Căn Tính Và Sứ Mạng

Không lẽ tự nhiên tôi có mặt ở đời này rồi lại biến đi với cái chết thể lý như chưa từng hiện hữu. Nỗi băn khoăn này bàng bạc trong các trang sách sử nhân loại và trong cả Thánh Kinh. Tác giả sách Khôn ngoan xưa đã từng ghi lại nghĩ suy của “quân vô đạo” như sau: “Đời ta thật buồn sầu vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty. Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt…”(Kn 2,1-2). Nhưng không phải vậy, tác giả đã trả lời cho họ rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,23).

Trong cuộc đời rất nhiều người, nhất là các triết gia, hiền nhân, thức giả… thế nào cũng có lúc tự hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân. Tôi là ai, có mặt ở đời này có ý nghĩa gì, sứ mạng gì? Đây là hiện tượng phản tỉnh theo chiều kích triết học của hữu thể biết suy tư. Vào trần gian, mặc lấy kiếp nhân sinh, Chúa Kitô cũng từng có nỗi thao thức này. Nào chúng ta cùng xem Người giải quyết vấn nạn ra sao. Có thể nói đó là tiến trình thăm dò, phản tỉnh và kiếm tìm.

Để có thể biết mình thì hãy xem cái nhìn, hãy lắng nghe sự nhận định của tha nhân về bản thân mình. “Người ta bảo Thầy là ai? Còn các con các con bảo Thầy là ai?” (x.Lc 9,18-21). Những nhận định mang tính khách quan từ những người xa đến người thân cận một cách nào đó giúp ta có cái nhìn về bản thân tương đối quân bình hơn. Tuy nhiên để chính xác và sâu sắc hơn thì chính bản thân chúng ta phải trung thực, thẳng thắn nhận định căn tính của mình. Trong ánh sáng đức tin thì cần có thêm những giây phút lắng sâu trong đời cầu nguyện. Khi kết hiệp mật thiết với Đấng sinh thành, tạo dựng thì chúng ta mới rõ mình là ai và có sứ mạng gì trên gian trần này.

Sứ mạng của từng người sẽ dần hình thành qua các quyết định, những lựa chọn. Để thực hiện căn tính và sứ mạng của Đấng Thiên Sai thì Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương dập nát, giải thoát những kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng (x.Lc 4,14-22). Và khi đối diện với sự chống đối của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ thì Người dần dà tiên lượng mầu nhiệm thập giá, một mầu nhiệm mà Người quyết đón nhận để sống yêu thuơng cho đến cùng (x.Lc 9,22).

Ai trong chúng ta cũng mong cuộc đời của mình có ý nghĩa. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có thao thức tìm nhận biết mình là ai qua hoàn cảnh lịch sử chào đời, môi trường sinh trưởng cũng những khả năng có được, qua những nhận định của tha nhân gần xa và đặc biệt qua những giờ phút chuyên chăm cầu nguyện. Chính khi nắm được hiện thực này thì hy vọng chúng ta sẽ hiểu rõ phần nào đó về căn tính và sứ mạng của mình. Dĩ nhiên đây không chỉ là ý nghĩa cuộc đời mà còn là niềm hạnh phúc của chúng ta, cả đời này lẫn đời sau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột