1. Zelenskiy bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ với cuộc gặp với giới tinh hoa quân sự

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bắt đầu phần chính thức của chuyến thăm làm việc tới Hoa Kỳ vào hôm thứ Hai với bài phát biểu tại Đại học Quốc phòng Quốc gia, nơi đào tạo giới tinh hoa quân sự của Hoa Kỳ và 153 quốc gia khác.

Trong video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Tổng thống Zelenskiy cảm ơn chính phủ và lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ đã cung cấp cho Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga tiếp tục gây nguy hiểm cho Âu Châu và thế giới dân chủ.

“Putin phải bị đánh bại”, Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh.

Trong ngày thứ Hai, Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ gặp lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, ông sẽ nói chuyện riêng với đại diện các doanh nghiệp và tổ chức phân tích.

2. Hải quân Hoàng gia Anh tặng cho Ukraine hai tàu dò mìn

Ký giả ANNABELLE DICKSON của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Ukraine strikes deal to get 2 Royal Navy minehunters from UK”, nghĩa là “Ukraine đạt thỏa thuận nhận 2 tàu săn mìn của Hải quân Hoàng gia Anh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Anh sẽ bàn giao hai tàu dò mìn của Hải quân Hoàng gia cho Ukraine khi quốc gia bị chiến tranh tàn phá này phải vật lộn với việc Nga tiếp tục phong tỏa Hắc Hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps hôm thứ Hai 11 Tháng Mười Hai, đã thông báo lực lượng vũ trang Ukraine đã được chuyển giao các tàu lớp Sandown từ Hải quân Hoàng gia Anh, mặc dù chi tiết về việc chuyển giao vẫn đang được thu xếp thông qua Cơ quan tài chính xuất khẩu Anh, cơ quan tín dụng xuất khẩu của Luân Đôn.

Trong nhận xét do Bộ Quốc phòng đưa ra trước thông báo, Shapps cho biết các tàu dò mìn, được thiết kế để rà phá bom mìn nhằm bảo đảm vùng biển an toàn cho các tàu lớn hơn, sẽ giúp Ukraine cứu sống nhiều sinh mạng trên biển và mở ra các tuyến xuất khẩu vốn đang bị hạn chế nghiêm trọng bởi cuộc xâm lược của Nga.

Shapps cho biết: “Việc tăng cường năng lực này đánh dấu sự khởi đầu cho một nỗ lực mới của Anh, Na Uy và các đồng minh của chúng tôi nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Ukraine trong thời gian dài, nâng cao khả năng hoạt động của họ để bảo vệ vùng biển có chủ quyền và tăng cường an ninh ở Hắc Hải”.

Động thái này là một phần của Liên minh Năng lực Hàng hải mới được thành lập cùng với Na Uy nhằm giúp tăng cường đào tạo, thiết bị và cơ sở hạ tầng hàng hải của Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram cũng đang có mặt ở Luân Đôn để khởi động sáng kiến này.

Bộ Quốc phòng cho biết liên minh mới muốn giúp Ukraine chuyển đổi lực lượng hải quân của mình để lực lượng này “tương thích hơn với các đồng minh phương Tây, tương tác tốt hơn với NATO và tăng cường an ninh ở Hắc Hải”.

3. FSB Nga cho biết họ đã bắt giữ các đặc vụ Ukraine

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết họ đã phá vỡ một mạng lưới đặc vụ Ukraine ở Crimea, những người có liên quan đến âm mưu ám sát các nhân vật thân Nga.

Họ cho biết các mục tiêu bao gồm nhà lãnh đạo Crimea do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, Sergei Aksyonov, và một cựu thành viên quốc hội Ukraine thân Nga, Oleg Tsaryov.

Tsaryov sống sót dù bị bắn hai phát trong một cuộc tấn công vào tháng 10 ở Crimea, nơi Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

FSB cho biết mạng lưới của Ukraine cũng đã tấn công vào cơ sở hạ tầng hỏa xa và năng lượng trên bán đảo. Cơ quan này cho biết họ đã tìm thấy các kho vũ khí và chất nổ, đồng thời bắt giữ 18 “đặc vụ và đồng phạm của lực lượng đặc biệt Ukraine”.

Họ nói rằng, về tổng thể, họ đã ngăn chặn được 18 “cuộc tấn công khủng bố” trong năm nay ở Crimea.

FSB là cơ quan kế thừa của KGB, hoạt động trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và từng được lãnh đạo bởi Putin trong giai đoạn những năm 1990.

4. Lãnh đạo SBU lên tiếng về vụ ám sát Ilia Kyva

Các nguồn tin của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã chia sẻ đoạn phim độc quyền về hiện trường vụ hành quyết kẻ phản bội cao cấp nhất, cựu nghị sĩ Ilia Kyva.

Như đã đưa tin, ngày 6/12, thông tin về việc thanh lý cựu nghị sĩ Ilia Kyva đã được Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, xác nhận.

Vasyl Maliuk, nhà lãnh đạo SBU, đã lên tiếng xác nhận biệt kích SBU chịu trách nhiệm về vụ tấn công, sau khi có các báo cáo trên các phương tiện truyền thông Nga, và các mạng xã hội đưa ra các đồn đoán và các câu chuyện giật gân liên quan đến vụ hành quyết Ilia Kyva.

Các mạng xã hội Nga khai thác vụ này tối đa đến mức, hãng tin Baza của Nga cho biết Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã mời lên làm việc một số kênh Telegram của Nga đăng những câu chuyện giật gân, vì những câu chuyện mô tả các hành vi xuất quỷ nhập thần của biệt kích Ukraine có thể gây hoảng loạn trong xã hội Nga.

Ông Maliuk đã chia sẻ những hình ảnh cho thấy thi thể của Kyva nằm úp mặt trên tuyết, xung quanh có những vết máu. Ngoài ra, vị trí của vụ ám sát cũng được tiết lộ. Đó là một công viên nơi, Kyva thường quay các video chống Ukraine của mình để đăng trên mạng xã hội.

Kyva là một trong những mục tiêu ưu tiên và đã được giám sát từ lâu trước vụ tấn công. Lộ trình di chuyển, thói quen hàng ngày của anh ta đã được nghiên cứu chi tiết. Bất chấp các biện pháp an ninh nghiêm ngặt được áp dụng, các đặc vụ SBU đã tìm ra các khe hở và tiêu diệt thành công mục tiêu tại một quận ngay ở Thủ đô Mạc Tư Khoa.

Maliuk bác bỏ nguồn tin của Nga cho rằng Kyva đã bị cắm một con dao vào thái dương. Cũng có một bức ảnh cho thấy một con dao và một cây súng được găm vào một cái cây. Maliuk cũng bác bỏ chi tiết này. Kyva là một nhân vật được Nga bảo vệ kỹ lưỡng, biệt kích chỉ đủ thời gian bắn hai phát súng, chụp hình hiện trường và rút lui.

“Đây là tín hiệu cho tất cả những kẻ phản bội và tội phạm chiến tranh đã quay sang phe địch. Hãy nhớ rằng: Nga sẽ không bảo vệ được các ngươi. Cái chết là viễn cảnh duy nhất đang chờ đợi đối phương của Ukraine”, Maliuk nói.

Các kênh Telegram của Nga cũng đăng một câu chuyện cho rằng có 2 phụ nữ đã tiếp cận với Kyva. Một cô đưa cho anh ta cái điện thoại di động để nhờ chỉ đường, trong khi đó một cô móc súng ra bắn vào trán anh ta. Người Ukraine cho rằng có lẽ không phải như vậy. Kyva là một võ sư, hành tung rất nhanh nhẹn. Tương truyền, anh ta đã tay không đánh bại 10 quân Nga Ukraine khi còn là một viên chức cảnh sát.

5. Nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu đã kêu gọi khối tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

“Tôi hy vọng rằng sự đoàn kết của Âu Châu sẽ không bị phá vỡ, vì đây không phải là lúc để làm suy yếu sự ủng hộ của chúng ta đối với Ukraine”, ông Josep Borrell nói trước cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu.

27 nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu sẽ tổ chức một cuộc họp gay gắt vào thứ Năm, tại đó thủ tướng Hung Gia Lợi, Viktor Orbán, đe dọa sẽ chặn hàng tỷ Mỹ Kim viện trợ và trì hoãn các cuộc đàm phán tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu cho Kyiv.

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen gọi quan điểm của Hung Gia Lợi là “rất, rất đáng trách”.

Cô nói: “Điều quan trọng là chúng ta tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết, và điều đó không chỉ vì sự nghiệp của Ukraine mà còn vì sự nghiệp của chính chúng ta”.

Một số nhà ngoại giao Âu Châu cho rằng Orbán đang trì hoãn hỗ trợ Ukraine để gây áp lực buộc Brussels phải giải phóng hàng tỷ euro hỗ trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho Budapest đang bị đóng băng vì tranh chấp pháp quyền.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Gabrielius Landsbergis của Lithuania đi xa đến mức cho rằng Orbán đang hành động theo lệnh của Putin trong việc ngăn cản Thụy Điển gia nhập NATO, tìm mọi cách ngăn chặn Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và chặn đứng số tiền viện trợ của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Ukraine.

Theo hai nhà ngoại giao, yêu cầu được giấu tên để có thể nói chuyện thẳng thắn, tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Hai 23 Tháng Mười, Bộ Trưởng Ngoại Giao Gabrielius Landsbergis của Lithuania đã hỏi Bộ Trưởng Ngoại Giao Hung Gia Lợi Péter Szijjártó, rằng liệu các yêu cầu của Budapest đối với Liên Hiệp Âu Châu đến từ chính phủ Orbán của Hung Gia Lợi hay từ chính phủ của Putin ở Điện Cẩm Linh.”

Các nhà ngoại giao cho biết, Szijjártó đã đáp trả, lập luận rằng Hung Gia Lợi không nhận lệnh từ ai.

6. Hung Gia Lợi thách thức đe dọa ngăn cản Ukraine đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu

Quyết định bắt đầu các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu đang gặp khó khăn sau khi Hung Gia Lợi cho biết họ sẽ không nhượng bộ trước áp lực ngày càng tăng để bật đèn xanh cho Ukraine.

Lời đe dọa phủ quyết việc bắt đầu các cuộc đàm phán của Viktor Orbán đang được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, với việc Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo về “những hậu quả tàn khốc” đối với đất nước của ông nếu các cuộc đàm phán bị ngăn cản.

27 nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu sẽ gặp nhau vào thứ Năm và thứ Sáu và một nhà ngoại giao cho biết tâm trạng ở Brussels ngày càng ảm đạm.

Orbán, thủ tướng Hung Gia Lợi, người tự hào về mối quan hệ chặt chẽ của mình với Vladimir Putin, cho biết ông sẽ quyết tâm ngăn chặn quyết định mở rộng Liên Hiệp Âu Châu và có khả năng ông cũng ngăn chặn việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Hôm Chúa Nhật, ông và tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã có một cuộc trao đổi ngắn và có vẻ căng thẳng tại lễ nhậm chức của tân tổng thống Á Căn Đình.

Tuần trước, trong một động thái thách thức, Orbán tuyên bố Ukraine là “một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới”, vài giờ sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp ông để cố gắng thuyết phục ông không phủ quyết các cuộc đàm phán mở rộng Liên Hiệp Âu Châu.

Cố gắng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron xem ra đã thất bại. Hôm thứ Hai, trước cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ở Brussels, Ngoại trưởng Hung Gia Lợi, Péter Szijjártó, đã khẳng định lại lập trường đó, nói rằng Budapest sẽ không “nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào”.

Ông nói: “Phần lớn các chính trị gia Âu Châu muốn đưa ra những quyết định quan trọng như vậy mà hoàn toàn không có sự chuẩn bị và thiếu thỏa thuận chiến lược về tương lai của Âu Châu. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào… bất kể điều đó đến từ đâu, từ ai và đó là hình thức tống tiền hay lời hứa hẹn gì.”

Liên quan đến các cuộc đàm phán riêng với các bộ trưởng, Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, đã cầu xin Liên Hiệp Âu Châu ngăn chặn Hung Gia Lợi gây thiệt hại.

Đề cập đến khả năng mở các cuộc đàm phán gia nhập với tư cách là “mẹ của mọi quyết định”, ông nói: “Tôi không thể tưởng tượng được, tôi thậm chí không muốn nói về những hậu quả tàn khốc sẽ xảy ra nếu Hội đồng Âu Châu không thực hiện được phán quyết này.”

Các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels đang làm việc ngoài giờ để cố gắng giải quyết vấn đề, làm việc trên văn bản mới nhất cho đến 11 giờ tối Chúa Nhật.

Một nhà ngoại giao cho biết: “Thật ảm đạm. Đây sẽ là một tuần rất khó khăn.” Ngay cả những cuộc gặp với Macron và Pedro Sánchez của Tây Ban Nha dường như cũng không có tác động đến Orbán. Nhà ngoại giao này nói: “Những gì ông ấy muốn là tiền bạc, quyền lực và sự công nhận”.

Liên Hiệp Âu Châu dự kiến sẽ giải phóng 10 tỷ euro trong số khoảng 30 tỷ euro tiền được giữ lại từ Hung Gia Lợi vào ngày thứ Ba 12 Tháng Mười Hai, sau khi có lập luận rằng Budapest đã tiến hành cải cách để bảo đảm tính độc lập của hệ thống tư pháp theo yêu cầu của Brussels.

Nhưng số tiền đó khó có thể đủ để thuyết phục Hung Gia Lợi thay đổi hướng đi trong tuần này. Các nguồn tin cho biết Liên Hiệp Âu Châu lo ngại đến mức đang thực hiện các kế hoạch B và C.

Ngoài việc mở rộng Liên Hiệp Âu Châu, trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo hôm thứ Năm còn có 50 tỷ euro hỗ trợ kinh tế và cách tiếp tục viện trợ quân sự để bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga.

Các quyết định của Hội đồng có thể bị chặn bởi bất kỳ quốc gia nào sử dụng quyền phủ quyết. Một kịch bản đang được các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu cân nhắc để tránh sự phủ quyết của Hung Gia Lợi là sử dụng một công cụ pháp lý khác để nhận viện trợ tài chính cho Ukraine bằng cách bỏ phiếu đa số đủ tiêu chuẩn.

Một cách khác là lên lịch cho một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào Tháng Giêng về việc mở rộng và tuyên bố ý định mở các cuộc đàm phán vào năm tới miễn là Ukraine “tiếp tục đi trên con đường” cải cách cần thiết.

Ủy ban Âu Châu cho biết Ukraine đã đáp ứng tất cả các yêu cầu để các cuộc đàm phán bắt đầu vào ngày 8 tháng 11 với việc các quan chức cam kết cử một nhóm nhân viên đến Kyiv vào tối thứ Sáu này nếu, như Hung Gia Lợi tán thành khuyến nghị của ủy ban để bắt đầu đàm phán với Ukraine và Moldova.

Bảo đảm hỗ trợ tài chính mới từ Âu Châu là rất quan trọng đối với Zelenskiy vào thời điểm mà sự ủng hộ thống nhất ở Mỹ đang chững lại, khi các thành viên Quốc Hội đang cố gắng gắn viện trợ với nguồn tài trợ cho an ninh biên giới Hoa Kỳ. Tổng thống Zelenskiy dự kiến đến Washington vào thứ Ba để gặp Tổng thống Joe Biden và các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã gặp Ngoại trưởng Latvia, Krišjānis Kariņš, vào hôm thứ Hai. Hai người “đã đồng ý rằng việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine sẽ phục vụ lợi ích tốt nhất của Liên Hiệp Âu Châu”.

7. Thủ tướng Đức Olaf Scholz /ô-láp shâu/ cho biết chính phủ có thể sớm hoàn tất dự thảo ngân sách cho năm 2024 và viện trợ dành cho Ukraine sẽ được tăng cường

Thủ tướng Đức cho biết: “Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ đến mức chúng tôi có thể rất tự tin rằng chúng tôi sẽ có thể sớm thông báo kết quả cho các bạn”.

Ông nhấn mạnh rằng viện trợ cho Ukraine không phải là vấn đề cần tranh cãi. “Sẽ không có gì thay đổi về vấn đề này,” ông nói.

trước những dao động ở Hoa Kỳ, Thủ tướng Đức nhấn mạnh quan điểm của ông rằng:

“Ngày nay, có lẽ không ai ở Âu Châu mong muốn hòa bình nhiều như người Ukraine. Mỗi ngày, họ bảo vệ tự do, quê hương, mạng sống của mình trước sự say sưa quyền lực mù quáng và đế quốc của những kẻ thống trị Điện Cẩm Linh.Kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Zelenskiy đang thúc đẩy trên toàn thế giới thể hiện rõ ràng niềm khao khát hòa bình này”. Đồng thời, “chúng ta phải đề phòng các giải pháp giả mạo chỉ có từ ‘hòa bình’ trong tên của chúng. Hoà bình mà không có tự do thì gọi là áp bức. Hòa bình không có công lý được gọi là độc tài.”

Vì lý do này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của Ukraine về một nền hòa bình công bằng, tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều đó tôn trọng các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và độc lập.” “Đây là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ những người đàn ông và phụ nữ Ukraine bảo vệ quê hương của họ. Chúng tôi cũng làm điều đó bằng cách cung cấp vũ khí cho họ.”

Ông nhấn mạnh rằng quan điểm của Đức là “luật pháp phải khắc phục bạo lực chứ không phải ngược lại. Bất kỳ quan điểm nào khác sẽ dẫn đến sự công nhận quy luật của kẻ mạnh nhất.” Và “chúng tôi đã biết rất rõ con đường này dẫn đến đâu qua nhiều thế kỷ bị khai thác thuộc địa và tàn phá do chiến tranh”.

“Đối với tôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thực hiện quyền tự vệ của mình chừng nào còn cần thiết. Tôi cho rằng điều đó là cần thiết không chỉ từ quan điểm chính trị và chiến lược mà còn về mặt đạo đức hòa bình”. “Bởi vì việc bảo vệ sự tồn vong của mình trước kẻ xâm lược là điều kiện tiên quyết để một Ukraine độc lập và tự do tìm thấy hòa bình và để giới lãnh đạo Nga sẵn sàng đàm phán thực sự”.

8. Putin thăm xưởng đóng tàu để giám sát việc vận hành tàu ngầm hạt nhân mới của Nga

Hãng tin AP đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã tới một xưởng đóng tàu để tham dự lễ đưa vào vận hành các tàu ngầm hạt nhân mới.

Chuyến đi của Tổng thống Nga tới xưởng đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk, vùng Archangelsk phía tây bắc Nga, diễn ra ba ngày sau khi ông tuyên bố ý định tìm kiếm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Trong chuyến thăm hôm thứ Hai tới Sevmash, Putin đã chủ tọa lễ giương cờ hải quân trên tàu ngầm Hoàng đế Alexander III mới được chế tạo và các tàu ngầm hạt nhân Krasnoyarsk.

Emperor Alexander III là tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Borei thứ bảy được đưa vào sử dụng. Mỗi chiếc được trang bị 16 hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Bulava mang đầu đạn hạt nhân.

Putin được cho là đã thông báo rằng ba tàu ngầm như vậy nữa đang được chế tạo. Chúng là một phần trong bộ ba hạt nhân của Nga, bao gồm hỏa tiễn hạt nhân phóng từ mặt đất và máy bay ném bom chiến lược trang bị vũ khí hạt nhân.

9. Putin chuẩn bị bắt lính hàng loạt, tung sắc lệnh ép nam giới nộp lại hộ chiếu

Một sắc lệnh mới có hiệu lực hôm 12 Tháng Mười Hai, cho một số người Nga 5 ngày để nộp lại hộ chiếu.

Nghị định của Nga nêu rõ các cơ quan chức năng có thể áp đặt lệnh cấm đi lại đối với lính nghĩa vụ, nhân viên của Cơ quan An ninh Liên bang, người bị kết án hoặc những người có quyền truy cập vào bí mật nhà nước hoặc “thông tin có tầm quan trọng đặc biệt”, cùng những người khác.

Sau khi được thông báo, mọi người có năm ngày để nộp lại tài liệu hộ chiếu của mình.

Hộ chiếu bị nộp lại sẽ được lưu trữ tại các cơ quan đã cấp nó, chẳng hạn như Bộ Nội vụ hoặc cơ quan của Bộ Ngoại giao.

10. Nga mở tấn công lớn bằng hỏa tiễn vào Thủ đô Kyiv

Sáng thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, Nga đã mở một cuộc tấn công lớn vào Thủ đô Kyiv, các phóng viên của hãng thông tấn AP đã chứng kiến một số cảnh tàn phá ở quận Bortnychi, ngoại ô phía đông nam Kyiv.

Cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào thủ đô Ukraine được tường trình đã phá hủy một số ngôi nhà và khiến hơn 100 gia cư không có điện.

Một ngôi nhà đang được xây dựng bị xé toạc và các tòa nhà gần đó bị hư hại một phần, với những lỗ thủng lớn trên mái và tường.

Victor Demchenko, chủ sở hữu của ngôi nhà bị phá hủy, đang dọn dẹp các mảnh vụn khỏi tài sản của mình, bên cạnh một miệng núi lửa sâu khoảng 5 mét ở sân sau. Anh ta cho biết anh ta đang ở một khu vực khác của thành phố thì nghe thấy tiếng nổ.

“Sau đó, người hàng xóm gọi điện… và nói tất cả những gì còn lại của ngôi nhà tôi chỉ là một cái hố,” anh nói. “Tôi không tin anh ta nên lấy xe phóng về nhà, và tự mình nhìn thấy ngôi nhà chẳng còn gì cả.”

Tại một ngôi nhà khác cách đó khoảng một dặm, Nadia Matvienko may mắn thoát chết mà không bị thương khi nhà của cô bị hư hại trong vụ tấn công.

“Hình như tôi cảm nhận được điều gì đó. Cả đêm tôi không ngủ được, cứ trằn trọc trên giường. Sau đó ‘bang, bang’, chúng tôi lao ra hành lang. Điều tiếp theo chúng tôi nghe thấy là ngôi nhà bị xé toạc”, cô nói.