HỌC BIẾT ĐỢI CHỜ
“Hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống!”.

C. Swindoll viết, “Sự kiên nhẫn thực sự là chờ đợi mà không cần phải lo lắng! Bạn và tôi, chúng ta cần ‘học biết đợi chờ!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng ta cần ‘học biết đợi chờ!’”. Đó cũng là những gì Lời Chúa Chúa Nhật Thăng Thiên hôm nay nói đến! Thật thú vị, tác giả Luca có một chi tiết độc đáo mà các Tin Mừng khác không có! Đó là, sau khi ban hành lệnh truyền “Hãy ra đi” cho các môn đệ, Chúa Giêsu căn dặn họ, “Hãy đợi chờ!”. Ngài nói, “Các con hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống!”. Qua đó, phải chăng, Ngài muốn chúng ta, môn đệ của Ngài, ‘học biết đợi chờ!’.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết một cách chi tiết, “Ngài truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa”. Điều Chúa Cha hứa chính là Thánh Thần; hoặc bóng bảy như Tin Mừng hôm nay, “Cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”, vốn cũng là Thánh Thần. Cám dỗ của các tông đồ có thể là muốn bắt tay vào việc ngay; công việc của Chúa là khẩn cấp… Ấy thế, Chúa Giêsu lại yêu cầu họ dành thời gian để ‘học biết đợi chờ’ Thánh Thần, Đấng có một vai trò nhất định trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Hiểu đúng như thế, rồi đây, các tông đồ sẽ nương theo Thánh Thần trong mọi quyết định; họ sẽ nói, “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…”. Rõ ràng, Chúa Giêsu yêu cầu các tông đồ làm việc theo thời gian của Ngài, thay vì theo thời gian của họ!

Thời gian đợi chờ là cơ hội để điều chỉnh bản thân theo nhịp điệu của Chúa, thay vì nhịp điệu riêng của mình; đợi chờ là thời điểm sống chậm lại để biết mình đang làm điều này với mục đích gì? Làm cho ai? Và động cơ nào? Khi kêu gọi các tông đồ đợi “cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao”, Chúa Giêsu muốn nói, “Chúa của công việc quan trọng hơn công việc của Chúa”; và chúng ta, các môn đệ của Ngài cũng thực sự chỉ có thể làm công việc của Chúa trong sức mạnh và ân sủng Ngài ban. Chúa sẽ ban thần lực của Ngài trong thời gian Ngài muốn hơn là lúc chúng ta muốn. Phaolô cũng ám chỉ sự đợi chờ này trong bài đọc hai, “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển, ban cho anh em thần khí khôn ngoan, để mặc khải cho anh em nhận biết Ngài; xin Ngài soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ”. Bởi lẽ, điều quan trọng không phải là chạy nhanh, chạy ngay; nhưng là chạy đi đâu, chạy với ai, chạy vì mục đích gì!

Lễ Chúa Lên Trời nhắc nhở chúng ta rằng, đừng quá cậy mình, cũng đừng quá cậy người; hãy cậy trông Chúa, ‘học biết đợi chờ’ Ngài! ‘Học biết đợi chờ’ Ngài là học biết cầu nguyện, học biết khiêm tốn, học biết thánh ý Ngài! Thật bất ngờ, đó là cũng cách các môn đệ hiểu tại sao Chúa Giêsu dạy họ đợi chờ! Đúng thế, thật tuyệt vời! Luca kết thúc Tin Mừng với những lời này, “Ngài rời khỏi các ông, được đem lên trời. Bấy giờ, các ông bái lạy Ngài, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Như vậy, ý nghĩa sự chờ đợi Chúa Giêsu muốn trước hết là, “hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”.

Anh Chị em,

“Hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống!”. Chúa Giêsu biết, dẫu các môn đệ của Ngài có thông minh, tài trí đến đâu, cũng không thể làm được gì nếu không có “quyền năng từ trời cao”. Vì thế, công cuộc loan báo Tin Mừng dù sôi nổi bao nhiêu mà người môn đệ không biết “hằng ở trong thành, trong đền thờ” thì kết quả vẫn là không! “Ở lại trong thành, trong đền thờ” chính là ‘học biết đợi chờ” Chúa, học biết cầu nguyện và học biết ý muốn của Thánh Thần. Sống nhờ Chúa, trong Chúa và vì Chúa, chúng ta mới có thể trao ban Chúa! Chớ gì hôm nay, Ngày Quốc Tế Truyền Thông, chúng ta càng ý thức việc ‘học biết đợi chờ’ lúc trao ban Lời Chúa, trao ban thông tin; cũng như đón nhận Lời Chúa và thông tin. Nhờ đó, giá trị Tin Mừng mới thật sự đi vào mọi tâm tư, suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường quá cậy mình, và cậy người; xin dạy con ‘học biết đợi chờ’ Chúa trong cầu nguyện, chiêm ngắm và khám phá. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)