Nhớ Cha Phêrô Đinh Ngọc Quế, DCCT.

“Nếu phải khoe thì chỉ xin phép khoe vì đã được Đại Hồng Phúc Chúa ban cho vác thánh giá theo chân Ngài”. ( Lời cha Phêrô Đinh Ngọc Quế chia sẻ ở trang đầu cuốn hồi ký của ngài).

***

Hôm qua tôi đang ngồi làm việc tự nhiên thấy nhớ cha Quế. Tôi nghĩ có lẽ ngài về với Chúa không chừng. Xem ra linh cảm của tôi không sai. Sáng nay tôi nhận được tin ngài qua đời hôm qua. Tôi xem thời gian thì đúng vào lúc tôi đang nghĩ đến ngài.

Tôi biết ngài từ năm 1987, vì lúc ấy hàng tháng Cha Giuse Vũ Ngọc Bích có nói tôi chuẩn bị những thứ cần thiết để nhờ người đi tiếp tế cho ngài và các cha DCCT khác đang bị tù tại trại giam Thanh Cẩm, Ba Sao. Lần đầu tôi được gặp ngài là vào đầu năm 1988 tại tu viện Thái Hà khi ngài, cha Trung và cha Thỏa được ra khỏi trại Ba Sao sau 13 năm tù ở Miền Bắc.

Năm sau 1989 tôi gặp lại ngài ở Tu viện Kỳ Đồng, khi tôi được Cha Giuse Vũ Ngọc Bích gửi vào đây tu tiếp. Thời gian sau khi ra tù, ngài làm tuyên úy cho Legio, nhưng nhà cầm quyền cấm ngài làm mục vụ, vì vậy ngài thường làm lễ tại nhà nguyện của tu viện và ngài nhờ chúng tôi đón tiếp giáo dân và giúp lễ.

Tháng 12 năm 1992 ngài giảng tĩnh tâm cho lớp Tập viện chúng tôi 1 tuần rồi vào ngày 11.1.1993 ngài lên đường sang Mỹ theo diện HO và gia nhập vào Phụ Tỉnh DCCT Hải Ngoại. Tuy nhiên, tôi thấy lúc nào ngài cũng hướng về Việt Nam và tìm hết cách giúp đỡ Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là các anh em DCCT Việt Nam.

Suốt 33 năm quen biết ngài trong đó có hơn 3 năm sống chung với ngài tại tu viện DCCT Kỳ Đồng, ngài là gương mẫu cho tôi trong nhiều điều liên quan đến đời tu, ngài cũng là người khuyến khích và giúp đỡ tôi rất nhiều, vì vậy lần nào sang Hoa Kỳ tôi cũng đến thăm ngài.

Đây là bản tiểu sử vắn tắt cuộc đời ngài do tôi ghi lại từ những gì tôi biết về ngài, từ các tài liệu của Nhà Dòng và từ bản ghi chú về cuộc đời ngài do chính ngài gửi cho tôi cách đây 5 năm lúc ngài 90 tuổi, không còn làm mục vụ được nữa và bắt đầu ở yên một chỗ để dọn mình về với Chúa:

CHA PHÊRÔ ĐINH NGỌC QUẾ, SINH NGÀY 20 THÁNG 8 NĂM 1926 Tại Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định, thuộc Giáo phận Bùi Chu, xưa thuộc huyện Trực Ninh, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã cùng cha mẹ di cư ra Hà Nội, sống tại Giáo xứ Hàm Long và ngài bắt đầu học tiểu học tại đây.

TỪ NĂM 1937 ĐẾN 1946: ngài học tại Đệ Tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội.

TỪ NĂM 1946 ĐẾN 1950: ngài học tại Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế, tốt nghiệp Tú tài Pháp.

TỪ NĂM 1950 ĐẾN 1951: ngài học tại Tập viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt. Ngày 20 tháng 8 năm 1951 ngài khấn dòng tại Đà Lạt.

TỪ NĂM 1951 ĐẾN 1957: ngài học tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt. Ngày 8 tháng 9 năm 1956 ngài được chịu chức linh mục tại Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt.

TỪ NĂM 1957 ĐẾN 1961: ngài tham gia giảng đại phúc cho nhiều giáo xứ khác nhau ở Việt Nam.

Từ năm 1961 đến 1965: ngài làm giáo sư Đệ Tử viện Dòng Chúa Cứu Thế Vũng Tầu.

TỪ NĂM 1965 ĐẾN 1969: ngài làm Tuyên úy trưởng Tiểu khu Phước Tuy, Đặc khu Vũng Tầu.

TỪ NĂM 1969 ĐẾN 1970: ngài tham dự khóa huấn luyện tuyên úy tại Hoa Kỳ.

TỪ NĂM 1970 ĐẾN 1975: ngài làm Tuyên úy trưởng Biệt khu Thủ Đô, Hạt trưởng Hạt Quân đội Tổng Giáo phận Sài Gòn, Hiệu trưởng Trưởng Trường Trung học Tinh Thần.

Trong thời gian này, được sự đồng ý của cha Nguyễn Thế Thuấn và sự giúp đỡ của cha Trần Hữu Thanh – người nhuận sắc bản văn Tân ước cho phù hợp với quân nhân, ngài và cha Roco Nguyễn Tự Do – Giám đốc Truyền thông Quân đội- đã thực hiện chiến dịch mỗi quân nhân một Tân ước. Số Kinh Thánh Tân ước này đã góp phần quan trọng vào đời sống đức tin không những của binh lính VNCH mà còn cho nhiều người Công Giáo ở hai miền Nam –Bắc, nhất là từ năm 1975.

ĐẦU THÁNG 4 NĂM 1975 : ngài nhận chức Tổng Giám đốc Nha Tuyên úy Việt Nam Cộng Hòa do Đức cha Lê Văn Ấn trao phó.

CUỐI THÁNG 4 NĂM 1975: mặc dù được ưu tiên di tản, nhưng ngài đã chọn ở lại Việt Nam vì nghĩ rằng mục tử thì phải ở lại với đàn chiên trong lúc khó khăn nhất.

Ngày 15 tháng 6 năm 1975 ngài phải đi “trình diện” và bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ không án 13 năm tại các nhà tù khét tiếng là địa ngục trần gian như: Trại Long Giao - Long Khánh, Trại Suối Máu-Biên Hòa, Trại Yên Bái, Trại Trần Phú và Trại 3- Hoàng Liên Sơn, Trại Phong Quang – Lào Cai, Trai Ba Sao và Trại Mễ- Hà Nam, Trại Thanh Cẩm- Thanh Hóa.

Trong tù, bằng sự khôn ngoan của một người có ơn Chúa, ngài đã luôn tìm cách an ủi và giúp đỡ các tù nhân. Ngài cũng tổ chức dạy giáo lý và rửa tội cho các bạn tù nhân muốn đón nhận đức tin Công Giáo và dạy thần học cho các cha ở Miền Bắc- thường là các cha chịu chức “chui”- cũng bị giam chung với các ngài. Ngài còn khuyên bảo, hướng dẫn và giúp đỡ cả một số các giám thị trại giam và các cán bộ thất thế bị giam giữ cùng ngài.

TỪ NĂM 1988 đến 1993: Đầu năm 1988 ngài được trả tự do, nhưng nhà cầm quyền không cho ngài về lại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, vốn là nơi cư trú chính thức của ngài trước khi bị bắt đi tù. Vì thế tối tối khoảng 8:30-9:00 PM ngài về nhà người thân ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ)- nơi ngài có hộ khẩu- để nghỉ qua đêm và sáng sớm khoảng 5:00 AM ngài đã có mặt ở Tu viện để đọc kinh, dâng lễ và bắt đầu ngày làm việc.

Trong thời gian này, vì nhà nước cấm ngài làm việc mục vụ công khai nên ngài chỉ phục vụ âm thầm. Ngài làm Tuyên úy cho các thầy tu huynh trong Dòng Chúa Cứu Thế, dạy thần học cho các thầy. Ngài cũng dạy Thánh Mẫu học mỗi thứ bẩy cho các thầy tập sinh, giảng tĩnh tâm cho các thầy tập sinh và sinh viên Học viện.

Ngài cũng giảng tĩnh tâm hàng tháng và dâng lễ cho các dòng như như: Dòng Saint Paul de Chartres ở đường Cường Để (Tôn Đức Thắng) và ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Dòng Nữ Tử Bác Ái ở đường Tú Xương, Dòng Mến Thánh Giá Phú Xuân ở đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ)…

Được sự hậu thuẫn của Cha Giuse Cao Đình Trị, Chính xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Bề trên Phó Giám tỉnh, ngài cũng đã tái lập Legio Mariae Curia Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, gồm có 9 đội, hơn 100 hội viên hoạt động và khoảng 1000 người là các tán trợ và bảo trợ.

NGÀY 11 THÁNG 1 NĂM 1993 ngài lên đường sang Mỹ theo diện HO và gia nhập Phụ tỉnh DCCT Việt Nam Hải Ngoại.

TỪ NĂM 1993 ĐẾN 1998: Bề Trên Tu viện Balwin Park, California và Tập sư Dòng Chúa Cứu Thế Phụ Tỉnh Việt Nam Hải Ngoại.

TỪ NĂM 1993 ĐẾN 2001: ngài làm Quản nhiệm Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Giáo xứ Thánh Christopher, Westcovina, California.

TỪ NĂM 2002 -2010: Ngài làm Chủ tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ. Ngài còn tích cực tham gia thành lập Hội bảo trợ Linh mục Hưu dưỡng Việt Nam và Linh hướng của Trương Bửu Diệp Foudation.

TỪ NĂM 1993 ĐẾN NĂM 2015: ngài còn làm thừa sai đi giải tội và giảng dạy cho nhiều hội đoàn và cộng đồng Công Giáo ở Hoa Kỳ.

TỪ NĂM 2015 ĐẾN 2021: ngài nghỉ hưu tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach.

NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 2021: ngài qua đời tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach, hưởng thọ 95 tuổi, trong đó có 84 năm sống trong DCCT, 70 năm làm tu sĩ DCCT và 65 năm làm linh mục DCCT.

Ngài là người tình cảm, dễ gần, luôn sống vui vẻ, lạc quan, hết lòng yêu Chúa, yêu người, yêu đời, yêu Nhà Dòng, yêu Giáo Hội, yêu quê hương.

Ngài đặc biệt ý thức về sự thiêng liêng và cao cả của ơn gọi và sứ vụ linh mục của mình từ đó ngài cố gắng phục vụ mọi người lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện.

Từ năm 1993, trong khi đảm nhiệm những sứ vụ khác nhau ở Hoa Kỳ, Ngài luôn quan tâm giúp đỡ Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là giúp đỡ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và các cha hưu dưỡng của các giáo phận ở Việt Nam.

Trong mắt tôi, ngài là một mục tử nhân lành, một người tu đắc đạo, một thừa sai mẫu mực, một tu sĩ chân chính của Dòng Chúa Cứu Thế.

Hôm nay ngài đã hoàn tất hành trình và sứ vụ làm con cái Chúa của mình nơi trần gian. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với ngài và cầu nguyện cho ngài.

Roma 03.07.2021.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR

PS. Mấy năm sau khi đã đến bến bờ tự do, cha Phêrô Đinh Ngọc Quế đã viết cuốn hồi ký "Một linh mục trong ngục tù cộng sản", trong đó ngài kể lại những khó khăn, gian khổ, tủi nhục, những điều mắt thấy tai nghe, cũng như những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đức tin trong ngục tù cộng sản của ngài, của các linh mục, các cán bộ và sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Theo tôi đấy là một tác phẩm rất đáng đọc để thấy một con người dám hy sinh để làm chứng cho Chúa và phục vụ tha nhân thì ở bất cứ nơi đâu cũng luôn đắc dụng và giữa khó khăn, thử thách, đau khổ, tù đầy vẫn có cơ may hạnh phúc./.