Canada đang giữa mùa đông. Tuần qua một trận tuyết lớn đã phủ lấp cả thành phố Toronto. Trận tuyết làm tôi chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Du tả cảnh buồn khổ của cô Kiều : Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu. Cụ Nguyễn Du nói tới tuyết chắc là nói theo tưởng tượng chứ tôi không nghĩ là cụ có kinh nghiệm thực về cảnh tuyết ngập tới rèm, tức ngang tầm cửa sổ như ở Canada này. Ông H.O. đậu xe ngoài đường mà không nhớ chính xác nơi đậu, sáng dậy phải phá núi tuyết trước nhà mới ra được tới đường, rồi hì hục phá núi tuyêt trùm lấp cái xe. Mệt và nhọc bở hơi tai, đến khi cái xe ló ra một chút thì ông biết mình phá tuyết sai chỗ lầm xe… Ôi buồn làm sao ! Ông giận trận bão tuyết quá, ông không còn yêu tuyết như ngày mới sang đây. Rồi ông kể chuyện này cho cả làng nghe. Hồi ông mới sang Canada thì ông náo nức chờ xem tuyết, ông bảo đầu đông năm ấy, thấy tuyết rơi mong manh đẹp quá, ông đã ra giơ tay hứng tuyết và đưa lên miệng nếm vì ông nghĩ tuyết bay trắng xóa, thơ mộng, êm ả như thế này thì chắc nó ngon lắm…

Chắc chuyện tuyết làm các cụ lạnh mất rồi, xin đưa các cụ về chuyện thời sự còn nóng. Vẫn các chuyện dịch cô vít và các biến thể, vẫn chuyện ông Mỹ ông Tàu hầm hè nhau ở biển đông, nửa thế giới tẩy chay Thế Vận Hội 2022 Bắc kinh, chuyện ông Nga hầm hè với Nato và khối Đông Âu và Mỹ về Ukraine và Crimea. Canada mới ra lệnh cho các nhà ngoại giao rời khỏi Ukraine, chắc sắp có chuyện quan trọng. Ukraine là nước lớn thứ hai ở Châu Âu sau Nga, có các cảng chính trên Hắc Hải và chung biên giới với 4 quốc gia Nato. Ukraine có vẻ nghiêng về Nato. Chứng cớ là dân Ukraine đã phá đổ hàng ngàn tượng Lê Nin. Viết đến đây tôi thấy lo cho các tượng Bác Hồ ở quê nhà quá, chắc rồi cũng thế thôi. Lại có tin ở Nam Cali người ta vừa tìm ra kho vàng trắng Lithium ở hồ chết Saltom Sea…

Và tin nổi cộm nhất đầu năm dương lịch là tin Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Ngài nổi danh quốc tế ngang tầm đức Đạt Lai Lạt ma, Mục sư Luther King. Ngài chu du khắp thế giới giảng đạo thiền. Sau 40 năm đi khắp nơi, sau cùng ngài về quê hương ở Huế và ra đi giữa các thiền sinh. Cách đây mấy chục năm ngài có đến Canada, đến Toronto mở lớp dạy thiền sống tỉnh thức. Tôi có đi tham dự. Các điều Ngài dạy, hiện tôi chỉ còn giữ được 4 câu thiền này :

Thở vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giây phút đẹp tuyệt vời !

BS Nguyễn Khắc Viện, người bị ung thư, đã bị cắt 3 /4 phổi, bệnh viện bảo ông chỉ sống thêm được 2 năm, thế mà nhờ tập thở, ông đã sống thêm 50 năm. Ông đã truyền lại kinh ngiệm thở và sống phép lạ này cũng bằng một bài thơ, tôi cũng lượm ra 4 câu chính như sau:

Ép bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Êm chậm sâu đều

Tập trung theo dõi

Tôi dính liền 4 câu thiền của Thày Nhất Hạnh trên đây với 4 câu thơ về cách thở của BS NGuyễn Khắc Viện này, làm thành bài kinh thiền đọc mỗi buổi sáng khi thức dậy. Tôi thấy có kết quả tốt các cụ ạ.. Tiếng Anh gọi thiền là mindfulness, tiếng Nhật là Zen, thiền là quán niệm sự sống qua hơi thở vào và ra. Khi hít hơi thở vào và thở ra thì chỉ tập trung tâm trí vào hơi thở, biết mình đang sống, đang được sống giây phút này.

Cụ già B.95 lên tiếng xin làng thôi chuyện thiền mà nói sang chuyện khác bớt tôn giáo đi. Bà cụ muốn tiếng cười cơ. Liền có ngay. Ông HO nói rằng đầu năm mà toàn chuyện nghiêm trang thì cả năm sẽ không vui. Tôi xin đố cả làng câu này :

‘…Cái của ông Trump ngắn hơn cái của ông Kennedy, cái người vợ thường xài chung với chồng, cái mà Đức Giáo Hoàng có mà không xài, xin đố cả làng đó là cái gì?.

Anh John và mấy bà bàn nhau một lúc rồi hỏi : đây là câu đố tục, phải không? Ông HO lắc đầu ngay, đầu năm mới ai dám nói chuyện tục! Cả làng lại xầm xì bàn nhau và cuối cùng xin chịu thua. Ông HO đáp ngay : đó là cái tên gọi của mọi người ! Nghe xong ai cũng gật gù : ừ, đúng qúa. Đang được hứng, ông HO kể tiếp : Rằng trong một lớp mẫu giáo kia, trong giờ giáo lý cô giáo hỏi cả lớp : Chúa ở đâu? Đa số các em bé trả lời : Chúa ở trên trời, ở trong nhà thờ, nhưng có 1 bé giơ tay nói : Chúa ở trong phòng tắm. Cô giáo hỏi tại sao thì bé này trả lời: mỗi lần mẹ con tắm xong bao giờ mẹ con cũng đứng lên bàn cân, rồi lần nào mẹ con cũng thốt lên : Lạy Chúa tôi !

Nghe xong cả làng đều cười. Phe các bà thì gật gù nói quả đúng vậy. Ông HO được các bà khen thì thích lắm vì thấy cả làng bắt đầu có cái không khí vui vẻ thường lệ.

Ông Từ Hòe tiếp lời ông HO xin nói về năm con Cọp. Phe các bà thích lắm, vỗ tay liền. Ông xin bàn về cái tên. Rằng tiếng VN rất giầu về tên gọi mãnh chúa này : Cọp, Hùm, Hổ, Ông 30, Chúa Sơn Lâm…trong khi Anh Pháp Tây Ban Nha chỉ có từ tiger,tigre, tiếng Tàu là từ Hu. Cơ thể con cọp chỗ nào cũng là thuốc đại bổ cho con người : râu hổ trị nhức răng, thịt hổ bổ thận, răng hổ để trừ tà ma, đeo ở cổ thì tránh dược bom đạn, xương hổ thì nấu thành cao hổ cốt đại cường dương…Và nhiều danh nhân thế giới đã sinh vào năm Hổ như Tổng De Gaulle sinh năm 1890, văn sĩ John Steinbeck 1902, Bà Giang Thanh 1914, Nam Phương Hoàng Hậu 1914, Fidel Castro 1926, Thiền sư Thích Nhất Hạnh 1926… Nói đến đây rồi ông Từ Hòe cười hề hề : Các cụ ta tin rằng những phụ nữ sinh vào năm hổ thường khó lấy chồng.

Nghe đến đây thì cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng ngay : Điều đó không đúng, chứng cớ là trong mấy nữ danh nhân ông vừa nhắc có ai khó lấy chồng và dữ như cọp đâu. Và nếu nói như vậy thì trái với lời Ông Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa lớn, một trong 5 quan đại thần của vua Bảo Đại. Theo Ông thì người Pháp ưa lấy đàn bà làm biểu tượng cho sự hạnh phúc. Muốn tả sự kiều diễm nhẹ nhàng duyên dáng thì họ vẽ trên con tem bưu điện hình người đàn bà giang tay đang khiêu vũ giữa mùa xuân. Tả cảnh vui thú điền viên thì họ vẽ cô con gái đang hái nho nét mặt tươi cười hớn hở. Tả sự tươi mát họ vẽ người đàn bà mình trần, thanh tân yểu điệu, tóc xõa xuống lưng, măt mũi tươi tỉnh, vừa tắm suối lên. Tả công lý họ làm tượng phụ nữ cầm cái cân. Muốn biểu tượng sự tự do họ đúc tượng mỹ nhân tay giơ cao ngọn đuốc. Họ đã đúc một tượng đồng khổng lồ đặt tên là Thần Tự Do đem tặng nước Mỹ. Nước Mỹ thích quá đã trưng bày tượng này ở đảo Liberty thuộc cảng New York năm 1886. Du khách nào tới New York cũng đều ra viếng tượng đài lịch sử này. Rồi cụ Chánh thấy mình đã nói dài bèn xin thôi và nhường phần ca tụng phái nữ cho các nhà thông thái trong làng. Phe các bà vỗ tay và xin ông Từ Hòe tiếp sức cụ Chánh về đề tài lớn này để lấy hên cho cả năm.

Ông Từ Hòe tươi mặt nói ngay : cái đề này hấp dẫn, xin cho tôi nói dài nha. Đầu năm mà ca tụng phái đẹp thì sẽ hên cả năm. Xin bắt đầu thế này : Liền ông con trai anh nào cũng có cái máu lăng nhăng, tiếng bình dân gọi là cái máu xấu, cái máu dê. Theo Lâm Ngữ Đường bên Tàu thì đó là cái máu Lão Tử và Trang Tử. Nhà văn này nói rõ hơn : anh liền ông nào cũng có bộ mặt Khổng Tử nhưng trong bụng thì là Lão Tử và Trang Tử. Nếu được phỏng vấn thì đấng nào cũng phán : tôi phải lăng nhăng một tý để hy vọng có một Khổng Tử thứ hai. Các cụ có biết tại sao anh ta dám nói như vậy không? Thưa, vì theo sử thì bố Đức Khổng Tử lấy vợ 1 thì đẻ ra toàn con gái, sách chép là 9 công nương lận cho nên không có kẻ nối dõi tông đường, thân phụ lấy vợ 2 cho ngài, bà V2 này đẻ được thằng con trai nhưng lại què quặt, thế là ông cụ phải lấy V3 cho ngài, và bà V3 này đã đẻ ra Đức Khổng Tử. Việc này dẫn ta đến kết luận là nếu không có V3 thì nước Trung Hoa đã không có thánh nhân Khổng Tử, vậy liền ông con trai phải lấy nhiều vợ để chắc chắn có kẻ nối dõi tông đường, và biết đâu sẽ có Khổng Tử thứ 2, Khổng Tử thứ 3… Nước An Nam thì cụ Nguyễn Công Trứ là một tấm gương sáng về tri hành hợp nhất. Theo sách ngoại truyện thì cụ có những 16 vợ lận. Cụ làm quan to, cụ đi đến đâu thì rải con đến đó. Chính cụ tự thuật chuyện cụ ngủ đò trên sông Hương ở Huế. Ban ngày quan chầu vua, ban đêm thì quan ngủ đò cặp kè với tiên. Chính cụ chép lại lời một tiên nữ ở Huế :

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan lớn tần mần như ma

Ban ngày quan lớn như cha

Ban đêm quan lớn rầy rà như con

Tôi mê mấy chữ tần mần và rầy rà nà, chúng gợi hình đúng quá sức.

Phe liền ông trong làng ai cũng gật gù khen cụ Trứ nói đúng và đều cười sằng sặc. vì ai cũng nghĩ : Cụ đi guốc trong bụng chúng con. Chúng con y chang Cụ, cũng ưa tần mần và rầy rà lắm.

Ông Từ Hòe nhìn phe liền ông trong làng cười ngất thì biết ngay, đã là liền ông thì anh nào cũng có máu vừa thích cơm vừa thích phở, anh nào cũng thế trừ các đấng tu hành thứ thiệt mà thôi. Anh nào mê phở quá thì có bão ngay trong nhà, ly bay chén bay... Anh nào biết ăn năn thống hối thì được nội tướng từ bi hỷ xả, anh nào ngoan cố không biết hối cải thì tự nhiên trong nhà có con cọp cái Phi Châu ngay, sư tử Hà Đông ngay. Do vậy ông chồng nào sau khi ăn vụng phở thì đều mắc bệnh sợ vợ, nói theo ngôn ngữ hiện nay là người biết tôn kính vợ, ca tụng vợ.

Nghe tới đây thì anh John lên tiếng : Nếu vậy thì tôi thấy các chính khách Canada ai cũng sợ vợ. Chúng cớ là trong các cuộc bầu cử, bài diễn văn thắng cử và nhận chức, ông Canada nào cũng kết bằng câu : trong số các người mà tôi mang ơn nhiều nhất là …vợ tôi. Thế mới biết dân da trắng ở đây đã lây cái diễm phúc được sợ vợ giống phe ta. Tiếng Hồng Mao gọi vợ là ‘my better half’. Tôi thấy tiếng này hay quá sức, vì nó phảng phất màu Thiên Chúa giáo. Theo Kinh Thánh thì Chúa đã lấy 1 xương sườn của Adam mà làm ra Eva, cho nên hai người trở thành một xương một thịt, một body. Giống y như tiếng Viêt nam, vợ chồng gọi nhau là MÌNH, mình ơi mình à. Tiếng Việt còn đi xa hơn nữa, còn gọi nhau là ‘nhà tôi’, my house my home. Đi làm về mà có cơm ngon canh ngọt thì đó là my house, tối nằm bên vợ được vợ vuốt ve nựng nịu thì đó là my home…

Chị Ba Biên Hòa ngắt lời hỏi chồng : Thế người Tàu gọi vợ chồng là gì?

Anh đáp ngay : là phu thê, chữ phu đi trước chữ thê, nghĩa là người Tàu không tôn kính người vợ đủ, bao giờ cũng phu thê và phu thê. Tiếng Việt nam ta thì hay vô cùng, lúc nào cũng nói vợ chồng, chữ vợ đi trước chữ chồng. Trong tiếng VN mà chữ chồng đi trước chữ vợ thì đó là dấu bất ổn như ‘ chồng chúa vợ tôi’. Chồng lang vợ chạ, chồng ăn chả vợ ăn nem, chồng hấm vợ hứ…Nhưng suy cho kỹ thì ta thấy cái tiếng Hồng Mao ‘My Better Half’ ý nghĩa thật là hay và cao siêu quá chừng.

Ông Từ Hòe đọc tiếp bài diễn văn : Nhưng từ cung cách tôn kính vợ đến cung cách sợ vợ thì không có xa gì. Nhiều bà vợ đã hiểu lầm cái thái độ cung kính của chồng mà lấn lướt. Cái bệnh sợ vợ có tính chất di truyền, cha truyền cho con, con truyền cho cháu, bệnh nó thấm vào máu. Bà tôi ngày xưa hay kể chuyện một ông nhà giàu kia trong làng có bệnh sợ vợ nổi tiếng. Bà vợ biến thành bà sư tử Hà Đông. Vì bà hung hăng dữ quá như vậy nên một hôm bà lên cơn điên quát mắng chồng, máu dồn lên tim mạnh quá, nên bà lăn đùng ra chết. Ông ta chôn cất vợ xong, hết sợ vợ nên người ông khỏe mạnh hơn, ai cũng khen, nhưng ông không dám tục huyền vì vợ đã đe nẹt từ trước. Có điều buồn cười là mỗi lần ông bệnh nặng mà nếu có ai nói rằng chắc ông sắp đi theo vợ, thì tự nhiên ông bò nhỏm dậy liền, không cần uống thuốc gì nữa, ông hết bệnh ngay.

Ông ODP xin góp một chuyện sợ vợ bên Tàu, sách chép là vào đời Đường. Rằng một vị quan to kia tên là Niệm Hoàn, ông rất giỏi và có công to nên vua tặng cho ông 2 nàng cung phi. Vợ quan tên là Liễu Thị. Ai cũng tưởng bà vợ ông sẽ rất vui vì có thêm người hầu hạ giúp đỡ, ai ngờ hai nàng xinh đẹp mũm mĩm đã bị bà đổ nước sôi vào mặt làm cho 2 cung phi hóa ra xấu xí. Vua Đường biết chuyện này liền triệu bà vào cung và phán rằng : ta truyền cho ngươi từ nay không được ghen bậy bạ, nếu trái lời ta thì phải uống chén thuốc độc này. Nói xong vua chỉ vào chén thuốc lớn trên bàn. Bà Liễu Thị nghe xong liền bẩm rằng : Ngày xưa khi hai chúng thần lấy nhau thì đã thề rằng cả hai chỉ có một trái tim, nay có thêm 2 trái tim nữa thì làm sao thần sống nổi, thà chết còn hơn. Nói xong Liễu Thị cầm chén thuốc uống một hơi cạn hết, uống xong bà ngã lăn xuống đất. Ai cũng tưởng bà chết nhưng không vì đây không phải là thuốc độc mà chỉ là rượu. Vua bèn bảo quan Niệm Hoàn rằng: Người mà không sợ chết thì không thể đem cái chết ra mà dọa được. Ghen như vợ ngươi thì cái uy của ta phải chào thua.

Tại VN ta, hồi đầu thập niên 1960 có chuyện cô vũ nữ xinh đẹp Cẩm Nhung được một quan trung tá kia mê mệt, tiếng đến tai bà vợ. Bà vợ quan liền thuê người tạt nguyên một chai acid vào mặt cô ta. Và đời cô Cẩm Nhung đã tàn tạ thảm thương.

Chuyện ghen là chuyện bình thường khi đã yêu nhau. Cái triết lý ghen của các bà vợ có thể tóm tắt trong câu ca dao này :

Ta rằng ta chẳng có ghen,

Chồng ta ta giữ, ta nghiến, ta nghiền ta chơi.

Đây là câu lục bát phá cách, thay vì 8 chữ thì nay là 10. Động từ nghiến chưa đủ, phải thêm từ nghiền nữa mới hết cái nghĩa yêu đương.

Cụ Chánh góp thêm ý : các cụ ta xưa khi nói về vợ dữ vì ghen thì các bà không những chỉ nghiến mà còn nghiền nữa mới thỏa cơn ghen, nhưng các cụ cũng đề ra một lời dạy vô cùng khôn ngoan có thể cải thiện cuộc đời đôi lứa :

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

Thưa anh, anh giận em chi

Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho.

Cụ giải thích : nàng hứa cưới cho vợ bé nhưng đây là câu dò ý đánh lừa, miệng ngọt ngào nói thế nhưng tay nàng đã cầm sẵn con giao.

Trong Kinh Thánh Chúa bảo đã lấy nhau thì hai người trở nên một xương một thịt. Có người hỏi : vậy trong con số MỘT này thì vợ và chồng mỗi người là bao nhiêu phần trăm? Thế giới nói tiếng Anh trả lời ngay : người vợ là phần lớn và tốt hơn : My better half. Chính vì cái phần lớn này đã sinh ra phong trào ‘tôn kính vợ’.

Làng An Lạc của tôi hay bàn về cái phong trào này lắm. Trong năm con cọp, nếu có lời bàn nào vui và mới, tôi sẽ trình các cụ ngay.

TRÀ LŨ