Kết luận: phán quyết của lịch sử


Bằng chứng thiết lập điều gì và nó có ý nghĩa gì ngày nay?

Hôm đó là ngày 8 tháng 11 năm 1981, một Chuá Nhật. Tôi tự nhốt mình trong văn phòng tại nhà của tôi và dành cả buổi chiều cho máy ghi âm chạy lại cuộc hành trình tôi đã đi trong hai mươi mốt tháng.

Cuộc điều tra của tôi về Chúa Giêsu cũng tương tự như những gì bạn vừa đọc, ngoại trừ việc tôi chủ yếu nghiên cứu sách vở và các tìm tòi lịch sử khác thay vì đích thân tương tác với các học giả. Tôi đã đặt các câu hỏi và phân tích các câu trả lời với tinh thần cởi mở như tôi có thể tập hợp được. Bây giờ tôi đã đạt được một khối lượng quan trọng. Các bằng chứng đã rõ ràng. Vấn đề còn lại là tôi sẽ làm gì với nó.

Lấy ra một tập giấy khổ 22 x 36 cm, tôi bắt đầu liệt kê những câu hỏi mà tôi đã đặt ra khi tôi bắt tay vào cuộc điều tra của mình, và một số sự kiện quan trọng tôi đã phát hiện ra. Theo một cách tương tự, tôi có thể tóm tắt bản chất của những gì chúng ta đã học được trong cuộc khảo sát chứng cớ của chúng ta.



Các tiểu sử về Chúa Giêsu có đáng tin cậy không?

Tôi từng nghĩ các sách Tin Mừng chỉ là tuyên truyền tôn giáo, bị vấy bẩn một cách vô vọng bởi trí tưởng tượng quá mức và nhiệt tình truyền giáo. Tuy nhiên, Craig Blomberg, một trong những thẩm quyền hàng đầu của đất nước về chủ đề này, đã xây dựng một lý lẽ thuyết phục chứng minh rằng chúng phản ảnh chứng từ của nhân chứng tận mắt và mang dấu ấn chính xác không thể nhầm lẫn. Những tiểu sử này sớm đến mức chúng không thể bị giải thích theo chiều hướng coi chúng như những phát minh huyền thoại. Thực thế, các niềm tin căn bản vào phép lạ, sự phục sinh và thiên tính của Chúa Giêsu đã có từ buổi bình minh của phong trào Kitô giáo.

Các tiểu sử về Chúa Giêsu có chịu đựng được sự soi mói không?

Blomberg lập luận một cách thuyết phục rằng các tác giả Tin Mừng có ý định bảo tồn lịch sử đáng tin cậy, đã có khả năng làm như vậy, trung thực và sẵn lòng bao gồm những chất liệu khó giải thích và không cho phép nghiêng về phía tô màu không thích đáng các tường trình của họ. Sự hài hòa giữa Tin Mừng về các sự kiện thiết yếu, cùng với sự khác nhau về một số chi tiết, mang lại độ tin cậy lịch sử cho các trình thuật. Ngoài ra, Giáo Hội tiên khởi không thể bén rễ và phát triển ngay tại Giêrusalem nếu nó đã giảng dạy các sự kiện về Chúa Giêsu mà những người đương thời của Người có thể đã phơi bày như phóng đại hoặc sai lầm. Nói tóm lại, các sách Tin Mừng đã có thể vượt qua tất cả tám thử nghiệm về bằng chứng.

Các tiểu sử về Chúa Giêsu có được duy trì một cách đáng tin cậy cho chúng ta hay không?

Học giả nổi tiếng thế giới Bruce Metzger nói rằng so với các tài liệu cổ xưa, có một số lượng chưa từng có các bản chép tay của Tân ước và chúng có thể được xác định niên đại hết sức gần với các trước tác gốc. Tân Ước hiện đại có đến 99.5 phần trăm thoát khỏi các khác biệt về văn bản, không có tín lý Kitô chính nào bị nghi ngờ. Các tiêu chuẩn được sử dụng bởi Giáo Hội tiên khởi để xác định những cuốn sách nào nên được coi là có thẩm quyền đã bảo đảm để chúng ta có những ghi chép tốt nhất về Chúa Giêsu.

Có chăng bằng chứng đáng tin về Chúa Giêsu ngoài các tiểu sử của Người?

Edwin Yamauchi nói, "Chúng ta có tài liệu lịch sử về Chúa Giêsu tốt hơn về người sáng lập của bất cứ tôn giáo cổ thời nào khác". Các nguồn bên ngoài Kinh Thánh chứng thực rằng nhiều người tin Chúa Giêsu đã thực hiện việc chữa bệnh và là Đấng cứu thế, Người đã bị đóng đinh, và mặc dù cái chết đáng xấu hổ này, những người theo Người, những người tin rằng Người vẫn còn sống, đã tôn thờ Người như Thiên Chúa. Một chuyên gia đã lên tài liệu ba mươi chín nguồn cổ xưa chứng thực hơn một trăm sự kiện liên quan đến cuộc đời, giáo huấn, sự đóng đinh và sự sống lại của Chúa Giêsu. Bảy nguồn thế tục và một số tín điều ban đầu liên quan đến thiên tính của Chúa Giêsu, một tín lý "chắc chắn đã hiện diện trong Giáo Hội tiên khởi nhất," theo học giả Gary Habermas.

Khảo cổ học xác nhận hay nói ngược lại các tiểu sử của Chúa Giêsu?

Nhà khảo cổ học John McRay nói chắc chắn các phát hiện khảo cổ học đã nâng cao độ đáng tin của Tân Ước. Không có khám phá nào đã bác bỏ một trưng dẫn kinh thánh. Hơn nữa, khảo cổ học đã xác định rằng Luca, người đã viết khoảng một phần tư Tân Ước, là một nhà sử học đặc biệt thận trọng. Một chuyên gia kết luận, "Nếu Luca đã chính xác một cách khổ công như vậy trong tường trình lịch sử của mình [trong các chi tiết nhỏ], dựa trên cơ sở luận lý nào chúng ta có thể cho rằng ngài cả tin hoặc không chính xác trong tường trình của mình về những vấn đề quan trọng hơn nhiều, không những chỉ với ngài mà còn với những người khác?" Như sự phục sinh của Chúa Giêsu, chẳng hạn.

Chúa Giêsu của lịch sử có y hệt như Chúa Giêsu của đức tin không?

Gregory Boyd cho biết cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu được công bố rộng rãi, từng nghi ngờ Chúa Giêsu, chỉ đại diện cho "một số lượng rất nhỏ các học giả cấp tiến đứng ở phía cực, cực tả của tư duy Tân Ước." Cuộc Hội thảo này đã bác bỏ khả thể phép lạ ngay từ đầu, nó được sử dụng các tiêu chuẩn có vấn đề, và một số người tham gia đã chào hàng các tài liệu đầy hoang đường có phẩm chất cực kỳ đáng ngờ. Hơn nữa, ý niệm cho rằng những câu chuyện về Chúa Giêsu xuất hiện từ thần thoại về các vị thần chết đi và sống lại không đứng vững sự soi mói. Boyd nói, "Bằng chứng chứng minh Chúa Giêsu là người mà các môn đệ đã nói... là cả hàng năm ánh sáng vượt quá các lý do để tôi nghĩ rằng cánh học giả phe tả của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu là chính xác." Tóm lại, Chúa Giêsu của đức tin cũng y hệt như Chúa Giêsu của lịch sử.

Chúa Giêsu có thực sự xác tín Người là Con Thiên Chúa không?

Bằng cách quay trở lại những truyền thống xa xưa nhất, chắc chắn vốn an toàn trước sự phát triển huyền thoại, Ben Witherington III đã có thể cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu có một sự tự hiểu tối cao và siêu việt. Dựa vào bằng chứng, Witherington nói, “Chúa Giêsu có tin Người là Con Thiên Chúa, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa không? Câu trả lời là có. Người có coi Người là Con Người không? Câu trả lời là có. Người có coi mình là Đấng Mêxia sau cùng không? Có, đó là cách Người nhìn bản thân Người. Người có tin rằng bất cứ ai kém hơn Thiên Chúa có thể cứu thế giới không? Không, tôi không tin Người tin như thế."

Chúa Giêsu có khùng hay không khi cho rằng mình là Con Thiên Chúa?

Nhà tâm lý học nổi tiếng Gary Collins cho biết Chúa Giêsu không bày tỏ những cảm xúc không thích đáng, tiếp xúc với thực tại, đã chói sáng và có những hiểu biết sâu sắc đáng kinh ngạc về bản chất con người, và rất thích các mối liên hệ sâu sắc và lâu dài. Ông kết luận, "Tôi hoàn toàn không thấy dấu hiệu nào cho thấy Chúa Giêsu mắc bất cứ bệnh tâm thần nào được biết đến cho đến nay". Ngoài ra, Chúa Giêsu nâng đỡ các tuyên bố Người là Thiên Chúa bằng các lần chữa bệnh lạ lùng, những cuộc chứng tỏ quyền năng đáng kinh ngạc trên thiên nhiên, giáo huấn vô song, sự hiểu biết thần thiêng về con người, và bằng sự phục sinh của chính Người, đó là xác minh cuối cùng cho danh tính của Người.

Chúa Giêsu có hội đủ các thuộc tính của Thiên Chúa không?

Trong khi nhập thể - Thiên Chúa trở thành con người, thể vô chung trở thành thể hữu chung - làm trí tưởng tượng của chúng ta căng ra, thì nhà thần học lỗi lạc D. A. Carson cho chúng ta thấy: có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ Chúa Giêsu biểu lộ những đặc tính của thiên tính. Dựa trên thư Philíphê 2, nhiều nhà thần học tin rằng Chúa Giêsu tự nguyện trút bỏ việc sử dụng độc lập các thuộc tính thần thiêng này khi Người theo đuổi sứ mạng cứu độ con người. Mặc dù vậy, Tân Ước đặc biệt xác nhận rằng cuối cùng Chúa Giêsu sở hữu mọi phẩm tính của thiên tính, bao gồm toàn tri, toàn tại, toàn năng, vĩnh cửu và bất biến.

Có phải Chúa Giêsu, và chỉ có Chúa Giêsu, mới ăn khớp với căn tính của Đấng Mêxia?

Hàng trăm năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, các nhà tiên tri đã báo trước về việc ngự đến của Đấng Mêxia, hay Đấng được xức dầu, Đấng sẽ cứu chuộc dân Chúa. Thực thế, hàng chục lời tiên tri trong Cựu Ước này đã tạo ra một dấu tay mà chỉ Đấng Mêxia đích thực mới có thể ăn khớp. Điều này mang lại cho Israel một cách để loại trừ những kẻ mạo danh và chứng thực việc xưng mình là Đấng Mêxia đích thực. Chống lại cái may rủi cực nhỏ nhoi – cơ may của một trong một nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ, nghìn tỷ - Chúa Giêsu, và chỉ Chúa Giêsu trong suốt lịch sử mới phù hợp với dấu tay tiên tri này. Điều này xác nhận danh tính của Chúa Giêsu đến một mức độ chắc chắn đáng kinh ngạc.

Phải chăng cái chết của Chúa Giêsu là chuyện lừa đảo và việc sống lại của Người là một trò chơi khăm?

Nhờ phân tích các dữ kiện lịch sử và y khoa, Tiến sĩ Alexander Metherell kết luận rằng Chúa Giêsu không thể sống sót sự khắc nghiệt khủng khiếp của việc đóng đinh, càng ít hơn với vết thương càng ngày càng rộng thêm chọc thủng phổi và trái tim Người. Ý niệm cho rằng cách nào đó Người chỉ ngất đi trên thập giá và giả vờ chết không có bất cứ cơ sở chứng cứ nào. Những tên lý hình La Mã rất hữu hiệu, biết rằng chính họ sẽ phải đối diện với cái chết nếu bất cứ nạn nhân nào của họ từ thập giá bước xuống mà còn sống. Ngay cả khi Chúa Giêsu, bằng cách nào đó, đã sống sót qua tra tấn, tình trạng khủng khiếp của Người không bao giờ có thể truyền cảm hứng cho một phong trào trên toàn thế giới dựa trên tiền đề là Người đã đã chiến thắng nấm mồ cách vinh quang.

Thi thể Chúa Giêsu có thực sự không còn trong mộ của Người không?

William Lane Craig đưa ra bằng chứng nổi bật rằng biểu tượng trường tồn của lễ Phục sinh – tức ngôi mộ trống của Chúa Giêsu - là một thực tại lịch sử. Ngôi mộ trống được tường trình hoặc ngụ ý trong các nguồn cực sớm -Tin Mừng Máccô và tín điều trong 1 Côrintô 15 – có niên biểu rất gần với sự kiện đến nỗi chúng không thể là sản phẩm của huyền thoại. Sự kiện các sách Tin Mừng tường trình rằng các phụ nữ phát hiện ra ngôi mộ trống đã củng cố tính xác thực của câu chuyện. Địa điểm ngôi mộ của Chúa Giêsu được cả các Kitô hữu lẫn người Do Thái biết đến, vì vậy nó có thể đã được kiểm tra bởi những người hoài nghi. Thực thế, không ai, cả các thẩm quyền La Mã hoặc các nhà lãnh đạo Do Thái, đã cho rằng ngôi mộ vẫn chứa xác Chúa Giêsu. Thay vào đó họ buộc phải bịa ra câu chuyện ngớ ngẩn là các môn đệ, mặc dù không có động cơ hoặc cơ hội, đã đánh cắp thi thể - một lý thuyết mà ngay cả nhà phê bình hoài nghi nhất ngày nay cũng không tin.

Chúa Giêsu có được nhìn thấy còn sống sau cái chết trên thập giá không?

Bằng chứng cho các lần hiện ra sau cuộc sống lại của Chúa Giêsu đã không phát triển dần dần trong những năm sau đó khi thần thoại bóp méo các hoài niệm về cuộc đời Người. Thay vào đó, chuyên gia phục sinh Gary Habermas cho biết, sự Phục Sinh là "lời công bố trung tâm của Giáo Hội sơ khai ngay từ đầu." Tín điều cổ xưa từ 1 Côrintô 15 đề cập đến những cá nhân cụ thể đã gặp Chúa Kitô phục sinh, và Thánh Phaolô thậm chí còn thách thức những người hoài nghi ở thế kỷ thứ nhất nói chuyện trực tiếp với những cá nhân này để đích thân xác định sự thật của sự việc. Sách Công vụ tràn ngập khẳng định hết sức sớm về sự phục sinh của Chúa Giêsu, trong khi Tin Mừng mô tả nhiều cuộc gặp gỡ một cách chi tiết. Nhà thần học người Anh Michael Green kết luận, "Các lần hiện ra của Chúa Giêsu cũng được chứng thực như bất cứ điều gì thuộc cổ thời... Không thể có bất cứ nghi ngờ hợp lý nào về việc chúng đã xảy ra."

Có chăng bất cứ sự kiện nâng đỡ nào cho việc phục sinh?

Bằng chứng gián tiếp của J. P. Moreland bổ sung tài liệu cuối cùng về Sự Phục Sinh. Đầu tiên, các môn đệ ở trong một vị thế độc đáo để biết liệu việc Phục sinh có xảy ra hay không, và họ đã bằng lòng chịu chết để công bố đó là sự thật. Không ai cố ý và sẵn sàng chết vì một lời nói dối. Thứ hai, ngoài Phục sinh ra, không có lý do chính đáng nào khác tại sao những người hoài nghi như Phaolô và Giacôbê được ơn trở lại và chết vì niềm tin của họ. Thứ ba, trong vòng vài tuần sau khi biến cố Đóng đinh, hàng ngàn người Do Thái bắt đầu từ bỏ các thực hành có tầm hết sức quan trọng về xã hội và tôn giáo trong nhiều thế kỷ. Họ tin rằng họ có nguy cơ bị nguyền rủa nếu họ sai. Thứ tư, các các bí tích rước lễ và rửa tội ban đầu khẳng định việc phục sinh và thiên tính của Chúa Giêsu. Và thứ năm, sự xuất hiện kỳ diệu của Giáo Hội khi đối diện với cuộc bách hại tàn bạo của La Mã "xé toạc một lỗ hổng trong lịch sử, một lỗ hổng có kích thước và hình dạng của sự Phục sinh," như câu nói của C. F. D. Moule.

Không trả lời được thách thức của Müller

Tôi xin thừa nhận: Tôi đã bị phục kích bởi số lượng và chất lượng của bằng chứng rằng Chúa Giêsu là Con độc nhất của Thiên Chúa. Khi tôi ngồi ở bàn giấy của tôi chiều Chúa nhật đó, tôi kinh ngạc lắc đầu. Tôi đã thấy các bị cáo bị lôi đến phòng tử hình dựa trên ít bằng chứng thuyết phục hơn! Các sự kiện và dữ kiện tích lũy được đã hướng người ta một cách không thể lầm lẫn tới một kết luận mà tôi không hoàn toàn thoải mái khi đạt tới.

Thành thật mà nói, tôi đã muốn tin rằng việc thần hóa Chúa Giêsu là kết quả của sự phát triển huyền thoại trong đó những người có thiện ý nhưng lầm lạc dần dần biến một nhà hiền triết thông thái thành thần thoại Con Thiên Chúa. Điều đó có vẻ an toàn và an tâm; dù sao, một nhà thuyết giáo tiên tri từ thế kỷ thứ nhất không thể đưa ra bất cứ đòi hỏi nào nơi tôi. Nhưng trong khi tôi đi vào cuộc điều tra của tôi với ý nghĩ lời giải thích huyền thoại này là điều hiển nhiên một cách hiển nhiên, tuy nhiên, đến cuối cùng, tôi lại tin rằng nó hoàn toàn không có cơ sở. Điều đã giải quyết nó cho tôi là nghiên cứu nổi tiếng của A. N. Sherwin White, nhà sử học cổ điển vĩ đại của Đại học Oxford, tác phẩm mà William Lane Craig đã ám chỉ trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Sherwin-White khảo sát tỉ mỉ tốc độ huyền thoại tích lũy trong thế giới cổ thời. Ông kết luận: chưa đầy hai thế hệ đã đủ thời gian để huyền thoại phát triển và quét hết cốt lõi vững chắc của sự thật lịch sử.(1)

Bây giờ hãy xem xét trường hợp của Chúa Giêsu. Xét về phương diện lịch sử, tin tức về ngôi mộ trống của Người, lời kể của các nhân chứng tận mắt về những lần hiện ra sau Phục sinh của Người, và niềm tin rằng Người quả thật là Con độc nhất của Thiên Chúa xuất hiện hầu như tức thời.

Kinh tin kính ở 1Côrintô 15 khẳng định sự chết của Chúa Giêsu vì tội lỗi của chúng ta và liệt kê những lần hiện ra sau Phục sinh của Người với các nhân chứng tận mắt được nêu tên, đã được các Kitô hữu đọc ngay sau hai mươi bốn tháng Chúa bị đóng đinh. Trình thuật của Máccô về ngôi mộ trống được rút từ chất liệu có niên đại một vài năm sau chính sự kiện.

Các sách Tin Mừng, chứng thực cho các giáo huấn của Chúa Giêsu, các phép lạ, và sự phục sinh, đã được lưu truyền trong sinh thời của những người cùng thời với Chúa Giêsu, những người sẽ rất vui mừng để sửa sai hồ sơ nếu có những chuyện như tô điểm hoặc làm sai lạc. Những bài thánh ca Kitô giáo nguyên thủy nhất khẳng định thiên tính của Chúa Giêsu. Blomberg đã tóm tắt điều này như sau: "Rồi Trong vòng hai năm đầu sau cái chết của Người, một số lượng đáng kể những người theo Chúa Giêsu dường như đã lên công thức cho một tín lý về sự chuộc tội, đã được thuyết phục rằng Người đã sống lại từ cõi chết trong hình dạng cơ thể, liên kết Chúa Giêsu với Thiên Chúa và tin rằng họ đã tìm được sự hỗ trợ cho tất cả những xác tín này trong Cựu Ước." (2)

William Lane Craig kết luận, "Khoảng thời gian cần thiết để sự tích lũy đáng kể của huyền thoại liên quan đến các biến cố của các sách Tin Mừng đặt chúng ta vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, đúng là thời gian trong thực tế khi các Tin Mừng ngụy thư đầy huyền thoại ra đời. Đây là các trình thuật huyền thoại được các nhà phê bình tìm kiếm." (3)

Đơn giản là không có nơi nào gần đủ thời gian để huyền thoại hoàn toàn làm sai lạc ghi chép lịch sử về Chúa Giêsu, đặc biệt nơi các nhân chứng tận mắt vẫn còn kiến thức bản thân về Người. Khi nhà thần học người Đức Julius Müller năm 1844 thách thức bất cứ ai tìm thấy một thí dụ duy nhất về huyền thoại phát triển nhanh như vậy bất cứ nơi nào trong lịch sử, phản hồi từ các học giả vào thời của ông và đến thời điểm hiện tại là sự hoàn toàn im lặng.(4)

Vào ngày 8 tháng 11 năm 1981, tôi nhận ra rằng phản bác lớn nhất của tôi đối với Chúa Giêsu cũng đã im lặng trước bằng chứng của lịch sử. Tôi thấy tôi cười tủm tỉm một mình khi tình huống đổi chiều hoàn toàn như thế.

Dựa trên những sự kiện thuyết phục mà tôi đã học được trong diễn trình điều tra, khi đối mặt với trận tuyết lở bằng chứng áp đảo này trong lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, điều trớ trêu lớn là thế này: tôi cần nhiều đức tin để duy trì chủ nghĩa vô thần của tôi hơn là tin tưởng vào Chúa Giêsu Nadarét!

Còn 1 kỳ