Năm 1905 giữa lúc vợ chồng Jacques và Raissa Maritain nhất quyết đi tìm chân lý cho đời mình, họ đã tới Monmartre để gặp tác giả cuốn La Femme Pauvre một cuốn truyện hết nửa phần sau nói về chính người vợ thân yêu của ông, và một năm sau vợ chồng Maritain đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo và nhận Léon Bloy làm cha đỡ đầu. Tình bạn và tình cha con thiêng liêng của ba người kéo dài suốt đời, đã khiến vợ chồng Maritain hết lòng cổ vũ công trình văn học của nhà văn Công Giáo được kể là đã đóng góp vào phong trào phục hưng Công Giáo Pháp vào đầu thế kỷ 20 song song với Paul Claudel và Charles Péguy. Trong bài sau đây, triết gia Maritain viết về :

Bí Quyết của Léon Bloy



Sách của Léon Bloy đã gây nơi một số linh hồn nào đó một ảnh hưởng mà nghệ thuật hay thiên tài không thôi không đủ để giải thích. Việc hướng các cõi lòng con người về với Thiên Chúa đòi hỏi nhiều hơn là tài hùng biện tuyệt vời nhất. Vậy đâu là bí quyết của Léon Bloy? Không cần phải tìm tòi lâu la, chính ông đã cho tôi biết điều đó:

“Đây là bí quyết của tôi để viết những cuốn sách mà anh yêu thích: Đó là trân quí hết linh hồn tôi - đến mức hiến mạng sống tôi - các linh hồn như linh hồn anh – quen biết hay không quen biết - được mời gọi đọc tôi vào một ngày nào đó.

‘Beatius est magis dare quam accipere ' [cho thì có phúc hơn là nhận]. - Người Ăn mày Vô ơn có nhu cầu bất tận phải cho đi. Nếu ông giàu có, mọi vàng bạc trên thế giới sẽ không đủ cho sự hào phóng của ông: không thể nuôi nổi cả một dân tộc nghèo khổ bằng sự giàu có bất chính, ông cho đi chính ông một cách hào phóng tột độ; ông viết để cho đi chính ông. Và nỗi cay đắng tồi tệ nhất của ông chắc chắn là, trong số những người cùng thời với ông, rất ít người muốn tiếp nhận những gì được dâng hiến cho họ một cách xiết bao yêu thương. Chỉ có một cách để hành động đối với người ta: đó là khao khát bằng một khao khát lớn lao là phục vụ họ như thức ăn. Và chính vì điều này mà tôi tin rằng người tôi tớ tội nghiệp này của Chúa Giêsu đã noi gương Thầy mình tốt hơn ai hết.

Lòng đại lượng đó và sự dịu dàng đó, những điều làm ông ra độc đáo một cách hết sức tàn nhẫn trong thời đại khắc nghiệt lạnh lùng và vô đạo của chúng ta, Bloy đã thực hành hào phóng bằng mọi cách. Người ta luôn nói tới những người bị cuộc luận chiến đáng sợ của ông giầy vò (tiện đây, tôi nhận thấy rằng cuộc luận chiến này ít nhằm sự kiện vật chất này nọ, cho bằng nhằm các sai lệch nội tâm hoặc thất bại linh hồn, điều mà ông đoán định bằng một bản năng cực kỳ chắc chắn); người ta quên những người ông bảo vệ, ngay trong số những người hiện đại: Hello, Verlaine, Villiers, chưa kể Rictus và Rosenfeld! Bạo lực của ông chỉ là mặt trái tình yêu của ông - tình yêu của ông đối với Sự thật, nghĩa là đối với Con Người của Đấng Cứu Rỗi. Bất cứ nơi nào ông nhìn thấy ai đó đang chịu bất công, ông lao về phía họ: Christopher Columbus, Marie-Antoinette, Louis XVII, Mélanie rất cao quý; Người Do Thái, những người nắm giữ các lời hứa của Thiên Chúa mà không có sự ăn năn bất chấp tội ác của họ và sự phản trắc của họ; cuối cùng là Người nghèo, Người nghèo và sự Nghèo khó, cả hai được ông trân trọng vì Người nghèo hạng nhất; và vượt trên tất cả một cách bất tận, là Đức Mẹ, Nữ Vương của thế giới, người đang khóc mà không được ai lắng nghe - tất cả đều đã tiếp nhận chứng từ của ông. Bí quyết của Bloy là lòng yêu thương phi thường dành cho các linh hồn, một tình yêu mà chỉ những con người dịu dàng của thời Trung Cổ mới có thể hiểu được, những người dịu dàng như ông dịu dàng và yêu mến Những Dòng Nước Mắt như ông yêu mến chúng. Bởi vì "người ta vốn khóc nhiều trong nhà Người". “Lạy Chúa, con rất hay khóc. Có phải vì nỗi buồn khi nghĩ đến những gì con phải gánh chịu? Đó có phải là niềm vui khi nhớ đến Chúa không?” Ai không hiểu điều này không hiểu gì về tác phẩm của ông, và đặc biệt là cuốn sách về Napoléon, cuốn sách sẽ xuất hiện vào những ngày này, và theo tôi, đó chỉ là việc phát biểu đáng kinh ngạc của tình yêu sâu sắc nhất và hào phóng nhất đối với các linh hồn, nhân dịp một linh hồn trong đó linh hồn ông tự nhìn thấy mình.

Chúng ta không thể cho bất cứ điều gì chúng ta không nhận được, vì chúng ta vốn giống như hình ảnh của Đấng đã nhận mọi sự từ Cha của Người. Đó là lý do tại sao người ta càng cho đi họ càng cần nhận lại, người ta càng là một người ăn mày; và đó cũng là lý do tại sao chỉ có người nghèo mới cho đi. Bloy là một người ăn xin khủng khiếp, người không chịu được sự tầm thường nơi con người, và là người mà Thiên Chúa sẽ chỉ bằng lòng với sự tử đạo và thị kiến Vinh quang của Người. Đôi khi người ta dám nói rằng, trong ước muốn có được thị kiến diễm phúc, ông tự nguyện nhắm mắt trước những ánh sáng bình thường, và thích dò dẫm hướng tới sự chói lọi thuần khiết. Theo tôi, sự thiếu kiên nhẫn huyền nhiệm này chính là cội nguồn của nghệ thuật Léon Bloy.



Đối với ông, trước hết, vấn đề là phải "trình bầy ý tưởng và ấn tượng về mầu nhiệm", nghĩa là ý tưởng về việc trước ánh sáng chiếu rọi chúng ta, chúng ta không có khả năng nhìn thấy, nhưng cùng một lúc, nhờ việc sử dụng rất nhiều hình ảnh, chúng ta chỉ có thể diễn tả một sự tương đồng nào đó cho Chân lý mà chúng ta chưa có được trực giác và chúng ta chỉ biết được per speculum in aenigmate (nhờ tấm gương trong bóng tối). Ông viết, “Điều nhất thiết là Sự thật ở trong Vinh quang. Sự huy hoàng của văn phong không phải là một thứ xa xỉ, nó là một điều cần thiết”. Trọn nghệ thuật của ông đều được làm sống động bởi niềm đam mê được nhìn thấy; chính vì giác quan có tính trực giác nên trí tưởng tượng cảm giới giữ một vị trí hết sức nổi bật trong đó. Không nên coi Léon Bloy như một nhà thần học hoặc một tiến sĩ; ông là một nhà tạo hình, một người vẽ tranh sách, một họa sĩ của những ô cửa sổ rực rỡ. Không! Ông là người hành hương Mộ Thánh. “Nếu Nghệ thuật nằm trong hành lý của tôi, thì kệ tôi! Điều thích hợp với tôi là đặt những gì đã được Tên Láo Khoét trao cho tôi vào thế phục vụ Sự thật. Một tài nguyên bấp bênh và nguy hiểm, bởi vì bản chất của Nghệ thuật là tạo hình các Thần minh!” - “Tôi thực sự là một người nghèo hèn tìm kiếm Thiên Chúa của mình, kêu gào Người trong khóc lóc khắp các ngả đường …”

Không kém phần đúng là con người nghèo hèn này là một trong những nhà văn Pháp vĩ đại nhất, một trong những nhà văn cao nhất trong số những nghệ sĩ thiên tài, một trong những nghệ sĩ mà Thiên Chúa đã ban bố một cách hoàng gia nhất những hồng ân phi thường, những hồng ân, trong bản chất chúng ta, giống như âm vang Ngôi Lời của Người. Nhưng Nghệ thuật bất khuất và tạo hình thần minh này đã được ông giản lược thành sự vâng phục Đức tin, thành kỷ luật của Chân lý mạc khải, thành việc phục vụ Thánh Giáo Hội. “Sự thật rất rõ ràng và hiện rõ trong tất cả các cuốn sách của tôi là tôi chỉ viết cho một mình Thiên Chúa”. Ông hoàn toàn trái ngược với một người vô chính phủ ghét “tư sản”; Ông là một Kitô hữu ghét giai cấp Tư sản, vốn là một trong những cái tên hiện đại của Kẻ Thù xưa, đối với những ai chịu hiểu. Là người Công Giáo và thuộc nghi lễ Latinh, ông ghê tởm sự rối loạn, mất cân bằng, tình cảm chủ nghĩa, tinh thần thệ phản ưa cách mạng. “Tôi viết những điều mãnh liệt nhất với sự thanh thản lớn lao. Sự giận dữ bất lực và đặc biệt thích hợp với những kẻ nổi loạn. Trong khi, tôi là một người ngoan ngoãn làm sáng tỏ công lý”. Trên tất cả mọi điều, Ông đặt lòng trung thành tuyệt đối vào chân lý siêu nhiên. Ông nói khi nói về Villiers de l'Isle-Adam: “Quá nhiều khoa học về con người và quá ít khoa học về Thiên Chúa”. Cùng một ấn tượng như thế đối với Edgar Poe. “Những nhà thơ này đã không cầu nguyện và sự khinh miệt của họ, đôi khi hùng hồn, chỉ là mùi đắng đót thiếu kiên nhẫn trần thế của họ. Họ đầy chất đất giống như các ngẫu thần».

Tất cả điều trên có thể giải thích việc Léon Bloy tạo một ảnh hưởng kỳ diệu ra sao đối với những người thu thuế. Chính họ là những đối tượng được công trình của ông nhắm mục tiêu, nhiều hơn là những người Công Giáo. Có những linh hồn héo hắt đi tìm kiếm Vẻ đẹp trong bóng tối, và là những linh hồn mà nền hộ giáo của Coppée hay Marc Sangnier làm cho khiếp đảm phải chạy trốn. Đàng khác, chính tín lý tinh tuyền - viên ngọc quí dành cho con cái vương quốc – cũng không tác động lên những linh hồn như vậy, những linh hồn mà lý trí của họ quá uể oải hoặc mất cân bằng; cuối cùng, sự tầm thường của đa số các linh mục, sự bất trung của những người Công Giáo thế gian khiến họ khiếp sợ. Bloy, bằng cách la to từ trên các mái nhà, bằng cách trấn áp những người tẻ lạnh và hám lợi, bằng cách làm họ thấy và rờ được vẻ huy hoàng của Đức tin, đã linh hứng cho những linh hồn tội nghiệp này linh cảm được vinh quang của Thiên Chúa; ông đi tìm họ tận thẳm sâu đêm tối của họ và lôi họ ra ánh sáng. Nhưng cuối cùng thì sẽ chẳng có gì có hiệu lực nếu không có bí quyết mà tôi đã kể. Đó là lòng bác ái của người được coi là viết những cuốn sách nhỏ này, đó là tình yêu của ông đối với Thiên Chúa và các linh hồn, một tình yêu mang tất cả. Và một hành động như vậy, hành động mà Chúa Quan Phòng thực hiện qua ông, chắc chắn sẽ an ủi ông phần nào khỏi những đau buồn lâu dài của ông, vì người dâng các linh hồn cho Thiên Chúa như thế hẳn phải là bạn hữu của Thiên Chúa. Ông từng thốt lên, “Bạn của Thiên Chúa! Tôi sắp phát khóc khi nghĩ tới điều đó. Người ta không còn biết phải đặt đầu vào đâu, không còn biết họ đang ở đâu, không còn biết phải đi đâu, người ta chỉ muốn xé nát trái tim mình, khi nó bừng bừng như thiêu như đốt và người ta không thể ngắm nhìn một tạo vật mà không run rẩy yêu thương. Người ta chỉ muốn khuỵu gối, từ nhà thờ này sang nhà thờ nọ, cá thối đeo ở cổ, như câu nói siêu phàm của Angèle. Và khi người ta rời khỏi những nhà thờ này sau nhiều giờ nói chuyện với Chúa như một người tình nói với một người tình, họ sẽ thấy mình giống như những anh chàng tội nghiệp bị vẽ và vẽ rất tệ trên các Đàng Thánh Giá, vừa đi vừa làm điệu bộ đạo đức trong các nền vàng. Tất cả những suy nghĩ mà người ta không biết, giam hãm cho đến lúc đó trong các xó xỉnh của trái tim, lúc đó cùng ùa ra với trinh nữ cụt tay, mù lòa, đói khát, trần truồng và thổn thức. Ôi! chắc chắn, trong những khoảnh khắc như vậy, cuộc tử đạo tàn bạo nhất sẽ được chọn – được chuyên chở long trọng xiết bao!… ”

Jacques MARITAIN, năm 1912.

Nguồn: https://maxencecaron.fr/2010/07/jacques-maritain-le-secret-de-leon-bloy/