“Mắc-kê-nô và mắc-kê-tao”

(Suy niệm Chúa nhật 26 thường niên C - Lc 16,19-31 )

Mắc – kê nố (mặc kệ nó) và mắc-kê-tao (mặc kệ tao) là ngôn từ ngày nay đang được sử dụng để nói về những người sống tinh thần vô cảm và hững hờ đối với người khác. Quả thật, vô cảm, dửng dưng và loại trừ đang là thái độ nổi cộm trong xã hội hôm nay. Thái độ “mặc kệ nó và mặc kệ tao” nơi con người ngày nay không thua kém gì với thái độ của Ông nhà giàu trong Tin Mừng Chúa Nhật 26 thường niên C hôm nay.

Tôi phải làm gì đối với anh em đồng loại, nhất là đối với những hoàn cảnh khó khăn, éo le bệnh tật và già cả neo đơn? Tôi đang trở nên người thân cận hay xa lạ đối với họ? Tôi có thật sự sống với, sống cho, sống cùng và sống vì tha nhân không? Hay phải chăng tôi đang có thái độ để mặc kệ người ta hoặc loại trừ họ xem như tôi chẳng liên quan đến họ? Như Ca-in đã thoái thác khi Chúa hỏi anh: “Abel em ngươi đâu?”, Cain trả lời: “Con không biết! Con có phải là người giữ em con đâu!” (St 4,9)

Hôm nay nơi Bài Tin Mừng, chúng ta bắt gặp một người giàu có ăn mặc lụa là gấm vóc, tiệc linh đình. Ông ta giàu có là một sự chúc phúc và đó là điều Chúa mong muốn. Chúa chúc phúc cho ông và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể (St 26, 12-13). Khi Chúa ban phát, Chúa rộng tay ban một cách dồi dào và tràn đầy chan chứa. Quả thật, sự giàu có được coi như là dấu chỉ sự chúc phúc của Thiên Chúa. Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại thấy lão nhà giàu bị trầm luân, hay nói đúng hơn bị sa hoả ngục. Tại sao vậy? Bởi vì, do thái độ vô cảm và vô tâm của ông nhà giàu trước cảnh nghèo nàn của Lazaro. Mặc cho sự hiện diện của Lazaro nghèo khổ trước cửa nhà, dẫu cho bệnh tật và ghẻ chốc của anh ta, lão nhà giàu không liên quan, không để ý và coi như tôi chỉ biết tôi, tôi chỉ sút dụng những gì là của tôi: tiệc linh đình và ăn mặc lụa là gấm vóc.

Nơi bài đọc I, tác giả Amos lên án hay khiển trách nặng nề này tại vương quốc Israel cho cả vua chúa và các nhà lãnh đạo tại hai vương quốc Giuda và Israel, khi cả hai vương quốc này chưa bị thất thủ và lưu đày: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; người ta nghĩ mình như Ðavit, có những nhạc khí, dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Đây là lối sống bất công, là lối sống xa vắng Thiên Chúa hay bỏ quên Thiên Chúa. Lối sống đáng bị lên án và đáng bị đánh phạt!

Mặt khác, chúng ta có thể đặt mình nơi lão nhà giàu để thử biện họ cho ông xem sao: “Ông đã suy nghĩ tất cả những gì của tôi là do tôi đổ mồ hôi làm ra không là của riêng ai cả, nên tôi có quyền sở hữu và ăn chơi thoả thích. Còn tên Lazaro tàn phế và nghèo rách kia, nó lười biếng và nhác làm thì đành phải chịu số phận hẩm hiu thôi. Khổ là đúng! Thôi mặc xác nó! ‘Mặc kệ nó’! Tao không liên quan! ‘Mặc kệ tao”. Vâng, vì thái độ đó mà Chúa đã lên tiếng và phán xét khi ông ta lìa cõi đời. Quả thật, Lazaro nghèo đói và đau khổ nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa nay chết và được thiên thần rước vào lòng ông Ab-ra-ham. Còn, lão nhà giàu cũng chết và người ta đem đi chôn. Kết quả, ông ta đã bị trầm luân trong chốn ngục hình và nhận ra sự khổ sở tột cùng của chính mình. Ông ta đã phải réo lên ông và nài xin ông Abraham cho Lazaro nhúng ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi của ông cho mvì ở đó nóng lắm và đang bị lửa thiêu đốt khổ lắm. Nhưng ông nhận được câu trả lời thật xót xa từ ông Áp-ra-ham: ‘Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’ (Lc 16, 25-26)”. Đúng như Chúa Giê-su đã từng nói: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.”(Lc 6,38). Quả thật, cái nghịch lý ở đây là chưa bao giờ ông nhà giàu cho Lazaro lấy một mẩu bánh vụn, chưa bao giờ ông ấy liếc nhìn và để ý đến cái ghẻ lở mụn nhọt nơi con người bất hạnh Lazaro ngoài mấy con chó đến liếm, nhưng sau khi chết, nơi âm phủ, ông nhà giàu lại đi ăn mày và xin cho được giọt nước từ ngón tay của Lazaro nơi lòng ông Ab-ra-ham. Có thể nói ngay rằng cuộc sống đời sau ngược lại hoàn toàn với cuộc sống đời này: gian tham, ích kỷ, vô tâm, vô cảm, hững hờ, thiếu sự tương thân tương ai với tha nhân ở đời này sẽ phải lãnh hình phạt ngay đời sau. Đức Giê-su cũng đã phán xét: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 40).

Ngoài ra, chúng ta cùng nhau đọc lại bài thơ với tựa đề “Luật Trời” từ trên mạng xã hội đã nói lên phần nào mối tương quan cần có đối với nhau khi còn sống với nhau, đừng vì tiền tài, danh vọng, giàu sang mà vô tâm, hững hờ và ích kỷ với nhau vì tất cả đều sẽ tan biến chỉ có tình yêu ở lại.

Tiền tài, danh vọng, giàu sang

Trở về cát bụi, chẳng mang được gì

Tại sao ta phải sân si

Bon chen, ganh ghét, làm chi hỡi người,

Vậy nên sống ở trên đời

Đừng nên tính toán, buông lời thị phi

Có tiền thì hãy cho đi

Tiếng thơm còn mãi khắc ghi muôn đời

Người giàu có ở mọi nơi

Mấy ai được cảnh thảnh thơi về già?

Giàu, nghèo, rồi cũng ra ma

Bốn dài, hai rộng, cũng ba tất đào

Vậy nên phải sống làm sao

Tu nhân, tích đức, trời cao tỏ tường

Đừng nên xảo trá bất lương

m mưu thủ đoạn, như phường tiểu nhân

Kết bè, kết phái chia phần

Bon chen, đục khoét, nhiều lần làm chi

Trở về cát bụi như nhau.

Giàu nghèo rồi cũng cùng nhau xuống mồ./.

Vì thế, ngang qua các bài đọc của Chúa nhật 26 thường niên C hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy để ý cách thức chúng ta sống. Đừng vì tiền của, đừng vì lòng tham lam và vô cảm mà bỏ rơi tha nhân, nhất là những người bần cùng đói rách và bệnh hoạn tật nguyền, nhưng hãy biết cho đi và quan tâm họ. Cuộc sống mai hậu và đời đời tuỳ thuộc vào cách sống của chúng ta nơi hiện tại: sống tốt và tử tế với tha nhân sẽ lãnh nhận phần thưởng hạng phúc với Chúa, ngược lại, cuộc sống bon chen – gian tham và chỉ biết mình mà không biết người thì sẽ phải lãnh nhận hình phạt như hình ảnh của người nhà giàu trong Bài Tin mừng hôm nay.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương