Lá thư Canada: Làng Tôi Mừng Tết Con Mèo

Lễ Giáng Sinh và Tết Tây vừa xong, chỉ 3 tuần sau người Việt chúng ta mừng Tết Con Mèo. Ôi vui làm sao miền đất thiên đàng này. Làng An Lạc của tôi ăn tết chung đã thành một thói quen rất đáng yêu. Bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ Dựng Nêu và Tiễn Ông Táo về trời. Mấy năm trước thì cả làng lo việc gói bánh chưng bánh tét, rồi đêm Ba Mươi thì tụ họp nấu bánh và đón giao thừa, nay thì nhiều sự đã khác. Chúng tôi không còn gói bánh và bó giò nữa mà mua các thứ này ở chợ. Không ngờ cái chợ VN ở đây đầy đủ và tiến bộ làm vậy. Bánh chưng và giò chả bán ở chợ bây giờ rất tới, có phần ngon hơn làng chúng tôi làm. Thế mới biết người VN mình giỏi và tài ba, càng ngày càng tiến bộ.

Dân làng ai cũng già, đã sống ở đây và đã thân nhau coi nhau như anh em ruột một nhà hơn mấy chục năm. Mỗi dịp lễ tết thế này thì bao giờ chúng tôi cũng lại được nghe Cụ già B.95 lặp đi lặp lại hình ảnh và mùi vị quê hương ngày xưa ngoài Bắc. Cụ bảo cụ không thể nào quên được những cánh đồng lúa con gái mơn mởn, những tiếng hát mẹ ru con giữa trưa hè hòa chung với tiếng sáo diều, nhớ hoa sấu, hoa sen thơm ngào ngạt cả bầu trời, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá Anh Vũ, cam Bố Hạ, dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần… Còn Cụ Chánh tiên chỉ thi cũng nói như vậy, và còn thêm là nhớ nhiều nhất tiếng pháo đì đoàng, tiếng trống múa lân, ngoài Bắc gọi là múa sư tử. Ôi tiếng trống múa sư tử ngày xưa sao mà nó hay như vậy, cà rùng tùng xèng, tùng cheng tùng cheng...

Chuyện hai cụ đại lão trong làng nhớ về lễ tết và quê hương ngày xưa thì dài lắm, ra giêng, ngày rộng tháng dài tôi sẽ xin kể tiếp.

Bây giờ xin trở về ngày Tết. Việt nam quê hương mình có rất nhiều ngày lễ gọi là Tết, tôi đếm sơ sơ có tới 7 lận: tháng giêng

Tết Nguyên Đán, tháng Ba Tết Thanh Minh, tháng Năm Tết Mùng Năm diệt sâu bọ, tháng Bảy có Tết Trung Nguyên Lễ Vu Lan, tháng Tám Tết Trung Thu, tháng Mười Tết Cơm Mới.

Xin trở về tết con Mèo năm nay. Người Tàu không giống VN mừng tết con mèo mà mừng tết con THỎ, tôi cũng hơi lạ vì họ đã giống ta tới 11 con giáp lận, tới năm thứ 12 tức năm Mão này thì họ khác ta, họ gọi năm Mão là năm con thỏ, còn phe ta thì gọi là năm con mèo. Tôi cho gọi con Mèo là đúng nhất, vì năm ngoái là năm con Cọp thì năm nay phải là năm con Mèo mới đúng. Cọp và sư tử là anh em với

nhau, cọp là chúa sơn lâm ở Á Châu, còn sư tử là chúa sơn lâm ở Phi Châu. Chỉ khác nhau là cọp thì ưa sống một mình còn sư tử thì sống theo bầy. Cọp và sư tử cùng họ nhà mèo, cả ba đều có lối sống rất giống nhau như cách đi săn mồi, rình mồi, trừ việc leo cây. Sách xưa kể rằng con mèo vốn là võ sư đã dạy cọp và sư tử các cách hành dộng, nhưng mèo không dạy cọp và sư tử cái phép leo cây vì nó là võ sư, mà các võ sư thì bao giờ cũng giữ kín một món võ hiểm để thủ thân, chỉ mèo biết leo cây mà thôi. Mèo leo trèo rât giỏi, ca dao có nói về chuyện leo này: ‘ Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…’ thì đủ rõ con mèo leo trèo giỏi thế nào. Ấy thế mà nó đã không dạy cách leo cây cho hai chú em là cọp và sư tử, thì đúng là nó giấu nghề. Nghe đến đây thì tự nhiên phe các bà òa ra cười. Chị Ba Biên Hòa liền hỏi phe liền ông chúng tôi: Tại sao cô bồ bí mật của chồng lại gọi là Mèo? Ha ha, đầu năm mới phe các bà muốn bàn sang chuyện mới chuyện bồ bịch, hấp dẫn hơn. Cả làng cười xòa, năm mới sẽ vui rồi đây.

Ông Từ Hòe giải thích ngay: Xưa nay có ông chồng nào dám công khai việc có bồ nhí đâu, ai cũng giấu kín, vì đó là bản tính của con mèo. Con mèo bao giờ cũng dấu kín hai việc, xin đố các cụ hai việc con mèo rất kín đáo là hai việc gì. Thấy cả làng im lặng lâu thì ông Từ Hòe cười hà hà rồi nói tiếp: Đó là việc nó làm tình và việc nó đi tè, xưa nay có ai thấyhai việc này nơi con mèo đâu. Do vậy, việc có bồ nhí là việc phải giữ bí mật như con mèo vậy, và cô bồ nhí mà chúng ta thường gọi là Mèo thì bởi cái gốc bí mật này.

Xin hết chuyện cô mèo để trở về lễ têt trong làng. Như các cụ đã biết nhà cụ Chánh xưa nay được coi là trụ sở trung ương, nơi thường xuyên họp làng. Ngày tết khi dựng cây nêu ở giữa sân nhà Cụ tiên chỉ xong thì cả làng quay vào trong nhà. Phe liền ông thì lo bàn thờ tổ tiên. Chúng tôi đã có bàn thờ tổ này từ khi lập làng. Ai cũng mang bài vị ghi danh tổ tiên nhà mình tới, và để chung với nhau ở bàn thờ nơi cao nhất, hai bên đều có hai cây đèn cầy, hai bình hoa, và ở giữa là lư hương và đĩa trái cây lễ vật. Xin khoe với các cụ về đĩa trái cây này. Tôi thấy nhà ai cũng bày 4 thứ trái: mảng cầu, dừa, đu đủ và xoài để cầu với tổ tiên ước nguyện ‘cầu vừa đủ xài’. Làng tôi thì khác. Cụ Chánh đã bảo từ đầu nếu chỉ cầu vừa đủ xài thì cầu làm gì, ta phải cầu cho được dư xài chứ, có dư thì mới là có thể cho con cháu và để làm việc từ thiện chứ, thế mới là hạnh phúc. Do vậy xưa nay trên bàn thờ tổ tiên của làng tôi đĩa trái cây bao giớ cũng chỉ là 3 quả này: cầu, dưa, xoài, để nói lên cái ý chúng con ‘cầu dư xài’. Xin tổ tiên phù hộ cho chúng con dư xài. Đó, phe các nhà quân tử chúng tôi phụ trách nhang đèn và lễ vật’ là như thế. Còn phe các bà thì lo nhà bếp. Việc này nay đã hóa dễ, chợ VN đã giúp các bà nấu nướng dễ dàng, ai cũng thích.

Ngày mồng một tết, buổi sáng ai cũng ở nhà lo cúng tế tổ tiên và chào đón khách xông nhà, rồi mừng tuổi cho con cháu. Đến trưa mới tới họp làng. Và cuộc vui ngày tết mới thực sự bắt đầu. Sau việc chào hỏi và chúc tết, làng tôi bắt đầu lễ tổ tiên trước bàn thờ tổ. Năm nay cụ Chánh đã lập lại những chỉ dẫn cho cả làng cách vái lậy. Quả là hay, như thế này:

- 2 lạy và 2 xá là dành cho ông bà và cha mẹ hiện còn sống

- 3 lạy và 3 xá là ở đình chùa

- 4 lạy và 4 xá dành cho tổ tiên đã khuất, tứ thân phụ mẫu

- 5 lạy và 5 xá dành cho vua

Cụ Chánh cũng nhắc cách xá rất kỹ, xá là chắp tay để trước ngực và cúi đầu rồi vái.

Còn số que hương cầm trên tay bao giờ cũng theo số lẻ, 1 hay 3 hay 5…chứ không bao giờ theo số chẵn 2,4, 6.

Rồi cả làng ra trước bàn thở tổ, và cúng lễ tổ tiên, rất cung kính, ai cũng cảm động. Lễ xong thì làng mới vào tiệc, vui vẻ quá sức.

Bà cụ B.95 lên tiếng xin tiếng cười để lấy hên cho cả năm. Anh John nói ngay: năm nay là năm con mèo, cháu xin kể chuyện mèo. Cháu biết một bài vè 4 câu nhưng không biết câu nào là câu đầu, vì nó lòng vòng lẩn quẩn, xin làng chỉ cho:

‘ Chuột sợ mèo, mèo sợ đàn ông, đàn ông sợ đàn bà, đàn bà sợ chuột, chuột sợ mèo, mèo sợ đàn ông, đàn ông sợ đàn bà…’

Ông ODP cười hà hà: Đây là cái vòng tròn không có lối ra. Theo tôi thì ta nên bắt chước người Anh, họ bảo: ‘ Ta chỉ là con chuột hèn từ ngõ hèn vào, chứ ra đường thì ta là con sư tử: ‘ A wise person should make oneself a mouse at home, and a lion abroad ‘ Vậy nên bắt đầu bằng câu ‘chuột sợ mèo’ trước tiên.

Thấy dân làng gật gù cười, được hứng anh John xin kể tiếp một câu chuyện khác cũng về chú mèo.

… Tý và Tèo là hai người bạn thân, cả hai nổi tiếng là hay trêu chọc và phá phách. Một bữa kia hai chàng rủ nhau đi bát phố. Giữa đường thì họ gặp một thiếu nữ rất đẹp ôm một con mèo đang hóng mát dưới tàng cây. Tý liền đố Tèo: Tao đố mày tiến đến người đẹp mà chỉ nói một tiếng mà khiến nàng cười, rồi sau đó cũng chỉ nói một tiếng mà khiến nàng nổi giận. Mày mà làm dược như vậy thì tao sẽ đãi mày một chầu phở. Tèo làm ngay. Anh ta tiến tới trước mặt người đẹp, rồi chỉ vào con mèo và hỏi đó là mèo đực hay cái. Người đẹp bảo là đực. Tèo liền khoanh tay rồi hướng vào con mèo mà rằng ‘Con chào ba’. Nghe xong cô gái tức cười liền cười. Thấy vậy tên Tèo liền nhìn cô gái rồi nói ‘Con cám ơn má ’. Nghe xong, cô gái liền đổi sắc mặt, tỏ ra giận dữ, nói ngay: Ê, đừng có nham nhở nha !

Cả làng đều cười và khen hay. Rồi cụ Chánh lên tiếng xin thôi các chuyện mèo. Ông H.O. xin tuân lệnh, và kể chuyện sang đề khác. Rằng có hai anh chị đang mê nhau. Bữa đó anh con trai tán người yêu bằng câu thơ:

- Trên trời có vạn ông sao

Hai ngôi sáng nhất lọt vào mắt em !

Cô gái thấy câu này hay va chắc nàng là thi sĩ nên đáp lại ngay:

Trên trời có vạn ông sao

Hai sao nặng nhất lọt vào miệng anh !

Cả làng vỗ tay vì hai câu dối đáp quả là cân xứng. Nhưng ông H.O. nói tiếp: Nhưng tôi thấy còn một cái hay nữa trong câu đáp của cô gái, đố các bạn biết cái hay ấy là gì? Thấy ai cũng ngỡ ngàng về câu hỏi này. Ông H.O. đáp ngay: Cô gái chắc học giỏi lắm nên có ý chọc anh con trai vì trong câu đáp có hai tiếng ‘sao nặng’. Nếu theo cách đánh vần thì SAO NẶNG là sạo, là xạo, cô có ý bảo anh con trai nói xạo.

Cả làng nghe xong ai cũng gật gù và bảo cái cô gái này giỏi quá.

Thấy làng có vẻ thích nghe đố, ông Từ Hòe cũng xin góp một câu đố. Rằng buổi chiều hôm đó gió lạnh và tuyết bay mù mịt. Một anh công chức tan sở lái xe về nhà. Khi chạy ngang một bến xe thì chàng thấy có 3 người đứng chờ bus, ai cũng rét run lẩy bẩy. Đó là một ông cha xứ, một bà lão già và người yêu của chính anh. Xe của anh là xe nhỏ chỉ có 2 chỗ ngồi, một cho anh và một cho một người nữa, Anh không biết chở ai bây giờ. Anh thật bối rối. Chở ai và bỏ ai, cả 3 người đều đáng giúp cả. Xin đố các bạn, anh công chức này phải giải quyết chuyện khó này thế nào. Làng tôi đã cãi nhau về việc chỉ được chọn 1 người lên xe và 2 người bị bỏ lại. Hầu như không ai tìm ra giải pháp. Làng tôi đã đua nhau góp ý mà không tìm ra ý nào thỏa đáng. Cuối cùng thì ông Từ Hòe người đặt ra câu hỏi đã trả lời như thế này: Đây là giải pháp của tôi: Tôi sẽ xuống xe, rồi bảo ông cha sở và bà lão lên xe, và xin cha sở cầm tay lái, rồi tôi xin ông cha sở lái xe đưa bà lão về nhà của bà, sau đó cha sẽ lái xe về nhà xứ và bỏ xe tại nhà xứ. Phần tôi thì tôi sẽ xuống xe và tới ôm người yêu vào lòng để che gió tuyết cho nàng và cả 2 chúng tôi sẽ ôm nhau cùng đứng chờ xe bus. Và ngày hôm sau tôi sẽ đến nhà xứ của ông cha sở, sẽ lấy lại cái xe rồi đi làm.

Nghe ông Từ Hòe nói xong thì ai cũng vỗ tay, cho là cái giải pháp này hay nhất, đúng nhất. Còn các cụ thì nghĩ sao cơ?

Câu đố này vui quá đã làm mọi người ngưng ăn để bàn cãi, và bây giờ làng vui vẻ ăn tiếp. Tôi chưa trình các cụ bữa tiệc tết do các bà dọn ra. Toàn những món dân làng thích. À, tôi quên chưa nói là lâu nay làng tôi đã nghe lời Chị Ba Biên Hòa là kiêng các thứ thịt đỏ như heo và bò mà toàn ăn những gì màu trắng như hải sản và thịt gà. Hải sản thì ai cũng mê. Thét rồi đã thành quen. Phần tráng miệng chỉ có trái quýt, các bà bảo ăn quýt để dân làng luôn quấn quýt với nhau, chứ không ăn cam, cam chỉ cam chịu, cam khổ, cam đành… Phe các nhà quân tử chúng tôi đều vui vẻ vâng lời. Ai cũng cám ơn Chị Ba và phe các bà đã cho một bữa ăn quá ngon. Chị Ba hỏi cả làng có ai còn nhớ món gì khác nữa không, ông Từ Hòe cười hì hì rồi bảo thỉnh thoảng tôi nhớ món Cơm Chiên Dương Châu, món này bao giờ cũng là món cuối cùng trong các bàn tiệc. Cụ B.95 nghe đến món này thì tỏ vẻ ngạc nhiên vì ở ngoài Bắc không hề có món này. Ông Từ Hòe liền nói ngay: Cái gốc nguyên thủy ngày xưa của nó là các món dư thừa của bữa tiệc hôm trước được chú Ba Tàu gom lại, rồi ngày hôm sau chú thêm chút lạp xưởng, trứng chiên và đậu Hòa lan và chút hành lá rồi chiên lại, gọi là món xà bần hay tả pí lù. Về sau bếp Saion theo công thức đó nhưng không phải là đồ dư của tiệc hôm trước nhưng là đồ mới đồ tươi, tất cả cho vào chảo lớn rồi chiên rồi xào, khi đem lên nó nóng còn khói ngùn ngụt rất thơm ngon. Và được gọi một tên mới nghe rất hấp dẫn là Cơm Chiên Dương Châu. Cụ B.95 gật gù tỏ ra thích lắm. Cụ bảo ở ngoài Bắc không hề có món này, và món nào cũng là món thực chứ không có món ăn chơi như ở Miền Nam. Nói đến đây rồi cụ ngưng lại như nhớ ra một điều gì. À, cụ nhớ tới thần tượng John của cụ. Cụ xin anh góp tiếng cười. Cụ bảo anh không phải suy nghĩ gì cả, anh cứ nói về tiếng Việt, có thấy tiếng Việt của chúng tôi có hay không là đủ. Cụ đã gõ đúng cửa. Anh John nói ngay

-Theo cháu thì mỗi ngày cháu mỗi tìm ra cái hay tuyệt vời của tiếng Việt. Nói gì đâu xa, cứ nghe các bác nói chuyện là thấy liền. Cháu

thấy nhiều tiếng nghe rất buồn cười như

--Ngủ nướng, rõ ràng ngủ trên giường chứ có vào bếp đâu

--Ăn đứt, sao đang ăn mà lại đứt, đứt cái gì?

--Tin vịt, con vịt có biết nói đâu mà có tin

--Đánh rắm, sao lại đánh được làn khí độc này…

--Như nói về cô gái thì trong lời nói ngoài âm thanh còn thấy có thêm hương vi: ngọt ngào, chua chát, đắng cay

Ngoài ra, nói lái trong tiếng Việt cũng hay kinh hồn:

Yêu nhiều thì ốm / ôm nhiều thì yếu

Anh chàng ngông / anh chồng ngang

Đứng trông hoài/ đái trong quần

Tôi lấy vợ/vơ lấy tội

Tôi lấy chồng/ trông thất tồi.

Lại có tiếng tượng thanh, như tiếng TÒM trong bài thơ ngắn này tôi cho là hay vô cùng:

Đang khi bếp tắt cơm sôi

Con còn khóc đói, chồng đòi tòm tem

Bây giờ bếp đã cháy lên

Con đà nín khóc, tòm tem thì tòm…

Mọi người vỗ tay râm ran vì thấy tiếng Việt hay quá. Anh John dược khen thì sung sướng lắm. Anh nhìn đồng hồ rồi nói: Tôi thấy làng thích các câu đố, tôi cũng xin góp một câu đố vào ngày TẾT cho vui thêm, câu dố như thế này: ‘ Con chó làm cái gì đặc biệt khi nó đứng 3 chân trong khi con người cùng làm cái đó mà vẫn đứng 2 chân? Mời các cụ thử trả lời trước khi đọc tiếp nha. Cả làng tôi đã nghĩ một lúc rồi cùng bàn nhau và cả làng dã cười ầm lên, phe các bà thì nói đó là cái việc đi đái, phe các ông thì nói đó là cái chuyện tòm tem trên đây. Anh John lắc đầu, anh vừa cười vừa nhìn vợ rồi đáp: Tôi có một con chó rất thông minh và dễ thương, tôi coi nó như con. Đó là cái việc ngày tết tôi đứng bắt tay con chó và mừng tuổi nó. Nó giơ một chân lên bắt tay tôi. Tết cơ mà. Có đúng không nào. Các cụ nghĩ sao cơ về câu đố và trả lời này?

Kính chúc các cụ năm mới ngày nào cũng đầy tiếng cười như làng tôi.

TRÀ LŨ