Truyện ngắn: Niềm Tin

Đạt hồi hộp đợi tên cán bộ quản tù gọi từng tên trong danh sách có người nhà đến thăm nuôi, nhưng hết danh sách này đến danh sách khác qua đi, Đạt chờ mãi vẫn chẳng nghe gọi đến tên chàng. Nỗi buồn chán càng ngày càng lớn dần, và niềm hy vọng gần như tan biến khi tiếng loa phóng thanh đã im bặt, và nhất là từng đợt tù nhân đứng xếp hàng chờ ra gặp người thân thưa dần, thưa dần rồi khuất hẳn sau dãy nhà thăm nuôi.

Đạt đau đớn nghĩ đến thân phận chàng, Đạt ý thức được rằng chàng vẫn còn sống, nhưng thân thể rã rời, chân tay lạnh ngắt, chàng nằm dán người xuống chiếc xạp giường phên tre như một cái xác chết. Cơn đói hành hạ chàng từng ngày, từng đêm, khiến Đạt đã đau đớn khổ sở lại càng đau đớn khổ sở hơn.

Trải qua ba năm lao động nặng dưới chế độ dinh dưỡng nhỏ giọt của trại tù, thân thể Đạt chỉ còn da bọc xương. Hai năm đầu nhờ sự tiếp tế của Loan, tuy vẫn không được no đủ, nhưng ít ra một năm, một đôi lần Đạt vẫn còn được nếm mùi thịt, cá và được ăn những bữa cơm no. Đạt nhớ mãi những củ khoai Loan đem vào cho chàng, thơm và ngon như mật ong, trong đời Đạt có lẽ chưa bao giờ chàng cảm thấy ăn ngon như thế. Đối với Đạt bây giờ, dù chỉ một miếng thịt chuột, thịt nhái, hay một cọng rau muống, chàng cũng cảm thấy ngon hơn là một bữa tiệc thịnh soạn đầy cao lương mỹ vị như trước đây.

Chiều Chủ nhật thật buồn và yên tĩnh, tiếng chim gọi đàn nghe rời rạc và buồn thảm, như báo hiệu màn đêm đã xuống dần, và những ngày dài đen tối, tiếp tục đến trong cuộc đời khốn khổ của những người tù như chàng.

Dưới ánh đèn dầu leo lét, Đạt nhìn rõ một người bạn tù nằm giường bên cạnh, đang nhóp nhép nhai một miếng đường đen mà vợ anh vừa tiếp tế cho anh chiều nay. Nước miếng trong miệng Đạt bỗng tiết ra thật nhanh, chàng đành nhắm mắt lại, nuốt nước miếng cho qua cơn thèm. Người bạn đó dù biết Đạt đang đói, đang thèm, nhưng cũng không dám chia cho chàng một miếng nhỏ, vì sống trong sự đói khổ cùng cực, con người thường trở nên ích kỷ, hẹp hòi, lòng người như đã khép kín lại.

Bếp hun muỗi từ hai phía cửa phòng tỏa khói mịt mù tạo thành một bức màn sương trắng dày đặc đã không còn làm Đạt cảm thấy khó chịu, vì nếu không có những cái bếp hun muỗi này thì muỗi của vùng Cồn Cát Đại Ngải đã giết chết những người tù như chàng từ lâu rồi. Muỗi thật khủng khiếp, bay từng đàn và kêu như sáo thổi. Sáng nào trong mùng Đạt cũng có vài chục con muỗi bụng căng tròn những máu, nhìn những hạt máu của Đạt và của những người bạn tù bị muõi cướp đi chàng cảm thấy xót xa.

Đạt yên lặng thở dài, trong bóng tối âm u của trại giam, Đạt vẫn nhìn rõ từng khuôn mặt của những người bạn tù cùng phòng. Người nào hai gò má cũng nhô lên, mắt hũng xuống, da xanh mét, chân tay khẳng khiu như những que củi khô, Đạt có cảm tưởng như chàng đang đối diện với những oan hồn từ bên kia hiện về. Đạt chợt nghĩ đến mình, đã lâu lắm, kể từ ngày vào tù Đạt chưa bao giờ soi gương để biết mình thay hình đổi dạng như thế nào, nhưng Đạt vẫn có thể tưởng tượng được rằng, nếu đem Đạt so sánh với những người bạn tù, thì chắc chắn trông đạt còn tiều tuỵ và thê thảm hơn nhiều.

Đạt thở dài, tiếng thở dài thật não nuột, rồi chàng lại tự hỏi: Tại sao Loan lại không đến thăm chàng ? Hôm nay là ngày thăm nuôi cuối năm, ai cũng có người nhà vào thăm nuôi an ủi, chỉ có Đạt đã gần một năm rồi, chàng chẳng được ai thăm nuôi tiếp tế, vì Đạt không còn cha mẹ anh em, gia đình chàng đã bị chết hết trong chuyến di tản tháng 2 năm 1975.

Bây giờ Đạt chỉ còn Loan là người thân yêu duy nhất, mà Đạt tin tưởng sẽ lo lắng an ủi chàng trong cơn họan nạn cùng cực nhất của đời chàng. Nhưng hôm nay Loan cũng không đến thăm nuôi chàng, chắc hẳn phải có gì không hay đã xảy ra. Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập, quay cuồng trong đầu óc Đạt, khiến chàng cảm thấy choáng váng, nhưng cuối cùng chàng vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Đạt không tin rằng Loan đã phản bội chàng, vì Đạt và Loan yêu nhau rất tha thiết, hơn nưã Loan là người đàn bà đoan chính, là người vợ hiền, mà Đạt hết lòng yêu thương chiều chuộng, chẳng có lẽ đã thay lòng đổi dạ một cách nhanh chóng ? Nhưng dâu bể đổi thay, thời gian xê dịch liệu lòng người có còn giữ mãi được sự thủy chung ?

Đạt bâng khuâng xót xa, hồi tưởng lại một thuở vàng son đã qua đi thật nhanh trong đời chàng.

***

Năm 1972, Đạt đang theo học năm thứ ba đại học Luật khoa Sàigòn. Đạt đã gặp Loan trong đêm văn nghệ tất niên do sinh viên Luật khoa tổ chức.

Nét duyên dáng hồn nhiên, và nhất là giọng nói trong như suối chảy của Loan đã thu hút Đạt ngay từ buổi đầu hai người mới gặp nhau. Tình thơ nảy nở từ đó, Áo học trò nhiều mộng mơ, Loan đã cho Đạt nhiều kỷ niệm đẹp, cũng như Đạt đã đem lại cho Loan những ngày tháng thật thơ mộng. Rồi những đổi thay của cuộc đời, Đạt phải giã từ khuôn viên đại học, xếp bút nghiên theo tiếng gọi của non sông. Đạt vào Võ bị Thủ Đức để thi hành nhiệm vụ người trai trong thời loạn.

Chín tháng trôi qua thật nhanh, Đạt ra trường cũng là lúc Loan vừa đậu xong chứng chỉ năm thứ hai luật khoa.

Đạt cưới Loan vào mùa hè năm ấy, đám cưới của Đạt và Loan đươc tổ chức trọng thể tại Vương Cung Thánh Đường với sự chứng kiến của hai bên họ hàng, và đông đủ bạn bè đến tham dự. Nhưng hạnh phúc của chàng và Loan thật ngắn ngủi, niềm vui chưa trọn thì chàng đã phải trở ra đơn vị mới. Lần này Đạt giã từ hẳn Sàigòn hoa lệ, để ra tận miền Trung khô cằn sỏi đá. Thế là hai đứa lại một lần nữa phải xa nhau, trời Sàigòn hẳn nhiều nhung nhớ, “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” nhưng Đạt không còn được cùng người yêu để “uống ly chanh đường, nếm môi em ngọt”, bởi chàng đã là lính đang trấn giữ biên cương. Hoàn cảnh đã không cho phép chàng về thăm người vợ mới cưới, dù chỉ một lần hội ngộ vội vã. Hạnh phúc của chàng và Loan thật mong manh vì cường độ của chiến tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt.

Rồi biến cố 1975 xảy đến, miền Nam hoàn toàn xụp đổ, bao ước vọng của tuổi trẻ bỗng chốc tan tành. Thế là hết, nước mất nhà tan, Đạt không ngờ đời chàng lại có ngày đen tối như hôm nay.

Bao nhiêu năm chiến đấu, ngày Đạt trở về thành phố, không phải là ngày vinh quang tràn đầy hạnh phúc như chàng thường mơ tưởng. Đạt thất thểu bước vào nhà như một cái xác không hồn, Loan khóc mừng chàng từ cõi chết trở về, Đạt bùi ngùi nhìn Loan mà lòng rã rời tan nát.

Rồi việc phải đến đã đến, còn gì tủi nhục đau đớn cho bằng, chàng phải tự đem mình nộp cho lũ người khát máu. Đạt bị còng hai tay đưa vào trại cải tạo, đầu óc chàng quay cuồng nhức buốt, mạch máu muốn đứt tung, tim gần như ngừng đập. Trong lúc đau khổ nhất, Đạt chỉ còn biết trông cậy vào Chúa và Mẹ Maria, xin Chúa mẹ ban cho chàng có nhiều nghị lực và can đảm để vượt qua cơn sóng gió này.

Trong suốt thời gian ở tù, Đạt luôn luôn sống lại với những kỷ niệm vừa tươi đẹp vừa đau đớn xót xa. Đạt quay quắt trong nỗi lo âu về Loan, hiện giờ Loan ra sao, còn sống hay đã chết, hoặc nàng đã quên Đạt,vui duyên mới để chàng phải chết đần chết mòn trong cảnh lao tù?

Nhiều lúc Đạt nhìn chiếc nhẫn cưới Đạt vẫn đeo trong tay, kỷ vật của tình yêu chàng và Loan, Đạt âu yếm hôn lên nó, vì nó đã mang hình ảnh của Loan. Chính Loan đã đeo chiếc nhẫn này vào tay chàng, và nói những lời thề nguyền sắt son trước mặt Chúa. Đạt luôn cầu xin Chúa giữ gìn Loan của chàng được bình an trong tình yêu của Chúa để những lời thề năm xưa được thực hiện trong lúc này. Những lời thề của Loan lúc nào cũng văng vẳng bên tai chàng, khiến Đạt càng tin tưởng mãnh liệt rằng Loan vẫn chung thủy chờ đợi chàng. Không một ai có thể cho biết tin tức về Loan vì đời sống của tù nhân đã hoàn tòan cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Kiếp sống tù tội của Đạt thật bi đát ngòai sức tưởng tượng của mọi người.

Ngày nào cũng như ngày nấy, Đạt và những người tù chỉ biết làm việc như trâu ngựa, cơm ăn không đủ no, đau không có một viên thuốc để uống. Hết sáng lại đến tối, hết tối rồi lại sáng, ngày tháng cứ đều đặn trôi qua với nhịp điệu buồn chán. Nếu không có người ngoài vào thăm nuôi thì làm sao những người tù biết được hôm nay đã là hai mươi tám Tết. Nhưng biết để mà biết, vì trong Đạt và trong tâm hồn những người tù thì làm gì có mùa xuân? Những người bạn của Đạt còn có người thăm nuôi tiếp tế, còn Đạt chỉ sống trong đói khổ, tủi nhục và đơn côi. Đạt chợt nhớ đến bốn câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên thật đúng với tâm trạng của chàng lúc này:

“Tôi có chờ đâu có đợi đâu,

Đem chi Xuân đến gợi thêm sầu.

Với tôi tất cả đều vô nghĩa,

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.”

Trong một phút đau khổ đến cực độ, Đạt không còn muốn sống, chàng đã nghĩ đến cái chết mới có thể giải thoát được cuộc sống khốn khổ này. Nhưng không được, vì chàng là người công giáo, chàng không có quyền tự tử, sẽ mất linh hồn. Đạt phải giữ vững đức tin trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại còn đau khổ và tủi nhục hơn nhiều, nhưng Chúa vẫn chấp nhận vác thánh giá, thì tại sao chàng là con cái của Chúa lại không thể vác thánh giá ở đời này? Vì thế Đạt nhất định phải sống và sống xứng đáng là một Kitô hữu, Đạt thấy không lúc nào sự sống quí bằng lúc này, tự tử là một hình thức bỏ cuộc, đầu hàng và hèn nhát.

Nhất định Đạt phải sống, với một niềm tin mãnh liệt một ngày nào đó quê hương Việt Nam sẽ được thoát khỏi cảnh ngục tù của cộng sản. Nhất định ngày đó sẽ đến, và đến trong một ngày không xa, niềm tin đó thật mãnh liệt trong lòng Đạt.

Bên ngoài bóng tối đang bao trùm lên nhà tù âm u, cũng như đang bao phủ lên quê hương thân yêu, nhận chìm cả một dân tộc xuống tận đáy địa ngục. Nhưng niềm tin trong Đạt vẫn vọng lên: “Bóng tối rồi sẽ qua đi, để nhường lại cho ánh sáng tươi đẹp rực rỡ của một ngày mới bắt đầu”./.