Bức Họa Thời Danh: “Bữa Tiệc Ly” Của Leonardo Da Vinci

Một trong những bức họa nổi tiếng nhất, “Bữa tiệc ly” (The Last Supper), của danh tài Leonardo da Vinci đã được vẽ trên tường theo nghệ thuật Fresco. Công cuộc này phải kéo dài đến gần 4 năm, 1495 đến 1498, cho bức tranh với khổ 4.6 m × 8.8 m bên trong phòng ăn của nhà nguyện Santa Maria delle Grazie ở thành phố Milano của Ý (Italy).

Vì bức tường được làm bằng đá nên da Vinci đã phải dùng những chất liệu khác với nghệ thuật Fresco thông thường, dù vậy, bức họa vẫn nhanh chóng bị phai mờ. Theo dòng thời gian, đã có nhiều nỗ lực tái tạo bức họa thời danh này nhưng hiện nay công trình của da Vinci vẫn chỉ còn là một bức fresco mờ nhạt (hình 1). Có lẽ vài môn đệ của ông đã vẽ lại bức họa, trong đó có bản của Giampietrino, đây là bức họa được cho là trung thành với bản mẫu nhất, hiện đang được trưng bày trong Học Viện Nghệ Thuật Hoàng Gia (Royal Academy of Arts) ở London, Anh Quốc. (Hình 2). Bản thứ hai của Cesare da Sesto, vẽ bằng sơn dầu và trên vải bạt, đang có trong nhà thờ thánh Ambrogio ở Ponte Capriasca, nước Thụy Sĩ (Switzerland). Bản thứ ba do Andrea Solari vẽ và đang được trưng bày ở bảo tàng viện Leonardo da Vinci trong tu viện Tongerlo, ở Bỉ (Belgium).

Bản nguyên thủy của Leonardo da Vinci, miêu tả một cảnh nổi bật trong bữa tiệc ly của Chúa với các tông đồ. Theo Phúc Âm của thánh Gioan (Chương 13, câu 21): “Quả thật, Ta bảo các người, một trong các ngươi sẽ nộp ta.” (Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn). Đó là một tin khủng khiếp khiến các tông đồ phản ứng bất thường, từ tức giận đến kinh hãi.

Trong mấy thế kỷ kế tiếp, người ta chỉ có thể nhận ra Chúa Giêsu và các tông đồ Phêrô, Gioan cũng như tên phản đồ Giu-đa Iscariot. Nhưng đến thế kỷ thứ 19 (XIX) người ta đã tìm thấy một bản thảo của chính da Vinci, được in trong cuốn (The Notebooks of Leonardo da Vinci, p. 232), theo đó, ông đã mô tả tất cả các tông đồ và những chi tiết như sau:

Trước hết, bức họa chú tâm đến con số 3: Các tông đồ ngồi thành bốn nhóm, mỗi nhóm có 3 người; 3 cửa sổ; thân hình của Chúa Giêsu cũng tạo nên một tam giác với 3 cạnh. Số 3 biểu trưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi.

1.Từ bên trái đếm sang, nhóm 3 người đầu tiên có các ông: Bartholomew, James (Gia-cô-bê) con ông Alphaeus, và Andrew (An-drê, anh ông Phêrô). Tất cả đều lộ vẻ ngạc nhiên. Ông An-drê đang đẩy hai tay ra như muốn nói: "Bình tĩnh nào!"

2.Nhóm kế gồm: Giuda Iscariot, Phêrô và Gioan: Giu-đa như đang chìm vào bóng tối, trông thấp hơn tất cả các tông đồ, tay phải cầm túi tiền, đã làm đổ lọ muối. (Theo phong tục miền Cận Đông – Near Eastern Region – câu nói “phản bội muối” có nghĩa là “phản bội thày mình”). Tay trái của Giu-đa đang đưa ra vói lấy miếng bánh. Phêrô trông thật giận dữ, tay phải cầm con dao, mà mũi dao không hướng về Chúa, ý nói về việc dùng vũ khí của ông khi Chúa bị bắt trong vườn Diệt (Gethsemane) sau này. Ông đang bảo ông Gioan hỏi Chúa xem kẻ phản bội là ai. Chúa đã trả lời rằng: “Người ấy là kẻ Ta sẽ trao cho miếng bánh Ta chấm đây” (Gioan 13:26). Còn Gioan, vị tông đồ trẻ nhất, thì như muốn ngất xỉu.

3.Hành động của Chúa Giêsu liên hệ đến nhóm thứ ba gồm các ông: Tô-ma, Gia-cô-bê lớn (James the Greater) và Philip. Tô-ma đưa ngón tay trỏ lên, (ở đây, da Vinci muốn nói đến sự nghi ngờ về sau của ông Tô-ma trong việc Chúa sống lại). Trong khi Gia-cô-bê vung hai tay ra tỏ vẻ khiếp sợ vì tay trái Chúa như với tới miếng bánh trước mặt ông ấy để cầm lấy, chấm vào đĩa rồi trao cho ông (như vậy, chính ông là kẻ phản bội). Thực ra, tay phải của Chúa mới vói ra miếng bánh cùng với Giuđa. Còn Philip thì như đang mong có người giải thích.

4.Nhóm cuối: Mát-thêu, Giuda Tha-đê-ô và Simon nhiệt thành. Hai ông trước đều nhìn Simon như muốn ông này giải thích, trong khi Simon đưa cả hai tay ra như muốn phân bày: "Nào tôi cũng có biết gì đâu!"

Ông Leonardo da Vinci phải bỏ công vẽ bức tranh đến hơn 3 năm. Lý do là vì ông cần nghiên cứu cá tính của từng thánh tông đồ, rồi đi tìm người mẫu hợp với cá tính đó để vẽ mặt cho các ngài. Riêng Giuđa, ông tìm đã khá lâu mà chưa được, trong khi cha bề trên nhà dòng cứ luôn hối thúc. Có một lần ông nổi giận và trả lời cha rằng: "Tôi đang cần mặt của Giuđa, nếu cha cứ thúc, tôi sẽ lấy mặt của cha để vẽ vào đó."

Còn có tương truyền cho rằng người làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu và Giuđa là một, nhưng câu chuyện này không có nguồn gốc. Vả lại, chỉ nhìn vào hai cái mũi, người ta đã thấy ngay là hai người này khác nhau. Hơn nữa, nếu chuyện "cả thể" đó là có thật thì da Vinci đã ghi vào bản thảo của ông.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (Tổng hợp)