II. Tình yêu và sự chết

1. Hiện không có giáo huấn Tin Mừng nào có tính nền tảng như giáo huấn dạy rằng sự sống ở đời này là sự thiện áp hậu [penultimate] và tương đối. Đồng thời, có lẽ không có giáo huấn nào liên tục như giáo huấn dạy rằng sự sống có tính thánh thiêng, nó thuộc về Thiên Chúa và cố ý lấy đi sự sống — ngay cả sự sống của chính mình — là một trong những tội nặng nhất chống lại Thiên Chúa. Như thế, giống như các nỗ lực thống trị sự sống và sự chết, chúng ta đối diện với tính đồng thời nơi tính tuyệt đối và tính tương đối của sự sống như một điều tốt lành. Quả thật, tính đồng thời này được mô tả rõ ràng trong một đoạn dẫn nhập của Evangelium Vitae:

Con người được mời gọi tới sự viên mãn của sự sống vốn vượt quá các chiều kích của cuộc hiện sinh ở đời này, bởi vì nó hệ ở việc chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Sự cao cả của ơn gọi siêu nhiên này cho thấy sự vĩ đại và giá trị khôn lường của sự sống con người ngay trong giai đoạn trần thế của nó. Thực thế, sự sống trong thời gian là điều kiện căn bản, giai đoạn đầu và một phần làm nên toàn bộ diễn trình hiện hữu thống nhất của con người. Nó là một diễn trình mà, một cách không ngờ và không do công lao của mình, được khai sáng bởi lời hứa và được đổi mới bởi ơn phúc sự sống thần linh, sẽ đạt đến sự thể hiện trọn vẹn của nó trong vĩnh cửu (xem 1 Ga 3: 1–2). Đồng thời, chính lời kêu gọi siêu nhiên này làm nổi bật tính cách tương đối của sự sống trên trái đất của mỗi cá nhân. Dù sao, sự sống trên trái đất không phải là một thực tại “tối hậu” mà là một thực tại “áp hậu”; dù là vậy, nó vẫn là một thực tại thánh thiêng được giao phó cho chúng ta, để được bảo tồn với một tinh thần trách nhiệm và đưa đến sự hoàn hảo trong tình yêu và trong việc chúng ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em của chúng ta [14].

Do đó, trước hết, “Tin Mừng sự sống” bày tỏ tính ưu tiên và tính dư dật của sự sống mà tất cả mọi người đều được tiền định đạt tới trong Chúa Kitô.

Cuộc sống trần gian chỉ là “áp hậu”, chỉ là sự khởi đầu của “tính viên mãn của sự sống vượt xa các chiều kích của việc hiện hữu trên trái đất này".

Đó là điểm khởi đầu cho một "ơn gọi siêu nhiên" để chia sẻ "chính sự sống của Thiên Chúa”. Đồng thời, nó sự khởi đầu này. Nó là "Điều kiện căn bản, giai đoạn khởi đầu" của sự viên mãn của sự sống. Tuy nhiên, không những nó là sự khởi đầu, nó còn là “một thành phần cấu tạo ra toàn bộ diễn trình thống nhất của hiện sinh con người”. Vì vậy, nó có tính tuyệt đối theo nghĩa nó vốn là sự khởi đầu thánh thiêng của sự sống ngày càng vĩ đại hơn đó là lời hứa của Tin Mừng. Nhưng thông điệp cũng hiểu "sự sống trần gian" là điều tốt "tự trong nó". Tự trong nó, nó là điều tốt chính vì nó thủ diễn một lịch sử bản thân. Nó không những là nẻo đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu, nó còn sở hữu hình thức và cùng đích riêng của nó, như một đáp trả căn bản cho tình yêu mà sự sống vĩnh cửu vốn cốt ở.

Giống như các khuynh hướng được thảo luận ở trên, đức tin khẳng định rằng sự sống con người không những là sự hiện hữu hữu cơ đơn giản của nó. Thật vậy, đức tin vốn kính trọng một cách lành mạnh đối với ý tưởng cho rằng sự sống không cần phải được bảo toàn bằng bất cứ và mọi giá nào, bất kể "phi thường" ra sao. Như Thông điệp đã chỉ rõ, phúc tử đạo làm chứng cho sự tốt lành tương đối của sự sống này. Sự sống phải được sống trong phương thức con người, và người ta có thể sai sót ở điều này bằng cách quên hoặc bỏ qua chính mục đích và ý nghĩa của việc sống. “Chắc chắn, sự sống của cơ thể ở trạng thái trần thế không phải là một sự thiện tuyệt đối cho tín hữu, đặc biệt khi họ được yêu cầu hiến nó cho một điều tốt đẹp hơn. Như Chúa Giêsu nói: ‘ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy' (Mc 8:35)” [15]. Thật vậy, thông điệp tiếp tục nói, “Chúa Giêsu công bố rằng sự sống tìm được trung tâm của nó, ý nghĩa của nó và sự thành toàn khi nó được cho đi” [16].

2. Tuy nhiên, Kitô giáo, dường như đề cao mầu nhiệm nghịch lý của cái chết hơn là loan truyền nó. Tuy nhiên, nếu có sự sống bên ngoài sự chết, thì khi chúng ta chết, chúng ta vẫn là người thực sự chết. Chúng ta không thể nghĩ tới sự chết chỉ như một diễn trình hữu cơ và linh hồn như không bị tác động bởi sự chết. Do đó, khi chúng ta nghĩ đến sự chết, điều đúng là nghĩ không những đến việc đi vào cuộc sống vĩnh cửu, nhưng cũng nghĩ đến thảm họa bản thân. Quả vậy, điều này không những bởi vì trong một số trường hợp, cuộc sống dường như đã bị cắt ngắn một cách bi thảm, bỏ lại đàng sau những người phụ thuộc hoặc công việc chưa hoàn thành. Chúng ta đau buồn vì sự mất mát ngay cả những người cao niên đã tới hồi viên mãn của năm tháng, đã hoàn thành công việc của đời họ và nay chính họ đang phụ thuộc vào người khác. Bởi vì chúng ta thực sự chết, bởi vì chúng ta trải nghiệm sự chết bằng cốt lõi hữu thể của chúng ta, hẳn chúng ta phải nghĩ tới sự chết như một đau khổ thực sự. Ngay cả với đức tin Kitô giáo, đặc tính bi thảm của sự chết vẫn còn đó. Trong khi cái chết là một phần của chu kỳ tự nhiên của cuộc sống trên thế giới như chúng ta biết nó, đối với người phàm chúng ta không có gì có thể được trải nghiệm như là không tự nhiên, không đồng bộ với mong ước của chúng ta, hơn sự chết.

Sự hiểu biết về cái chết như một hình phạt vì Cuộc Sa Ngã vang dội với cảm thức không tự nhiên này về sự chết. Thật vậy, giống như tội lỗi, nó không nằm trong kế hoạch nguyên thủy. Quan điểm này tạo ra một ánh sáng tiêu cực về sự chết, nhưng quả như vậy. Trong chừng mực cái chết là một hình phạt do Thiên Chúa áp đặt lên cha mẹ đầu tiên và tất cả các thế hệ, nó phải thỏa mãn (hoặc có lẽ tốt hơn nên nói, nó thiết lập) các đặc điểm chủ yếu của hình phạt chân chính như chúng ta đã biết [17]. Ý niệm hình phạt gợi lên một bối cảnh đạo đức và luật pháp. Một hình phạt chỉ thực sự là hình phạt khi nó được sắp xếp để phục hồi công lý. Theo nghĩa này, nó phục vụ một mục đích liên quan đến việc tái lập các mối liên hệ thích đáng giữa người vi phạm và người bị xúc phạm. Do đó, nó đòi hỏi một mục đích và ý nghĩa sửa trị. Chúng ta có thể nói nó là một điều ác áp đặt cho một điều tốt cao hơn và lớn hơn. Nhưng điều tốt cao hơn hoặc lớn hơn này không bao giờ có thể hoàn toàn không liên quan gì tới lợi ích của kẻ vi phạm. Điều này cũng cho thấy không được tùy tiện chọn và áp đặt các hình phạt đích thực, một cách nào đó, chúng phải phát xuất một cách tự nhiên và do đó "phù hợp" với việc vi phạm. Truyền thống Kitô giáo luôn luôn nhìn sự chết dọc theo các đường hướng này. Nó không được áp dụng một cách đơn giản như một hình phạt không liên quan gì đến bản chất của tội phạm, nhưng trên thực tế là kết quả tự nhiên của việc Ađam mưu toan và là các mưu toan liên tiếp của chúng ta muốn nên “giống như Thiên Chúa” mà không có Thiên Chúa, muốn tuyên bố chúng ta độc lập đối với đặc tính được ban tặng của hiện hữu chúng ta.

Sống ngoài Thiên Chúa là chết. Điều này luôn được ngụ ý bởi sự hiểu biết Cựu ước, vốn coi Sheol như một vực thẳm, tách biệt khỏi và không có lời ngợi khen Giavê [18]. Sự chết, vốn là sự sống bên ngoài Thiên Chúa, rõ ràng là một điều ác, nhưng việc Thiên Chúa cho phép hậu quả "tự nhiên" này và hệ lụy của việc vi phạm, cùng một lúc, có tính chữa lành.

Sự thật liên quan đến vấn đề sống và chết đã được Chúa Kitô tiết lộ trong các hành động và câu chuyện cuộc đời Người và cái chết của Người trên thập giá. Không những xuống Sheol để mang lời ngợi khen và sự hiện diện của Thiên Chúa, Người còn tái lập cho chúng ta một chỗ trong Vương quốc. Bằng cách thăm dò vực thẳm sự chết, Người cho chúng ta thấy ý nghĩa nhân bản của nó. Nếu số phận của nhân loại là và luôn luôn là “chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa” qua “tình yêu và... việc hiến mình của chính chúng ta”, thì việc quá độ cả từ sự ngây thơ của thiên đường đến một kết thúc siêu phong phú được ban cho chúng ta sẽ bao hàm việc bắc cầu qua hố sâu triệt để đến mức tạo nên sự khác biệt về thể loại. Khó mà nói chúng ta nên hiểu bước quá độ này ra sao, dù đã đặt qua một bên vấn đề tội lỗi. Như Guardini từng viết:

Ngay cả khi con người không phạm tội, sự sống của họ vẫn sẽ kết thúc, vì sự sống thuộc về thời gian. Nhưng kết thúc này sẽ không phải là sự chết của con người như chúng ta biết nó. Chúng ta không biết gì về hình thức nó sẽ mang lấy, vì hình thức đó không bao giờ trở thành hiện thực. Chúng ta chỉ có thể nói rằng sẽ có một kết thúc, một kết thúc đồng thời là một khởi đầu, một quá độ và một biến đổi [19].

Henri de Lubac đi xa hơn một chút, nói rằng "đoạn đường dẫn đến trật tự siêu nhiên, ngay cả đối với bản chất vô tội và lành mạnh, có thể không bao giờ diễn ra mà không có một cái chết nào đó” [20]. Hố sâu vô tận ngay giữa cả Vườn Địa Đàng và số phận siêu nhiên chỉ có thể được bắc cầu bằng sự sẵn sàng giống như cái chết để được tái dựng bởi ơn phúc nhân từ và hoàn toàn có tính biến đổi của Thiên Chúa. Nó vẫn sẽ là bước quá độ từ sự sống "trong thời gian" đến một "sự sống mới" trong tình yêu Ba Ngôi. Trong tư cách đó, nó sẽ yêu cầu lòng tín thác và sự sẵn lòng trở thành dễ bị tổn thương trong sự phụ thuộc và tình yêu, giống như Đấng Tạo Hóa đã cởi mở chấp nhận "rủi ro" tạo ra một sự tự do khác. Mặt khác, tội lỗi đã biến đổi việc quá độ nguyên thủy này thành trải nghiệm sự chết, thành việc linh hồn lìa khỏi xác điều được trải nghiệm như một sự mất đi tính toàn vẹn bản thân.

3. Vậy thì đâu là cơ sở gốc rễ và bản chất của sự chết? Hiệp thông với Thiên Chúa là tình yêu cao cả nhất mà vì nó con người đã được tạo dựng.

Nhưng như đoạn văn từ Evangelium Vitae nói rõ, tình yêu này không được nên trọn cho đến khi nó được ban tặng lúc cánh chung, trong việc "chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa". Sự viên mãn mà đoạn văn nói đến trên thực tế đồng thời là sự viên mãn của sự sống và tình yêu. Đi theo tội lỗi, số phận cao nhất của chúng ta chỉ có thể được thể hiện bằng cách buớc qua sự vong thân triệt để — cả với Thiên Chúa lẫn với chính mình — mà chúng ta hiểu là khoảnh khắc chết. Ngay cả Chúa Kitô cũng không được miễn trừ khỏi trải nghiệm này (Mt 27: 45–46). Sự suy sụp hướng tới sự chết luôn tự áp đặt như việc tiến gần đến sự lãng quên. Ấy thế nhưng, vì Chúa Kitô đã chịu chết vì chúng ta và để vâng lời Đức Chúa Cha, chúng ta được ban cho cơ hội trong ơn chuẩn bị cho sự chết không như sự lãng quên mà như một khoảnh khắc cuối cùng của lòng tín thác con thảo và việc thanh tẩy yêu thương.

Những xem xét này làm rõ cơ sở cho mối liên hệ “chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa” trong thông điệp với “Sự hoàn hảo trong tình yêu và... việc chúng ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta". Sự chuyển dịch của tạo vật vào Thiên Chúa chỉ có thể được hiểu theo nghĩa tình yêu. Nếu đúng là ngay một bản chất không sa ngã cũng vẫn phải trải qua "một số loại sự chết", có phải điều này cũng có nghĩa là có "một loại sự chết nào đó" ở tâm điểm của tình yêu? Đây chính là gợi ý của Ratzinger.

Việc khám phá ra sự sống bao hàm việc phải vượt ra khỏi cái tôi, bỏ nó lại phía sau. Nó chỉ xảy ra khi một người mạo hiểm dọc theo con đường của tự bỏ mình, để mình rơi vào tay người khác.

Nhưng nếu mầu nhiệm sự sống, theo nghĩa này, đồng nhất với mầu nhiệm tình yêu, thì nó gắn liền với một biến cố mà chúng ta có thể gọi là ‘giống như chết’ [21].

Chính ý niệm hình phạt, như chúng ta đã thấy, gợi ý rằng những mối nguy hiểm, dễ bị tổn thương và đau khổ của tình yêu chỉ cho ta thấy một điều gì đó nguyên thủy hơn tội lỗi, một điều gì đó vượt ra ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Có một nghịch lý, một căng thẳng cần thiết nào đó, trong nền tảng giống như sự chết này, cho tình yêu. Con người, được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và do đó sở hữu chiều sâu và khả năng mầu nhiệm, và do đó “ước muốn” được hiệp thông với Thiên Chúa, không thể đạt được, bằng chính tài nguyên riêng của họ, sự nên trọn duy nhất và sau cùng này, và do đó, là độc nhất, theo nghĩa chân thực. Hành động duy nhất có thể mang lại sự nên trọn này là hành vi tiếp nhận. Ratzinger nói với chúng ta rằng cái chết buộc ta phải lựa chọn. Nó là sự lựa chọn giữa thiên hướng tín thác yêu thương và thiên hướng cố gắng vô ích muốn đem sự sống và sự chết vào quyền lực của chính chúng ta.

Nếu ngay cả một con người không sa ngã cũng sẽ trải qua “một số loại sự chết”, đó là bởi vì sự chuyển dịch căn bản của tạo vật vào Thiên Chúa chỉ có thể được hiểu là hành động cao nhất của tình yêu của Thiên Chúa dành cho tạo vật của Người và đồng thời là phản ứng cao nhất của tình yêu mà vì nó tạo vật đã được tạo ra. Đặc tính "giống như sự chết"được tìm thấy trong sự kiện này là điều cuối cùng chúng ta ước mong là hiến chính bản thân mình. De Lubac diễn tả nghịch lý này bằng cách nói với chúng ta rằng điều chúng ta thực sự ước muốn trong "mối phúc" là phục vụ, trong "hưởng nhan" là tôn thờ, trong "Tự do" là tùy thuộc, trong "sở hữu" là "ngất trí" [22]. Hành vi căn bản để mình hiện hữu vừa là một mất mát vừa là một lấy lại bản thân, vừa là hoàn thành mong muốn vượt quá mong đợi vừa là đảo ngược khao khát. Sự đảo ngược biểu kiến của những gì chúng ta ước muốn một cách rõ ràng là điều đòi phải có do sự bất cân xứng vô hạn giữa tạo vật và cùng đích của nó, giữa ước muốn và sự nên trọn của tạo vật. Nhưng sự bất cân xứng này không phải là việc bác bỏ sự thật của ước muốn. Đúng hơn, nó là sự thể hiện sự thật đó. Dịch vụ, tôn thờ, phụ thuộc và ngất trí thực sự là những việc nên trọn của ước muốn cõi phúc, hưởng nhan, tự do và chiếm hữu. Ước muốn vừa vượt quá vừa nên trọn một cách dư tràn. Khía cạnh nghịch lý này của ước muốn không những là sản phẩm của tội lỗi (chắc chắn làm tăng thêm khó khăn của nó), nhưng là một phần của chính cấu trúc tình yêu, như được thể hiện một cách tinh túy trong chính chuyển dịch của tạo vật hướng về cùng đích của nó. Tình yêu, vì liên quan đến cả hai việc nên trọn trong và tạo không gian cho người yêu, nên hàm ngụ cả việc làm rỗng bản ngã lẫn việc sở hữu nó. Đây chính là đặc tính "giống như sự chết" của tình yêu.

4. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nạn nhân đầu tiên và bi thảm nhất của Cuộc Sa Ngã cũng đại diện hiển hiện và mang tính biểu tượng nhất của tình yêu này — các mối liên hệ gia đình. Sự đoạn giao của tội lỗi đầu tiên và hình phạt của nó trong sự vong thân của cái chết ngay lập tức đi vào tận những liên hệ căn bản nhất của con người này. Điều này được làm rõ bởi từng "lời nguyền rủa": đối với người phụ nữ, sự đau đớn của việc sinh con và "khao khát" đối với người chồng mà tình âu yếm của người này bị ngụ ý có thể trở thành lạnh nhạt hoặc lang bang ở nơi khác; đối với người đàn ông, lao động cực khổ và thường vô ích để chu cấp cho gia đình mình. Sự phụ thuộc vào nhau của tất cả các thành viên trong gia đình kéo theo tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước khả thể liên tục xảy ra bệnh tật, tai nạn hoặc chết chóc. Sau Cuộc Sa Ngã, và như những hậu quả tự nhiên của ý nghĩa bên trong của nó, tình yêu hôn nhân và gia đình là đầy dẫy những khó khăn, nguy hiểm và đau khổ không thể tránh khỏi này.

Ngay cả khi các liên hệ hôn nhân và con thảo vẫn tiếp tục là loại suy đệ nhất cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và thế giới, sự mong manh cực kỳ của những tình yêu này đã bị phơi bày. Từ quan điểm này, không có gì đáng ngạc nhiên khi vụ giết người đầu tiên là huynh đệ tương tàn, ngay cả khi Evà tiếp tục cảm nghiệm sự ra đời của đứa con như một hồng ân (St 4: 1), mối liên hệ cha mẹ - con cái bị đè nặng bởi mối liên kết của nó với việc truyền tải Nguyên tội.

Kinh nghiệm về cái chết như sự vong thân và xé nát sự toàn vẹn bản thân đã thâm nhập vào cốt lõi của các mối liên hệ nhân bản nền tảng chính là vì tính ưu việt của chúng. Tuy nhiên, Sự ra đời và cái chết của Chúa Kitô đã thấm nhập một cách phổ quát vào tình yêu con người và hoa trái của nó. Chính tính dễ bị tổn thương của những tình yêu này, khi sống trong Chúa Kitô, đã thâm hậu hóa hồng phúc. Giống như bậc hôn nhân, khả thể đồng trinh thánh hiến của Kitô giáo cung cấp một hình thức khách quan của tình yêu giáo hội. Cả hai bậc sống đều là những phương thức sống theo tình yêu vốn tạo thành Thân thể và Hiền thê của Chúa Kitô. Cả hai đều là những cách tiếp nhận hình thức và sự toàn vẹn của cuộc sống và cái chết — “lịch sử” — của Chúa Kitô làm của mình. Thật vậy, sự thánh hiến tự nó được coi là một dự ứng ơn gọi cánh chung của chúng ta, một sự chết cho thể xác của thế giới này để cứu được nó. Tội lỗi có nghĩa là những ai thấy Thiên Chúa phải trước nhất vượt qua cái chết, và nó cũng như vậy đối với những người kiên trì trong tình yêu đích thực, dù là trong gia đình hay trong bậc thánh hiến. Đây chính là ý nghĩa của một bậc sống trong Giáo hội. Sau Cuộc Sa Ngã, đây chỉ có thể là sự thực hành cái chết — dùng đòn bẩy đẩy sự chết vào việc mất bản thân giống như chết đó là tình yêu.

Không có gì lạ khi vấn đề tình yêu được luôn luôn kéo vào các cuộc tranh luận về sự thống trị sự sống và sự chết của kỹ thuật. Tình yêu và sự chết buộc phải nêu ra một loạt câu hỏi, ngay cả theo gót sự thống trị. Tuy nhiên, các câu hỏi mang tính cấp thiết mới:

Há bạn lại không tháp tùng tôi đến kết cục của tôi hay sao? Hay cách khác:

Tại sao bạn phải ra đi? Há bạn lại không ở lại với tôi bao lâu mình còn được ban cho hay sao?

Liệu đau khổ và sự chết có thể mạnh hơn tình yêu của chúng ta không? Tương tự như vậy, mặc dù ít hiển nhiên hơn, tình yêu đang bị đe dọa trong sự thúc đẩy hướng về sự bất tử nhờ kỹ thuật. Tất nhiên, có các hệ luận nhân khẩu học và giải pháp "đơn giản" cho rằng sự sinh sản cần được cắt giảm đáng kể (một lần nữa bằng các phương tiện kỹ thuật). Nhưng "Vấn đề kỹ thuật" này dẫn tới một vấn đề nhân học sâu xa hơn. Trong thực tế, người ta luôn biết rằng việc sinh ra một đứa con báo hiệu cả việc đến thời của con và sự ra đi của cha mẹ.

Sinh con đòi hỏi lòng đại độ cuối cùng, sự sẵn lòng đón nhận tuổi tác như một bài học trong tình yêu. Ngoài vấn đề chuyên biệt về nhân khẩu học, không có sự qua đi của nhiều thế hệ thì không có không gian nhân học để sinh con. Cậu bé chỉ có thể trở thành một người đàn ông khi bắt đầu thế chỗ cha em; cô gái trở thành phụ nữ khi cô ấy bắt đầu thế chỗ mẹ cô. Đứa con phải trưởng thành và trở thành người lớn. Chỉ có việc nhìn thấy cảnh hoàng hôn của chính mình mới có thể thúc đẩy ta siêu thoát, một điều vốn tạo ra khôn ngoan. Không có các thế hệ, sẽ không có không gian nhân bản để phát triển bản thân. Do đó, vấn đề sống và chết có tính nhân học và đạo đức, chứ không phải kỹ thuật và thực dụng.

Do đó, những xem xét này dẫn ta tới vấn đề căn bản với những nỗ lực kỹ thuật để thống trị sự sống và sự chết.

Phong trào hướng tới sự thống trị không sai vì việc nó tuyệt đối hóa hoặc tương đối hóa sự sống. Đúng hơn, nó sai lầm vì đã lật ngược những việc này. Quả thế, việc quản lý kỹ thuật sự sống và sự chết ngụ ý việc trốn tránh sự cần thiết của tình yêu, hay nói đúng hơn, nó ngụ ý một loại giả mạo tình yêu và hoa trái của nó, một việc bác bỏ cả hai tính yêu trẻ thơ và sự đơm hoa kết trái, bác bỏ sự luân phiên giữa việc được ban sự sống và sinh ra sự sống, một sự cởi mở đối với việc sinh con và việc được sinh ra. Nó phủ nhận trong tình yêu không có bất cứ điều gì "giống như sự chết".

****

Socrates trong Phaedo nổi tiếng nói với bạn bè của mình rằng một triết gia chân chính phải dành cả cuộc đời để chuẩn bị cho sự chết, nhưng ông cũng nói rằng lấy đi cuộc sống của chính mình là điều đáng xấu hổ. Sự sống đang chuẩn bị cho sự chết này, ít nhất từ một góc độ, dường như là sự sống được sống để trở thành một toàn bộ — một sự sẵn sàng cho sự chết, nhưng không phải là sự vội vàng nắm bắt sự chết. Chính ý tưởng cho rằng cho đến khi một cuộc sống hoàn tất, nó vẫn chưa thể được nhìn như một tổng thể và không thể được gọi là đẹp đẽ, cao quý hay tốt lành. Nhưng đối với Socrates, sự chuẩn bị suốt đời cho sự chết có ý nghĩa hơn sự hoàn tất của toàn bộ cuộc sống. Nó cũng có nghĩa là bước sang một điều tốt hơn. Toàn bộ xuất hiện với việc hoàn tất sự sống sống theo một cách nào đó này là sự chuẩn bị để bước vào cuộc sống khác hoặc xa hơn. Đây là lý do tại sao ngay cả một Kitô hữu đơn giản nhất cũng được gọi là một nhà triết học Socrate. Triết lý gốc rễ của Kitô giáo dạy rằng sự sống là việc chuẩn bị cho sự chết, và chuẩn bị cho loại chết đúng trên thực tế là đã thực sự sống.
______________________________________________________________________________________________________________

[14] Evangelium Vitae, 2. Bản gốc nhấn mạnh.

[15] Đd., 47.

[16] Đd., 51.

[17] Josef Pieper đưa ra quan điểm này trong Death and Immortality [Sự chết và Sự bất tử] (South Bend: St. Augustine Press, 2000), ch. IV.

[18] Tv 6: 6; 30:10; 94:17; 115: 17; Is. 38:15. xem Ratzinger, Eschatology[cánh chung học], 80ff.

[19] Guardini, The Last Things [Những điều cuối cùng], 20.

[20] Henri de Lubac, The Mystery of the Supernatural, Rosemary Sheed dịch (New York: Crossroad Herder, 1998, tái bản từ năm 1967), 28. De Lubac tiếp tục nói rõ tuyên bố này: “Trong trường hợp này, chúng ta phải phân biệt giữa sự chết như một cánh cổng cần thiết để bước vào Sự sống, và hình thức của sự chết mà chúng ta biết là hậu quả của tội lỗi ”(sđd, tr. 52).

[21] Eschatology [cánh chung học], 94.

[22] Henri de Lubac, Surnaturel: Études historiques: nouvelle édition avec la traduction intégrale des citations latines et grecques [Siêu nhhiên: Các Nghiên cứu Lịch sử: ấn bản mới với bản dịch toàn diện các trích dẫn Latinh và Hylạp] (Paris: Aubier-Montaigne, 1946, tái bản Desclée de Brouwer, 1991), 492: “... la béatitude est le service, la vision est adoration, la liberté est dépendance, la possession est extase” [Mối phúc là phục vụ, hưởng nhan là thờ lạy, tự do là lệ thuộc, sở hữu là ngất trí].