Lm Nguyễn Trung Tây
Chuyện TU SĨ Chuyện EM:
Lấm Lem Bùn Đen – Talita Cum (Mark 5:41)


Em hỏi tôi về Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong Tông huấn, Ngài trình bày quan niệm riêng về Hội Thánh, “Cha thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của chính mình” (NVTM, 49).
Tôi thông thường ngần ngại bàn thêm về Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng câu 49. Tôi nói với em thật tình tôi ngại đụng chạm. Nhưng em không bỏ cuộc, em nói với tôi tiếng Việt tiếng Anh ba rọi, “Oh! Cha! Please!” Tôi cuối cùng đầu hàng trước khuôn mặt thánh thiện của em, tu sĩ Dòng Truyền Giáo. Tôi cuối cùng góp một vài ý kiến nho nhỏ.
Giáo hội nguyên thủy mang căn tính truyền giáo (Ad Gentes 2). Dựa vào Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái khẳng định nếu Giáo hội ngưng những bước chân rao giảng Tin Mừng, Giáo hội mất đi căn tính Giáo hội. Hoặc nói một cách khác, Giáo hội tự đánh mất chính mình.
Bởi thế Giáo hội không có chọn lựa nào khác nhưng phải bước ra ngoài tổ kén ấm cúng, vượt qua hàng rào kẽm gai, hòa mình vào với những băn khoăn và những thực thể của thế giới để rao giảng Đức Giêsu tới những người Giáo hội (sẽ) gặp gỡ trên con đường hành hương. Và bởi Giáo hội là một Giáo hội của truyền giáo, Giáo hội sẽ bị bầm dập thâm tím mặt mày, đôi bàn tay đen cháy nám, bùn dơ bám đen loang lổ áo trắng.
Nhưng, theo như Đức Thánh Cha, những vết bầm dập thâm tím, đôi tay cháy nám, bùn dơ áo trắng, là những dấu hiệu của một Giáo hội lành mạnh. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục ngồi thoải mái trong bốn bức tường của tháp ngà, Giáo hội không còn làm chứng và rao giảng tới bất cứ ai.
Trong trường hợp này, rất tiếc, theo như Công đồng Vatican II (Ad Gentes 2) và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo hội không còn là Giáo hội của Đức Giêsu nữa…
Nhìn em vẫn ngơ ngác, lạc đường, tôi dẫn chứng Kinh Thánh.

Bánh Mì và Cá Sa Mạc (John 6:1-15)
Lần đó trong sa mạc, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu. Khi đó trời đã về chiều, trong khi các môn đệ xuất hiện với thái độ truyền giáo thực tế,
— Ơ… Thầy! Đám đông dân chúng đông như (quân Nguyên)! Ai nuôi cho nổi! Chuyện đó không phải chuyện của mình…
Nhưng Đức Giêsu thì khác, Ngài thể hiện chân dung của truyền giáo dấn thân,
— Không đúng! Chuyện của đám đông cũng là chuyện của mình!
Và bởi truyền giáo dấn thân, hiện tình thay đổi. Cõi sa mạc đá sỏi mênh mông bỗng dưng hóa ra vườn địa đàng xanh xanh ngút ngàn!
Hồi đó, nếu không có Đức Giêsu, nhiều người dám đã bỏ mạng trong sa mạc, bởi thái độ truyền giáo thực tế (tháp ngà) của các môn đệ.
Yêu biết bao chuyện bánh mì và cá trong sa mạc. Yêu Đức Giêsu, người truyền giáo dấn thân; (một lần nữa lập lại) và bởi dấn thân, lấm lem bùn đen, bùn dơ áo trắng, thiên đàng mơ hồ trở thành một thực thể trong sa mạc.
Nghe tôi phân tích câu chuyện hóa nhiều bánh mì trong sa mạc dưới lăng kính Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, câu 49, em hứng khởi kể tôi nghe chuyện của em…

Talita Cum! (Mark 5:41)
Lần đó, ông Jairus Hội trưởng hội đường Do Thái tới gặp Đức Giêsu, xin Ngài chữa bệnh cho cô con gái bệnh thập tử nhất sinh. Nghe lời khẩn cầu, Đức Giêsu đi theo ông Jairus tới nhà của ông. Trên đường đi, người nhà của ông Jairus bất ngờ xuất hiện, báo tin con gái của ông đã chết. Nhận được hung tin, nhưng Đức Giêsu vẫn bước tới. Ngài khẳng định, “Em nhỏ chưa chết, em chỉ đang ngủ mà thôi” (Mark 5:39). Bởi lời Ngài nói, nhiều người mở miệng cười chế nhạo Ngài (Mark 5:40).
Và Đức Giêsu bước vào phòng của em. Ngài cầm tay em gái, rồi Ngài nói, “Talita cum! Em nhỏ, hãy ngồi dậy”.
Và em gái tuổi 12 ngồi dậy trước khuôn mặt ngạc nhiên của bao nhiêu người. Trong đó, không thể loại trừ những người vừa cất tiếng cười chế nhạo Đức Giêsu…
Tôi góp ý,
— Mặc cho thiên hạ dèm pha, cười nhạo, khiến tâm hồn Ngài bầm dập, Đức Giêsu vẫn bước tới, mang niềm hy vọng mới tinh khôi tới gia đình tưởng chừng chuẩn bị khăn tang. Đức Giêsu trong Tin Mừng Mark 5 sẵn sàng lấm láp bùn đen, bầm dập mặt mày, để mang lại hy vọng tới tất cả những người Ngài gặp gỡ trên con đường hành hương.
Em tiếp nối câu chuyện,
— Bữa hôm đó, cùng đi với nhau, tu sĩ tụi con ghé thăm khu ổ chuột Cubao của thủ đô Manila.
Sau một hồi gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ và cầu nguyện, Cái bang dừng lại rồi bước vào túp lều của bà mẹ độc thân với 7 đứa con. Em lớn nhất 14 tuổi nằm mê man trên giường trong cơn sốt, em nhỏ nhất mấy tháng vẫn nằm trơ trọi trên võng mở đôi mắt to nhìn khách lạ.
Em hỏi bà mẹ, em bệnh gì? Mẹ nói không biết, bởi không có tiền mang em đi khám Bác Sĩ. Câu trả lời đơn giản và thành thật!
Sờ vào trán em, ai cũng nhận ra được cơn sốt cao độ. Thế đấy, thiếu niên 14 tuổi nằm đó với không một viên thuốc.
Cái bang tu sĩ truyền giáo nhìn nhau, nhanh chóng quyết định, giờ này mỗi tên một chút, góp vào, hy vọng em sẽ qua cơn sốt than hồng. Em nói thật tình giờ phút đó, con chỉ mong có Đức Giêsu xuất hiện, đứng ngay bên cạnh.
Cái bang đã về nhà hơn một tuần rồi, nhưng hình ảnh thiếu niên sốt than hồng vẫn đi theo, nằm sâu trong đầu em. Em cầu nguyện, em làm việc bác ái dâng lên Thiên đàng. Em hy vọng, tương tự như câu chuyện Talita cum năm xưa, Đức Giêsu sẽ bước lên phòng, Ngài cầm tay thiếu niên sốt than hồng Cubao, và Ngài nói, “Talita cum.”
Rồi bản tin mong đợi cũng tới tựa gió mùa hè thổi mát lòng người: em sốt than hồng bởi bệnh sốt xuất huyết. Đã được điều trị tại bệnh viện. Giờ đã hết sốt, em đã ngồi dậy. Em đã talita cum.
Vẫn là câu chuyện của 2000 năm trước và của ngày hôm nay. Cái bang tu sĩ truyền giáo Cubao bước theo Bang chủ Cái bang Đức Giêsu, tất cả đều lấm lem tay chân, thâm tím mặt mày. Tất cả vẫn bước lên phòng, cầm tay em bé 12 tuổi, và Ngài nói, “Talita cum!”

Em mến,
Theo như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nếu chúng ta tiếp tục ngồi thoải mái trong bốn bức tường của tháp ngà, người tín hữu không còn làm chứng và rao giảng tới bất cứ ai.
NTT