Chương năm: Bằng chứng khoa học


Khoa khảo cổ xác nhận hay mâu thuẫn với các cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu?

Có một điều gì đó siêu thực chung quanh bữa ăn trưa của tôi với Bác sĩ Jeffrey MacDonald. Ông ở đó, xuề xòa trệu trạo nhai chiếc bánh mì kẹp cá ngừ và những miếng khoai tây chiên tại một phòng hội nghị của một tòa án tại tiểu bang Bắc Carolina, vừa nhai vừa đưa ra các nhận định lạc quan và nói chung rất thoải mái. Trong căn phòng gần đó, hàng chục bồi thẩm viên đang nghỉ xả hơi sau khi nghe các bằng chứng kinh khủng cho rằng MacDonald đã tàn nhẫn giết vợ và đứa con gái nhỏ tuổi.

Sau khi đã ăn trưa xong, tôi không thể không hỏi MacDonald câu hỏi đương nhiên phải hỏi này: “Làm thế nào ông có thể hành động như thể không có gì sai trái cả?” Tôi hỏi thế, giọng của tôi pha lẫn cả ngạc nhiên lẫn giận dữ. “Há ông không hề quan tâm chút nào là các bồi thẩm viên kia sẽ thấy ông có tội hay sao?”

MacDonald xuề xòa khua miếng bánh mì kẹp đang ăn giở một cách chung chung về phía phòng bồi thẩm đoàn. “Họ?” ông tắc lưỡi, “họ sẽ không bao giờ kết được tội tôi!”

Rồi, hình như nhận ra câu nói vừa rồi nghe ra có vẻ khuyển nho, ông vội nói thêm, “Ông biết đấy, tôi vô tội mà”.

Đó là lần cuối cùng tôi nghe thấy ông cười. Trong vài ngày sau đó, cựu Mũ Nồi Xanh và y sĩ phòng cấp cứu bị kết tội đã đâm chết vợ, Colette, và các con gái của mình là Kimberly, 5 tuổi, và Kristen, 2 tuổi. Ông nhanh chóng bị kêu án tù mãn đời và bị còng tay.

MacDonald, mà câu truyện được thuật lại một cách tài tình trong một cuốn sách bán chạy nhất của Joe McGinniss và trong một cuốn phim truyền hình Fatal Vision, tự mãn đến độ tin rằng chứng cớ ngoại phạm của ông ta đủ để ông thoát khỏi tội sát nhân.

Ông từng nói với các điều tra viên rằng ông đang thiếp ngủ ở ghế salông khi những tên híppi say ma túy đánh thức ông giữa đêm khuya. Ông nói ông đã đánh đuổi chúng đi, bị đâm và bất tỉnh. Khi ông thức giấc thì thấy cả gia đình bị thảm sát.

Các thám tử hoài nghi ngay từ đầu. Phòng khách không hề có dấu hiệu một cuộc ẩu đả sống chết ở đó. Các vết thương của MacDonald chỉ là trầy sát. Dù thị lực rất kém,ông lại có thể mô tả rất chi tiết về những kẻ tấn công ông dù ông không mang kiếng lúc đó.

Tuy nhiên, hoài nghi mà thôi chẳng bao giờ thắng được một vụ kết tội; điều này đòi phải có bằng chứng. Trong vụ MacDonald, các thám tử dựa vào chứng cớ khoa học để gỡ rối các dối trá của ông ta và kết tội sát nhân cho ông ta.

Có nhiều loại bằng chứng khoa học được sử dụng trong một vụ xử ở tòa, thay đổi từ việc thử DNA đến nhân học và khoa chất độc pháp lý. Trong vụ MacDonald, bằng chứng huyết học đã được sử dụng để đưa hắn vào nhà tù.

Trong một trùng hợp kỳ lạ, và may mắn cho các công tố viên, mỗi thành viên trong gia đình MacDonald đều có một loại máu khác nhau. Nhờ phân tích vết máu tìm được ở đâu, các điều tra viên đã có thể dựng lại diễn tiến các sự kiện của đêm chết người ấy, và nó hoàn toàn mâu thuẫn với phiên bản của MacDonald về những gì đã diễn ra.

Việc nghiên cứu khoa học các sợi chỉ tí hon mầu dương của chiếc áo ngủ, tìm thấy rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau, cũng bác bỏ chứng cớ ngoại phạm của ông ta. Việc phân tích bằng kính hiển vi chứng minh rằng các lỗ hổng ở bộ quần áo ngủ của MacDonald không thể được gây ra, như ông ta nói, bởi chiếc dĩa lấy đá cục (ice pick) của các tên đột nhập vào nhà. Tóm lại, chính các kỹ thuật viên của FBI trong bộ áo trắng của phòng thí nghiệm thực sự đứng đàng sau việc kết tội MacDonald (1).

Bằng chứng khoa học cũng có những đóng góp quan trọng cho vấn đề liệu các trình thuật của Tân Ước về Chúa Giêsu có chính xác hay không? Dù huyết học và khoa chất độc không thể rõi được chút ánh sáng nào cho vấn đề này, một loại chứng cớ khoa học khác, khoa khảo cổ học, đã tác động rất nhiều lên tính đáng tin cậy của các sách Tin Mừng.

Đôi khi được gọi là khoa nghiên cứu các rác rưởi lâu bền, khoa khảo cổ liên quan đến việc khai quật các đồ tạo tác, kiến trúc, nghệ thuật, tiền cắc, đền đài, tài liệu, và các phế tích của các nền văn hóa cổ thời. Các chuyên viên nghiên cứu các di tích này để biết đời sống ra sao vào thời Chúa Giêsu còn bước trên những con đường bụi bặm của Palestine xưa?

Hàng trăm khám phá khảo cổ từ thế kỷ thứ nhất đã được khai quật, và tôi tự hỏi: chúng bác bỏ hay hỗ trợ các câu truyện của nhân chứng tận mắt về Chúa Giêsu? Đồng thời sự tò mò của tôi dịu đi phần nào bởi sự hoài nghi của tôi. Tôi vốn đã nghe quá nhiều Kitô hữu khoác lác quá trớn rằng khảo cổ có thể chứng minh nhiều hơn là nó có thể. Tôi không mấy quan tâm đến những khoác lác như thế.

Nên tôi đã lục lọi cho ra một thế giá được nhìn nhận là đã đích thân đào xới giữa các phế tích của Trung Đông, có hiểu biết bách khoa về những khám phá cổ thời và có đủ tự chế khoa học để nhìn nhận các giới hạn của khoa khảo cổ trong khi cùng một lúc giải thích được việc nó có thể soi sáng ra sao cuộc sống ở thế kỷ thứ nhất.



Cuộc phỏng vấn thứ tư: John Mcray, Ph. D.

Khi các học giả và sinh viên nghiên cứu khoa khảo cổ, nhiều người phải nhờ cuốn sách giáo khoa thấu đáo và vô tư dầy 432 trang của John Mcray tựa là Archeology and the New Testament (Khảo cổ học và Tân Ước). Khi Mạng Lưới Truyền Hình Nghệ thuật và Tiêu khiển muốn bảo đảm tính chính xác của chương trình Mysteries of the Bible (Các Mầu nhiệm của Kinh Thánh), họ cũng gọi cho Mcray. Và khi National Geographic cần một nhà khoa học có thể giải thích được các tế vi của thế giới Kinh Thánh, một lần nữa, điện thoại tại văn phòng của Mcray tại Cao đẳng Wheaton danh tiếng ở ngoại ô Chicago lại reo vang.

Sau khi học tập tại Đại học Do Thái, Trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp tại Giêrusalem, Trường Thần học của Đại Học Vanderbilt, và Đại Học Chicago (nơi ông đậu bằng tiến sĩ năm 1967), Mcray là giáo sư Tân Ước và Khảo cổ tại Cao Đẳng Wheaton trong hơn 15 năm. Các bài viết của ông xuất hiện trên 17 Bách khoa và Từ điển, các tìm tòi của ông được trình bầy trên Bulletin of the Near East Archeology Society và các tạp chí học thuật khác và ông đã trình bầy 29 bài thuyết trình bác học tại các hội chuyên nghiệp. Mcray cũng là cựu phụ tá nghiên cứu và ủy viên quản trị của Viện W.F. Fulbright Nghiên cứu Khảo cổ tại Giêrusalem; một cựu ủy viên quản trị của Các Trường Hoa kỳ Nghiên cứu Đông phương; hiện là ủy viên quản trị của Hội Khảo cổ Cận đông; và là một thành viên của hội đồng xã luận của Khảo cổ học trong Thế giới Kinh thánh Tạp chí Nghiên cứu Kinh thánh do Viện Nghiên cứu Kinh thánh xuất bản.

Song hành với việc Mcray thích thú viết và dạy về thế giới cổ thời, ông còn say mê các cơ hội được đích thân đào xới khảo cổ. Ông giám sát đội khai quật tại Caesarea, Sepphoris, và Herodium, tất cả đều ở Israel, trong hơn 8 năm. Ông từng nghiên cứu các địa điểm khảo cố La Mã tại Anh và Wales, phân tích các đào xới tại Hy Lạp và lần giở lại các dấu vết cuộc hành trình của Thánh Phaolô.

Vào cỡ tuổi 66, tóc Mcray đã trở thành mầu bạc và cặp kính ông đeo trở nên dầy hơn, nhưng ông vẫn phát ra một vẻ đầy phiêu lưu. Trên bàn làm việc của ông tại nơi làm việc, và cả trên giường nằm của ông tại nhà, một ảnh chụp Giêrusalem nhiều chi chiết theo chiều ngang. “Tôi sống dưới bóng của nó”, ông nhận định như thế, giọng nói đầy cảm thức tiếc nhớ, khi chỉ các địa điểm khai quật chuyên biệt và các tìm tòi đáng lưu ý.

Văn phòng ông có chiếc đivăng êm ái giống như chiếc đivăng ở cửa trước của một căn nhà ở nông trại. Tôi ngồi vào đó trong khi Mcray, ăn vận xuề xòa trong chiếc sơmi hở cổ và một chiếc áo khoác thể thao trông đã khá mòn, ngả người trên chiếc ghế bàn giấy.

Tìm cách thử xem liệu ông có nói quá đáng ảnh hưởng của khảo cổ học, tôi quyết định bát đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi bằng cách hỏi ông nó không thể nói với chúng ta điều gì về tính đáng tin cậy của Tân Ước. Dù sao, như chính Mcray ghi nhận trong sách giáo khoa của ông, dù khoa khảo cổ có thể xác định được việc các thành phố Medina và Mecca quả hiện hữu tại Tây Arabia trong hai thế kỷ thứ sáu và thứ bẩy, điều này không hề chứng minh việc Muhammad sống ở đó hay Kinh Kôrăng là đúng.

“Khảo cổ học đã thực hiện một số đóng góp quan trọng”, ông bắt đầu nói thế bằng một giọng nói lè nhè ông thừa hưởng lúc còn nhỏ ở vùng đông nam Oklahoma, “nhưng chắc chắn nó không thể chứng minh được liệu Tân Ước có phải là Lời Thiên Chúa hay không. Nếu chúng ta đào xới ở Israel và khám phá ra các địa điểm xưa phù hợp với nơi Kinh Thánh nói chúng ta đã tìm ra chúng, việc này chỉ cho thấy lịch sử và địa dư của nó là chính xác. Tuy nhiên, nó không xác nhận điều Chúa Giêsu nói là đúng. Các chân lý thiêng liêng không thể được chứng minh hay bác bỏ bởi các khám phá khảo cổ học”.

Như một loại suy, ông kể câu truyện của Heinrich Schliemann, người từng tìm tòi thành Troy trong một cố gắng chứng minh tính chính xác về lịch sử của cuốn Ilad của Homer. Mcray nhận định với một nụ cười hiền hòa, “Ông quả có tìm ra Troy, nhưng điều này không hề chứng minh được là Iliad chân thật. Nó chỉ chính xác trong tham chiếu địa dư đặc thù”.

Khi đã định một số ranh giới cho việc khoa khảo cổ không thể xác quyết được điều gì, tôi quan tâm tới việc bắt đầu khám phá ra việc nó có thể cho chúng ta biết điều gì về Tân Ước. Tôi quyết định đi vào chủ đề này bắng cách nhận xét từ kinh nghiệm của tôi trong tư cách một nhà báo điều tra trong lãnh vực pháp luật.

Đào xới sự thật

Khi cố gắng xác định xem liệu nhân chứng có nói sự thật hay không, các nhà báo và luật sư sẽ thử nghiệm bao nhiêu có thể mọi yếu tố trong chứng từ của họ. Nếu cuộc điều tra này cho thấy người này sai trong các chi tiết này, thì việc này sẽ tạo nên mối nghi ngờ đáng kể đối sự thật trong câu truyện của họ. Tuy nhiên, nếu các chi tiết vụn vặt được kiểm chứng, thì đây là dấu chỉ, tuy không đủ để kết luận nhưng có một số bằng chứng nào đó, cho thấy nhân chứng này đáng tin cậy trong câu truyện nói chung của họ.

Thí dụ, nếu ai đó nói về một chuyến du hành của anh ta từ St. Louis tới Chicago, và anh ta kể lại có dừng tại Springfield, Illinois, để coi cuốn phim Titanic tại rạp Odeon và anh ta ăn một thỏi Clark lớn mua tại quầy hàng giảm giá, thì các điều tra viên sẽ xác định xem rạp hát đó có tọa lạc tại Springfield, nó có chiếu Titanic và có bán thỏi Clark lúc anh ta ở đó hay không. Nếu điều họ khám phá ra mâu thuẫn với điều anh ta nói, thì điều này làm hoen ố tính nói thật của anh ta. Trái lại, nếu nó phù hợp với lời của anh ta, điều này tăng giá chứng từ của anh ta.

Theo một nghĩa nào đó, đây là điều khảo cổ học đạt được. Tiền đề là nếu các chi tiết phụ của nhà sử học cổ thời được kiểm chứng là chính xác hết lần này đến lần khác, việc này làm gia tăng lòng tin của ta đối với các tư liệu khác do nhà sử học này viết tuy đây chưa hẳn là điều đã được đối chất.

Do đó, tôi hỏi ý kiến chuyên nghiệp của Mcray, “Khoa khảo cổ khẳng định hay bác bỏ Tân Ước khi nó kiểm chứng các chi tiết trong các trình thuật của nó?”

Mcray trả lời ngay lập tức, “À, chắc chắn tính khả tín của Tân Ước được gia tăng, y như tính khả tín của bất cứ tài liệu cổ thời nào được gia tăng khi ông khai quật và thấy rằng tác giả chính xác khi nói đến nơi chốn hay biến cố đặc thù nào đó”. Như một thí dụ, ông thuật lại vụ đào xới tại Caesarea thuộc duyên hải Do Thái, nơi ông và nhiều người khác khai quật hải cảng của Đại vương Hêrốt.

“Từ lâu, người ta vốn nghi ngờ giá trị câu nói của Josephus, sử gia thế kỷ thứ nhất, rằng hải cảng này rộng như hải cảng Piraeus, vốn là hải cảng chính của Athens. Người ta nghĩ Josephus lầm, vì khi bạn thấy các viên đá trên mặt nước ở hải cảng hiện nay, thì nó chẳng lớn chút nào.

“Nhưng khi chúng tôi bắt đầu đào xới ở dưới nước, chúng tôi thấy hải cảng kéo dài tới đất dưới nước từng thụt xuống, và tổng diện tích của nó quả sánh với hải cảng ở Piraeus. Thành thử quả Josephus nói đúng. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy Josephus biết rõ những điều ông nói về”.

Vậy phải nói gì về các tác giả Tin Mừng? Họ có thực sự biết điều họ nói tới hay không? Tôi muốn nêu câu hỏi này để kiểm nghiệm trong các câu hỏi kế tiếp.

Sự chính xác của Luca như một sử gia

Y sĩ và sử gia Luca là tác giả của cả sách tin mừng mang tên ngài lẫn sách Công Vụ, cả hai chiếm vào khoảng một phần tư toàn bộ Tân Ước. Thành thử, vấn đề nòng cốt là liệu Luca có phải là một sử gia có thể tin tưởng những điều ngài viết là đúng hay không. Tôi nói, “Khi các nhà khảo cổ kiểm chứng các chi tiết của những điều ngài viết, họ thấy ngài thận trọng hay cẩu thả?”

Mcray trả lời, “Sự đồng thuận tổng quát của cả các học giả cấp tiến lẫn các học giả bảo thủ là Luca rất chính xác như một sử gia. Ngài uyên bác, hùng hồn, tiếng Hy Lạp của ngài gần tới mức cổ điển, ngài viết như một người học thức, và các khám phá khảo cổ liên tiếp chứng tỏ rằng Luca chính xác trong những điều ngài viết”.

Thực vậy, ông nói thêm, có một số trường hợp, giống như câu truyện về hải cảng, trong đó, thoạt đầu các học giả nghĩ rằng Luca lầm trong một tham chiếu nào đó, nhưng với những khám phá sau đó, đã xác nhận ngài chính xác trong điều ngài viết.

Như trong Luca 3:1, ngài nhắc đến Lysanias là tiểu vương miền Abilên vào khoảng năm 27 CN. Nhiều năm, các học giả vẫn dựa vào điểm này như bằng chứng cho thấy Luca không biết điều ngài nói về vì ai cũng biết Lysanias không phải là tiểu vương mà là nhà cai trị Chalcis cả nửa thế kỷ trước đó. Họ cho rằng, nếu Luca không thể làm cho một sự kiện căn bản đó đúng, thì không điều gì ngài viết có thể được tin tưởng.

Đó là lúc khảo cổ học can thiệp. Mcray giải thích, “một câu khắc sau đó được tìm thấy vào thời Tiberiô, từ năm 14 CN tới năm 34 CN, đã nêu tên Lysias như tiểu vương tại Abila gần Đamát, y như Luca đã viết. Hóa ra có đến hai viên chức chính phủ tên là Lysanias! Một lần nữa Luca được chứng minh là hoàn toàn chính xác”.

Một thí dụ khác là trong Công vụ 17:6, Luca nhắc đến “politarchs” mà Bản Kinh Thánh New International Version dịch là “các viên chức thành phố” Texalônica. Mcray cho biết “từ lâu, người ta vẫn nghĩ Luca lầm, vì không có bằng chứng nào chữ “politarch” đã được tìm thấy trong bất cứ tài liệu La Mã cổ thời nào.

“Tuy nhiên, một bản khắc trên một cửa vòm thế kỷ thứ nhất sau này được tìm thấy, viết rằng “Vào thời các politarchs...” Ông có thể tới Bảo Tàng Viện Anh và tự xem lấy. Và rồi còn lạ hơn nữa, các nhà khảo cổ còn tìm ra 35 bản khắc nhắc đến “politarch”, một số ở Taxalônica vào cùng thời với Luca. Một lần nữa các nhà phê bình sai lầm và Luca hoàn toàn chính xác”.

Một phản biện bỗng xuất hiện trong đầu tôi, “Đúng, nhưng trong Tin mừng của ngài, Luca nói Chúa Giêsu bước vào Giêricô khi Người chữa người mù Bartimêô, trong khi Máccô nói Người ra khỏi Giêricô (2). Há đó không phải là một mâu thuẫn sắc nét tạo nghi ngờ cho tính đáng tin cậy của Tân Ước đó sao?”

McRay không hề bối rối trước tính trực diện trong câu hỏi của tôi, ông trả lời ngay, “Không hề. Nó chỉ mâu thuẫn biểu kiến mà thôi vì ông suy nghĩ theo các điều kiện hiện nay trong đó các thành phố được xây dựng và tồn tại mãi. Nhưng đó không nhất thiết như thế vào thời cổ xưa.

“Giêricô từng ở ít nhất bốn địa điểm khác nhau, cách nhau một phần tư dặm. Thành phố từng bị hủy diệt và được tái lập tại một địa điểm khác gần một nguồn nước hay một con đường mới hoặc một ngọn núi hay bất cứ điều gì. Trọng điểm là ông có thể ra khỏi một địa điểm nơi Giêricô từng hiện hữu và đi vào một địa điểm khác, như di chuyển từ một phần của ngoại ô Chicago này tới một phần khác của ngoại ô Chicago”.

Tôi hỏi, “Có phải ông muốn nói cả Luca lẫn Máccô đều đúng cả?”

“Đúng như vậy. Chúa Giêsu có thể đi ra khỏi một phạm vi của Giêricô và đi vào một phạm vi khác cùng một lúc”.

Một lần nữa khoa khảo cổ đã trả lời một thách thức khác đối với Luca. Và xét vì ngài đã viết một phần khá lớn của Tân Ước, nên điều hết sức có ý nghĩa là Luca đã được nhìn nhận là một sử gia hết sức chính xác, dù là trong những chi tiết vụn vặt nhất. Một nhà khảo cổ lỗi lạc từng cẩn thận khảo sát các việc ngài nhắc đến 32 nước, 54 thành phố và 9 hải đảo, và không tìm được một sai lầm nào (3).

Và đây là điểm mấu chốt: một cuốn sách viết về chủ điểm này cho hay, “Nếu Luca đã cần cù để chính xác như thế trong tường trình lịch sử của ngài, thì dựa vào luận lý học nào ta có thể cho rằng ngài cả tin hay không chính xác khi tường trình những chuyện quan trọng hơn nhiều, không phải đối với ngài mà còn đối với người khác nữa?” (4)

Các vấn đề như việc phục sinh của Chúa Giêsu, bằng chứng gây ảnh hưởng nhất về thiên tính của Người, điều mà Luca quả quyết đã được thiết lập một cách vững chãi bởi “nhiều bằng chứng đầy thuyết phục” (Cv 1:3).

Tính đáng tin cậy của Gioan và Máccô

Khoa khảo cổ có thể đã hỗ trợ tính đáng tin của Luca, nhưng ngài không phải là tác giả duy nhất của Tân Ước. Tôi thắc mắc không biết các nhà khoa học nói gì về Gioan, mà sách Tin Mừng của ngài đôi khi bị nghi ngờ vì ngài nói tới những địa điểm người ta không thể kiểm chứng được. Một số học giả cho rằng vì không đúng trong các chi tiết căn bản này, nên Gioan hẳn không gần gũi với các biến cố trong đời sống Chúa Kitô.

Tuy nhiên, kết luận trên, trong mấy năm gần đây, đã bị đảo ngược. McRay nhấn mạnh rằng, “đã có một số khám phá chứng minh Gioan rất chính xác. Thí dụ, Gioan 5:1-15 ghi lại việc Chúa Giêsu chữa người bại liệt bên Giếng Bếtdatha. Gioan cung cấp chi tiết giếng này có 5 cổng. Trong một thời gian dài, người ta từng trưng dẫn điều này làm điển hình cho thấy Gioan không chính xác, vì làm gì có một địa điểm như thế.

“Nhưng gần đây, Giếng Bếtdatha đã được đào xới, nó nằm khoảng 40 bộ Anh dưới mặt đất và quả có 5 cổng y như Gioan đã mô tả. Và ông còn thấy các khám phá khác nữa: Giếng Silôác trong Gioan 9:7; giếng Giacóp trong Gioan 4:12; có thể cả Nền Đá gần Cổng Jaffa nơi Chúa Giêsu xuất hiện trước Philatô trong Gioan 19:13, thậm chí cả danh tính của chính Philatô, tất cả những điều này đều đem tính khả tín lịch sử cho Tin Mừng Gioan”.

Tôi nói, “Như thế điều này thách thức lời tố cáo cho rằng Tin Mừng Gioan được viết lâu sau Chúa Giêsu đến nỗi nó không thể chính xác được”.

Ông trả lời, “dứt khoát là như thế”.

Thật vậy, McRay nhắc lại điều Tiến sĩ Bruce Metzger đã nói với tôi trước đây về việc các nhà khảo cổ tìm thấy một mảnh chép Gioan 18, được các nhà nghiên cứu văn bản trên giấy cói cổ hàng đầu định niên biểu vào khoảng năm 125 CN. Khi chứng minh được rằng các bản chép Gioan có từ sớm như vậy và xa tận Ai Cập như thế, khoa khảo cổ thực sự đã phá tan suy đoán cho rằng Gioan mãi đến thế kỷ thứ hai mới được soạn thảo, quá lâu sau Chúa Giêsu nên không đáng tin.

Các học giả khác tấn công Tin Mừng Máccô, nói chung vốn được coi như trình thuật đầu tiên về đời sống Chúa Giêsu đã được viết ra. Nhà vô thần Michael Martin tố cáo Máccô không biết gì tới địa dư Palestine, điều mà theo ông chứng minh rằng ngài không sống trong vùng vào thời Chúa Giêsu. Một cách chuyên biệt, ông trưng dẫn Máccô 7:31: “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh”.

Martin bảo, “Người ta từng chỉ ra rằng cứ theo các hướng này, Chúa Giêsu hẳn phải du hành trực tiếp khỏi bờ Biển Galilê” (5).

Khi tôi nói với McRay lời phê bình của Martin, ông cau mày và trở nên sôi nổi, vội với lấy bản Hy Lạp Tin Mừng Máccô từ giá sách, tìm các sách tham chiếu, và trải ra những tấm bản đồ lớn về vùng Palestine xưa.

Ông nói, “dường như những lời phê bình này muốn cho rằng Chúa Giêsu ngồi vào xe hơi của Người và chạy vòng vòng trên đường liên quốc gia, nhưng hiển nhiên, Người không làm thế”.

Đọc bản văn bằng tiếng nguyên gốc, có tính đến địa thế núi đồi và cả những đường đất của vùng này, và xem xét cách dùng lỏng lẻo chữ “Thập Tỉnh” để chỉ một liên minh gồm 10 thành phố vốn thay đổi luôn, McRay vẽ lại lộ trình hợp lý trên bản đồ hoàn toàn tương ứng với mô tả của Máccô.

Ông kết luận, “khi mọi sự được đặt vào ngữ cảnh thích đáng, thì không có vấn đề nào cả với Tin Mừng Máccô”.

Một lần nữa, các tầm nhìn thông sáng của khảo cổ đã giúp giải thích điều thoạt đầu có vẻ như một điểm kẹt trong Tân Ước. Tôi hỏi McRay một câu hỏi khái quát: đã có bao giờ ông gặp một khám phá khảo cổ rành rành nói ngược lại một tham chiếu của Tân Ước chưa?

Ông lắc đầu, tự tin trả lời, “Khảo cổ học chưa tìm thấy bất cứ điều gì dứt khoát nói ngược lại Kinh Thánh. Ngược lại, như ta đã thấy, có rất nhiều ý kiến của các học giả hoài nghi từng, với thời gian, được biến thành ‘sự kiện’ đã bị khoa khảo cổ chứng tỏ là sai”.

Còn 1 kỳ