LM Nguyễn Trung Tây
Linh Mục của Đức Kitô


Em, một linh mục mới thụ phong, chia sẻ với tôi,
— Cha! Mỗi lần nhìn thấy hình cha Trần Ngọc Thanh, con lại muốn khóc.
Tôi cũng đoán ra được một vài lý do. Nhưng tôi vẫn hỏi,
— Sao lại khóc?
Em nói ngay,
— Con thương cha Thanh quá. Cha còn trẻ mà bị chém chết. Nhìn thấy tấm hình chụp ba-lô của cha với kẹo để phân phát cho các em bé người thiểu số con lại càng thêm xúc động. Nước mắt ở đâu cứ thế tuôn ra.
Em nói thêm,
— Con nghĩ tới nỗi đau của thân phụ cha Thanh. Ông cố phải đau buồn lắm!

Em mến,
Không phải em, nhưng bao nhiêu tín hữu Việt Nam đã xôn xao và đau buồn bởi cái chết của linh mục tu sĩ Trần Ngọc Thanh, Dòng Đa Minh bởi nhiều lý do.
Linh mục Thanh tuổi trẻ, khuôn mặt phúc hậu, hiền lành. Thế đấy, ngài đi lên vùng ngoại biên để phục vụ người thiểu số. Có một số nguồn tin tức nói ngài đang dịch Kinh Thánh sang tiếng dân tộc cho tín hữu nơi ngài phục vụ, để Lời Chúa được reo vào trong bối cảnh văn hóa của anh chị em thiểu số.
Ngài còn cả một chặng đường dài tu sĩ để phục vụ, để dấn thân và sống với người bị bỏ quên bên lề xã hội như Đức Giêsu truyền giáo lấm lem.
Nhưng rất tiếc, cuộc sống tận hiến và phục vụ của ngài bất ngờ bị dừng lại vào một ngày cận Tết. Khi đó, người Việt Nam ai ai cũng đang quay về nhà với bố mẹ và người thân để ăn Tết. Và đặc biệt nhất ngài nằm xuống trong khi đang đại diện Đức Giêsu, ngồi tòa cử hành Bí tích Giải tội. Ngài chết đi trong khi lắng nghe tâm tình hòa giải của hối nhân.
Nhìn tấm hình ngày cha Thanh được thụ phong, nhìn những tấm hình ngài đang sinh hoạt với người anh chị em vùng ngoại biên, nhìn tòa giải tội nơi ngài nằm xuống, nhìn nấm mộ của ngài, người tín hữu nào mà không xót xa. Không chỉ có những tín hữu, mà ngay cả những người Việt Nam không cùng tín ngưỡng không ít thì nhiều cũng xót xa bởi cái chết của một người tuổi trẻ Việt Nam. Người thanh niên này sinh ra và lớn lên ở thành đô Sài Gòn. Nhưng người này đã bỏ hết tất cả để lên đường cho ơn gọi linh mục tu sĩ dòng Đa Minh. Trên tất cả, người thanh niên này đi tới vùng ngoại biên để phục vụ những người của vùng ngoại biên.

Em mến,
Thiên Chúa là một Thiên Chúa của bất ngờ ngạc nhiên.
Ngài là Thiên Chúa của bát ngát hào quang, nhưng lại sinh ra nơi máng cỏ nghèo nàn.
Ngài là Thiên Chúa, là Thượng Đế, nhưng lại chết trên cây thập giá như một tên tội đồ.
Sau khi chôn trong ngôi mộ đá, Ngài sống lại, hoa quả đầu tiên mùa phục sinh của nhân loại.
Đức Giêsu đã từng nói, “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mark 8:34).
Thánh Tertulian đã từng giảng, “Máu tử đạo là hạt giống đức tin”.
LM Trần Ngọc Thanh mất mạng sống, máu ngài đã đổ ra. Nhưng dưới lăng kiếng thần học về một Thiên Chúa đầy những ngạc nhiên bất ngờ, LM Thanh đang trở nên con người bất tử. Cái chết của ngài đã nở hoa. Hoa tu sĩ bát ngát hương thơm không chỉ trong nội bộ của Giáo hội Việt Nam nhưng cả trong toàn thể Giáo hội Roma.
Hơn thế nữa, qua LM Trần Ngọc Thanh, Giáo hội thế giới và Giáo hội Việt Nam học hỏi được nhiều điều.

Vùng Ngoại Biên
LM Thanh đi ra và đi tới vùng ngoại biên để phục vụ. Hình ảnh này gợi nhớ lại một Đức Giêsu cũng thường xuyên đi tới vùng ngoại biên để gặp gỡ những người bị xã hội bỏ rơi.

Giáo hội không phải là một giáo hội của sinh hoạt trong bốn bức tường, hoặc chỉ quẩn quanh trong vùng an toàn. Nhưng Giáo hội đi ra đường, và đi tới vùng ngoại biên như Đức Giêsu đã từng đi ra và đi tới. Như thế Giáo hội mới có thể chia sẻ Tin Mừng tới những người chưa có dịp lắng nghe Phúc Âm.

LM Trần Ngọc Thanh sau khi thụ phong, đã đi theo bước chân của Đức Giêsu, đi ra và đi tới vùng ngoại biên. Cũng chính nơi vùng ngoại biên này, ngài đã nằm xuống.

Giới Trẻ
Cái chết của LM Thanh không ít thì nhiều trở thành hoặc đặt vấn đề với giới trẻ của ngày hôm nay.
Giới trẻ Việt Nam ngày hôm nay sinh ra và trưởng thành giữa một xã hội siêu điện toán. Họ nhạy bén với thông tin công nghệ, sống và ăn uống với điện thoại thông minh. Họ đi ra và đi tới những nơi mang lại những lợi ích chỉ cho riêng mình. Trong trào lưu cá nhân là trên hết, hoặc tận hưởng những thú vui do cuộc sống văn minh đưa tới, hoặc mình đẹp thì mình có quyền, LM Thanh rõ ràng là tiếng nói ngược lại với trào lưu chung của giới trẻ. Ngài vẫn tìm những niềm vui do cuộc sống văn minh đưa tới, nhưng ngài hướng những niềm vui này tới tha nhân. Ngài nhận ra nét đẹp của tất cả mọi người bất luận chủng tộc. Bởi những nhận thức cộng đồng bén rễ từ văn hóa Việt Nam và niềm tin Kitô, người tuổi trẻ họ Trần từ bỏ tất cả cho một ơn gọi. LM Thanh gợi nhớ chàng tuổi trẻ thời đó lên đường tìm kiếm Đức Giêsu cho hạnh phúc đời đời trong Mark 10:17-27. Chàng tuổi trẻ Do Thái hồi xưa buồn rầu bỏ đi khi được Đức Giêsu gọi mời. Nhưng chàng tuổi trẻ Việt Nam Trần Ngọc Thanh thì không.

Chứng Nhân Truyền Giáo
Cuộc đời mục vụ tại vùng ngoại biên và cái chết của LM Thanh chính là một chứng nhân cho Tin Mừng ngay trên quê hương Việt Nam. Đối diện với cái chết của LM Thanh, lương dân có thể đã tự hỏi, tại sao một người tuổi thanh xuân của đất đô hội Sài Gòn lại có thể bỏ tất cả sau lưng cho cuộc đời tận hiến tại vùng đất ngoại biên. Hơn thế nữa, người thanh niên này đã nằm xuống ngay tại giây phút khi ngài đang thi hành sứ vụ của đời tận hiến.

Cọp Chết Để Da
Sau khi LM Thanh nằm xuống, tin tức về đời sống của ngài, sinh hoạt của ngài giữa những người thiểu số không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, nhưng còn trên rất nhiều bản tin của Giáo hội bốn phương. Đặc biệt nhất, Tòa Thánh đi liên tục những bản tin về LM Thanh và hoàn cảnh ngài tử đạo.
Cũng có những bản tin đưa hình ảnh, video clip những vị sư Phật giáo Ấn Độ cầu kinh cho linh hồn LM Trần Ngọc Thanh. Một hành động liên tôn tương tự như những lần các Đức Giáo Hoàng và các nhà lãnh đạo tôn giáo tới Assisi cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Tin tức về đời sống thanh xuân, sự hy sinh, niềm vui truyền giáo của ngài xuất hiện trên nhiều bản tin trên toàn thế giới. Nhiều thánh lễ cầu nguyện cho Linh hồn của LM Trần Ngọc Thanh, OP nghỉ yên trong Đức Giêsu Phục Sinh được tổ chức tại Ba Lan, Na Uy, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác.

Ông bà mình có câu, “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.” LM Thanh nằm xuống, ngài chết đi. Nhưng ngài để lại hương thơm bát ngát tới từng người tín hữu Việt Nam và cả tín hữu toàn cầu. “Cọp chết để da, LM Thanh chết để tiếng.” LM Thanh đã trở thành một Cọp Việt Nam.

Vị Quan Thầy
LM Trần Ngọc Thanh đã chết ngay khi đang đại diện Đức Giêsu cử hành bí tích Hòa Giải. Máu đỏ đã đổ ra. Ngài trở nên một nhân chứng đức tin mà các Chủng viện Việt Nam sẽ dạy các thầy Đại Chủng Sinh trong chương trình Huấn Đức. Câu hỏi mà chủng sinh Việt Nam nên tự vấn chính mình, hoặc được các LM Huấn Đức gợi ý chính là, “Sau khi bước lên cung thánh trong vai trò một linh mục, tôi có sẵn sàng nằm xuống như LM Trần Ngọc Thanh hay không?”

Nguyện cầu rất nhiều, LM Thanh trong tương lai gần sẽ trở thành một Thánh Việt Nam, Thánh Linh mục Tu sĩ Trần Ngọc Thanh. Khi đó, ngài sẽ là một vị thánh Quan Thầy của các Đại Chủng Viện và Linh mục Tu sĩ Việt Nam. Khi đó, tượng của ngài sẽ được dựng ngay tại sân trường của các Đại Chủng Viện Việt Nam.

Suy Niệm
Máu tử đạo của LM Trần Ngọc Thanh đổ xuống, trở nên hạt giống đức tin cho Giáo hội Việt Nam. Đời sống truyền giáo của ngài bỗng nhiên trở thành một thử thách với các linh mục tu sĩ, từ bao lâu nay, quen thuộc với vùng đất an toàn tại giáo xứ hoặc địa phương quen thuộc.
LM Thanh đã nằm xuống, nhưng đời sống và hoàn cảnh ngài chết đi đã trở thành một lời giảng hùng hồn tới những người dân Việt chưa có cơ hội lắng nghe Tin Mừng của Đức Giêsu. LM Trần Ngọc Thanh chính là nhân vật và một bằng chứng trong câu nói của Đức Giêsu, “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mark 8:34).
Cái chết của LM Trần Ngọc Thanh dòng Đa Minh một lần nữa lại xác nhận tiền đề thần học: Thiên Chúa là một Thiên Chúa của bất ngờ ngạc nhiên.
LM Nguyễn Trung Tây