Tội Rất Nặng Nhưng Hình Phạt Rất Nhẹ

Gần đây có vụ việc cách hết chức vụ trong đảng 7 tướng, khai trừ đảng 2 tướng Cảnh sát biển. Người dân thấy vậy mới xầm xì với nhau: Không biết trong mấy năm qua, các cán bộ đảng viên đã liên tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa thấm nhuần hay sao mà nạn tham nhũng ngày càng lộng hành?

Hiện nay tham nhũng đã ‘nhập lý” khó chữa trị. Bà Cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Cái liều vacxin, tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho 2 cháu ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một cái gì!”.

Những tháng đầu năm 2020, cả nước cùng chung tay góp sức đẩy lùi dịch COVID-19 thì một số cán bộ đầu ngành y tế (toàn là đảng viên) của một số tỉnh thành đã đẩy giá mua máy Realtime PCR để dùng xét nghiệm COVID-19 lên gấp nhiều lần. Sự việc ấy được bà Chủ tịch Quốc Hội lúc bấy giờ là Nguyễn Thị Kim Ngân trả lới với cử tri quận Cái Răng (Cần Thơ) vào sáng ngày 23/06/2020: “Ăn quá dày, có 2 tỷ mà nâng lên 6-7 tỷ. Sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Thậm chí riêng tội này không có tình tiết giảm nhẹ”[1]

Tiếp sang những tháng sau giữa năm 2021 “ Trong lúc cả nước đang khó khăn do COVID-19 mà lại có những nhóm ‘ăn trên lưng’ mọi người thì vừa vô cảm vừa thực sự rất dã man, tàn nhẫn” (Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan). Nay lại xuất hiện “những nhóm người” không thèm “ăn trên đầu, trên cổ” mà lại “ăn trên lưng”mọi người![2]

Tại sao chống tham nhũng đang diễn ra mà tham nhũng lại không hề suy giảm trên đất nước ta như vậy? Người xưa nói: “Tội chí trọng nhi hình chí khinh” (Tội rất nặng nhưng hình phạt rất nhẹ), do đó chưa đủ sức răn đe bọn tham nhũng. Hãy nhìn xem vua Minh Mạng trị bọn tham nhũng. Tháng 3 năm Nhâm Thìn (1832) Đinh Văn Tăng người coi kho ở Sơn Tây vì không yêu sách được các lính cơ trong tỉnh đến lãnh lương, bèn kích tay gạt thóc là không đầy hộc. Tổng đốc Lê Đại Cương sai người do thám bắt được quả tang, kết án xử tử.

Vua bảo bộ Hình rằng: “Trước đây binh dịch ở kho cho đến quan lại trông coi thông đồng làm bậy phát ra thì nhẹ tay, đong vào nặng tay, lợi mình, thiệt người, cái gì cũng làm! Ta vẫn biết rõ hết nên khi phát ra tất trị tội nặng để răn kẻ điêu ngoa. Lại nghĩ đổi lại cách thức cái hộc, cái phương đặt làm quy chế lâu dài. Chẳng ngờ một tấm khổ tâm của ta lo nghĩ vì quan quân, dân chúng đặt ra khuôn phép tốt lành để tỏ sự tin thực công bằng ấy lại bị bọn kia dám giở nhiều ngón, xảo trá xoay cách vơ vét, thật đáng căm giận xiết bao! Tên chính phạm Đinh Văn Tăng, tội chết có thừa, chuẩn cho lập tức chém đầu đem bêu và chặt một bàn tay, ướp muối phơi khô, rồi treo lên mãi mãi, để quan lại binh lính chức dịch trông thấy sờn lòng, không dám phạm nữa, cho hợp với ý lập pháp của đế vương xưa: dùng hình phạt để mong đi đến chỗ không cần hình phạt nữa. Bọn lại coi kho là Nguyễn Danh Chấn hằng ngày cùng nhau làm việc, hẳn có dự việc tham tang, bọn ấy đều là lũ dạy khỉ leo cây, đều bị tội giảo nhưng còn được giam để đợi lệnh. Suất đội Nguyễn Viết Tân có trách nhiệm kiểm soát, há lại không biết rõ tình trạng, vậy phạt 100 trượng, đồ 3 năm; 40 người lính coi kho cùng một tội ác, dựa nhau làm gian, há có thể nghe cho chối cãi. Vậy đều đem đóng gông để ở cửa kho 1 tháng, khi hết hạn đánh 100 trượng, đuổi về hàng ngũ cũ, phái lính khác đến thay. Đoàn Văn Chử bí mật do thám được sự thực thưởng 20 lạng bạc, ghi tên để bổ chánh đội trưởng. Bố chính Lê Nguyên Hy vì không xem xét phải giáng chức.

Lại có hai kho Xích Đằng ở Sơn Nam và Hải Dương bọn lại viên và người coi kho đem cái quan hộc kiểu mới tháo ván đáy ra, đẽo trũng rồi lắp vào; lại nặng tay ấn gạo xuống, gạt ngang để lạm thu. Vua bèn đặc cách sai chủ sự bộ Hộ là Trần Ngọc Hà đến hội với quan tỉnh Hưng Yên xét xử vụ án này. Khi án xong, bọn Nguyễn Đình Hiển và Lê Văn Thanh đứng đầu đều bị chém bêu đầu và đục lấy mỗi bên một mảnh xương sọ, phơi gió cho khô, treo ở cửa kho mãi mãi, để răn người khác, còn thì xử chém, thắt cổ, sung quân và phát lưu có thứ bậc khác nhau. Thưởng cho Nguyễn Văn Nghị 20 lạng bạc. Còn quan trấn ở hai nơi ấy đều bị giáng chức. Tự đó kho ở Hưng Yên, dân đều nộp tô thuế, tuyệt không có kẻ làm khó dễ để sách nhiễu nữa.

Được tin ấy vua bảo quần thần rằng: “ Ta muốn trị kẻ có tội để ngăn ngừa khỏi mắc tội, bất đắc dĩ mới dùng hình phạt tàn khốc ấy. nay tệ ấy do đấy quả đã trừ được.Ôi! lấy một mảnh xương sọ mà cứu được ức muôn người khỏi khổ lụy, thì dù có mang tiếng là hình phạt tàn khốc cũng không hề gì!”[3]

Người xưa nói: “Nhược dục trị tội, đương trừ nguyên ác” (Nếu muốn trị tội, nên diệt trừ mấy tên gian ác đứng đầu- Tam quốc diễn nghĩa- hồi thứ 3) và kẻ đứng đầu tội ác (nguyên ác) không cần dạy dỗ mà phải giết đi (Nguyên ác bất đãi giáo nhi tru- Tuân tử).

Việt Nam muốn chống tham nhũng một cách triệt để, hãy học theo gương vua Minh Mạng là diệt trừ kẻ đứng đầu tội ác để răn đe; cấp trên của kẻ đứng đầu tội ác bị giáng chức; người phát hiện được thưởng thực sự chớ không bị chụp mũ quy là các thế lực thù địch lợi dụng.

Nếu “tội chí trọng nhi hình chí khinh” (tội rất nặng mà hình phạt rất nhẹ) như hiện nay thì việc chống tham nhũng khó lòng mà có hồi kết. Campuchia đã bãi bỏ án tử hình, Việt Nam vẫn còn duy trì. Tại sao ta không tử hình vài đứa “ăn dày”, “ăn trên lưng” mọi người để những kẻ khác “trông thấy sờn lòng”

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh – Khánh Hòa

Chú thích:

[1]- https://vtc.vn/tin-nhanh-24h/chu-tich-qh-khong-co-tinh-tiet-giam-nhe-toi-nang-gia-may-xet-nghiem-covid-19-ar-553693.html

[2]- https://baotiengdan.com/.../nhung-ai-phai-chiu-trach-nhiem-c.../

[3]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 3, Nxb Giáo dục, t. 299-300

- trithucvn.org/van-hoa/vi-vua-nha-nguyen-chong-tham-nhung-la-khac-tinh-cua-dam-tham-quan.html