NHÌN VÀO CÁI KHÔNG KHÍ SÁCH VỞ CÔNG GIÁO VIỆT

Nhiều người cảm thấy nhức nhối không ít khi nhìn vào "cái không khí" sách vở Công giáo Việt. Ở trong nước cũng như hải ngoại.

Mà nhức nhối thì cũng phải. Vì vào một số tiệm sách trong khu phố Sài Gòn Nhỏ ở Cali, ngoài những sách vở văn chương thông thường, ở những dãy sách về tôn giáo ai cũng chỉ thấy một rừng sách về Phật giáo, hay về những vấn đề thần bí và siêu nhiên khác, mà sách Công giáo thì như nghĩa địa hoàng hôn... lơ thơ mấy cuốn có giá trị nằm tiêu điều trong mây mù bên cạnh những cuốn thủ bản cho đoàn thể trong xứ đạo. ..! Đang khi đó tỉ lệ người Công giáo ở hải ngoại khá cao, mà lại có tổ chức thành các cộng đoàn mạnh, có cơ hội tự do và điều kiện thuận lợi để làm một cái gì.

Dĩ nhiên đã có nhiều tờ báo Công giáo với những nhà xuất bản có tầm mức, nhưng hình như vẫn là một thế giới riêng dành cho những nhu cầu riêng biệt của riêng người Công giáo. Sứ điệp của Chúa xem ra chỉ để dành riêng cho người theo đạo Chúa, chứ chưa thấy thấm nhập vào dòng sống chung của đại chúng trong khung mạch đời thường. Không khéo mà tựa đề một cuốn sách năm xưa “Ðường hay Pháo Ðài” của Nguyễn Ngọc Lan vẫn còn là một tiếng vang xa và dài trong sa mạc.

Hàn Mặc Tử là một bộ mặt nổi. Trong Thi Nhân Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết ngay mấy tháng sau khi nhà thơ qua đời, công nhận tài năng và vai trò chứng nhân đức tin Công giáo của Hàn Mặc Tử đã nhập thể trong dòng sống chung của một dân tộc.

“Thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể” (trang 212).

CẦN TẠO RA MỘT CÁI KHÔNG KHÍ

Mình cũng có những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng chứ. Nhưng cũng cần tạo được “một cái không khí,” một cái cái đà, dồn lại thành ra được một cái hướng có sức ảnh hưởng, góp phần chuyển đạt sứ điệp đạo Chúa trong khung mạch văn hóa chung của người mình.

Tôi tự hỏi: có phải vì giới trí thức hay người cầm bút Công giáo ít viết, hay vì cái không khí chung chung về sách vở không mấy được đề cao, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại. Cổ võ xây nhà thờ nguy nga thì rất hào hứng và tương đối còn dễ, vì có rất nhiều ân nhân góp phần công đức. Nhưng tạo dựng những cơ sở văn hóa, hỗ trợ những chương trình văn hóa về lâu về dài thì xem ra thật kham khổ “chân lấm tay bùn.” Có lần một người tôi quen biết đã tâm sự: “Ước gì mình được Giáo Hội cho anh em mình tiền xây một cái cột nhà thờ để làm văn hóa.”

Niềm mơ ước nhỏ bé trên thật là một cái gì ray rứt trong tim những người muốn đem Tin Mừng nhập thể trong lòng cả một dân tộc khổ lụy thay vì chỉ dừng chân xây thành đắp lũy trong một xứ đạo. Bài học nhập cuộc của những đường hướng hội nhập văn hóa của những thừa sai dòng Tên đầu tiên vào thế kỷ 17 như cha Buzzomi và cha Ðắc Lộ, và ngày nay của cha Dominici Ðỗ Minh Trí, vẫn mãi mãi là những tiếng nói mang tính lay động đánh thức mở hướng đi cho những sinh hoạt mục vụ. Đường hướng "rửa tội" cả một "cái không khí" này đã được Mẹ Têrêsa đẩy xa trong thời đại mới.

TỪ MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ MỘT CHÍNH SÁCH

Ðường hướng và phương cách Phúc Âm hóa bằng việc đem Tin Mừng hội nhập văn hóa là cả một chính sách từ hội đồng giám mục, từ chương trình huấn luyện trong các chủng viện, từ cảm quan dành đúng chỗ cho những sinh hoạt mục vụ về văn hóa trong các xứ đạo, từ ý thức sứ mệnh của các phương tiện truyền thông Công giáo. Tại sao giáo dân đã được đào tạo để nhạy cảm làm ân nhân xây những cái cột nhà thờ lớn, mà không được trồng tỉa nên một tâm thức xây ngôi nhà văn hóa Công giáo, có liên hệ tới sứ mạng chuyển đạt Tin Mừng trong lòng dân tộc. Nhất là vào thời điểm đang dành rất nhiều nhân lực và tài lực cho chuyện xây nhà thờ hay trùng tu nhà thờ. Điều này cần thật. Nhưng điều khác có thể còn cần hơn, đó là đầu tư cho những chương trình huấn luyện chất xám, về sách vở, về cơ sở văn hóa... Có thể đây là một thiếu sót lớn trong chương trình giáo dục tôn giáo? Chả lẽ mỗi lần nói đến truyền giáo là chỉ nghĩ về chuyện đi lên mấy buôn làng người Thượng?

Năm 1982 khi thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói riêng với Đức Hống Y Poupard với niềm xác tín qua kinh nghiệm đới mình: "Nếu không có một chương trình mục vụ về văn hóa, thì chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả."

Ngày 11 tháng 12 năm 2003 Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa do đức Hồng Y Poupard đã phát hành cuốn sách quan trọng với nhan đề "Đức Tin và Văn Hóa: Tuyển tập các văn bản của Huấn Quyền từ Đức Lêô XIII đến Đức Gioan Phaolô II."

Tuyển tập này trình bày các thời điểm và thái độ mục vụ khác nhau của 9 vị Giáo Hoàng từ trên một thế kỷ nay (1890-2002), ghi nhận sự liên tục và các sáng kiến cho một cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa, trong sứ mệnh phức hợp của hội nhập văn hóa và phúc âm hóa văn hóa. Sách dầy 1,500 trang bao gồm các đề tài "từ nghệ thuật đến kỹ thuật, từ các ý thức hệ đến gia đình, từ thể thao đến chính trị, từ đại học cho đến bản sắc văn hóa, từ toàn cầu hóa cho đến hội nhập văn hóa."

Trong bức thư thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá vào năm 1982, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: "Một đức tin mà không vun góp cho văn hóa là một đức tin không được tiếp nhận cách trọn vẹn, là một đức tin chưa được suy thấu cũng như chưa được sống!”

MỘT MƠ ƯỚC CỎN CON

Nhưng nỗ lực nào cũng cần phải song phương, không chỉ chờ đợi chỉ đạo từ trên hay những người viết. Nếu không sẽ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: vì thiếu không khí tích cực và ít người đọc nên ít người hào hứng viết; và vì ít người viết nên cũng ít dần người đọc, riết rồi thành một thói quen, một “cái không khí” khó phát sinh luồng gió mát, cây văn học có mọc lên cũng khó mà phát triển xanh tươi được.

Bàn chuyện văn học Công giáo thì xem ra vĩ đại quá nhiều người chẳng dám chạm tới. Vậy có lẽ mỗi người đã có sẵn một mơ ước cỏn con vừa tầm tay có thể bắt đầu được. Vì mơ rồi ngồi chờ người khác, hay chỉ than thở vì chả ai làm, thì cũng thật mâu thuẫn, và câu chuyện mấy thế hệ nữa cũng vẫn còn đấy!

Ước mong này cũng vẫn là nỗ lực song phương. Một đàng cần có những người cầm bút đi được với nhau thành những nhóm nhỏ, có chung một độ rung nào đó. Trước đây ở Việt Nam đã có những nhóm như Tinh Việt... Sang Mỹ thì ngoài những tờ báo, có những nhóm như Ðường Sống, Thời Ðiểm, Sứ Ðiệp, Diễn Đàn Giáo Dân v.v thường đi liền với một nhà xuất bản để hỗ trợ. Bây giờ có mạng lưới điện toán, thì việc xích lại có thể dễ hơn. Chẳng hạn cùng góp phần trong một “gia trang” (homepage, website) nào đó với ý thức mạnh hơn về văn học Công giáo...

Ðàng khác vì số người đọc rất giới hạn, nhất là trong cái đà nếp sống video, nên cũng cần có cái bầu khí khích lệ. Thứ nhất là cổ võ "cái không khí" lành mạnh về giáo dục ngay trong các gia đình. Cần có tủ sách gia đình với ngân khoản được dành để mua dần dần những sách về giáo dục, tôn giáo cũng như văn học... Con cái phải "ngửi" thấy mùi sách vở từ chính cha mẹ. Giá mà mỗi gia đình Công giáo mỗi tháng mua thêm được một cuốn sách thì tất nhiên "cái không khí"đã phát sinh ra một Hàn Mặc Tử vẫn còn tiếp tục triển nở chứ đâu cần phải nhức nhối làm gì!

Thứ đến là giúp tạo ra được thị trường tiêu thụ sách vở văn học Công giáo. Ðiều này cũng cần phải đi tới từ từ từng bước. Chẳng hạn ở thành phố có đông người Việt, mình có thể hình thành một nhóm sinh hoạt có tổ chức trên bình diện thường xuyên, như vài tháng ngồi lại được với nhau để điểm một vài cuốn sách mang sứ điệp Công giáo mới ra; một năm ít ra một vài lần mời một nhà văn Công giáo tới chuyện và quảng bá sách; đồng thời giúp cổ động phổ biến rộng để giúp cho tác giả có hứng mà chạy tiếp cho đỡ mỏi v.v. Đàng khác, nơi mỗi cộng đồng xứ đạo thường đã có sẵn cơ cấu về hội đồng mục vụ và nhiều ban chuyên môn về mục vụ, nhưng nay cũng cần để ý và dành một chỗ xứng hợp là lập một Ban Mục Vụ về Văn Hóa dành ưu tiên cho những sinh hoạt trên theo hướng nhìn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: "Nếu không có một chương trình mục vụ về văn hóa, thì chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả."

Ðấy là vài điều thô thiển góp ý vậy thôi. Tôi cứ thích kiểu bắt đầu từ một việc nhỏ của Mẹ Têrêsa ở Calcutta. Có lần một nhà báo hỏi Mẹ có kế hoạch gì để cứu nạn đói đang lan rộng làm nhiều người chết, thì Mẹ trả lời: “Tôi chẳng có kế hoạch nào cả. Tôi chỉ biết trước mặt tôi đây một người đang hấp hối thì tôi đến cứu. Cứ thế, từng người một. Vậy tôi hỏi thật ông: trong túi ông đang có mấy đồng? Nếu ông có một đồng bánh mà ông bằng lòng bẻ đôi cho người đói một nửa thì nạn đói thế giới bắt đầu được giải quyết.”

Như vậy điều quan trọng là mình phải bắt đầu ngay rồi. Không chỉ tay trút trách nhiệm, cũng không ngồi chờ người khác có làm rồi mình mới làm.