Giáo sư Tracey Rowland giữ ghế giáo sư Thần học Thánh Gioan Phaolô II tại Đại học Notre Dame ở Úc. Bà đã xuất bản 8 cuốn sách và hơn 150 bài báo. Năm 2020, bà đã được trao Giải thưởng Ratzinger danh giá cho những bài viết sâu rộng về thần học của ngài. Ngày 23 tháng 5, 2023, trên trang mạng What We Need Now, bà đề cập tới mười nguyên tắc thần học của Đức Cố Giáo Hoàng (https://whatweneednow.substack.com/p/ten-theological-principles-from-the)



Một ấn bản gần đây của tờ The Spectator đăng một bài báo của Dan Hitchens, trong đó ông trích dẫn sử gia Richard Rex ở Cambridge nói rằng đã có ba cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử Giáo hội. Khủng hoảng đầu tiên là về bản chất của Thiên Chúa (tất cả những tranh cãi về Kitô học trong Giáo hội sơ khai), cuộc khủng hoảng thứ hai về bản chất của chính Giáo hội (tất cả những ly giáo Thệ Phản trong thế kỷ XVI) và nay, một cuộc chiến về bản chất của con người (tất cả những cuộc đấu tranh về những gì chúng ta có thể hoặc không thể làm với thân xác của chúng ta).

Có thể nói, điều này như “đinh đóng cột”, nhưng bên dưới cuộc khủng hoảng về bản chất con người, có một cuộc khủng hoảng về bản chất của thần học Công Giáo. Vào thời điểm này trong đời sống của Giáo hội, sự chia rẽ về các vấn đề thần học căn bản đang chia rẽ các cộng đồng.

Một trong những lý do tại sao Đức Bênêđictô XVI có thể được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh là vì ngài hiểu rằng một sai lầm trong nền tảng của một hệ thống thần học có thể phá hủy toàn bộ hệ thống đó. Nếu bây giờ chúng ta có những người Công Giáo có thế giới quan dường như không thể phân biệt được với thế giới quan của Meghan Markle, và do đó, trái ngược với giáo huấn hai thiên niên kỷ của Kitô giáo, thì chúng ta cần phải xem xét các nguyên tắc căn bản.

Giữa đêm đen trong tâm hồn Giáo hội này, có ít nhất 10 nguyên tắc được khai thác từ kho tàng trí thức của Đức Bênêđictô XVI có thể giúp chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng.

1. Lời đi trước hành động

Đầu tiên là lời (logos) phải đi trước hành động (ethos). Vâng, điều này nghe có vẻ thực sự bí truyền! Tuy nhiên, đó là một nguyên tắc mà Romano Guardini vĩ đại thích nhấn mạnh và nó đã được Ratzinger/Bênêđictô áp dụng. Một cách khác để diễn đạt điều này là sự thật đi trước thực hành (praxis). Các thực hành của chúng ta cần phải thể hiện sự thật. Nhiều nhà thần học muốn lật ngược thứ tự ưu tiên này và đặt hành động, hay điều mà những người theo chủ nghĩa Mác gọi là praxis, lên hàng đầu. Ratzinger/Bênêđictô hoàn toàn phản đối cách tiếp cận thần học này. Trong cuốn Các nguyên tắc của Thần học Công Giáo (1987), ngài viết:

“Nếu chữ “orthopraxis” [chính hành] được đẩy theo nghĩa triệt để nhất của nó, thì nó giả thiết rằng không có sự thật nào hiện hữu đi trước sự thực hành mà đúng hơn là sự thật chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở của sự thực hành đúng đắn, một thực hành có nhiệm vụ tạo ra ý nghĩa từ và trước sự vô nghĩa. Thần học không gì khác hơn là một kim chỉ nam cho hành động, một kim chỉ nam, nhờ suy tư về thực hành, liên tục phát triển các phương thức thực hành mới.” (tr. 318)

Ngài kết luận rằng khi thực hành được ưu tiên, thì sự thật trở thành sản phẩm của con người và bản thân con người trở thành hàng hóa.

Quỹ đạo này thể hiện rõ trong văn hóa đại chúng chuyên tán dương, nơi mọi người tạo ra những câu chuyện của riêng vốn có rất ít điều, nếu có, liên quan đến thực tại — nghĩa là, đến sự thật — và sau đó, trên cơ sở câu chuyện tự tạo, bắt đầu rao bán những thứ “bản ngã” giả tạo này cho thế giới.

2. Chân lý là “trung điểm” giữa thẩm quyền và chủ quan tính

Liên quan đến việc hạ thấp sự thật này là ý tưởng cho rằng mọi người có thể đưa ra những kết luận khác nhau về cùng một vấn đề đạo đức dựa trên thẩm quyền của lương tâm họ. Cố Hồng Y George Pell gọi đây là dị giáo “Donald Duck” [vịt Donald]. Donald luôn có ý tốt, ngay cả khi tác phong của anh ta có một số hậu quả không lường trước được. Ratzinger/Bênêđictô sẽ nói rằng có ý tốt là chưa đủ, và trong khi chúng ta nên làm theo lương tâm của mình, lương tâm của chúng ta có thể sai lầm, và nếu nó như vậy, điều đó có nghĩa là chúng ta đã không tri nhận được sự thật. Như ngài từng viết: “Khi đó, cảm giác tội lỗi nằm ở một nơi khác, sâu hơn nhiều - không phải trong hành động hiện tại, không phải ở sự phán đoán hiện tại của lương tâm, mà ở sự thờ ơ của con người tôi khiến tôi bị điếc đối với những thúc giục bên trong của sự thật.” (On Conscience [Về Lương Tâm], Ignatius, 2007, 38). Ratzinger nhấn mạnh rằng đối với Đức Hồng Y John Henry Newman, “trung điểm – điểm thiết lập mối liên hệ giữa thẩm quyền và chủ quan tính – là sự thật” (On Conscience [Về Lương Tâm], 24). Ngài nhận định thêm rằng sự thật là một điều tốt đẹp hơn nhiều so với sự đồng thuận. Sự đồng thuận đơn thuần không phải là yếu tố bảo đảm cho sự thật.

3. Tin tưởng vào Kinh Thánh

Vậy chúng ta tìm sự thật ở đâu? Chúa Kitô nói rằng Người là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14:6), và do đó, để tìm thấy sự thật, chúng ta đến với Chúa Kitô. Làm sao chúng ta làm việc đó bây giờ? Điều đầu tiên chúng ta làm là đọc Kinh thánh để xem Kinh thánh nói gì với chúng ta về Chúa Kitô. Ratzinger muốn nói rằng chúng ta phải tin vào Kinh thánh. Chúng ta không nên bác bỏ Kinh thánh trên cơ sở cho rằng không ai theo dõi Chúa Kitô bằng máy ghi âm. Ngược lại, chúng ta phải tin rằng Chúa Thánh Thần đã hoạt động tích cực trong việc cấu thành Kinh thánh, và do đó, việc tin vào thẩm quyền của Kinh thánh là điều hợp lý. Một niềm tin như vậy là một yếu tố trung tâm của đức tin tông đồ. Chúng ta thực sự không thể né tránh được nó. Nơi để tìm thấy công trình hay nhất của Ratzinger trong lĩnh vực chú giải Kinh thánh này là Bài giảng Erasmus năm 1988 của ngài và tài liệu của Ủy ban Kinh thánh, mà ngài là Chủ tịch, có tựa đề là, The Interpretation of the Bible in the Church [Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội]. Tài liệu đệ nhị đẳng tốt nhất là cuốn The Inspiration and Truth of Scripture: Testing the Ratzinger Paradigm [Linh hứng và Chân lý Kinh Thánh: Thử nghiệm Mô hình của Ratzinger]” của Aaron Pidel (Catholic University of America Press, 2023).

4. Thánh Thể Không Phải Là Bàn Tiệc Của Người Có Tội

Chúng ta còn gặp Chúa Kitô ở đâu nữa? Ratzinger cho hay: ở trong đời sống của Giáo hội và đặc biệt nhờ bí tích Thánh Thể, chính Mình và Máu Chúa Kitô. Có được một sự hiểu biết đúng đắn về thần học Thánh Thể là điều vô cùng quan trọng. Ratzinger lập luận rằng Bí tích Thánh Thể không phải là một “bữa ăn thông công”. Nó không phải là một cử hành những thành tựu của cộng đồng địa phương. Đó không phải là tiệc trà và cũng không phải là bữa tiệc của người có tội. Bữa Tiệc Ly được tổ chức với những người bạn của Chúa Kitô (mặc dù một người sắp phản bội ngài) (cf. God is Near Us [Thiên Chúa ở Gần Chúng Ta], 59). Trong Tông huấn Sacramentum Caritatis [Bí tích Tình yêu], Đức Bênêđictô XVI đã mô tả phép lạ Thánh Thể như một loại “sự phân hạch hạt nhân” “thâm nhập vào trái tim của mọi hữu thể, một sự thay đổi nhằm khởi động một quá trình biến đổi thực tại, một quá trình cuối cùng dẫn đến sự biến hình của toàn thế giới, đến mức Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả” (Sacramentum Caritatis §11). Trong cùng một tài liệu, ngài lập luận rằng Bí tích Thánh Thể có một mối quan hệ đặc biệt với bí tích hôn phối. Tham chiếu thần học của Thánh Phaolô, ngài lưu ý rằng “tình yêu vợ chồng là một dấu chỉ bí tích tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội của Người, một tình yêu đạt tới tột đỉnh trên Thập giá, biểu thức của ‘hôn nhân’ của Người với nhân loại và đồng thời là nguồn gốc và trái tim của Thánh Thể” (Sacramentum Caritatis §27). Đây là điều sâu sắc hơn nhiều so với tình anh em trong bản Ode to Joy [Tụng ca Niềm Vui] của Beethoven. Tương tự với nguyên tắc lời đi trước hành động là nguyên tắc thần học tín lý và thần học Thánh Thể có liên hệ với nhau về bản chất. Chúng không hoạt động trong các ngăn kín. Trong The Nature and Mission of Theology [Bản chất và Sứ mệnh của Thần học], Ratzinger tán thành nhận định của Albert Görres rằng “không có học thuyết nào về Chúa Giêsu nếu không có bộ xương, không có nguyên tắc tín lý” và mô tả của Görres về não trạng cho rằng “các mệnh đề đức tin không hệ trọng bởi vì điều quan trọng là tiếp xúc với bầu không khí tâm linh” như việc “Ấn giáo hóa đức tin” (tr. 91).

5. Giáo huấn của Giáo hội phát triển một cách hữu cơ

Vì sự thật là quan trọng, nên Giáo hội không thể phát triển giáo huấn của mình theo cách mà các đảng chính trị phát triển chính sách của họ. “Chân lý không được xác định bởi ý kiến của đa số” là một trong những câu nói của Ratzinger. Sự thật không được biện phân bằng cách tham gia các cuộc thăm dò dư luận và tìm kiếm sự đồng thuận. Trong một tiểu luận đăng trong cuốn Demokratie in der Kirche [Dân chủ Trong Giáo Hội], Ratzinger nhận xét:

“Thật vậy, tự chính bản chất, đức tin bị treo lơ lửng khi nó tùy thuộc nguyên tắc đa số. Tại sao ông Muller hoặc bà Huber lại có thể buộc tôi phải tin điều này điều kia mà ít nhiều tình cờ họ cho là đúng? Tại sao tôi buộc phải tin vào những gì đa số thông qua ngày hôm nay mà ngày mai có thể bị thay thế bởi đa số đối lập? Hoặc có một sự cho phép khác trong đức tin của Giáo Hội so với ý kiến của con người, hoặc không có. Nếu không thì không có niềm tin, chỉ có chuyện mọi người nghĩ ra bất cứ điều gì mình cho là đúng.” (tr. 88)

Ratzinger chịu ảnh hưởng bởi sự hiểu biết của Newman về lương tâm như thế nào, ngài cũng chịu ảnh hưởng bởi sự hiểu biết của Newman về sự phát triển của học thuyết như vậy. Newman nhấn mạnh rằng các học thuyết chỉ có thể phát triển một cách hữu cơ từ kho tàng đức tin nguyên thủy. Điều này có nghĩa là các tín lý có thể được tinh lọc nhưng truyền thống tín lý không lật đổ hoặc đi ngược lại, coi là sự thật hôm nay những gì là dị giáo ngày hôm qua. Cũng phải có sự gắn kết nội tại giữa các giáo huấn trong các lãnh vực thần học khác nhau. Các nhánh của thần học không phải là những lĩnh vực hiểu biết hoàn toàn khác biệt mà phù hợp với nhau giống như cách mà một nhà thờ Gothic được cấu trúc sao cho các phần khác nhau của nó (các vòm dài nhọn, các trụ bên ngoài, mái vòm có gân, cửa sổ kính màu, và miệng máng xối) đều đóng vai trò duy trì sự ổn định của tòa nhà. Các nhà thần học cần lưu ý rằng một sự thay đổi đối với một giáo huấn trong một lĩnh vực thần học có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong một lĩnh vực khác.

6. Mối Tương Quan Giữa Đức Tin Và Lý Trí

Đối với Ratzinger, mối tương quan giữa đức tin và lý trí là mối tương quan cộng sinh. Chúng cần thanh lọc lẫn nhau. Truyền thống trí thức Công Giáo đại diện cho sự tổng hợp hoặc tích hợp của cả hai. Chính vì lý do này mà ghế giáo sư của Romano Guardini tại Đại học Munich được mô tả là Ghế của Weltanschauung (thế giới quan) Kitô giáo vì Guardini muốn làm việc đồng thời trong lĩnh vực triết học và thần học. Điều này đi ngược lại xu hướng hậu Kant là tách biệt hoàn toàn triết học khỏi thần học. Trong Principles of Catholic Theology [Những nguyên tắc của Thần học Công Giáo], Ratzinger lập luận rằng “cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua trong Giáo hội và trong nhân loại gắn liền với việc loại trừ Thiên Chúa như một chủ đề mà lý trí có thể quan tâm đúng mức – một sự loại trừ đã dẫn đến sự suy thoái của thần học trước tiên thành chủ nghĩa duy sử, sau đó thành chủ nghĩa duy xã hội và đồng thời dẫn đến sự nghèo nàn của triết học” (tr. 316). Do đó, ngài đã chống lại cả sự tách biệt theo phong cách Kant “lý trí thuần túy” khỏi đức tin, và một kiểu dè dặt kiểu Barth về giá trị của triết học. Đối với Ratzinger, triết học được hiểu theo cách tiền hiện đại như là sự cởi mở với thể thần linh.

7. Chúng ta phải tin vào một Thiên Chúa Tạo Dựng

Trong tiểu luận của ngài được công bố với tên “In the Beginning…” [từ khởi nguyên...], Ratzinger đã coi trọng sách Sáng thế. Điều này có nghĩa là ngài tin rằng Thiên Chúa là đấng sáng tạo ra vũ trụ, bao gồm thế giới của chúng ta, con người trong đó và cả các động vật. Ngài tuyên bố rằng “chúng ta chỉ có thể giành được tương lai nếu chúng ta không đánh mất sáng thế” (tr. 100). Như một vấn đề luận lý học, ngài giải thích rằng chỉ khi nào sáng thế tốt lành thì con người mới có thể cứu chuộc được và chỉ có Đấng Tạo Dựng mới có thể cứu chuộc chúng ta. Hơn nữa, nếu con người thực sự được Thiên Chúa tạo dựng, thì họ là tạo vật, không phải hàng hóa. Hơn nữa, phẩm giá của bản chất tạo vật của họ không nằm ở khả năng bán mình như một thương hiệu hay lựa chọn giới tính của mình mà ở việc họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này đến lượt nó có nghĩa là có một hệ sinh thái nhân bản. Niềm tin vào sáng thế cũng rất quan trọng đối với sự hiểu biết về vai trò quản lý của chúng ta đối với sáng thế. Học giả nói tiếng Anh hàng đầu đang làm việc trong lĩnh vực này, tiếp nối nền nhân học thần học của Thánh Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, là Michael Dominic Taylor.

8. Hiểu biết về thẩm quyền Đồng nghị

Tính đồng nghị là một khái niệm mơ hồ. Thượng hội đồng thông thường là các cuộc họp của các giám mục theo định kỳ. Thượng hội đồng bất thường là các cuộc họp để thảo luận về một số vấn đề đặc thù, chẳng hạn như Thượng hội đồng về Lời Chúa được tổ chức dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI. Vấn đề đang được quan tâm hiện nay là những câu hỏi như: Các Thượng Hội Đồng được cấu trúc như thế nào? Ai đủ điều kiện để được mời? Những người tham gia có thẩm quyền gì? Các quyết định của các Thượng Hội Đồng mang tầm quan trọng nào của thẩm quyền? Mặc dù những câu hỏi này là những vấn đề đối với giáo hội học, nhưng chúng có tính căn bản theo nghĩa chúng đi sâu vào những vấn đề sâu xa nhất của thần học Công Giáo như: Giáo hội là gì? Giám mục là gì? Đâu là mối tương quan giữa thừa tác vụ thụ phong và hoạt động tông đồ giáo dân?

Nói tới ý tưởng về một cấu trúc đồng nghị thường trực gồm thành viên hỗn hợp giữa giáo dân và giám mục trong tiểu luận Demokratie in der Kirche [Dân chủ trong Giáo Hội] của mình, Ratzinger tuyên bố:

“Ý tưởng về công đồng hỗn hợp với tư cách là cơ quan quản lý tối cao thường trực của các Giáo Hội quốc gia là một ý tưởng hão huyền đối với truyền thống của Giáo Hội cũng như cấu trúc bí tích và mục tiêu chuyên biệt của nó. Một thượng hội đồng như vậy sẽ thiếu bất cứ tính hợp pháp nào và do đó việc tuân theo nó phải bị bác bỏ một cách dứt khoát và không hàm hồ”. (tr. 31)

Cũng trong tiểu luận đó, Ratzinger đã chỉ ra những xung đột không ngừng nổ ra trong Giáo hội Anh bởi các tiến trình đồng nghị thường trực và tính không phổ biến của các thử nghiệm do các nhóm Công Giáo thực hiện trong các khuôn viên đại học Đức được thiết kế để dân chủ hóa việc quản trị giáo hội. Ngài ca ngợi các sinh viên ở Cologne đã “kiên quyết bác bỏ” “âm mưu đồng nghị” (synodale Komplott) vì họ muốn cộng đồng của họ gắn kết với nhau bởi một điểm chung duy nhất — “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, như đức tin của giáo hội tuyên xưng” (tr.33).

Điều này không có nghĩa là Ratzinger chống lại các Thượng Hội Đồng, nhưng ngài chống lại ý tưởng cai trị Giáo hội bằng một diễn trình đồng nghị thường trực theo cách của Giáo hội Anh. Tính đồng nghị có khả năng trở thành một từ khó hiểu theo nghĩa là nó được các nhà thần học và các nhà lãnh đạo giáo hội khác nhau đưa ra một nội dung khác. Nền tảng cho một số phiên bản của nó là khái niệm của Newman về sensus fidelium [cảm thức của các tín hữu]. Tài liệu năm 2014 của Ủy ban Thần học Quốc tế, “Cảm thức đức tin [Sensus fidei] trong Đời sống Giáo hội,” đã vạch ra các loại khuynh hướng mà các thành viên giáo dân đòi hỏi trước khi họ có thể dựa vào để có được cảm thức đức tin. Không phải bất cứ ai tình cờ được rửa tội đều có thể được cho là có ý thức này. Thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều đã tuyên bố rằng cảm thức đức tin không đồng nghĩa với một loại thăm dò ý kiến đa số. Tuy nhiên, nhiều người nổi tiếng đề xuất khái niệm này quả có rao bán nó như một cuộc thăm dò dư luận giống như một cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề xã hội gây tranh cãi ở các nước dân chủ. Cần phải cố gắng tách lúa mì ra khỏi rơm rác trong lĩnh vực thử nghiệm quản trị giáo hội này.

9. Hiểu Bí tích Truyền Chức Thánh

Các khái niệm căn bản như “Giáo hội” và “giám mục” cần được chú ý thế nào, thì việc hiểu về các Chức Thánh nói chung cũng cần được lưu ý như vậy. Trong thời gian nghỉ hưu, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã dành một lượng thời gian và năng lực cảm xúc đáng kể để bảo vệ tập tục linh mục độc thân và quan niệm về một linh mục như một ai đó hơn là một nhà lãnh đạo cộng đồng. Vào mùa thu năm 2023, Ignatius Press xuất bản cuốn What is Christianity?: The Last Writings [Kitô giáo là gì?: Các Trước tác cuối cùng] bao gồm một bộ sưu tập các bài tiểu luận và bài phát biểu ngắn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô trong thời kỳ làm Giáo hoàng Hưu trí. Nó bao gồm một suy tư rất quan trọng về chức linh mục. Bài này nên được đọc cùng với cuốn From the Depths of our Hearts: Priesthood, Celibacy and the Crisis of the Catholic Church [Từ sâu thẳm trái tim chúng ta: Chức Linh mục, Việc Độc thân và Cuộc Khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo] của Đức Giáo Hoàng hưu trí và Đức Hồng Y Robert Sarah và cuốn Friends of the Bridegroom: For a Renewed Vision of Priestly Celibacy [Những người bạn của chàng rể: Cho một tầm nhìn mới về việc độc thân của linh mục] của Đức Hồng Y Marc Ouellet.

10. Hiểu tác vụ Phêrô

Trong cuốn phỏng vấn God and the World [Thiên Chúa và Thế giới] của ngài, Ratzinger nhận xét:

“Bản thân Giáo hoàng thậm chí không thể nói, tôi là Giáo hội, hay tôi là truyền thống, nhưng ngược lại, ngài bị giới hạn, ngài hiện thân sự giới hạn áp đặt lên Giáo hội này…. Do đó, Giáo hoàng không phải là công cụ, mà với nó, có thể nói, người ta có thể kêu gọi thành lập một Giáo hội khác, nhưng ngài là một hàng rào bảo vệ chống lại hành động tùy tiện.” (tr. 377)

Trong tư cách ấy, một vị giáo hoàng không phải là một quân chủ tuyệt đối, mà giống như một quân chủ lập hiến có quyền lực được ràng buộc bởi hiến pháp hoặc các quy ước hiến pháp. Trong trường hợp này, Kinh thánh và Truyền thống giáo hội đóng vai trò là những hạn chế đối với việc thực thi quyền lực tùy tiện của ngài. Ngài cũng là nguyên lý hiệp nhất cho Giáo hội. Ngài không phải là chủ tịch của một hội tranh luận hay giám đốc điều hành của một tập đoàn đa quốc gia như một số người vận động cho việc dân chủ hóa việc quản trị giáo hội muốn có. Ngài gánh vác trách nhiệm bảo vệ đức tin, bảo vệ đức tin khỏi bị sai lạc, và theo chân Chúa Giêsu, ngài là mục tử chịu trách nhiệm về tình trạng thiêng liêng của khoảng 1.3 tỷ con chiên. Vì một số con chiên này bị bức hại ở các quốc gia do các hệ tư tưởng toàn trị cai trị, nên ngài cũng chịu trách nhiệm về các quyết định của các nhà ngoại giao Vatican, những người đương đầu với các hệ tư tưởng. Do đó, tác vụ Phêrô là trách nhiệm tuyệt vời nhất có thể tưởng tượng được và không ngạc nhiên khi Ratzinger đã sử dụng tính từ “tử vì đạo” để mô tả nó.

Điều chúng ta cần bây giờ là quay trở lại với các nguyên tắc căn bản của Đức Bênêđictô XVI, tổng hợp hai thiên niên kỷ giáo huấn Công Giáo.