1. Đức Giám Mục Ý cấm các linh mục chưa được chủng ngừa không được trao Mình Thánh Chúa

Một giám mục Ý đã cấm các linh mục và giáo dân chưa được tiêm chủng trao Mình Thánh Chúa trong khi Ý thắt chặt các hạn chế COVID-19 của mình.

Đức Cha Giacomo Cirulli của giáo phận miền nam nước Ý Teano-Calvi và Alife-Caiazzo đã đưa ra một lá thư vào ngày 8 tháng Giêng với các quy định mới để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

“Tôi nghiêm cấm việc phân phát Thánh Thể bởi các linh mục, phó tế, các tu sĩ và giáo dân không được tiêm chủng,” Đức Cha viết.

“Về vắc-xin, hãy để tôi nhắc lại những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tiêm chủng… là một hành động của tình yêu thương. Và việc giúp bảo đảm rằng phần lớn mọi người được tiêm chủng là một hành động yêu thương. Yêu bản thân, yêu gia đình và bạn bè, yêu tất cả các dân tộc.”

Trong thư, Đức Cha Cirulli cũng đã ban hành việc đình chỉ tất cả các hoạt động mục vụ, giáo lý và giáo dục trực tiếp trong giáo phận của mình.

Đức Cha Cirulli tốt nghiệp Đại Học Y Khoa ở Napoli trước khi trở thành linh mục. Vị giám mục 69 tuổi đã nhập viện vì COVID-19 vào tháng 11 năm 2020 và đã bình phục.

Ngài thúc giục những người Công Giáo trong giáo phận của mình tuân thủ các hạn chế COVID-19 do chính phủ Ý ban hành.

Các quy định hạn chế mới của chính phủ Ý có hiệu lực trong tuần này cấm những công dân chưa được tiêm phòng vào nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng, phòng tập thể dục, nhà hát và các sự kiện thể thao.

“Hầu hết các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là do có những người không được tiêm chủng”, Thủ tướng Mario Draghi cho biết trong một cuộc họp báo tối ngày 10 tháng Giêng.

Tháng 10 năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Draghi đã bắt buộc tất cả nhân viên ở Ý phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc mỗi tuần.

Tuần trước, chính phủ Ý cũng đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng việc tiêm chủng bắt buộc đối với mọi người trên 50 tuổi, bất kể việc làm, bắt đầu từ ngày 15 tháng Hai.

Theo cơ quan y tế, hơn 86% người trên 12 tuổi ở Ý được tiêm chủng đầy đủ.

Trong bối cảnh sự lan rộng của biến thể COVID-19 Omicron, có hơn 100,000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận ở Ý mỗi ngày trong 5 ngày qua.


Source:National Catholic Register

2. Đạo Công Giáo có cho phép thủy táng không?

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bài viết có nhan đề “Đạo Công Giáo có cho phép thủy táng không?” của linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, dòng Ngôi Lời, qua phần trình bày của Túy Vân.

Cách đây một thời gian, khi ca sĩ Phi Nhung mới qua đời, con gái của ca sĩ là cô Wendy chia sẻ trên các kênh truyền thông rằng, cô muốn để tro cốt của mẹ mình ở tịnh xá cho đến lúc mãn tang, sau đó cô sẽ mang tro cốt của mẹ đến Hawaii để thủy táng. Cô cho biết thêm, vì lúc còn sống, mẹ của cô rất thích đi du lịch, nhất là thích các chuyến đi chơi ở biển.

Khi nghe con gái Phi Nhung chia sẻ như vậy nhiều người Công Giáo cũng có sự đồng cảm và thích thú. Trong nhiều cuộc trò chuyện gần đây tôi cũng nghe nhiều người bàn thảo về chủ đề này, tuy nhiên họ cũng đặt lại câu hỏi với tôi về nguyên tắc của tôn giáo mình đối với việc thủy táng. Họ hỏi rằng, là một người theo đạo Công Giáo, chúng ta có được lựa chọn phương pháp thủy táng hay rắc tro trên đất hoặc dưới gốc cây không?

Đây là những câu hỏi hết sức thú vị và cũng rất quan trọng đối với người Công Giáo chúng ta. Trước khi trả lời cho những câu hỏi này, tôi xin khẳng định, tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của cô Wendy và những người bạn không cùng tôn giáo với tôi. Bài viết này cũng không có ý định tranh luận với ai vì tôi biết vốn hiểu biết về giáo lý và truyền thống của các tôn giáo bạn của tôi rất giới hạn. Bởi thế, trong bài viết này, tôi chỉ muốn trình bày một vài quan điểm theo hướng dẫn của đức tin Hội Thánh Công Giáo, hầu giúp mọi người hiểu được vấn đề.

VẤN ĐỀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Tôi cũng mong độc giả hiểu rõ mỗi tôn giáo có một khái niệm khác nhau về sự chết, nhất là vấn đề sự sống sau cái chết. Có thể có nhiều người cho rằng chết là hết, nhưng đức tin của người Công Giáo dạy chúng ta rằng chết không phải là hết, nhưng chết là “lìa bỏ thân xác để trở về với Chúa” (2 Cr 5, 8).

Chính Chúa Giêsu đã chết và phục sinh thì mỗi Ki-tô hữu chúng ta, nhờ tin vào Chúa, không ai tránh được sự chết, tuy nhiên trong ngày sau hết chúng ta lại được sống lại một cách vinh quang như Người. Điều này được lý giải trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Côrintô: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, là hoa quả đầu mùa trong số những người đã an nghỉ [...] mọi người phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được sống trong Đức Kitô như vậy” (1Cr 15, 20-22).

Bởi nền tảng đức tin này, trong Sách Lễ Rôma có đoạn viết: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” (Kinh Tiền Tụng Lễ Cầu cho Tín Hữu Qua Đời). Chính vì thế, trong Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng, Đức Hồng Y Gerhard Müller đã giải thích: “Khi con người chết, linh hồn rời khỏi thân xác, nhưng khi sống lại, thân xác chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban cho sự sống bất diệt, được biến đổi khi liên kết lại với linh hồn” (số 2).

Như vậy, Giáo Hội đã tin và không ngừng rao giảng rằng về sự sống đời đời. Giáo Hội luôn “tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính). Hơn nữa Giáo Hội hoàn toàn tôn trọng thân xác của người đã qua đời, cho nên tiếp tục cổ võ việc địa táng. Dĩ nhiên, ngày nay vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, Giáo Hội đã cho phép được hỏa táng thi hài các tín hữu, tuy nhiên Giáo Hội cũng đưa ra một số nguyên tắc rất quan trọng liên quan đến việc an táng, chúng ta sẽ tiếp tục bàn thỏa sau đây.

NÊN CHÔN CHẤT NGƯỜI QUA ĐỜI Ở ĐÂU?

Theo Bộ Giáo luật, điều 1176, Giáo Hội mong muốn thi hài người qua đời được an táng trong các nghĩa trang và những địa điểm linh thiêng. Bởi vì, theo Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng của Tòa Thánh: “Ngôi mộ trong nghĩa trang hay ở những nơi thánh thiêng, thật xứng hợp với thái độ tôn kính hay sự quý trọng dành cho thân xác của các tín hữu đã qua đời, thân xác đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần nhờ Bí tích Thánh Tẩy” (Số 3).

Nếu chúng ta sống ở Âu Châu, Úc Châu hay ở Hoa Kỳ, nhiều giáo xứ xây dựng nghĩa trang ở ngay bên cạnh nhà thờ, trong khuôn viên nhà hưu dưỡng hoặc các Hội Dòng. Các nghĩa trang này đều được thiết kế và xây dựng rất trang hoàng và đẹp mắt. Hằng năm cứ vào dịp lễ các đẳng linh hồn hay nhiều dịp lễ quan trọng khác, Giáo Hội thường tổ chức thánh lễ tại các nghĩa trang. Ngoài ra còn tổ chức nhiều chương trình âm nhạc, cầu nguyện chung để tưởng nhớ các linh hồn đã khuất. Chúng ta còn thấy nhiều cá nhân hoặc gia đình còn tổ chức các buổi gặp gỡ hay toàn tụ gia đình bên phần mộ của người thân yêu của họ.

CÓ ĐƯỢC ĐỂ TRO TRONG TƯ GIA HAY KHÔNG?

Ngày nay nhiều gia đình vì nhiều lý do chọn cách hỏa táng. Như đã nêu trên, điều này được Giáo Hội cho phép nhưng theo Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng thì “tro hoả táng có thể được lưu giữ tại một nơi xứng đáng, chẳng hạn tại nghĩa trang, hoặc trong một số trường hợp, tại thánh đường hoặc một nơi dành riêng, được cung hiến bởi thẩm quyền Giáo Hội” (Số 5). Hiện nay chúng ta thường thấy nhiều giáo xứ ở các thành phố lớn, vì lý do không có đất để xây nghĩa trang nên xây các “Nhà Trông Đợi Phục Sinh” để đặt tro của các người qua đời sau khi thi thể của họ được thiêu.

Như vậy sau khi hỏa táng không ai được mang tro về để trong tư gia hay một nơi nào bất kỳ ngoài việc chôn cất nơi nghĩa trang hay đặt vào những nơi được Giáo Hội quy định. Vì theo truyền thống, các giáo hữu luôn cầu nguyện và tưởng nhớ những anh chị em tín hữu đã qua đời tại các phần mộ. Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời tại nghĩa trang hay những nơi thánh thiêng giúp cho những người đã ly trần không bị lãng quên.

Ngoài ra việc cầu nguyện này cũng giúp chúng ta suy niệm về một Giáo Hội hiệp thông, hiệp thông giữa những người đã qua đời, những người đang sống trên trần gian như chúng ta và các thánh trên thiên đàng. Như lời dạy trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Có sự hiệp thông giữa toàn thể các tín hữu Chúa Kitô, những người đang trên đường lữ hành trần thế, những người đang trải qua thời gian thanh luyện, và những người đang hưởng phúc thiên đàng, tất cả làm nên một Hội Thánh duy nhất” (Số 961).

NGƯỜI Công Giáo CÓ ĐƯỢC THỦY TÁNG KHÔNG?

Dựa vào những phân tích trên, Giáo Hội Công Giáo không cho phép chúng ta đưa tro của người thân của mình đi đổ xuống biển, gọi tắt là thủy táng, rải trên mặt đất hay gốc cây, gọi tắt là lục táng. Giáo Hội cũng không cho phép giữ tro cốt hoả táng trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác. Thời nay, nhiều gia đình vì lý do sống phân tán, mỗi người sống một phương, nhất là có người ở hải ngoại có người ở trong nước, nên họ muốn phân chia tro hỏa táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong gia đình, nhưng xin nhắc lại, điều này vẫn không được Giáo Hội cho phép (Huấn Thị, số 6).

Như vậy, đối với những ai công khai bày tỏ ý muốn phải được thiêu xác và tro hoả táng phải được tung rắc phân tán vì những lý do nghịch với đức tin Kitô Giáo, Giáo Hội có quy định rất nghiêm khắc, rằng “không được cử hành nghi lễ an táng Kitô Giáo cho người ấy, theo như Giáo luật quy định” (Bộ Giáo luật, điều 1184).

Trên đây là những câu trả lời và lý giải rất quan trọng đến việc hỏa táng và cho những câu hỏi liên quan dưới tinh thần của đạo Công Giáo. Các tư liệu chủ yếu dựa vào Kinh Thánh, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và nhất là Huấn Thị Ad Resurgendum Cum Christo Về Việc Mai Táng Và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng của Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, công bố ngày 15 tháng 8 năm 2016. Trước đó, Huấn Thị này cũng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê duyệt vào ngày 18 tháng 3 năm 2016.

Hy vọng đây là những kiến thức thực tế và bổ ích cho các tín hữu Công Giáo và những ai quan tâm việc an táng và nhiều vấn đề liên quan trong Giáo Hội. Cảm ơn sự ủng hộ của quý độc giả và mong được trở lại tiếp chuyện với quý vị trong các đề tài sau.

3. Tư cách người linh mục

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bài viết có nhan đề “Tư cách người linh mục” của linh mục Phanxicô Minh Bằng qua phần trình bày của Túy Vân.

Thật là một ngày ý nghĩa đối với tôi khi tôi được tham dự Hội thảo Tiền Công nghị với chuyên đề “Đời sống linh mục Tổng Giáo phận Hà Nội” diễn ra vào sáng nay, thứ Bẩy ngày 08 tháng Giêng tại Nhà Chung của Giáo phận. Quả thật, sau khi lắng nghe bài tham luận thứ hai của chị Maria Trần Lan Anh với nội dung “Ước nguyện của giáo dân về linh mục”, điều tôi suy nghĩ và đánh động tôi rất nhiều đó là “tư cách người linh mục”.

Trước hết trong bài tham luận “ước nguyện của giáo dân về linh mục”, chị Maria Trần Lan Anh đã đại diện cho mọi giáo dân trong giáo phận trình bày về năm khía cạnh khác nhau để nói lên ước nguyện của họ với các linh mục:

Về hình ảnh bên ngoài, giáo dân mong ước một linh mục chỉnh chu nhưng giản dị, luôn mặc áo giáo sĩ.

Về thể lý, giáo dân mong ước linh mục luôn biết chăm sóc tốt cho sức khoẻ của bản thân, cả về thể lý và tinh thần, đồng thời biết sống giản dị, tiết kiệm.

Trong mối tương quan với giáo dân, giáo dân mong ước linh mục luôn vui vẻ, gần gũi, vừa nghiêm khắc nhưng cũng ân cần lắng nghe, thấu hiểu, hướng dẫn và giải thích cho giáo dân. Đồng thời, họ cũng mong muốn linh mục là người biết cởi mở lòng mình để chia sẻ với giáo dân những ưu tư, thao thức và cả những mệt mỏi của chính các ngài.

Trong tương quan với linh mục đoàn và Bề trên giáo phận, giáo dân mong ước linh mục luôn gắn bó chân thành, công bình trong tương quan với các linh mục và luôn yêu mến, vâng phục Bề trên giáo phận. Ngoài ra, họ cũng mong muốn linh mục luôn vừa phải và quân bình trong ngoại giao ứng xử với chính quyền các cấp.

Trong cử hành phụng vụ, giáo dân mong ước linh mục luôn đúng giờ và cử hành cách sốt sắng. Bài giảng của linh mục thì cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Họ cũng ước mong linh mục cần luôn đặt trọng tâm vào đời sống đức tin và luân lý, không nên chạy theo tính phong trào và giải trí và nhất là linh mục hãy yêu mến và năng ban Bí tích Hoà giải để ân cần, nâng đỡ các hối nhân.

Lắng nghe bài tham luận của chị, tôi cảm thấy thật xúc động và hiểu cho ước nguyện của giáo dân về người linh mục lý tưởng. Mặt khác, lúc đó tôi cũng nghĩ về các linh mục và thực sự thương cho các ngài. Thương cho các linh mục bởi vì các ngài không thể nào có thể đáp ứng hết mọi mong ước của giáo dân. Các ngài cũng là những con người bình thường với những cá tính, khả năng và giới hạn nhất định. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, dù là thân phận yếu đuối mỏng dòn trước sự cám dỗ của thế gian, ma quỷ và xác thịt; dù là khả năng còn giới hạn hay thiếu sót về bất kỳ lãnh vực nào, linh mục- người được Chúa chọn cách đặc biệt luôn cần rèn luyện và cố gắng mỗi ngày để sống “tư cách linh mục” sao cho đẹp lòng Chúa và làm sáng Danh Ngài giữa trần gian.

Sống “tư cách linh mục” trước hết mời gọi người linh mục của Chúa yêu mến đời sống thiêng liêng. Hãy cử hành Thánh lễ mỗi ngày cách sốt sắng như Thánh lễ đầu đời linh mục. Hãy dành thời gian riêng mỗi ngày quỳ trước Thánh Thể Chúa để xin Ngài nâng đỡ, hướng dẫn và giúp sức. Hãy chu toàn bổn phận đọc Kinh Thần vụ và yêu mến việc lần chuỗi Mân Côi để hiệp thông cùng Giáo Hội và cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban mọi ơn lành xuống trên linh mục.

Sống “tư cách linh mục” mời gọi người linh mục của Chúa cần sống mối tương quan hài hoà với tha nhân. Hãy ra khỏi “cái tôi” “cái ích kỷ” của bản thân để sẵn sàng bước đi, gặp gỡ, lắng nghe và hiểu ước nguyện chính đáng trong hoàn cảnh của từng người. Chính sự gặp gỡ thân tình của người linh mục sẽ phác hoạ hình ảnh Đức Kitô- Mục Tử Nhân Lành và giàu Lòng Xót Thương đến những người mà linh mục gặp gỡ.

Sống “tư cách linh mục” còn mời gọi các linh mục của Chúa hãy tự rèn luyện bản thân mỗi ngày: rèn luyện về đời sống thiêng liêng; đời sống nhân bản; đời sống tri thức và đời sống mục vụ. Người linh mục cần luôn quý trọng thời giờ Chúa ban để tự đào tạo mình hầu trở nên giống Chúa hơn.

Như vậy, để sống “tư cách linh mục” thật tốt, người linh mục cần sống mối tương quan mật thiết với Chúa; sống hài hoà với tha nhân và với chính bản thân.

Lạy Chúa, xin hãy biến các linh mục trở nên giống Chúa mỗi ngày dù các ngài còn yếu đuối mỏng giòn. Xin hãy ban cho các linh mục của Chúa sự thánh thiện; khôn ngoan; niềm vui; bình an và nhất là luôn có Chúa ở cùng. Amen!