Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine sẽ phải đối mặt với sự tiêu diệt nếu cuộc xâm lược của Nga thành công, các giám mục Công Giáo hàng đầu Ukraine nói với CNA trong tuần này.

Các giám mục đã nói chuyện với CNA sau cuộc thảo luận nhóm của các nhà lãnh đạo đức tin Ukraine có tựa đề “Niềm tin dưới lửa trong cuộc chiến của Nga với Ukraine” do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức tại Washington, DC, từ hôm thứ Hai 30 Tháng Mười.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của Bộ Ngoại giao, mặc dù Ukraine có đa số là Chính thống giáo Đông phương, nhưng có gần 5 triệu người Công Giáo ở nước này. Các giám mục cho rằng Giáo hội ở Ukraine có thể phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng và một lần nữa có thể bị buộc phải hoạt động thầm lặng như thời Liên Xô.

Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak, nhà lãnh đạo Tổng giáo phận Công Giáo Ukraine ở Philadelphia, nói với CNA rằng “có rất nhiều người Công Giáo đang chết mỗi ngày” và “mối nguy hiểm đối với người Công Giáo là đặc biệt ở Ukraine”.

Dưới sự xâm lược của Nga, Đức Cha Gudziak nói rằng Giáo hội “bị loại bỏ như một cơ thể hữu hình”.

Ngài nói thêm: “Nếu cuộc đàn áp kéo dài, về cơ bản thì Giáo hội sẽ bị dập tắt”.

Đức Cha Gudziak nhấn mạnh mối nguy hiểm mà người Công Giáo Ukraine đang phải đối mặt bằng cách chỉ ra cuộc đàn áp đã hiện hữu ở Nga. Ngài nói rằng mặc dù có nửa triệu người Công Giáo Ukraine ở Nga, nhưng “không có cái gọi là” một “giáo xứ Công Giáo Ukraine được ghi danh hợp pháp” ở Nga.

Đức Cha Gudziak nói: “Ở Hoa Kỳ, chúng tôi có 50.000 tín hữu và chúng tôi có 200 giáo xứ và 4 giáo phận”. “Ở Nga, con số này gấp 10 lần, nhưng chúng tôi không được phép có một giáo xứ Công Giáo Ukraine hợp pháp”.

Cha Alex Guevara, thông dịch viên của Đức Giám Mục Vitaliy Kryvytskyi của Kyiv–Zhytomyr nói với CNA rằng chính phủ Nga đã áp đặt quyền kiểm soát đối với các tổ chức tôn giáo trong các lãnh thổ của mình và rằng một số phận thậm chí còn tồi tệ hơn có thể xảy ra đối với Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine nếu Nga giành được quyền kiểm soát.

Đức Cha Kryvytskyi giải thích: “Khi chúng tôi hỏi các linh mục và mục sư ở Belarus và Nga tại sao họ không chống lại cuộc chiến này, họ nói: 'Bạn không hiểu chúng tôi vì bạn đã quên mất cảm giác sống ở Liên Xô là như thế nào..”

Dưới thời Liên Xô tồn tại từ năm 1922 đến năm 1991, tôn giáo có tổ chức bị nghiêm cấm và các nhà lãnh đạo tôn giáo bị đưa đến các trại tù và bị tra tấn. Hàng triệu Kitô hữu đã bị hành quyết chỉ vì đức tin của họ.

Đức Cha Kryvytskyi nói: “Chúng ta không cần phải đoán điều gì đang bị đe dọa, tất cả chúng ta đều đã sống qua thời kỳ Liên Xô. Điều gì sẽ xảy ra, nếu Liên bang Nga xâm lược thành công lãnh thổ của chúng tôi, về cơ bản tình hình sẽ giống như trước đây, dưới thời Liên Xô.”

Theo Viện Tự do Tôn giáo, gọi tắt là IRF, lực lượng Nga đã tấn công vào hàng trăm địa điểm tôn giáo ở Ukraine.

IRF công bố một báo cáo vào tháng 3 cho biết “ít nhất” 494 tòa nhà tôn giáo, cơ sở thần học và thánh địa đã “bị quân đội Nga phá hủy, hư hại hoặc bị cướp phá hoàn toàn”.

Một báo cáo khác của IRF công bố vào năm 2022 cho biết, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, các linh mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác ở các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm đã bị “tra tấn và giết hại”, trong khi “di sản tinh thần” của Ukraine đang bị Nga tấn công bằng hỏa tiễn, pháo kích và các cuộc tấn công khác, cướp bóc các tòa nhà tôn giáo mà không có bất kỳ lý do biện minh nào, và chẳng có sự cần thiết nào về mặt quân sự.”

Trong khi Giáo hội Chính thống Nga tổ chức viện trợ nhân đạo cho các khu vực bị ảnh hưởng, Thượng phụ Kirill, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Giáo ở Nga, lại bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến.

Những tiếng nói bất đồng chính kiến, thậm chí từ các nhà lãnh đạo tôn giáo Chính thống, đã nhanh chóng bị dập tắt. Mới đây, theo thông cáo báo chí của Tòa Thượng phụ Chính thống Nga ở Mạc Tư Khoa, vào ngày 25 tháng 10, chính quyền Nga đã đóng cửa Giáo xứ Holy Trinity ở thị trấn Irpen bị tạm chiếm của Ukraine sau khi nhà thờ đồng thanh bỏ phiếu tiếp tục là một phần của Giáo hội Chính thống Ukraine.

Cùng với phái đoàn gồm một số nhà lãnh đạo tôn giáo từ Hội đồng Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo Ukraine, Đức Cha Kryvytskyi đã đến Hoa Kỳ trong chuyến đi 11 ngày để chia sẻ điều mà ngài gọi là “sự thật” khắc nghiệt mà những người có đức tin đang phải đối mặt trong cuộc chiến Ukraine.

Đức Cha Kryvytskyi nói rằng ngài muốn các tín hữu ở Mỹ biết sự thật về chiến tranh và ảnh hưởng của nó đối với Giáo hội.

Ngài nói thêm: “Đối với tôi và nhiều giáo dân và tín hữu khác, cuộc chiến này giống như một hồi chuông cảnh tỉnh”. “Chúa Kitô nói rằng bạn không biết ngày giờ Con Người sẽ đến; trong trường hợp của chúng tôi, đó là thực tế hàng ngày.”

Đức Cha Kryvytskyi nói: “Những vết thương này, nỗi đau này là những gì chúng tôi gặp phải trong công việc mục vụ hàng ngày của mình”.

“Thông điệp của tôi hôm nay dành cho người Mỹ là Chúa Kitô phán: Anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em. Tôi mời mọi người biết sự thật này về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và cùng nhau trong Chúa Kitô đạt đến chiến thắng sự dữ.”

Một năm rưỡi sau khi Nga xâm chiếm Ukraine lần đầu tiên, Vatican tiếp tục kêu gọi chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai nước.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa Thánh, bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy đang được thảo luận tại một hội nghị quốc tế ở Malta vào tháng 10.

Theo báo cáo của Vatican News, Đức Hồng Y Parolin cho biết các cuộc đàm phán hòa bình là “một nỗ lực đáng khen ngợi, đáng được hỗ trợ không chỉ vì nó nhằm mục đích đưa ra một phản ứng cụ thể trước nhiều loại thiệt hại do chiến tranh gây ra, mà còn vì nó khuyến khích chúng ta không coi đối đầu vũ trang là một công cụ không thể tránh khỏi để giải quyết xung đột.”

Đức Hồng Y Parolin cho biết Tòa Thánh đặc biệt cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình tập trung vào “giải quyết các vấn đề nhân đạo, chẳng hạn như an ninh lương thực và bảo tồn môi trường tự nhiên” và rằng Vatican sẽ “tiếp tục nỗ lực nhằm giảm bớt những đau khổ của người dân Ukraine và trao trả tù nhân và trẻ em cho Ukraine.”


Source:Catholic News Agency