Cuộc Di Dân Của Dân Tộc Việt Nam: KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP CÁC TRẠI ĐỊNH CƯ TẠI MIỀN NAM VÀ CÔNG LAO CỦA CÁC VỊ CHA GIÀ

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm (1955-2005) thành lập các trại định cư tư tại miền Nam Việt Nam, ông Trần Vinh, một cộng tác viên thường trực của Vietcatholic cống hiến độc giả loạt bài Những Cuộc Di Dân Của Dân Tộc Việt Nam. Phần I tác giả sơ lược những cuộc di dân thời nhà Lý đến triều đại nhà Nguyễn. Phần II tác giả nói đến cuộc di cư năm 1954 vào miền Nam và vai trò của các linh mục trong việc thiết lập các trại định cư. Phần III tác giả nói về thành quả của một trại định cư. Đây là một vấn đề lịch sử rất mới và quan trọng mà từ trước tới nay chưa được giới viết sử để ý tới. Ước mong đề tài mà tác giả Trần Vinh nêu ra ngày hôm nay sẽ được các vị có quê quán tại các trại định cư, nhất là một số linh mục mà ngày xưa đã có công gầy dựng nơi ăn chốn ở cho đồng bào di cư này, tham gia công tác ghi lại lịch sử các địa danh mà một thời chỉ là đồng hoang cỏ cháy, nay biến thành những nơi trù phú, thịnh vượng như Cái Sắn, Hố Nai, Gia Kiệm v.v...)

Các vị cha già là danh xưng vừa đầy lòng kính trọng vừa dạt dào tình cảm thương mến biết ơn của đồng bào di cư tị nạn Cộng Sản 1954 dành cho các vị linh mục có công dẫn dắt đồng bào đi mở xứ. Chúng tôi xin gác sang một bên khía cạnh tôn giáo, chỉ thuần đứng trên phương diện đời, phương diện dân sự để thử đánh giá công lao của các vị cha già trong công cuộc di dân mở nước, khai khẩn đất đai, tạo dựng đới sống ấm no, an cư lạc nghiệp cho hàng trăm ngàn đồng bào ‘Bắc kì di cư 54’ tại Miền Nam Việt Nam vào thời điểm đặc biệt của đất nước sau Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ năm 1954.

Chúng tôi viết bài này vì gia đình chúng tôi cũng ở trong đoàn lưu dân ấy, lúc đó tuy tuổi còn nhỏ, song chúng tôi vẫn ghi nhớ tình cảnh đồng bào di cư đã trải qua tại các trại định cư lúc ban đầu đầy khó khăn. Chúng tôi đã nhận thấy vai trò lãnh đạo của các vị linh mục cần thiết như thế nào trong việc ổn định cuộc sống mới cho đồng bào. Sau này lớn lên đi ra ngoài xã hội, mỗi khi có dịp trở về một trại định cư năm xưa, chúng tôi đều kinh ngạc về khả năng thay hình lột xác mau chóng, tốt đẹp trong đời sống mọi người. Công cuộc đinh cư ấy đã thành công tốt đẹp, chẳng những là ơn ích cho chính những lưu dân mà còn là phúc lợi xét về nhiều mặt cho đất nước nữa. Nhiều sách báo đã nói về cuộc di cư vĩ đại năm 1954, nhưng chưa có tác giả nào để ý tới công lao của hàng trăm vị linh mục đã góp sức đáng kể vào đó. Hôm nay, sau đúng một nửa thế kỉ kỉ niệm việc thành lập các trại định cư, các vị linh mục năm xưa ấy hầu hết đã ra người thiên cổ, một số rất ít còn sót lại thì cũng đã là đại thụ. Chúng tôi cảm thấy cần phải nói lên tình cảm biết ơn đối với các vị cha già bằng cách tuyên dương công lao của các vị. Xét về tầm vóc thì cuộc di cư này chỉ là một cuộc vận động nhân lực trong phạm vi quốc gia, không thể so sánh được với hai cuộc Nam tiến vĩ đại của tiền nhân trong việc mở mang bờ cõi, tuy nhiên cuộc di cư ấy rất cần thiết, rất ích lợi cho việc phát triển đất nước.

I. DI DÂN ĐỂ PHÁT TRIỂN QUỐC GIA

Tộc Việt sống bằng nghề nông trồng cây lúa nước cho nên đã chen chúc ở đồng bằng Bắc Việt và những vùng thấp ven biển Thanh Hóa, Nghệ An. Khi tiến hành cuộc Nam tiến, lưu dân Việt cũng theo vào canh tác trên những đồng bằng nhỏ hẹp của miền Trung mà thôi. Tiếng là thôn tính nước Chiêm Thành, song dân Việt chỉ ở những đồng bằng ven biển giống như dân Chiêm trước đó. Còn vùng cao nguyên núi rừng bạt ngàn vẫn là lãnh địa riêng bất khả xâm phạm của các sắc dân thiểu số. Những sắc dân thiểu số sống trên cao hoàn toàn khác với dân Chiêm (và dân Việt sau này) về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ. Núi rừng cao nguyên trung phần rộng mênh mông mà các sắc dân lại thưa thớt. Chúng tôi không có tài liệu thống kê năm 1954, nhưng có thể lấy số thống kê 5 sắc dân đông người hơn vào năm 1989 (Gs.Đỗ Hữu Nghiêm. Giáo Hội và Các Đồng Bào Thiểu Số Ở Việt Nam. Định Hướng số 26), để giúp cho ta có khái niệm tổng quát:

Dân Giarai: 242,291 người, sống trên cao nguyên Gia Lai, Kontum

Dân Êđê : 194,710 người, sống trên cao nguyên Đắc Lắc, Khánh Hòa

Dân Bana : 136,859 người, sống trên cao nguyên Kontum, Quảng Ngãi,

Phú Yên, Khánh Hòa

Dân Xơ Đăng: 96,766 người, sống trên cao nguyên Kontum, Quảng Nam

Dân Hrê : 94,259 người, sống trên cao nguyên Quảng Ngãi, Bình Định

Tổng số 5 sắc dân trên cao nguyên rộng lớn là 764,885 người là quá ít so với khoảng 10 triệu người kinh cộng với 98,971 người Chăm (Chàm hay Chiêm) sống chật chội dưới những vùng thấp ven biển miền Trung (miền Trung theo Việt Nam Cộng Hòa trước 1975). Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh và Du Lịch do Trường Cao Đẳng Sư Phạm TP. HCM và Cục Đo Đạc và Bản Đồ Nhà Nước ra năm 1989 thì mật độ dân số tỉnh Quảng Ngãi là 181, tỉnh Bình Định là 203, tỉnh Khánh Hòa là 178 thì tỉnh Gia Lai - Kontum là 34, tỉnh Đắc Lắc là 49, tỉnh Lâm Đồng là 64 (những số liệu mật độ này dĩ nhiên đã kể cả những người kinh đã lên cao nguyên qua nhiều đợt di dân). Sự phân bố dân số như vậy không thuận lợi cho việc phát triển đất nước.

Miền Nam là miền đất Thủy Chân Lạp xưa, tạm chia ra hai vùng: vùng đồng bằng sông Cửu Long bát ngát do người Việt chiếm ngụ đều khắp. Họ sống chung với khoảng 900,000 người Hoa và 895,299 người Khơme. Đang khi đó vùng từ sông Bé trở lên là vùng đất cao, cho tới năm 1954 đã có người Việt sống ở đây, nhưng còn rất thưa thớt.Theo tài liệu của Gs. Đỗ Hữu Nghiêm đã dẫn thì những sắc dân thiểu số chính sống ở vùng nqày như::

Dân Xtiêng : 50,194 người, sống ở Đồng Nai, Bình Dương,Tây Ninh, Phước Bình

Dân Mạ : 25,436 người, sống ở Đống Nai, Lâm Đồng

Dân M’nông : 67,340 người, sống ở Bình Dương, Lâm Đồng, Đắc Lắc

Dân Kơho : 92,190 người, sống ở Lâm Đồng, Ninh Thuận

Dân Chơro : 15,022 người, sống ở Đồng Nai

Cũng theo thống kê của Tập Bản Đồ kể trên, vào năm 1989, nghĩa là sau đợt di cư năm 1954 và đợt di dân sau năm 1975 mà mật độ ở những tỉnh Miền Nam như tỉnh Sông Bé là 95, tỉnh Kiên Giang là 188, tỉnh Minh Hải là 203 so với ở Miền Bắc như tỉnh Hà Sơn Bình là 2.308, tỉnh Thái Bình là 1.092, tỉnh Hà Nam Ninh là 839. Những con số thống kê trên đây cho thấy sự phân bố dân số chưa cân đối, nhà cầm quyền nào cũng muốn có kế hoặch di dân để tận dụng nhân lực. Hơn nữa, dân số miền Nam (VNCH) rất thấp. Theo Gs. Lâm Thanh Liêm & Gustave D. Meillon trong cuốn Từ Sàigòn Tới Thành Phố HCM, Nam Á xuất bản, trang 80 thì ngày năm 1956 dân số Việt Nam Cộng Hòa là 12.300.000 người. Như vậy vào năm 1954 dân số còn thấp hơn chút nữa. Do đó cuộc di cư năm 1954 của gần một triệu đồng bào miền Bắc vào sinh sống tại miền Nam, rõ ràng là một cuộc di dân rất ích lợi cho việc phát triển quốc gia.

(còn tiếp