Ai là tác giả bài thơ “Cảm hoài”

Ngày 3/11/2015 trên trang web Vietcatholic có đăng bài “Họa thơ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của tác giả Lê Đình Thông. Theo tác giả, bài thơ “Nỗi lòng” của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm viết vào năm 1953 và theo tác giả nguyên văn bài thơ:

Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông

Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!

Xe muối nặng nề thân vó Ký

Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng

Vá trời lấp biển người đâu tá?

Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!

Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế

Cắm sào đợi khách thuở nào trong?


Trước năm 2013, tôi cũng như nhiều người đinh ninh bài thơ trên là của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng từ khi tôi mua bên vệ đường tác phẩm “Chơi chữ” của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc do Nam Chi tùng thư xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1961 thì tôi lại thay đổi cách nhìn.

Ai là tác giả bài thơ “ Cảm hoài”?

Theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, thì tác giả bài thơ “Cảm hoài” là của cụ Nguyễn Sĩ Giác: “Cùng một lòng công phẫn như trên, cụ Nguyễn Sĩ Giác, thủa niên thiếu, cũng hoài bão chí lớn, nhưng không được toại, vì thiếu phương tiện và thiếu đồng chí, nên đã thốt ra lời thơ đĩnh đạc và thoát sáo:

CẢM HOÀI

Gươm đàn nửa gánh muốn sang sông,

Hỏi bến thuyền không lái cũng không!

Xe muối nặng nề thương vó ký,

Đường mây rộng rãi tiếc chim hồng.

Vá trời lấp bể người đâu vắng.

Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!

Lần lữa nắng mưa trong cuộc thế,

Cắm sào đợi nước thuở nào trong!


(Lãng Nhân, Chơi chữ, Nam Chi tùng thư xuất bản lần đầu tiên, 3 đường Nguyễn Siêu, Sài Gòn,1961, trang 139-140)

Giữa hai bài “Nỗi lòng” và “Cảm hoài” có khác nhau đôi chữ nhưng theo tôi thì bài “Cảm hoài” dùng từ chuẩn hơn: “muốn sang sông” nên mới “Hỏi bến”, “thương” mới đối với “tiếc”, “vắng” đối với “đông”.

Cụ Nguyễn Sĩ Giác sinh năm Mậu Tý( 1888) tại xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, là con của cử nhân Nguyễn Duy Nhiếp, là cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Cụ chỉ đỗ Tú tài nhưng được đặc cách đi thi Hội và đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất(1910), vị thứ 3/4. Cụ không ra làm quan và tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và bị Pháp bắt giam ở Hà Nội. Năm 1954 cụ di cư vào Nam và dạy môn Hán văn tại trường Đại học Văn khoa và Sư phạm Sài Gòn. Cụ mất vào khoảng sau năm 1975.

Ngoài bài thơ “Cảm hoài”, trong tác phẩm Chơi chữ còn có hai bài thơ Đường luật của cụ Nguyễn Sĩ Giác. Đó là bài: “Tiễn bạn đi đày” và “ Nhớ bạn đi đày”. Trong những bài thơ của cụ Nguyễn Sĩ Giác sáng tác có nhiều bài có âm hưởng giống nhau. Bài “ Bước phong trần” (hát ả đào) có câu: “Gánh gươm đàn mang trả nợ tang bồng”, bài “ Tặng bạn mới về quan”(hát ả đào) có câu: “Cánh chim hồng còn tiếc lúc bay cao”. Câu 2 của bài thứ nhất “Định sang chơi Hoa Thịnh Đốn thuật hoài”: “Gươm đàn nửa gánh tít phương xa”, hoặc câu 6 trong bài thứ nhất “Rằm tháng 9 (âm lịch) 1954 ở Bangkok đêm trông trăng cảm hoài”: “Gươm đàn xếp xó tháng ngày qua”

Hậu thế nhầm lẫn.

Vĩnh Phúc có viết một đoạn về Lãng Nhân Phùng Tất Đắc và cụ Nguyễn Sĩ Giác: “…Sau này khi vào Sài Gòn, chỉ còn lại cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác, thì Lãng Nhân nhờ con trai thứ ba là Phùng Khắc Điền (hiện đang sống ở Montréal, Canada) chở xe đến nhà cụ Nghè Giác để hỏi, mỗi khi bị bí một điển tích nào hắc búa” (sontrung.blogspot.com/2010/04/nguyen-si-giac-thi-van-tap.htlm). Lãng Nhân Phùng Tất Đắc khi xuất bản tác phẩm Chơi chữ cũng đã xin phép cụ Nguyễn Sĩ Giác trước rồi mới dám cho in ba bài thơ Đường luật của cụ Nguyễn Sĩ Giác vào tác phẩm, nếu không sẽ vi phạm luật tác quyền.

Tác phẩm “ Chơi chữ” được xuất bản năm 1961 là năm cố Tổng thống Ngô Đình Diệm còn tại vị cho nên Lãng Nhân Phùng Tất Đắc không dám lấy thơ của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm gán ghép cho cụ Nguyễn Sĩ Giác được. Nếu tác giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc ngang nhiên làm việc ấy sẽ bị cơ quan kiểm duyệt “chộ” ngay!

Vậy tác giả bài thơ “ Cảm hoài” (hoặc có người gọi là bài Nỗi lòng) không phải của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, chẳng qua hậu thế nhầm lẫn gán ghép cho cố Tổng thống mà thôi!

Với khí tiết của người quân tử “tâm hư, tiết trực”, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm ở dưới suối vàng chắc cũng chẳng vui sướng gì khi thấy hậu thế nhầm lẫn gán ghép cho cố Tổng thống như vậy!