□ Nguyễn Trung Tây

Chuyện VỢ Chuyện CHỒNG: Song Lộc Triều Nguyên


Như song lộc triều nguyên ơn phước cả,

dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng,


(Thánh Nữ Đồng Trinh, Hàn Mặc Tử).

Chiều Chúa Nhật, tan lễ. Chồng lái xe chở vợ nhập vào dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi. Trời tháng Mười Hai, mùa đông Bắc Mỹ rét buốt thịt da.

Cả vợ và chồng bất chợt mệt nhoài. Cả hai cùng yên lặng.

Chồng mở to căng mắt nhìn đèn thắng đỏ chói lòa lòa trên đường. Vợ lơ đãng nhìn hai bên đường. Dòng người tấp nập ngược xuôi. Bất ngờ vợ ôm ngực, ho khan! Chồng nhanh tay bật máy sưởi, quay sang vợ,

— Are you OK?

Vợ vuốt vuốt cần cổ,

— I’m OK. Chắc tại trời lạnh.

Vợ lấy khăn len, quấn tròn che kín cần cổ cao thon thon. Sau một phút bỡ ngỡ với tiếng ho của vợ, chồng lại nhanh nhanh điều khiển vô lăng lăn tròn đều những vòng quay bánh xe.

Bầu không khí trong xe tự nhiên đông lạnh lại. Vợ giơ tay che miệng ngáp. Chồng nặng cay cay mắt, há miệng ngáp theo. Vợ lo âu,

— Anh lái xe được không? Ngáp quá vậy?

Chồng thú tội,

— Buồn ngủ quá! Cái đầu như muốn chịu thua đôi mắt.

— Ừ, em cũng buồn ngủ bạo. Tính nhắm mắt lại mấy lần. Nhưng sợ ông tướng ngồi một mình, ngủ luôn thì mệt.

Chồng nổi máu tếu,

— Vậy sao không kể cho anh nghe chuyện ngày xửa ngày xưa có con mẹ bán dưa đi.

Vợ phì cười,

— Chuyện đó thì nhường cho anh kể.

— Không kể chuyện ngày xưa thì lấy cái CD, mở nhạc nghe đi, please?

— Nhạc đạo hay nhạc đời? Nhạc Disco hay dis-“cậu”?

— Dis nào cũng được. Mở nhạc, hát theo cho vui. Chứ không, cả hai tên dám vừa ngủ vừa lái xe cho coi.

Vợ lấy ra CD, ấn nút dàn máy. Giọng hòa âm bốn bè trường ca Ave Maria nổi lên. Từng lời kinh của Hàn Mặc Tử trộn lẫn với dòng nhạc Hải Linh nhè nhè bay cao vút. Gặp đúng ngay bài nhạc tủ, cHồng Yên lặng lắng nghe. Vợ mở miệng hát nho nhỏ theo: “Như sóng lộc triều nguyên, ơn phước cả”...

Chồng sửa lưng vợ tại chỗ,

— Người đẹp ơi! Không phải “sóng” mà là “song”. “Như song lộc triều nguyên”.

Vợ quê một cục,

— Sao anh biết?

Bị vợ chiếu bí, chồng tỉnh ngủ,

— Tin tui đi người đẹp. Song lộc chứ không phải là sóng đâu.

— Sao anh biết là song? Are you sure?

— Sure! Không tin thì cá này.

— Cá cái gì nè?

— Gì cũng được?

Tưởng vợ sẽ lấn tới. Nhưng không, vợ yên lặng đo lường tình thế. Biết mình tẩy bạt, mặt trên con chin. Trong khi đó đối thủ con xì trên mặt, vợ chọn lựa đình chiến,

— Tạm tin anh đi. Ok! Song lộc triều nguyên.

Chồng kể,

— Hồi xưa ở ca đoàn, tụi anh hay thắc mắc hỏi Sơ ca trưởng, “Sơ ơi! Song lộc triều nguyên nghĩa là gì?” Sơ nói, Sơ không biết.

Chồng nịnh vợ,

— Em thông minh lắm mà, có biết tại sao ông Hàn Mặc Tử lại viết “Như song lộc triều nguyên” hay không?

Vợ nghĩ ngợi,

— Chịu, ai mà biết. Hồi xưa em cứ nghĩ “Như sóng lộc triều nguyên”, bởi vì ông ấy muốn so sánh Đức Mẹ thanh cao tựa như nguồn sóng dâng cao. Em còn nghe nói ngoài miền Trung có con sóng. Người ngoài đó gọi sóng lộc. Bây giờ anh lại nói “Như song lộc”. Chịu, chịu thôi. Anh đi mà hỏi tác giả.

— Duyên dáng Việt Nam quá hen! Vậy mà cũng nói cho được! Ông Hàn Mặc Tử chết từ đời tám hoánh rồi. Làm sao mà hỏi?

Chồng giải thích,

— Nhưng khoan! Mặc dù ông Hàn Mặc Tử đã chết. Nhưng ông ấy có người em ruột. Ông này viết hồi ký về anh mình (1). Trong đó có đoạn giải thích nguyên văn lời thơ huyền bí.

— Really? You are not kidding, right?

— I'm serious… Ông Nguyễn Bá Tín nói ông Hàn Mặc Tử đã từng giải thích với ông ấy, song là nhị, là hai. Nhưng lộc ở đây không phải chữ lộc của nai, nhưng là chữ lộc của hai sao tử vi.

— Serious?

— Yup, I am not kidding. Lộc này là Lộc của hai ngôi sao, sao Lộc Tồn và sao Hóa Lộc. Lộc Tồn là sao Thiên Lộc, lộc của Trời. Hóa Lộc là sao Nhân Lộc, lộc của trần gian. Triều là hướng về. Nguyên là nguyên thủy. Song lộc triều nguyên có nghĩa là từ nguyên thủy, Đức Mẹ đã tràn đầy phúc lộc: phúc lộc trần gian (Hóa Lộc) và phúc lộc thiên đàng (Lộc Tồn).

Chồng hứng khởi,

— Mà đây mới là điểm đặc biệt của lời thơ bí hiểm nè. Vợ biết chi không? “Song lộc triều nguyên” chính là câu kinh “hội nhập văn hóa” của ông Hàn Mặc Tử.

— Câu kinh “hội nhập văn hóa.” Vụ này tui chưa nghe ai nói đó nghen.

— Em đọc kinh Kính Mừng như thế nào?

— Thì ai mà chẳng đọc, “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc...”

— Well! Nếu thích, vợ có thể đọc kinh Kính Mừng như thế này, “Kính mừng Maria, ‘như song lộc triều nguyên ơn phước cả’”.

— Cái này là ông tướng suy diễn hay là ông Hàn Mặc Tử nói đó?

— Có mà suy diễn. Cái này là ông Nguyễn Bá Tín, ông ấy nói đó. Nói có sách, mách có chứng. Chốc nữa về nhà, tui lấy sách ra cho đọc. Ba mặt một nhời.

Vợ vẫn Tôma, chưa thấy chưa tin,

— Thấy rồi mới tính. Đọc rồi mới tin.

— Đợi đấy! Ván bài rồi sẽ lật ngửa mà!

Dòng xe cộ vẫn tấp nập ngược xuôi. Bên trong xe, dòng thơ kinh quyện với nhạc thánh hóa ra trầm hương bay cao lên tới thiên nhan,

“Như song lộc triều nguyên ơn phước cả”.

Nhạc quyện với thơ sáng tựa trăng rằm dịu dàng buông xuống trần gian ngàn vạn sợi tơ,

“Dâng cao, dâng, thần nhạc sáng hơn trăng”.

Thơ hòa với nhạc dệt nên trường ca bất tận ngợi ca vẻ đẹp của Nữ Vương Thiên đàng,

“Và tổng lãnh thiên thần quỳ lạy Mẹ. Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa”.

Suy Niệm

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả,

Dâng cao thần nhạc sáng hơn trăng.

Thơm tho bay cho tới cõi thiên đàng,

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể,

Và tổng lãnh thiên thần quỳ lạy Mẹ,

Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa,

Hương xông lên, lời ca ngợi xum hòa,

Trí miêu duệ của muôn vị rất thánh,

Ave Maria


(Hàn Mặc Tử, Thánh Nữ Đồng Trinh)

Lời Nguyện

Lạy Nữ Vương Song Lộc Triều Nguyên, Mẹ của Thiên Chúa, cũng là Mẹ của chúng con. Xin Mẹ tiếp tục cầu bầu cho chúng con, những người con của Mẹ còn đang trên con đường hành hương về lại quê Trời của Đức Giêsu, Con của Mẹ.□

Chú thích

(1). Nguyễn Bá Tín, “Hàn Mặc Tử, Anh Tôi.” NXB Văn Nghệ, 1991.

(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam - Tập 2 sắp xuất bản)