CHA MICE LÊ VĂN KHÂM: CHO NGƯỜI CHỨ KHÔNG CHO MÌNH
TƯỞNG NHỚ CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM, NGUYÊN TỔNG ĐỊA DIỆN GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG NHÂN GIỖ ĐẦU

Nhân dịp kỷ niệm tròn một năm ngày Cha nguyên Tổng Đại diện Micae Lê Văn Khâm rời bỏ trần thế để về Nhà Cha (2022-14.8-2023), bằng sự tưởng nhớ trong nỗi quý yêu, thương tiếc của riêng mình, tôi muốn ghi lại vài điều về những gương sáng mà Cha nguyên Tổng Đại diện đã sống, đã nắn đúc nên chính hình ảnh linh mục và mục tử của riêng mình. Đặc biệt gương sáng về đức thanh bần của cha.

1. DẤU ẤN GÒ DẦU.

Ngay mối phúc đầu tiên trong kinh Tám mối Phúc thật, Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ". Tôi thấy Cha Micae Lê Văn Khâm, nguyên Tổng Đại diện giáo phận Phú Cường chọn cho mình lối sống này. Một lối sống nghèo đúng nghĩa: giản dị, không lo cho bản thân nhiều, nhưng nghĩ đến người bất hạnh và mau mắn giúp người thiếu thốn.

Nhân đức khó nghèo đã từng thúc đẩy cha, trong nhiều năm với vai trò Giám đốc Ban Bác ái của giáo phận, luôn nghĩ đến và ra tay cứu giúp người nghèo, người thiếu cơ may sống hạnh phúc. Qua những lần được cộng tác âm thầm với cha, tôi được biết nhiều hoạt động bác ái nổi trội của cha.

Ngược thời gian đến nửa thế kỷ, vào năm 1973, 5 năm sau khi thụ phong linh mục và phục vụ tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Phú Cường (bây giờ là Nhà chung giáo phận - cha chịu chức 14.5.1968), cha được bổ nhiệm trông coi giáo xứ Gò Dầu (Tây Ninh).

Lúc đó miền Nam vô cùng căng thẳng vì là giai đoạn cuối của cuộc chiến dữ dội, Gò Dầu cũng như nhiều nơi khác trong và ngoài giáo phận đầy dẫy khó khăn, lại là huyện của tỉnh biên giới, càng thêm phức tạp và nhiều âu lo, cha chọn cách sống đồng hành với người lao động nghèo và nạn nhân của chiến tranh để cảm thông, để sớt chia, để ủi an và nâng đỡ họ...

Mỗi ngày, ngay từ sáng, bóng dáng của vị mục tử luôn nghĩ về và nghĩ cho muôn người, đã thấp thoáng trên đồng ruộng. Cha không từ nan xắn ống quần lội bùn dơ, xắn tay áo dọn dẹp cỏ rác.

Cha tổ chức cho mọi người nuôi trồng nấm rơm. Cha còn tổ chức và hướng dẫn nhiều người làm mắm, trồng tỉa thêm khoai lang, khoai mì, một số loài cây ăn trái và rau quả khác. Cha tích cực dựng chuồng trại nuôi heo, gà, vịt lấy trứng và thịt trợ giúp nhiều người, nhiều nơi... Cha cho sản xuất bia đem bán gần khu vực biên giới...

Tấm lòng mục tử không mệt mỏi của cha Micae cứ thúc đẩy cha từng ngày, khiến cha phải luôn luôn thao thức để không chỉ sống cho đoàn chiên mà còn cho mọi người, dù có đạo hay không có đạo, đang sống trên địa bàn mà cha coi sóc, miễn là họ cần và đón nhận bàn tay trợ giúp của cha.

Cũng với tấm lòng rộng lớn ấy, bất cứ công việc nào không suông sẻ, cha nhanh chóng nghĩ cách thay ngay bằng nghề khác, bằng phương tiện khác, bằng lối tổ chức khác. Khi có chút lời lãi, cha lại mang đi giúp người thiếu thốn hoặc giúp trẻ con phương tiện đến trường...

Sau này, khi cha con có dịp hàn huyên, nhất là những năm nghỉ hưu, có nhiều thời gian hơn để nhớ về những ngày xa xưa, cha thường kể lại cho những ai thân thiết. Nhờ lời kể của cha, chúng tôi được biết, gần 18 năm ở Gò Dầu (1.1973-11.1990), bàn tay cha đã kinh qua không biết bao nhiêu nghề. Cha nói trong nụ cười đôn hậu: "Khi thấy dân mình khổ, làm sao mà có thể ngồi yên. Mình lớn lên từ gốc nông dân. Lao động mới giúp mình thành chú nông dân đích thực".

2. VẪN VẸN CHỮ TÌNH DÙ TRÁCH VỤ NẶNG.

Kể từ cuối năm 1990, cha Micae được Giám mục giáo phận Phú Cường, lúc đó là Đức cha tiên khởi Giuse Phạm Văn Thiên, đặt làm quản lý. Thời gian này, vì trọng trách với công tác của giáo phận, cha đành gác lại việc bác ái.

Nhưng luôn luôn mang theo trong trái tim tinh thần vì người khác chứ không vì mình, cha nỗ lực làm mọi cách với mong mỏi giáo phận có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Thế là cha nhanh chóng lập trại chim cút. Cha còn chủ trương mở mang thêm cho giáo phận bằng canh tác ruộng, vườn cây. Cha mở ra vài công việc lớn khác để giáo phận không quá thiếu hụt trong thời khắc khó khăn chung của đất nước.

Đến khi được đặt làm Tổng Đại diện, với tư cách người Đại diện Tòa Giám mục giáo phận Phú Cường, cha tham gia Hội Chữ Thập đỏ để có thể tiếp cận và sống với người nghèo sát hơn trong tinh thần nghèo khó như lời Chúa dạy.

Nhờ là thành viên hội Chữ Thập Đỏ, chỉ một năm sau, cha Micae Khâm sáng lập Hội Chữ Thập đỏ Công Giáo hoạt động với nhiều chi hội khác thuộc vùng sâu, vùng xa như Lộc Ninh, Bù Đăng... Điều đáng quý là, dưới sự điều hành của cha Tổng Đại diện, các thành viên các chi hội đều lấy ra từ giáo dân các giáo xứ.

"Nhờ danh nghĩa Hội Chữ Thập đỏ mà cánh Công Giáo chúng ta hoạt động dễ dàng hơn, người nghèo được hưởng nhiều hơn, địa bàn hoạt động cũng rộng hơn, đi đây đi đó không có sự cản trở nào. Dần dà những anh em có trách nhiệm hiểu được việc mình làm, họ tin mình, họ chấp nhận thành quả của mình". Cha Tổng Đại diện Micae cho biết.

Có những khi cha hăng hái lên đường đi xa tận miền Trung cùng anh chị em Hội Chữ Thập đỏ với danh nghĩa là đại diện Tòa Giám mục Phú Cường. Cha đau đáu suy nghĩ về hình ảnh những bà con dân tộc thiểu số ngày ngày phải đi xin ăn mà cha bắt gặp tại Tòa Giám mục.
Tôi không thể nhớ chính xác, cha Micae Lê Văn Khâm đã từng cho dựng đến mấy chục căn nhà tình thương để thay những cái bè tre nứa, được lợp tạm bằng những miếng nhựa hoặc giấy carton trong vùng nước ngập quanh năm của những người Việt di cư trôi nổi từ Campuchia về, sống ven đập và xung quanh hồ Dầu Tiếng.

Tại thị xã Thủ Dầu Một và vùng ven, cha cho gia cố nhiều căn nhà xiêu vẹo của các cư dân lao động nghèo, hoặc xây mới để tặng khoảng 50 căn nhà ngói cho 50 hộ gia đình.

Kể từ đầu năm 1994, với sự giúp đỡ tích cực của các hội viên Hội Chữ Thập đỏ, cha bắt đầu tổ chức “Nồi Súp Tình Thương” giúp các bệnh nhân nghèo cũng như người nhà của các bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Nhờ đó mà hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân có được những chén súp chan đầy tình người vào mỗi sáng thứ ba, tư, năm hàng tuần.

Bệnh viện Đa khoa này cũng là nơi cha Micae thường xuyên vào ra, không chỉ để trao những bữa ăn, không chỉ thăm nom các bệnh nhân, mà còn luôn sẵn sàng dù là buổi trưa hay ban chiều, ban ngày hay đêm tối, để ban các Bí tích sau cùng cho những bệnh nhân Công Giáo đang trên lằn ranh của sự sống và sự chết.

Nhất là thời điểm giáo phận trống tòa, với tư cách là Giám quản giáo phận, cha cho mở những khóa ngắn ngày huấn luyện hội viên trong công tác bác ái. Nhiều hội viên đã cảm nghiệm tầm quan trọng của việc sống bác ái trong đời sống người tín hữu, đã ở lại cùng cộng tác làm việc với cha. Các hội viên này còn đi đến tận nơi xa, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp họ trồng và chăm bón các loại cây công nghiệp, hoặc giúp đào giếng, giúp dựng lại các lán trại, các nhà ở sao cho phù hợp...

Cha còn tổ chức hàng tuần những suất cơm gọi là "Bữa cơm tình thương" cho người nghèo, người cơ nhỡ, người tật nguyền; chương trình ủng hộ xe lăn, xe lắc cho người tật nguyền; chương trình tặng xe đạp cho học sinh nghèo; giúp trại dưỡng lão, trại mồ côi; chăm sóc người AIDS; lo cho người di dân...
Cha cũng kết thân với một giáo xứ ở Pháp quốc để mở một chương trình quỹ tín dụng cho học sinh nghèo và quỹ tín dụng cho người bán vé số.
Cho đến khoảng năm 2010, khi mà tuổi đã cao, cha còn lập một nơi gọi là “Mái ấm Nhân hậu” nhằm lo cho các cụ bà thuộc nhiều hoàn cảnh, đến đây từ nhiều nơi. Đó là các cụ không còn nhà cửa, không còn con cháu, hoặc con cháu quá nghèo không thể nuôi nổi, thậm chí nhiều cụ vô gia cư, không có bất cứ nơi nào để nương tựa.

3. ƯỚC MƠ CÒN BỎ NGỎ.

Mãi đến ngày cha Micae Lê Văn Khâm đã hoàn tất cuộc đời dương thế, cha vẫn còn mong ước làm sao giáo phận có được một phòng khám đa khoa, hay chí ít thì cũng là một phòng phát thuốc miễn phí để những người không đủ điều kiện đến bệnh viện có thể được cứu chữa miễn phí. Bên cạnh đó, cha vẫn ước mong phong trào bác ái của giáo phận không chỉ được duy trì mà còn phát triển.

Những ước mơ còn dang dở của cha Micae, cho đến nay vẫn tiếp tục dang dở. Bởi từ ngày cha hoàn toàn nghỉ ngơi cùng nhiều bệnh tật nơi thân xác, đến khi về với Chúa, chưa thấy có bất cứ khởi động nào để ước mơ của người đi trước thành hiện thực.

Chắc chắn, để đi theo lộ trình đồ sộ của cha về lòng bác ái, người nối tiếp phải có một trái tim đủ lớn, có ý chí đủ mạnh, có tầm nhìn đủ sáng suốt, có dự án đủ bao quát, có tâm hồn đủ rộng mở, có quyết tâm đủ vững, có sự phiêu lưu không ngại bất cứ lời ong tiếng ve nào, có đủ kiên nhẫn dù đôi khi phải thực hiện từng bước nhỏ giọt, có tình yêu con người không tính toán hơn thiệt, có lòng bao dung không chấp nhất bất cứ thái độ thiếu thiện chí nào, có sự ấp ủ triền miên lời dạy yêu thương của Chúa, có quan niệm không bao giờ phai trong nội tâm về món quà cho đi là chính món quà lãnh nhận, có sự nuôi dưỡng luôn luôn về một tâm niệm: hy sinh là con đường tiến đến phục sinh.

Cha Micae Lê Văn Khâm thật là mục tử mang bầu tim mục tử. Phải có cả một tinh thần bác ái quật khởi, một nếm cảm đồ sộ về những thân phận, cùng với ơn Chúa vô cùng lớn, mới có thể, trong ngần ấy thời gian, trong vô số bộn bề của những công tác trong giáo phận, ngoài giáo phận, trong đạo ngoài đời, vừa đối nội, vừa đối ngoại, cha mới có thể vẫn giữ được nhiệt huyết cho tinh thần bác ái, cho lửa của sự thấu biết và sớt chia không bao giờ lịm tắt, nhưng cháy mãi, cháy mãi, để rồi tiếp tục mang theo đến khi tàn hơi kiệt sức như thế.

Với tôi, dù có thể có người không đồng ý, phải có một tâm hồn mang tên Micae Lê Văn Khâm như cha, mới có thể có mọi sáng kiến cho công trình bác ái không ngừng cuốn theo lời dạy của Chúa: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó..." đến vậy.

Phải có đủ, không chỉ đam mê, mà còn là yêu mến và say mê mới có thể kiên tâm cách miệt mài qua từng giai đoạn của lịch sử, của thời cuộc, dù có lúc tưởng như bỏ ngang vì quá nhiều khó khăn ập đến.

Phải có đủ cái tâm chất chứa tinh thần vì người khác chứ không vì mình mới có thể có những tốc độ của một bánh lái chạy phăng phăng cho công cuộc bác ái Kitô giáo đến vậy.

Cha Micae Lê Văn Khâm, dù tên gọi ấy bình thường như bao tên gọi. Nhưng trong cách sống, với tôi, con người ấy thật cao cả. Ngày cha còn sống, tôi đã yêu mến cha. Nay cha đã đi qua trần đời, không còn được nhìn thấy cha bằng đôi mắt, tôi lại càng quý mến cha.
Cha đã đi xa. Dù vậy, cha để lại trong tôi một nhân cách...!!