Muốn Làm Đầu Thì Hầu Thiên Hạ

(Suy niệm Chúa nhật 25 thường niên B)

Có thể nói ngay rằng ai ai cũng thích được ‘ăn trên ngồi trốc’, thích quyền lực, thích được lãnh đạo người khác, tuy nhiên, cũng không hiểm người đã khiêm tốn, âm thầm phục vụ mọi người vì tình yêu mà không màng tới danh vọng hay chức tước. Hôm nay, phần Phụng vụ của Chúa nhật 25 thường niên năm B cho chúng ta thấy theo Đức Giê-su là phải chấp nhận hy sinh và phục vụ chứ không phải trốn tránh đau khổ và chạy theo những quyền lực theo thói thế gian. Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ nói riêng và mọi người nói chung rằng ‘ai muốn làm đầu thì hầu thiên hạ, ai muốn làm lãnh tụ thì phục vụ anh em.’

1. Đức Giê-su, mẫu gương của sự hy sinh phục vụ

Ngay trong bài đọc I ( Kn 2, 12.17-20) đã tiên báo về người Công chính bị gài bẫy, hạ nhục và tra tấn, kết án cho đến chết nhục nhã. Người Công chính này là hình ảnh báo trước về Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Vì mục đích đến trần gian là để hy sinh mạng sống để làm giá chuộc muôn người nên Đức Giê-su đã loan báo nhiều lần về cuộc thương khó của Ngài cho các môn đệ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9, 31). Tuy lời Đức Giê-su loan báo ‘thấm đầy yêu thương và nước mắt’ nhưng các môn đệ đã không hiểu và có lẽ họ không muốn đón nhận những ‘lời nói đầy đen đủi’ đó. Họ vẫn ung dung và ‘cãi vã’ nhau xem ai là người làm lớn, ai sẽ giữ ‘chức vụ bộ trưởng, thủ tưởng’ khi Đức Giê-su lên làm vua theo suy nghĩ của họ. Họ quên mất rằng “Đức Giê-su đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 45; Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). “Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Một mẫu gương đích thực để giúp các môn đệ học đòi và bắt chước. Cho nên, Đức Giê-su đã khuyên dạy các môn đệ như thế này,

2. Hãy phục vụ nếu muốn làm lớn, làm lãnh đạo

Có lẽ Đức Giê-su rất đau lòng khi thấy các môn đệ của mình ‘tranh cãi và giành giật’ địa vị và quyền lực trong khi Ngài đang loan báo sự thương khó, sự hy sinh chịu chết của Ngài gần kề. Qua đó, Đức Giê-su đã minh định cho các môn đệ “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35). Một cách dạy ngược lại với quan niệm thế tục là thích làm lớn để cậy quyền, để dễ ra lệnh, dễ sống theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, để dễ dàng kiếm chác lợi lộc cũng như vơ vét của cải về cho gia đình và người thân. Đức Giê-su mong muốn các môn đệ sống tinh thần hy sinh phục vụ là sống ‘tinh thần Giê-su’, là hiến dâng mạng sống vì muôn người, là cúi mình, là khiêm tốn để phục vụ mọi người. Thái độ đúng đắn mà Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Ngài là ai muốn trở thành người làm đầu thì ắt phải trở thành người phục vụ tha nhân. Phục vụ vô vị lợi. Phục vụ không đòi đền đáp. Thái độ hy sinh phục vụ của một con người nói lên giá trị cao quý của người ấy. Hơn nữa, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh rằng mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa nên phải dùng quyền bính để mà phục vụ và dấn thân cho tha nhân, cho dân cho nước. (x.Rm 13,1). Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ chứ không nhằm lý do khác. Ai sống tinh thần phục vụ như thế là người lớn nhất theo tinh thần Giê-su. Ngược lại, ai không sống tinh thần phục vụ sẽ trở nên người nhỏ nhất và hèn hạ nhất. Về điều này, thánh Phê-rô cũng khuyên nhủ chúng ta thế này: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô”(1Pr 4,10-11). Nơi khác, thánh Phê-rô đã nói: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.”( 1 Pr 5, 2-3). Như vậy,

3. Phục vụ đích thực là không tranh đua và cãi vã

Nơi bài đọc II, Thánh Gia-cô-bê đã khẳng quyết với mỗi người chúng ta: “ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.” (Gc 3,16). Quả thật, người có tinh thần hy sinh, dấn thân và phục vụ là người sống theo thần khí của Chúa Thánh Thần và mến mộ tinh thần Giê-su. Người biết phục vụ đích thực là người luôn làm theo thánh ý của Thiên Chúa mà không màng tới danh lợi dục. Người phục vụ vì tình yêu là người đã cảm nhận được đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.” (c.17). Như vậy, theo thánh nữ Tê-rê-xa Calcutta: “Hoa quả của thinh lặng là Cầu nguyện; Hoa quả của cầu nguyện là Đức Tin; Hoa quả của Đức Tin là Tình yêu; Hoa quả của Tình yêu là Phục vụ; Hoa quả của Phục vụ là Bình an.” Vì thế, khi chúng ta phục vụ với tinh thần tự nguyện và yêu mến sẽ đem lại bình an thật sự. Khi chúng ta sống tinh thần phục vụ là chúng ta đã trở nên người lớn nhất theo cách nhìn của Thầy Giê-su. Và khi chúng ta sống tinh thần phục vụ là chúng ta đã, đang và sẽ trở nên giống Chúa Giê-su mỗi ngày, vì Ngài đã sống và làm gương cho chúng ta. Hình ảnh những Y Bác Sĩ và các tình nguyện viên đang ngày đêm vất vả, miệt mài và khó nhọc để phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm Covid trong thời gian này đang nói lên tinh thần phục vụ đích thực của người môn đệ Giê-su.

Mặt khác, sống tinh thần phục vụ không được chọn lựa việc này việc kia, người này người nọ, nhưng tiên vàn và đúng đắn, chúng ta phải hy sinh phục vụ những kẻ rốt hết, những kẻ bé mọn, những kẻ yếu đuối, những hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật. Hình ảnh một em nhỏ mà Đức Giê-su nói trong Tin mừng hôm nay là dấu chỉ Ngài muốn dạy chúng ta điều đó. (Mc 9, 36-37). Đón tiếp em nhỏ là đón tiếp chính Chúa. Chúa đã đồng hoá mình với những hoàn cảnh éo le và ngoài lề. Ai đón tiếp và phục vụ những người ấy là thật sự đang đón tiếp và phục vụ chính Chúa. Thật vậy, Chúa Giê-su đã nói “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm hay không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm hay không làm cho chính Ta vậy.” (x.Mt 25, 31- 46).

Câu hỏi suy xét:

1/Tôi đang sống tinh thần phục vụ nào: thế gian hay tình thần Giê-su?

2/Tôi có đang tìm cách chạy chức, chạy quyền và tìm kiếm chức quyền trong cuộc sống không?

3/Tôi có đang ý thức khi tôi phục vụ vô vị lợi là tôi đang giống Chúa Giê-su mỗi ngày không?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương