Năm Chị Em Trên “Một Chiếc Thuyền Nan”

Kính tưởng 5 nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đầu tiên đến Qui Hòa – Việt Nam ngày 24.10.1932

Miền Trung tháng 10,
Tháng trởi đổ mưa, vào mùa giông bão !
Cây sầu đông bắt đầu trụi lá,
Và bầy cu xanh trốn biệt ở trên rừng...
Đường Qui Nhơn thuở ấy, ai cũng hóa người dưng!
Bác xích lô đạp vội về nhà,
Cho dẫu hoàng hôn chưa kịp xuống !

Nhưng kìa ở ngoài kia,
Nhấp nhô sóng bạc, chiếc thuyền nan thấp thoáng,
Thuyền ai xuôi đang trực hướng Qui Hòa?
Thung lũng của người cùi, gần nhưng lại quá xa,
Một địa chỉ hoang vu... có ai thèm cập bến !

Sau những tháng lênh đênh,
Vâng, cuối cùng các chị đã đến.
Cả năm người, bây giờ “trên một chiếc thuyền con”,
Sau cả gần hai ngàn năm,
Vẫn “chiếc thuyền Phêrô, vẫn những “tay chài lưới sắt son”,

Chỉ khác một điều,
Trên chiếc thuyền hôm nay lại là những “thân cò thân liễu” !
Nhưng ai bảo, các chị tay mềm chân yếu?
Phục vụ bệnh nhân phong, câu chuyện “đội đá vá trời”
Thung lũng Qui Hòa,
Những ngày buồn tênh, hoang hóa, chơi vơi...
Giờ thắm đường hoa, như mùa xuân ngợp nắng !

“Năm Chị em trên một chiếc thuyền nan bé bỏng”,
Chiếc thuyền “ra đi”,
chiếc thuyền “phục vụ”, “chèo ra chỗ nước sâu”,
Phan Sinh - Qui Hòa, câu chuyện của một “mối tình đầu”,
Câu chuyện “90 năm”[1], sẽ mới hoài theo năm tháng.

Sơn Ca Linh (24.10.2022)

[1] Ngày 24/10/1932, năm nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ là chị Marie Gisèle (trưởng đoàn), chị Marie de la Résurreection, chị Marie de Saint- Yenan, chị Marie Waberta, chị Marie Martie du Sacré-Coeur đã đến làng phong Qui Hoà với sự đón tiếp nồng hậu của Đức Cha Augustine Tardieu Phú, Cha Nicolas là tuyên uý trại phong cùng với đông đảo anh em bệnh nhân phong. Trước đó, Đức Cha Tardieu Phú đã thỉnh cầu sự giúp đỡ từ sơ Marie de Saint Michel là bề trên dòng tại Pháp, và đã được nhận lời. Từ xuất phát điểm này, dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã phát triển rộng khắp trên cả nước. Suốt 90 năm qua, cách riêng ở Qui Hoà, các sơ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã cộng tác với các Cha và các mạnh thường quân, giúp đỡ các bệnh nhân phong ở và gia đình của họ ổn định cuộc sống để yên tâm chữa bệnh, vực dậy Đức Tin phần nào bị bệnh tật làm vấp ngã. Nhiều bệnh nhân đã được học Giáo lý, chịu phép Rửa. Con em bệnh nhân được hỗ trợ học hành tới nơi tới chốn... Giữa nhịp sống xô bồ náo nhiệt của thời đại, làng phong Qui Hoà vẫn giữ được nét yên bình nhẹ nhàng vốn có, những ngôi nhà với kiến trúc độc đáo không thay đổi sau bao năm, những người nữ tu áo xám vẫn âm thầm tận tụy phục vụ, với nụ cười tươi tắn trên môi và niềm vui sáng trong đôi mắt. (Sưu tầm).