Neo-Thomists, Marquette Studies in Philosophy [Các Người theo chủ nghĩa Tôma, Các Nghiên cứu Marquette về Triết học] 3 (Milwaukee: Nhà xuất bản Đại học Marquette, Hiệp hội Nhà xuất bản Đại học Dòng Tên, 1994).

10 Xem Roberto Papini, The Christian Democrat International [Dân chủ Thiên Chúa giáo Quốc tế], bản dịch của Robert Royal (Lanham, Md.: Rowman & Littlefield, 1997).

11 Hittinger,, “Two Modernisms, Two Thomisms” [Hai chủ nghĩa hiện đại, hai chủ nghĩa Tôma], 859.

12 Nhiều kết quả của những nỗ lực học thuật tập thể này được phản ảnh trong Jean-Pierre Torrell, Thomas Aquinas, tập. 1: The Person and His Work [Con người và Công việc của Người], bản dịch của Robert Royal, ấn bản lần thứ 2, duyệt lại và mở rộng (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2005).

13. Xem Marie-Dominique Chenu, Une école de théologie: Le Saulchoir [Một Trường phái Thần học: Le Saulchoir] (Paris: Cerf, 1985).

14 Bản dịch tiếng Anh đáng tham khảo: The Letter on Apologetics, and History and Dogma [Thư về hộ giáo, và Lịch sử và Tín điều], bản dịch của Alexander Dru và Illtyd Trethowan (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1994); Action [Hành động], bản dịch của Oliva Blanchette (South Bend, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 2003).

15 Maritain đã viết hai cuốn sách phê phán chủ nghĩa Bergson, cuốn quan trọng hơn là La philosophie bergsonienne [Triết học Bergson], đã trải qua nhiều lần xuất bản trong đó Maritain đã phần nào làm dịu đi những lời chỉ trích của mình. Điều thú vị là, một trong những người lãnh đạo phong trào phục hưng chủ nghĩa tân Tôma, A.-G. Sertillanges, đã đưa ra một cách xử lý mang tính phê phán, Henri Bergson et le catholicisme [ [Henri Bergson và đạo Công Giáo] (Paris: Flammarion, 1941), nhưng bỏ ngỏ khả thể một số quan điểm của Bergson có thể dung hòa được với tư tưởng Công Giáo. Bergson thực sự có thể đã trở thành một người Công Giáo vào cuối đời nếu ông không muốn từ bỏ những người Do Thái ở Pháp, mà ông vốn là một trong số đó, trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Ông chết vì đứng xếp hàng dưới trời lạnh để đăng ký với những người chiếm đóng. Một đánh giá ngắn gọn về Bergson là cuốn Bergson của Leszek Kolakowski (New York: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 1985).

16 Bergson đã nói về Péguy: “Ông ấy có năng khiếu tuyệt vời trong việc bước ra ngoài tính vật chất của hữu thể, vượt qua nó và thâm nhập vào linh hồn. Vì vậy, chính ông biết suy nghĩ sâu kín nhất của tôi, như tôi chưa bao giờ bày tỏ nó, như tôi mong muốn bày tỏ nó”: Charles Péguy, Basic Verities [Charles Péguy, Các Sự thật Căn bản] Bản dịch của Anne và Julian Green (New York: Pantheon, 1943), 9.

17 Về cuộc sống ban đầu của người vợ chồng Maritain, xem Jean-Luc Barré, Jacques and Raïssa Maritain: Beggars for Heaven [Jacques và Raïssa Maritain: Những Hành khất Nước Trời] bản dịch của Bernard E. Doering (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 2005). Để có cái nhìn tổng quan ngắn gọn về cuộc đời và các tác phẩm, lời giới thiệu hay nhất là của Ralph Mc-Inerny, The Very Rich Hours of Jacques Maritain: A Spiritual Life [Những Giờ phút Phong phú nhất của Jacques Maritain: Một Cuộc sống Tâm linh] (Notre Dame, Ind.: University of Notre Dame Press, 2003). Jude P. Dougherty, Jacques Maritain: An Intellectual Profile [Jacques Maritain: Một hồ sơ trí thức] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2003), rất sâu sắc.

18 La philosophie bergsonienne [triết học Bergson] (Paris: Rivière, 1914), 306.

19 Jacques Maritain, A Preface to Metaphysics [Lời tựa cho Siêu hình học] (New York: Omega Mentor, 1962), 10.

20 Jacques et Raïssa Maritain, Oeuvres complètes [Các tác phẩm trọn bộ] (Fribourg, Thụy Sĩ: Éditions Universitaires; Paris: Éditions Saint-Paul, 1982-1999).

21 Xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp, với tên Distinguer pour unir, ou, Les degrés du savoir [Phân biệt để kết hợp, hay, Các Mức độ của hiểu biết] (Paris: Desclée de Brouwer, 1932), và Bản dịch của Bernard Wall và Margot R. Adamson dưới tên The Degrees of Knowledge [Các Mức độ của Kiến thức] (London: G. Bles, Centenary Press, 1937).

22 Trong A Preface to Metaphysics [Lời tựa cho Siêu hình học], Maritain chịu khó giải thích trực giác này là gì và không phải là gì: “Đó là một cái nhìn rất đơn giản, vượt trội hơn bất cứ lý luận hay chứng minh rời rạc nào, bởi vì nó là nguồn gốc của chứng minh. Đó là một cái nhìn mà nội dung và hàm ý của nó không ngôn từ nào của con người có thể diễn tả hết hoặc diễn tả thỏa đáng, và trong đó, có thể nói, trong khoảnh khắc của cảm xúc dứt khoát ngọn lửa thiêng liêng, tâm hồn tiếp xúc, một sự tiếp xúc sống động, xuyên thấu và soi sáng, với một thực tại được nó chạm tới và nắm giữ lấy nó... Những đặc điểm của trực giác như tôi vừa mô tả thoạt nhìn có vẻ giống với trực giác của Ông Bergson. Quả chúng có vẻ như vậy, nhưng có điểm khác biệt quan trọng là ông phủ nhận rằng trực giác của ông có tính trí thức. Mặt khác, tôi khẳng định rằng đối tượng ưu việt của trực giác là hiện hữu, nhưng trực giác đó mang tính trí thức. Điều này thực sự khác xa với triết lý Bergson” (50-51). Đồng thời, trực giác trí thức này phải được phân biệt với kiến thức khái niệm. Maritain nói, Kant chưa bao giờ có nó: “Đâu là giải thích cho điều này? Nó rất khó khăn. Nó thực sự không khó như một ca phẫu thuật khó thực hiện, mà việc thực hiện thành công đòi hỏi kỹ năng chuyên môn. Vì không có gì đơn giản hơn. Chính vì ông đã tìm kiếm nó bằng một kỹ thuật, một kỹ thuật trí thức cực kỳ tinh tế mà Kant đã không đạt được nó” (52). Maritain so sánh trực giác này với việc nghe và lắng nghe hiện hữu, hơn là “soạn thảo các câu trả lời” (53).

23 Existence and the Existent [Hiện hữu và hiện thể], Bản dịch của Lewis Galantière và Gerald B. Phelan (New York: Pantheon, 1948).

24 Xem Robert Royal, biên tập, Jacques Maritain and the Jews [Jacques Maritain và người Do Thái] (Notre Dame, Ind.: American Maritain Association, 1993).

25 Jacques Maritain, Man and the State [Con người và Nhà nước] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 1998), là một trong những ấn bản gần đây hay nhất của bản gốc năm 1951.

26 Cùng nguồn, 10.

27 Cùng nguồn, 27.

28 Cùng nguồn, 24.

29 Yves R. Simon, Philosophy of Democratic Government [Triết học về Chính phủ Dân chủ] (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1993).

30 Yves R. Simon, The Road to Vichy [Đường tới Vichy], 1918—1938, Bản dịch của James A. Corbett và George J. McMorrow (Lanham, Md.: Nhà xuất bản Đại học Hoa Kỳ, 1988).

31 Cùng nguồn, 203.

32 Cùng nguồn, 202.

33 Étienne Gilson, La liberté chez Descartes et la théologie [Tự do nơi Descartes và thần học] (Paris: Alcan, 1913).

34 Étienne Gilson, The Spirit of Medieval Philosophy [Tinh thần của triết học thời trung cổ], Bản dịch của A.H.C. Downes, Bài giảng của Gifford (New York: Charles Scribner's Sons, 1940).

35 Étienne Gilson, Reason and Revelation in the Middle Ages [Lý trí và Sự mặc khải ở thời Trung Cổ] (New York: C. Scribner’s Sons, 1938), 72-3. “Khoa học” ở đây có nghĩa là chỉ ra những kiến thức nhất định dựa trên dữ kiện đích thực và lý luận đúng đắn, chứ không phải các ngành khoa học khác nhau như chúng ta sử dụng từ này trong ngôn ngữ thông thường.

36 Tôi nợ Kenneth Schmitz việc mô tả đặc điểm này trong một cuộc trò chuyện riêng.

37 Étienne Gilson, Being and Some Philosophers [Hữu thể và Một số Nhà triết học], tái bản lần thứ 2, duyệt lại và mở rộng (Toronto: Giáo Hoàng Học Viện Nghiên cứu Trung cổ, 1952). Những nhận xét về Sartre và chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện ở trang 152.

38 Étienne Gilson, The Christian Philosophy of Saint Augustine [Triết học Kitô giáo của Thánh Augustinô] (New York: Random House, 1960); The Philosophy of St. Bonaventure [Triết học của Thánh Bonaventura], Bản dịch của Dom Illtyd Trethowan và F.J. Sheed (New York: Sheed & Ward, 1938); Jean Duns Scot: Introduction à ses positions fondamentales [Jean Duns Scot: Dẫn nhập vào các lập trường nền tảng của ông] (Paris: Vrin, 1952).

39 Étienne Gilson và Jacques Maritain, Deux approches de l'être: Correspondance [Hai phương thức của hữu thể: Thư tín] 1923—1971, chủ biên Géry Prouvost, Bibliothèque des textes philosophiques [thư viện các bản văn triết học] (Paris: Vrin, 1991), 275. Về vấn đề này và mối quan hệ rộng hơn của hai triết gia, xem Ralph McInerny, The Very Rich Hours of Jacques Maritain: A Spiritual Life [Những Giờ phút phong phú của Jacques Maritain: Một cuộc sống Thiêg liêng] (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 2003), 124-28.

40 Về Rousselot, xem McCool, Neo-Thomists, 97-116.

41 Trích trong cùng nguồn, 108.

42 John Haldane, “Thomism” [Chủ nghĩa Tôma], trong Routledge Encyclopedia of Philosophy [Từ điển Bách khoa triết học Routledge] (London: Routledge, 1998), 3:384.

43 (Brussels: Éditions Universelles; Paris: Desclée de Brouwer, 1944—1949). Bản dịch rộng dài nhất các đoạn trích từ tác phẩm này cùng với lời bình luận xuất sắc là Joseph Donceel, S.J., chủ biên và dịch thuật, A Maréchal Reader (New York: Herder and Herder, 1970).

44 Ngôn ngữ là của McCool's, Neo-Thomists, 122.

45 Bernard J. F. Lonergan, Insight: A Study of Human Understanding [Cái nhìn sâu sắc: Nghiên cứu về sự hiểu biết của con người] (New York: Thư viện Triết học, 1958).

46 Cùng nguồn, xxxx.

47 Cùng nguồn, xvii.

48 Bernard J. F. Lonergan, Method in Theology [phương pháp trong thần học] (New York: Herder and Herder, 1972), 101.

49 Đặc biệt, xem David Tracy, The Achievement of Bernard Lonergan [thành tựu của Bernard Lonergan] (New York: Herder and Herder, 1970).

50 Josef Pieper, Guide to Thomas Aquinas [hướng dẫn vào Thánh Tôma Aquinô] (San Francisco: Ignatius Press, 1991), 20.

51 Josef Pieper, An Anthology [một sưu tập] (San Francisco: Ignatius Press, 1989), ix.

52 Pieper, Guide to Thomas Aquinas [Hướng dẫn vào Thánh Tôma Aquinô], 22, 32.

53 Josef Pieper, The Four Cardinal Virtues [Bốn nhân đức chính] (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1966).

54 Cornelio Fabro, Participation et causalité selon S. Thomas d’Aquin [Sự tham gia và tính nhân quả theo Thánh Tôma Aquinô] (Louvain: Publications universitaires de Louvain, 1961); và Louis-Bertrand Geiger, La participation dans la philosophie de S. Thomas d’Aquin [tham gia vào triết học của Thánh Tôma Aquinô] (Paris: J. Vrin, 1953).

55 Một bản dịch khác nhấn mạnh câu này hơi khác liên quan đến tựa đề của Pieper: “Hãy nhàn nhã và biết rằng ta là Chúa.”

56 Josef Pieper, Leisure, the Basic of Culture [Nhàn nhã, Điều Căn bản của văn hóa] (San Francisco: Ignatius Press, 2009), 23.

57 Cùng nguồn, 28.

58 Cùng nguồn, 30.

59 Cùng nguồn, 34.

60 Cùng nguồn, 35.

61 Cùng nguồn, 38.

62 Cùng nguồn, 45.

63 Cùng nguồn, 68.

64 Pieper, Guide to Thomas Aquinas [Hướng dẫn vào Thánh Tôma Aquinô], 81.

65 Josef Pieper, The Silence of St. Thomas [Sự thinh lặng của Thánh Tôma] bản dịch của John Murray và Daniel O’Connor (New York: Pantheon, 1957), 64.

66 Xem John Haldane, “Thomism and the Future of Catholic Philosophy” [Chủ nghĩa Tôma và Tương lai của Triết học Công Giáo], New Black-friars, 80 (1999): 158-69; cũng như Fergus Kerr, After Aquinas: Versions of Thomism [Sau Aquinô: Các dịch bản của chủ nghhĩa Tôma] (Malden, Mass.; Oxford: Blackwell, 2002), 29-30 và 115-16; G. E. M. Anscombe, Intention [Ý định] (Oxford: Black-well, 1957); và Peter Geach, Mental Acts, Their Contents and Their Objects [Các Hành vi tinh thần, Nội dung và Đối tượng của chúng] (London: Routledge và Paul, 1957).

67 Bằng tiếng Anh, Craig Paterson và Matthew S. Pugh, chủ biên, Analytical Thomism: Traditions in Dialogue [Chủ nghĩa Tôma phân tích: các Truyền thống trong Đối thoại] (Burlington: Ashgate, 2006). Xem Roger Pouivet, Après Wittgenstein, saint Thomas [Sau Wittgenstein, thánh Tôma] (Paris: PUF, 1997), Bản dịch của Michael S. Sherwin dưới tựa đề After Wittgenstein, St. Thomas [Sau Wittgenstein, Thánh Tôma ] (South Bend, Ind.: St. Augustine's Press, 2008).