ÐỨC GIÁO HOÀNG JEAN PAUL II VÀ BƯỚC CHÂN RAO GIẢNG

Khi Đức Giáo Hoàng Jean Paul II (JP II) qua đời (2/4/2005), các Hồng y và các nhà báo đều gọi ngài là « le grand pape », tạm dịch : « Đại Giáo hoàng. » Một danh hiệu mà, nếu tôi không lầm, trong lịch sử các triều giáo hoàng, chỉ có vài vị được lời ca tụng đầy kính cẩn đó.

Vĩ nhân thế kỷ

Quả thực, ai cũng phải công nhận cố JP II là một giáo hoàng mà tiếng vang dội cả thế giới, không riêng gì đối người công giáo, một vĩ nhân của thế kỷ (homme du siècle) như lời một vị thuộc Hàn lâm viện Pháp, đã ca tụng trên TV để chứng minh là nước Pháp có lý khi ban lệnh treo cờ rũ một hai ngày, chống lại những kẻ cho rằng tại sao nước Pháp «không có quốc giáo» lại để tang cho vị lãnh đạo người công giáo ! Một nhà báo nổi tiếng của Pháp cũng đã nhận định : «Với dáng vóc khỏe mạnh và nhất là với một lòng hăng say có sức lôi cuốn quần chúng, đức JP II đã hiến cho thế giới một cảnh tượng của vị giáo hoàng mà xưa nay chưa hề thấy». Nhà báo viết tiếp : «JP II đã thay đổi bộ mặt thế giới và ánh sáng của ngài còn tiếp tục chiếu soi tâm hồn nhân loại ».

Mà một trong những hành động của ngài để đáng được danh hiệu le grand pape hay vĩ nhân thế kỷ, thiết tưởng phải nói vì ngài là một giáo hoàng đã «cầm cây thánh giá» đi hành hương khắp năm châu để rao truyền Phúc âm, dưới mọi hình thức ! Ngài đã viếng thăm hơn 100 nước, đọc 10.000 bài diễn văn và cho ra đời 14 Thông điệp, trong đó có thông điệp Tin Mừng sự sống.

Tin Mừng sự sống

Ngài đem ra thực hành những gì ngài đã viết trong Thông điệp Tin Mừng sự sống (Evangelium vitae) ban hành năm 1995 (mà chúng tôi trích dẫn khá nhiều đoạn chứng minh ở dưới đây) nói về sứ mạng hàng đầu của các Giám mục trong đó có Giám mục Rôma (Giáo hoàng) và những ai có bổn phận truyền bá Phúc âm phải rao truyền Tin Mừng sự sống là chính đức Kitô. Vì rao giảng về đức Giêsu chính là loan báo sự sống » (Jn 1 :1). Và sự sống đó, Thánh Linh đã ban cho con người để con người, có được sự sống sung mãn, sự sống đời đời.

«Dưới ánh sáng Phúc âm soi chiếu về Tin Mừng sự sống đó, tôi cảm thấy, lời cố J-P II, cần thiết phải loan báo Phúc âm, và làm chứng cho Phúc âm một cách mới mẻ khác thường : vì Phúc âm được đồng hóa với chính đức Giêsu, đấng mang đến cho thế giới một sự mới mẻ và sự chiến thắng những gì cằn cỗi do tội lỗi mà đến và dẫn đưa về sự chết.

Phúc âm vượt quá mọi ao ước của con người, và bày tỏ cho con người nhận biết, nhờ ơn Chúa, phẩm giá con ngươì đã được nâng cao một cách không lường được. Thánh Grégoire de Nysse đã nói : «Biết lấy lời gì, tư tưởng nào để ca ngợi hồng ân dồi dào đó cho bằng ? Con người được thần thánh hóa bản tính; từ chỗ phải chết trở thành không chết; từ tan biến trở thành bất biến; từ phù du thành vĩnh cữu; và, nói được, con người trở thành Thiên Chúa». Vì thế, cần phải đưa Tin Mừng sự sống vào con tim mỗi người nam nữ, vào mọi tầng lớp của toàn diện tế bào của xã hội.»

Trong 201 nước có lá cờ phất phới trên vũ trụ, ngài đã đặt chân viếng thăm 131 nước. «Một số người trách tôi, lời ngài nói trong dịp viếng nước Zaire năm 1980, đã đi chu du nhiều đến thế, và nên ở tại Rome như trong quá khứ. Nhưng các kẻ ở đây lại nói : « Nhờ ơn trên, ngài đến đây, vì ngài chỉ có thể biết được vài điều về chúng tôi bằng cách đến đây... » Điều đó làm tôi thêm xác tín là đến lúc các Giám mục Rôma... không những kế vị thánh Phêrô, mà còn thánh Phaolô nữa, là người không hề ngồi yên và luôn hoạt động ».

Thuận hay không thuận

Đi đến đâu, ngài cũng rao giảng với tư cách là vị thừa sai, nói lên hay nhắc nhở đến giáo huấn của lời Chúa, bất chấp có được người ta đón nhận hay không. Năm 1982, ngài đến Nigeria, ngài đã khám phá ra trong số bộ lạc ibos, đa số là người công giáo, đã có chuyện chia rẽ và đẫm máu. Khi viếng Hoa kỳ lần thứ hai (1987), một nước có 60 triệu người công giáo, đang sống trong một thế giới phát hiện xã hội tiêu thụ, lý tưởng hưởng thụ tức khắc, ngài đã không ngừng nhắc là những gì con người có (avoir) là phụ thuộc. Điều đáng kể là chính bản thân mình (être). Trước những trào lưu và tư tưởng đối nghịch và loại bỏ với tư tưởng lành mạnh về sự sống con người, thiết tưởng tôi cần phải nhắc nhở lời của thánh Phaolô nói với Timôtê : « (...) Tôi tha thiết khuyên anh (Timôtê) : hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe » ( 2Tim : 4 :1-3).

Trung thành và nguyên vẹn chân lý

«Lời nhắn nhủ đó, ngài nói tiếp, phải được vang dội mạnh mẽ một cách khác thường trong tâm hồn những người có phận sự tham gia trực tiếp, dướí hình thức nào đó, trong việc « nắm gỉữ » sự thật. Trách nhiệm trước hết là chúng tôi, các Giám mục : là người đầu tiên được kêu mời trở nên những sứ giả giảng rao không biết mệt về Tin Mừng sự sống. Chúng tôi có bổn phận phải canh chừng trong việc chuyển đưa cho nguyên vẹn và trung thành về giáo huấn nói trong Thông điệp này (Evangelium vitae ) và dùng những biện pháp thích ứng nhất để bổn đạo khỏi tiêm nhiễm những giáo điều đi ngược với giáo huấn này. Chúng tôi phải lưu ý đặc biệt để trong các khoa về Thần học, ở Chủng viện và trong các Phân khoa công giáo, được phổ biến giảng giải và đào sâu về sự hiểu biết đạo lý lành mạnh này. Lời thánh Phaolô khuyến khích cũng phải được vang đến các nhà thần học, các mục tử và tất cả những ai có nhiệm vụ giáo huấn, dạy giáo lý và đào tạo lương tâm : họ phải thấm nhuần vai trò mà mình phải thực thi, họ đừng bao giờ phản bội chân lý và sứ mạng riêng biệt của mình bằng cách đưa ra những ý kiến riêng tư trái ngược với Tin Mừng sự sống mà Giáo quyền giảng dạy và giải thích một cách trung thực.

Các thánh hằng sống

Tháng chín 1987, trong chuyến công du 11 ngày ở Hoa kỳ, ngài đã nói với giới trẻ ở La Nouvelle-Orléans : «Thế giới đã dùng những khẩu hiệu hấp dẫn to lớn để lừa dối các người. Các người đừng để bị lừa ». Trái lại, năm 1986, khi đến Ấn độ, ngài đã đến thăm viếng ngay Mẹ Têrêsa Calcutta tại ngôi nhà đón nhận các kẻ hấp hối (le mouroir), do Mẹ sáng lập. Nơi đó, đầy ấp không những lắm kẻ đau ốm, đau khổ sắp chết, được nhặt từ đường phố về, để giúp họ chết trong niềm tin vào đời sau, hay trong phẩm giá con người. Ngoài ra, nơi đó, còn là nơi đón nhận những trẻ thơ bị mẹ nó bỏ rơi sau khi sanh, thay vì phá thai… nếu không có bàn tay và lòng cương quyết đón nhận dưỡng nuôi của « người phụ nữ nhỏ bé có lòng mến Chúa », như lời gọi âu yếm của cố JP II khi nói về Mẹ Têrêsa Calcutta.

Cho nên về sau, ngài đã phong chân phước cho vị nữ tu Bề trên đáng kính vào năm 2003 như một lời tuyên xưng giá trị vô song của một con người, dù vật vờ sắp chết, hay khi còn là bào thai, hoặc khi vừa lọt lòng mẹ. Khi đi viếng Lisieux, năm 1980, ngài đã nói : «Các thánh không bao giờ là già cội. Họ không bao giờ rơi vào tình trạng qui khoản (prescription). Họ không bao giờ trở nên những con người của quá khứ, họ luôn là tương lai của phúc âm và của giáo hội, những chứng nhân cho tương lai thế giới ».

Lý do việc tôn trọng nhân phẩm con người, vì đó là « nòng cốt » của Tin Mừng sự sống, tức là loan báo một Thiên Chúa sống động và gần gũi ta. Ngài kêu gọi ta vào hiệp thông một cách sâu xa với Người và Người mở cho ta một chân trời chắc chắn về sự hy vọng về sự sống ngày sau. Đó là quả quyết của sự liên kết bất phân giữa con người, đời sống của mình và thân xác mình. Đó là sự trình bày đời sống con người như là một sự liên kết, ơn huệ của Chúa, hoa trái và dấu hiệu tình yêu của Người. Đó là sự tuyên xưng một mối liên kết tuyệt vời của đức Giêsu với mỗi người làm cho ta nhận biết gương mặt Giêsu trong mỗi khuôn mặt của tha nhân».

Nhận lời và xin Chúa tha thứ

Ngày 26 tháng ba 2000 JP II viếng thăm Thánh địa, một chuyến hành hương đầy ý nghĩa trước thềm ngàn năm thứ ba. Nơi đầy chiến chinh và tranh giành, ngài đến Giêrusalem đem lại sự hòa giải : Ngài cầu xin Thiên Chúa tha tội cho một số con cái của Người đã gieo sầu đau cho dân Chúa và chúng con xin Người tha thứ. Ngài nói : «Chúng con ước ao dấn thân trong lời cam kết trong tình huynh đệ với dân của Chúa» Khi viếng bức tường than khóc (Murs des Lamentations), nơi thánh của Do thái giáo, ngài đã nghiêng mình cầu nguyện lâu giờ, và nhét vào khe đá Bức tường, một lá thư ghi những lời hối hận về những đau khổ của dân Do thái ». Cử chỉ đó còn hùng hồn hơn trăm bài giảng !

Ngày 25 tháng hai 1981, JP II thi hành một công việc mà ngài cho là bổn phận thánh thiêng là kính viếng Bảo tàng viện Hòa bình tại Nhật ở Hiroshima,nơi ghi dấu sự tàn sát của chiến tranh nguyên tử. Ngài đã đến viếng Đài kỷ niệm 140.000 nạn nhân bom nguyên tử rơi xuống hôm 6 tháng tám 1945. Sau khi đã chìm mình lâu trong sự im lặng thẳm sâu, ngài nói : « Đây là nơi đã cho thấy sức mạnh của sự tàn phá con người không thể tưởng tượng được, ta phải nhớ rằng quá khứ là một dấn thân cho tương lai. Các người hãy làm việc để giảm việc sản xuất súng ống và cấm dùng bom nguyên tử. Không bao giờ còn tái diễn lò sát nhân Auschwit, không bao giờ còn bom nổ Hiroshima nữa ».

Bất khả xâm phạm

Nói về nhân phẩm cao quý của con người, ngài viết : « Ơn huệ quý báu Chúa ban, đời sống con người là quý trọng và bất khả xâm phạm, cho nên, không thể chấp nhận trục thai hay trợ tử (avortement provoqué ou euthanasie). Đời sống con người không những không thể hủy hoại mà còn phải lấy tình yêu che chở nó. Tình yêu tìm thấy đầy đủ ý nghĩa trong việc nhận và cho : trên bình diện này mà giới tính và truyền sinh của con người đạt được điều chính trực của nó. Trong tình yêu đó, sự đau khổ và sự chết cũng có một ý nghĩa. Và, mặc dầu còn nhiều bí ẩn vây quanh, những khổ đau đó, có thể trở thành những dịp cứu rỗi. Việc tôn trọng sự sống đòi hỏi xã hội phải kính trọng và cổ võ chân giá trị của mỏi người, mọi lúc và mọi giai đoạn của con người ».

Ý nghĩa khổ đau

Vào những năm cuối đời, JP II đã trở nên một người đau ốm, mà những ai thống khổ đều đã nhận thấy. Có người đã nói và đã nghĩ là ngài nên từ chức, nhưng ngài đã cho hay là ngài sẽ thi hành sứ mạng giảng rao Phúc âm mà Chúa giao phó đến hơi thở cuối cùng. Một người tuổi tác như ngài với bệnh cúm nặng, bệnh Parkinson... đáng lý ra làm cho ngài cuộn tròn trên đau khổ của mình, nhưng ngài đã trung thành với những gì ngài nói trong thông điệp Evangelium vitae, ý nghĩa sự khổ đau và chiều hướng cứu rỗi của đau khổ biết đón nhận.

Xưa kia, ngài đã giơ cao một cách hiên ngang cây thánh giá người cầm trong tay, thì bấy giờ, thánh giá là nơi ngài gởi gắm và chống đỡ trong những cơn đau. Người ta thấy nhiều lần ngài đã như «ngã quỵ», nhưng rồi, trăm ln như một, ngài đã vươn lên, chiến thắng khổ đau, bệnh tật. Ngài đã kết thúc cuộc đời rao giảng Tin mừng cứu rỗi của mình trên cây thánh giá đó như muốn nói với nhân loại rằng sự đau khổ có một ý nghĩa. Và sự chết chỉ là con đường đi qua, vượt qua.

Đêm cuối cùng ở điện Vatican, hàng chục ngàn người già trẻ đã chia sẻ đau thương với vị giáo hoàng đang hấp hối. Nhưng không riêng gì hàng ngàn người hôm đó được độc quyền đó, mà đã hơn mười năm qua, JP II đã chịu đau khổ như một con người. Mọi ngươì đều cảm thấy gần gũi với vị Giáo hoàng đầy uy thế, nhưng đã đối xử với kẻ có quyền năng cũng giống như đối với kẻ thấp kém. Ngài quả là một trong những vị giáo chủ thiêng liêng lớn nhất của Lịch sử. Thật xứng dáng danh xưng tụng : «Đại Giáo Hoàng.»

Nói tóm, trong suốt 26 năm trị vì của đức JP II, ngài đã « cầm cây thánh giá » làm người hành hương của Chúa, vì ngài đã nói : « Đức Kitô và Giáo Hội của Chúa không thể quên được nước nào, dân nào, hay một nền văn hóa nào. Lời Chúa thuộc về mọi người, và nói với mọi người.» (do chúng tôi nhấn đậm)(Giaoxuvnparis.org)