SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI NỀN GIÁO DỤC ÚC-VIỆT

(HAI NỀN VĂN HÓA ĐÔNG - TÂY)

Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb

DẪN VÀO VẤN ĐỀ

Trong những lần thăm Hoa Kỳ, tôi có dịp đi nhiều tiểu bang và ghé thăm nhiều gia đình thân quen và cộng đoàn. Nói một cách chung các gia đình tôi ghé thăm, họ rất thành công về công ăn việc làm, về con cái nên người. Tôi cũng ghé thăm và dâng lễ tại một số cộng đoàn lớn tại Westminster (Little Saigon), Đền các thánh tử đạo Việt Nam Cali, Lavang, Lousiana và ghé thăm trung tâm Công giáo tại Houston, Washington DC, Boston, San Jose v.v… Các cộng đoàn xây dựng được những thánh đường nguy nga đồ sộ…

Ngoài niềm vui hãnh diện và tự hào dân tộc, tôi cũng không khỏi bùi ngùi cảm thông với các bậc cha mẹ trước mối lo về con cái, đặc biệt trong lứa tuổi mâng mâng và thanh thiếu niên… Làm sao giáo dục các em lớn lên trong bầu khí hài hòa Việt tộc? Làm sao giữ các em trong gia đình, cảm thông với ông bà cha mẹ? Làm sao kiểm soát các em khi đi về học, lúc ở trường, trong các mối liên hệ bạn bè v.v…?

Tiếp xúc với các vị hữu trách cộng đoàn hay có tâm huyết giúp đỡ giới trẻ và quan tâm tới tiền đồ đất nước, tôi cũng không khỏi tránh được những ray rứt giao động trước thảm cảnh một thế hệ trẻ đã đang sa đọa, vùi đời trong điên loạn xì ke ma túy hay những thảm cảnh thương tâm bị dụ dỗ khỏi mái ấm gia đình, bị cuốn hút trong bạo lực dã man hung bạo v.v…

Vừng đông bình minh rực sáng hay chiều tà ảm đạm vương đọng màu tang chế tại Mỹ cũng là vừng đồng và nắng chiều tại Úc và Âu Á. Có lẽ hơn bao giờ hết, các gia đình Việt Nam hải ngoại, không ít nhiều đã, đang và còn chạm trán, trực diện và đối diện với vấn đề giáo dục con cái.

Thực trạng của vấn đề: Có phải tại hai nền giáo dục khác biệt - Úc Việt? Mỹ Việt hay Âu Việt? Đâu là những nguyên do căn cơ? Và Làm thế nào để giải quyết?

VẤN ĐỀ GIÁO DỤC - HAI NỀN GIÁO DỤC ÚC - VIỆT

THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ

Là cha mẹ và là những người đã được lớn lên tại Việt Nam, đã thấm nhuần tinh thần luân lý Á Đông nói chung và những nét giáo dục Việt tộc nói riêng, chắc chắn mang cùng một cảm nghiệm và một quan điểm: việc giáo dục con cái và giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại hiện đang gặp những tương phản trầm trọng, giữa nhiều cha mẹ và con cái, nếu không muốn nói là bế tắc.

Dù là máu mủ ruột thịt trong gia tộc, ấy thế mà hai thế hệ già trẻ không hiểu nhau. Không hiểu vì ngôn ngữ mà cũng vì khác tâm tình. Ngôn ngữ Việt, tiếng mẹ đẻ nhiều em không hiểu nên ông bà nói, ông bà nghe; cha mẹ bảo cha mẹ làm… Lắm trường hợp trong gia đình ông bà hỏi cháu, cha mẹ dặn con… Mấy đứa con nhìn nhau thầm hỏi : What do they say? (ông bà ấy nói gì vậy?) - nếu chúng còn khá. Còn không chúng quay lại nói nhát gừng: What? (cái gì?) - nếu chúng đã quá Úc hóa. Trong một gia đình nọ, giữa bữa ăn cha mẹ nói mới nhận thư Việt Nam, đưa tin ông bà nội vẫn khỏe. Một đứa bé hỏi: "Ông bà nội là "con" gì vậy?" Một hôm đứa bé hỏi mẹ :"Mẹ đã rửa quần áo cho con chưa?" Mẹ nói không phải "rửa" mà là "giặt"! Ngày hôm sau em bé nói: "Con đi giặt mặt đây!" (vì rửa hay giặt dịch qua tiếng Anh đều là "wash" mà thôi. Bà mẹ cười trước sự ngây ngô của con, nhưng cũng cảm thông với con sao mà tiếng Việt phức tạp vậy!

Cũng trong một gia đình ông bà được đoàn tụ cùng con cháu. Sau một thời gian đứa bé hỏi cha mẹ: "sao ông bà không về nhà của 'chúng nó' mà ở đây hoài vậy?" Nghe thật đau lòng phải không quý vị? Nhưng nếu hiểu ra thì có lẽ ông bà cha mẹ cũng không nên vội trách con cháu bất hiếu mà ngược lại thấy thương cho chúng mà dẫn dắt, hướng dẫn và dậy bảo chúng. Tất cả âu cũng là do hậu quả của hai nền giáo dục khác biệt Úc - Việt.

Hai nền giáo dục Úc - Việt đều có cái hay cái dở của chúng. Phân tích và đối chiếu chúng ta dể nhận ra những điểm dị đồng:

Cả hai nền giáo dục nhằm đào tạo con người toàn diện, biết sống tốt lành và trở nên hữu dụng cho gia đình xã hội và quốc gia, nhưng mỗi nền giáo dục nhắm tới những góc cạnh khác biệt:

Giáo dục Úc - Giáo dục Việt Nam

Đào tạo cá nhân chủ nghĩa, nhắm tới cái lợi cho chính mình trước đã, sống độc lập trong một đơn vị tiểu gia đình.

Đào tạo cá nhân trong một tập thể, cá nhân hy sinh cho tập thể, nên được mời gọi sống vì tập thể và sống cho và vì đại gia đình.

Trước tiên cung cấp kiến thức, huấn luyện học sinh tự tìm tòi tra tầm nghiên cứu. Chính ở điểm này mà tại Âu Mỹ Úc có nhiều người phát minh ra những điều mới lạ hơn phương trời Á châu. Hy vọng với vốn liếng học cao hiểu rộng mà thành người biết sống và xây dựng hạnh phúc cho mình và chia sẻ cho tha nhân.

Ca dao cha ông dậy: "Tiên học lễ, hậu học văn". Bổn phận của giáo dục đầu tiên là đào luyện học sinh những đức tính: Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín hầu nên người lễ độ, biết sống hài hòa trong đại gia đình xã hội; sau đó mới cung cấp những kiến thức học vấn. Cái học của Việt Nam thường là học từ chương, thầy truyền đạt cho học sinh những kiến thức của thầy hơn là chính học sinh tra tầm nghiên cứu. Chính vì vậy mà Việt Nam ta bắt chước nhiều hơn là phát minh.

Trong lớp, ở trường, thầy cô là bạn của học sinh. Tình thầy trò thật bình đẳng thân thiện. Thân thiện quá học sinh hóa nhờn. Trong lớp nhiều khi cãi tay đôi với thầy cô, đôi lúc sỗ sàng thiếu lễ độ. Cung cách trong lớp nhiều khi gác chân lên bàn, nhiều khi học sinh nằm bò dưới thảm làm bài, thầy cô cũng phải nằm theo mà giúp sửa bài cho học sinh.

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Trò phải kính, phải nể, phải trọng thái quá tạo ra một cách biệt. Theo truyền thống, chẳng những trò kính nể thầy mà cả cha mẹ cũng kính nể thầy cô. Vâng phục thầy cô, cha mẹ ông bà tuyệt đối như ca dao cò câu:

Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Rồi lòng biết ơn được tỏ qua những ngày tết, cuối năm học trò cũng nhớ quà bánh cho thầy cho cô.

Giờ học trải dài hầu như cả ngày. Học sinh được hướng dẫn xử dụng thư viện mà tra tầm nghiên cứu. Học sinh ít phải học thuộc lòng, vì bài vở phần nhiều là nghiên cứu viết tại nhà hay tại thư viện. Học sinh có thể tự chọn đề tài nghiên cứu.

Các tiết học gói trọn nửa ngày. Thư viện nghèo nàn hầu như không có tại nhiều trường, nên học dựa trên sách giáo khoa. Học sinh phải học thuộc lòng nhiều, vì thế mà ít thực hành, nên nhiều khi học lý thuyết chứ chẳng biết thực hành. Tri thức học bị giới hạn nơi sự hiểu biết của thầy cô giáo.

Nhận xét về thành quả của hai nền giáo dục Việt - Úc / Mỹ hay Âu, tác giả cuốn sách Vào Đời, ông Cao Tấn Lĩnh viết:

… Tuổi trẻ lớn lên thành một con ngời nhân bản thuần túy hơn là một con người nhân ái cao cả; một con người coi trọng nhân quyền hơn là nhân nghĩa; một con người sống theo luật làm người hơn là đạo làm người.

Chính vì thế mà con cái có thể đưa cha mẹ ra tòa, nếu cha mẹ vì nóng nẩy mà dùng vũ lực ngăn cấm chúng hay răn đe giáo dục chúng. Chúng sống sòng phẳng, đối xử bằng lý nhiều hơn bằng tình. Thật đúng như câu chuyện kể: đứa con tới kể công cho mẹ, nào con nấu ăn cho mẹ 1 giờ giá 10 đô, con hút bụi nhà, cắt cỏ tất cả 3 giờ 30 đô, và còn giặt và ủi đồ… Bà mẹ cũng sòng phẳng: Con đã tính vậy mẹ cũng tính với con: Mẹ cưu mang con chín tháng mang nặng đẻ đau zê-rô đô, mẹ nuôi con những năm tháng qua: lúc con đau, mẹ thức trắng đêm, lúc vượt biên sợ con đói, mẹ nhịn ăn nhịn uống cho con, lo con giá lạnh mẹ ôm con hứng chịu gió lạnh và sóng biển tung ướt cho con ấm khô, rồi bây giờ khi con đi học mẹ âm thầm dọn phòng cho con, lo giặt ủ đồ cho con, nấu nướng cho con… Tất cả mẹ tính zê - rô đô. Lúc đó người con mới bừng tỉnh trước tình mẫu tử mẹ con.

Nền giáo dục Việt Nam đã căn cứ chính yếu vào tư tưởng Khổng Mạnh mà bốn đích điểm chính cho cuộc đời luôn luôn phải cố tiến đạt là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu không đạt được cả bốn thì ít ra là hai điểm: tu thân, tề gia phải có, sau đó mới nói tới trị quốc và bình thiên hạ. Còn nữ thì "tam tòng tứ đức", khi nhỏ thì theo cha mẹ, đến khi lấy chồng thì theo chồng và khi chồng chết thì theo con; kèm theo bốn nhân đức làm trụ, làm mức định giá người con gái: "công dung ngôn hạnh". Như tâm tình ca dao có câu:

Làm trai cho đáng nên trai,

Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.

Làm trai quyết chí tang bồng,

Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam

Đã sinh ra kiếp ở đời,

Trai thời trung hiếu đôi vai cho tròn.

Gái thời trinh tỉnh lòng son,

Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai.

Trai lành gái tốt ra người,

Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên.

Rồi trong thi văn, những văn phẩm để đời khuyên dậy con người Việt Nam những chuyện chung thủy chung tình như "Chinh Phụ Ngâm" của Đoàn Thị Điểm, "Cung Oán Ngâm Khúc" của Nguyễn Gia Thiều. Hoặc như "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự nói lên chuyện tình nằm trọn trong khuôn khổ đạo Nho: tình yêu trung, hiếu, tiết nghĩa. Ngay cả đến chuyện tình lãng mạn "Kiều" của Nguyễn Du cũng vẫn giữ được nét vì hiếu nghĩa với cha với chồng mà đành sống kiếp phù du hương phấn.

Rồi trong cuộc sống con em chúng ta muốn được coi là người trưởng thành, thích tự lập, yêu tự do mà đâm ra hay chống đối quyền bính. Ca dao Việt Nam có câu: "Gái mười bẩy, bẻ gẫy sừng trâu", nói lên sức mạnh của tuổi trẻ. Đặc biệt cuộc sống nơi đây có an sinh xã hội bao che cung cấp, nên các em không sợ gì nếu phải ra đi! Cũng vì tính độc lập con em chúng ta thích thay đổi phòng ốc, thích nghe nhạc kích động, thích xỏ vòng tai, vòng mũi, thích nhuộm tóc đo đỏ xanh xanh… tỏ ra mình tự quyết, mình sống cuộc sống của chính mình.



Từ những khác biệt trên mà cha mẹ và con cái có những quan điểm khác nhau về lý tưởng về cuộc sống, về nhân sinh quan về giao tiếp… làm cho cuộc sống có nhiều cái lục đục và bất đồng ý kiến. Mà hậu quả tai hại là nếu cha mẹ và con cái không chịu đựng nổi nhau thì đưa tới xung đột và ly tán, bỏ nhà ra đi hay nghiện ngập bất chấp tình thương vàhy sinh vun góp hoài bão của gia đình và của chính mình.

Bất đồng quan điểm, tâm tình và lối sống chính là thực trạng của vấn đề chính yếu giữa cha mẹ và con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay đang đối diện.

NGUYÊN DO CỦA VẤN ĐỀ

Nói cho đúng và công bằng thì dù ở đâu, trong hay ngoài nước, thực trạng và thảm cảnh xung khắc giữa hai thế hệ già trẻ, giữa cha mẹ và con cái kèm theo những đổ vỡ chia ly và nước mắt thì nơi đâu cũng có. Tuy vậy thực tại và bối cảnh xung khắc giữa hai thế hệ già trẻ Việt Nam tại hải ngoại nó rộng lớn và nguy cơ cho nhiều gia đình Việt Nam hơn tại quê nhà. Điểm chính yếu có lẽ nằm trong điểm hội nhập. Giới trẻ hội nhập hoàn toàn và nhanh chóng; còn thể hệ già thì tiệm tiến và giữ được những nét đặc trưng Việt tộc.

Tác giả Trần Cao Lĩnh viết trong Lênh Đênh Hải ngoại:

Thứ nhất, trong chúng (giới trẻ), chưa có một lâu đài văn hóa nào khác, như nơi cha mẹ chúng. Giờ đây theo nhu cầu tiến hóa, chúng phải tự xây cho mình một lâu đài văn hóa riêng, mà một lâu đài theo kiểu cách chúng thích, y như chúng đã thấy và học được từ chung quanh chúng.

Thứ hai, lâu đài văn hóa ở nơi đây, và trong lúc này, mà chúng đang được trực tiếp sống là xã hội, được trực tiếp giáo dục là học đường, và được trực tiếp ảnh hưởng là bạn bè, là những phương tiện truyền thông xã hội, lại hợp với chúng hơn.

Và tác giả giảng giải, thực tại ấy hợp lý, vì nó đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi thỏa mãn nhất của tuổi trẻ. Nó hợp tình, vì thu hút được sở thích và phục vụ quyền lợi của chúng; và cuối cùng nó hợp cảnh, vì đó là trào lưu thời đại mà các em đang sống.

Và tác giả kết luận:

Lâu đài văn hóa mà chúng đang tự xây cho mình, một cách hợp lý, hợp tình và hợp cảnh đó, đối với chúng, đẹp hơn và đáng giá hơn kho tàng văn hóa cổ kính được trưng bày nơi cha mẹ chúng. Kho tàng bảo vật mà cha mẹ chúng muốn lưu truyền cho chúng bảo tồn lưu giữ đó, trước mắt chúng, chẳng khác gì những bảo tàng vật mà thôi, không còn một giá trị thực tế và thực dụng nào cả!

THỬ TÌM MỘT GIẢI ĐÁP CHO VẤN ĐỀ

Trước thực trạng trên và với những nguyên do đẩy đưa như trên, chúng ta thử đi tìm một lối thoát cho vấn đề, tìm thuốc chữa căn bệnh thực trạng cho đời chúng ta, của gia đình chúng ta. Chúng ta không thể trách con em chúng ta mất gốc, quên cội nguồn vì chúng nó có đâu mà mất. Để tự tồn chúng phải hội nhập và đặc tính của tuổi trẻ, chúng lại dễ thích ứng và hội nhập cách mau chóng. Trái lại chúng ta các phụ huynh và những người lớn tuổi, chúng ta cố gắng níu kéo, vun góp và truyền đạt lại di sản lâu đài văn hóa Việt cho con em chúng ta; và vì những khả năng hạn hẹp trước bao chướng ngại: nào ngôn ngữ, nào bạn bè… Phần đa bạn bè chúng ta là đồng hương, trái lại qua môi trường đại học, trường lớp, bạn bè của con em chúng ta lại là Úc nhiều hơn Việt… Chính vì thế mà cha mẹ và con cái sống trong một tư thế giằng co, giành giật và chiến tranh lạnh trong gia đình.

Trong những dịp đi Mỹ hay Âu Châu, kèm theo kinh nghiệm tại Úc, tôi thấy bầu khí chiến tranh lạnh đang bao trùm rất nhiều gia đình Việt Nam tại hải ngoại. Tại Mỹ cũng như ở Úc, nhiều con em chúng ta đi học về, vào phòng đóng cửa lại sống với thế giới tư riêng của nó. Tại Mỹ cũng như ở Úc, nhiều gia đình khá giả thì trong mỗi phòng có TV, nên đâu cần ngồi coi tin tức hay giải trí chung với nhau nữa. Lớn tuổi hơn trong giai đoạn yêu thương, cập kê thì lúc ở nhà tuổi trẻ sẽ ôm điện thoại riết, khiến chẳng ai gọi đi hay gọi lại được… Nhịn thì êm đó, nhưng làm sao mà nhịn mãi được! Và chẳng nhịn được thì chiến tranh bùng nổ… mà hậu quả là có kẻ chiến thắng, có kẻ bại, và chắc chắn kẻ bại người thắng cả hai đều bị thương tích. Hậu quả tệ hại nhất là con cái bỏ nhà ra đi hoặc từ nay càng bế quan tỏa cảng hơn nữa. Đóng khung nó trong thế giới riêng của nó và chiến tranh lạnh trở nên khắc nghiệt hơn nữa.

Để chữa trị, có lẽ có một cách hay nhất là làm sao cho con em ham thích nói tiếng Việt, hiểu và thông thạo tiếng Việt, nhờ đó mà những tâm tình Việt, nhạc Việt và văn hóa Việt sẽ thấm nhập vào cuộc sống, tâm hồn của các em. Cũng nhờ vậy, mà các em hiểu và cảm thông với cha mẹ ông bà trong những nhịp điệu rung cảm yêu thương của trái tim Việt, của tấm lòng Việt Nam và của dòng máu Tiên Rồng. Vì tiếng Việt thật tuyệt vời như Đỗ Quang Vĩnh đã khai triển và quảng diễn trong tác phẩm "Tiếng Việt Tuyệt Vời" của ông:

Tiếng Việt bao gồm tiếng nói và chữ viết. Phát âm gắn liền với văn tự nâng tiếng Việt lên ngôi cao tuyệt vời… Khi nói tiếng Việt Tuyệt Vời dĩ nhiên phải đề cập tới chữ Quốc Ngữ hiện hành. Vả chăng về một phương diện nào đó, trong quá trình lịch sử thể hiện tinh thần đề kháng, ý chí bất khuất của một dân tộc dân tộc Lạc Việt bé nhỏ, không chịu đồng hóa với Hán tộc từ Bắc phương nhưng kiên trì tranh thủ độc lập, quyết tự chủ vươn lên trải suốt trên một ngàn năm đấu tranh khắc nghiệt, thì so với Hán tự, chữ Nôm - một thành tố của tiếng Việt xa xưa - nếu chẳng phải là tuyệt vời thì cũng chẳng là kỳ diệu sao?

Tiếng nói Việt Nam có lối phát âm và diễn tả đặc biệt, giản dị và nhiều điểm tương hợp với Pháp và La ngữ… Người có công lớn là giáo sĩ Đắc Lộ, đã đem cách phát âm và cấu trúc của La - Ngữ, Pháp - Ngữ để ký âm tiếng Việt. Chữ Quốc Ngữ, từ một phương tiện truyền bá đạo lý, sau trở thành lợi khí sắc bén để quảng bá tư tưởng và tình tự dân tộc. Chữ Quốc Ngữ đã trở thành văn tự quốc gia, làm rạng rỡ nền văn học Việt Nam huy hoàng. Chữ Quốc Ngữ gắn liền với vận mệnh quốc gia, và niềm tự hào của những người tự hào là dân nước Việt.

Chính vì vậy chúng ta không thể quên tiếng Việt được và con cháu chúng ta cũng không được phép không biết tiếng Việt, không được bỏ qua mọi cơ hội mà trau dồi tiếng Việt. Trong những năm qua, tôi dậy tiếng Việt cho người Úc khá nhiều, tôi mới khám phá ra tiếng Việt khó học hơn nhiều ngôn ngữ khác. Tiếng Việt phức tạp chứ không đơn thuần như chúng ta nghĩ tưởng. Tôi cũng rất thán phục, có những sinh viên Việt không biết nói viết tiếng Việt đã có can đảm ghi danh cùng ngồi học với các bạn Úc. Niềm vui của các em dâng trào bày tỏ cho tôi sau năm học, là các em vui và cảm thấy tự tin để giao thiệp với người Việt, các em chia sẻ tâm tư và tâm sự với ông với bà cha mẹ bằng tiếng Việt và em tự hào là người Việt. Đấy chỉ mới là vốn liếng tối thiểu cho em xử dụng trong đời sống hàng ngày. Em còn tham vọng học nhiều hơn để có thể viết văn và làm thơ…

KẾT LUẬN

Sau khi trình bày và phân tích nguyên do thực tại của thực trạng và cảnh huống của gia đình Việt Nam tại hải ngoại,của giới trẻ Việt Nam đang lớn lên giữa hai nền văn hóa Úc Việt. Các em hấp thụ hai nền giáo dục Úc Việt… Chính những quan điểm di biệt và bối cảnh lớn lên khác biệt đã phân rẽ hai thế hệ Việt Nam: cha mẹ và con cái hay thế hệ già trẻ, mà ranh giới phân rẽ không phải là màu da, chủng tộc; cũng chẳng phải người dưng nước lã mà chính những khác biệt dựng xây trong tâm hồn, tim óc, dệt thành nếp sống khác biệt, nhiều khi đưa tới xung khắc.

Có lẽ chính tiếng Việt mà giờ đây chúng ta ý thức và khám phá ra rằng chính nhờ và qua tiếng Việt mà lâu đài văn hóa Việt của chúng ta đã được dựng xây, hình thành và vun góp; thì cũng chính tiếng Việt sẽ xây dựng và vun góp lâu đài văn hóa trong con em chúng ta. Đó là con đường và phương thế hy vọng để xây dựng một quê hương dân tộc Việt, dẫu chúng ta có sống tại hải ngoại hay tại đâu đi nữa. Khi nào còn người Việt, thì đất Việt còn; Vì đất Việt chỉ có thể tồn tại và tự hào khi còn có những con người Việt với trái tim Việt, với tấm lòng Việt và tinh thần thâm thúy văn hóa Việt.

Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb

THAM KHẢO

Cao Tấn Linh, Lênh Đên Hải Ngoại, Cao Bùi xb, USA, 1990.

Cao Tấn Lĩnh, Vào Đời, Cao Bùi xb, USA, 1991.

Đỗ Quý Toàn, "Note on Education in Traditional Culture of Vietnam", Journal of Vietnamese Studies,Vol. I No. 2, 1989

Đỗ Quang Vĩnh, Tiếng Việt Tuyệt Vời, Làng Văn, Toronto, 1994.

Nguyen Xuan Thu, "Understanding Vietnamese Students: A Focus on Their Passive Attitude, Language, Education and Culture, Phillip Institute of Technology, Melbourne, 1991.

Trần Mỹ Duyệt, Tuổi Trẻ Việt Nam Hải Ngoại, Đường Sống, Santa Ana CA, 199