Jeremy Friedman là phó giáo sư tại Đại Học Harvard và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Shadow Cold War: The Sino-Soviet Competition for the Third World”, nghĩa là “Bóng Tối Của Chiến Tranh Lạnh: Cạnh Tranh Trung-Xô Vì Thế Giới Thứ Ba”. Hôm 10 tháng Tư, 2021, ông có bài nhận định đăng trên tờ National Interest nhan đề “Why a Rising China Creates a New Cold War Calculus”, nghĩa là “Tại sao một Trung Quốc đang trỗi dậy hình thành một tính toán Chiến tranh Lạnh mới”, trong đó ông lập luận rằng Trung Quốc ngày nay không chỉ là một đối thủ cạnh tranh về quân sự và chính trị, mà còn là một đối thủ kinh tế và thậm chí là đối thủ văn hóa với Hoa Kỳ. Muốn thắng trong cuộc chiến này, Hoa Kỳ cần nhận ra rằng nhược điểm lớn nhất của Bắc Kinh là sau hơn 70 năm thành lập, Trung Quốc vẫn không có đồng minh chính thức nào ngoài Bắc Hàn; đồng thời, các nước láng giềng, ở một mức độ nhất định, đều sợ hãi và nghi ngờ Bắc Kinh. Jeremy Friedman hô hào một tính toán chiến lược mới trong đó Hoa Kỳ không đẩy các nước khác ngả vào vòng tay của Trung Quốc nhưng hình thành một liên minh toàn cầu.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Cuộc đối đầu sắp tới với Trung Quốc là một cuộc đối đầu mà lịch sử Mỹ chưa từng có sự tương đồng như thế.

Jeremy Friedman

Tổng thống Joe Biden nói trong cuộc họp báo tổng thống đầu tiên của mình nói: “Rõ ràng, hoàn toàn rõ ràng, đây là cuộc chiến giữa lợi ích của các nền dân chủ trong thế kỷ 21 và các chế độ độc tài.” Những lời hùng biện đang đua nở của Biden vang vọng một câu nổi tiếng hơn từ thần tượng chính trị của ông, John F. Kennedy, người đã tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức đầu tiên vào năm 1961 rằng “chúng ta sẽ trả bất kỳ giá nào, chịu bất kỳ gánh nặng nào, đối diện với bất kỳ khó khăn nào, ủng hộ bất kỳ người bạn nào, chống lại mọi kẻ thù để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do”. Ít có tình cảm nào có thể khuấy động và tồn tại lâu dài hơn trong từ điển chính trị Hoa Kỳ cho bằng quan điểm theo đó Hoa Kỳ đại diện cho hy vọng cuối cùng, hy vọng tốt nhất cho tự do và dân chủ trong một thế giới đầy nguy hiểm. 

Tuy nhiên, bây giờ không phải là năm 1961 và việc xác định cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang bùng phát này trong khuôn khổ đó không chỉ là sai lầm mà còn phản tác dụng một cách nguy hại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) xem ra là một chế độ độc tài, nhưng, không giống như Liên Xô, nó không công khai đe dọa các chế độ dân chủ hiện có, cũng không minh nhiên xác định mục tiêu mở rộng hệ thống chính trị của nó ra toàn thế giới. Liên Xô cam kết thực hiện mục tiêu đó và tích cực theo đuổi mục tiêu đó thông qua các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới nhận sự chỉ đạo từ Mạc Tư Khoa và thông qua các tổ chức của chính mình, chẳng hạn như KGB và Phân bộ Quốc tế của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, với nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi hệ thống kinh tế và chính trị trong nước của các quốc gia khác. 

Việc xác định khuôn khổ vấn đề [một cách hời hợt] như một cuộc đụng độ giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài sẽ gây tổn hại sâu sắc đến chính mục tiêu mà Biden đang cố gắng theo đuổi, đó là chống lại các tác động tiêu cực của ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên khắp thế giới. Một trong những lợi thế chính của Hoa Kỳ so với Trung Quốc trong cuộc đối đầu này là mạng lưới các mối quan hệ quốc tế. Điều này bao gồm các đồng minh hiệp ước chính thức của Mỹ, chẳng hạn như NATO, các quốc gia quan trọng ở Á Châu, Trung Đông và Mỹ Latinh, và nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ. Có lẽ họ không phải là đồng minh chính thức nhưng ngày càng muốn hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh. Trong khi đó, điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc xem ra là thực tại này: hơn 70 năm sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, nước này vẫn không có đồng minh chính thức nào ngoài Bắc Hàn, và còn hơn thế nữa, các nước láng giềng, ở một mức độ nhất định, hầu như đều sợ hãi và nghi ngờ nước CHND Trung Hoa.  

Nhiều quốc gia trong số đó, không phải là các nền dân chủ theo bất kỳ định nghĩa thông thường nào, nhưng cảnh giác với sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc, đã tìm kiếm sự hợp tác an ninh với Mỹ hoặc có thể đang tìm kiếm một đồng minh hùng mạnh. Nhiều người trong số họ không có hồ sơ nhân quyền hoàn hảo và đôi khi bị Washington và Brussels chỉ trích. Thường có một sự cân bằng mong manh giữa hợp tác và chỉ trích trong quan hệ của Hoa Kỳ với các nước như Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sự cân bằng đó dựa trên niềm tin của các quốc gia này rằng những lời chỉ trích không phải là mối đe dọa cơ bản đối với chế độ của họ. Điều này có nghĩa là hợp tác với Hoa Kỳ để chống lại các mối đe dọa chung vẫn là một lợi ích quan trọng hơn cho họ. Bằng cách chấp nhận lập trường mà chúng ta đang có trong cuộc chiến giữa các nền dân chủ chống lại các chế độ độc tài, Hoa Kỳ đang phá hoại phép tính đó. Mỹ đang làm cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia như thế nghĩ rằng chính Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, là mối đe dọa cơ bản hơn đối với lợi ích của họ. Kết quả là, chúng ta đang đẩy các quốc gia ra xa chúng ta và ngả vào vòng tay Trung Quốc, tạo ra một liên minh các chế độ độc tài chưa từng tồn tại trước đây và cũng chẳng có nhu cầu để tồn tại trong tương lai.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong một khu vực đông đúc và cạnh tranh với đầy rẫy những tranh chấp biên giới, đã gây ra các phản ứng dữ dội đang gia tăng trên toàn thế giới. Phản ứng dữ dội này một phần được khơi nguồn từ sự khao khát của Trung Quốc trước các tài nguyên thiên nhiên, thị trường tiêu thụ hàng hóa, cơ hội công ăn việc làm cho người lao động Tầu, và cơ hội đầu tư cho vốn liếng của [Đảng Cộng Sản] Trung Quốc. Các chính trị gia khắp miền Nam trên phạm vi toàn cầu từ Zambia đến Malaysia đã vận động chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Các quốc gia ven Biển Đông đã bị Bắc Kinh ức hiếp. Ngay cả Nga cũng đang ấp ủ những lo ngại về các tính toán của Trung Quốc trên vùng Viễn Đông của Nga, một phần là vì Tổ chức Hợp tác Thượng Hải chưa bao giờ trở thành một lực lượng đối trọng với NATO mà một số người từng dự đoán [Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - Shanghai Cooperation Organisation, gọi tắt là SCO - được manh nha vào ngày 15/6/2001 bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan. SCO chính thức hoạt động vào ngày 19/9/2003. Đồng sàng dị mộng, Nga hy vọng SCO sẽ trở thành một đối trọng với NATO, Trung Quốc coi SCO là chiêu bài để xâm nhập vào thị trường các nước Trung Á, và những nước còn lại xem SCO là lá chắn cho các nước thành viên trước các chỉ trích vi phạm nhân quyền – chú thích của người dịch] Bất chấp những nỗ lực hướng tới một mặt trận thống nhất, trong các vấn đề từ Ukraine đến Biển Đông, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục thể hiện sự thiếu tin tưởng và thiếu hợp tác.  

Để có một đường hướng chính sách đúng đắn, Biden nên hướng đến một nhà lãnh đạo khác từ những năm 1960: là Mao Trạch Đông. Trong bài luận nổi tiếng Bàn Về Mâu Thuẫn năm 1937, Mao lập luận rằng trong bất kỳ tình huống nào, mấu chốt là phải xác định được cái mà ông ta gọi là những “mâu thuẫn chính” và tách nó ra khỏi những “mâu thuẫn thứ yếu”. Cụ thể, điều này có nghĩa là định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc xung quanh cuộc chiến với kẻ thù chính, trước tiên là Hoa Kỳ và sau đó là Liên Xô, đồng thời tìm kiếm cơ hội để vượt qua những “mâu thuẫn thứ yếu” với các quốc gia mà Trung Quốc có bất đồng, nhưng có lẽ cũng có lợi ích chung, chẳng hạn như Pháp và Nhật Bản. Làm như vậy sẽ giúp Trung Quốc chiếm được càng nhiều “khu vực trung gian” càng tốt — đó là những quốc gia không phải là đối thủ chính của Trung Quốc — đồng thời cũng không ủng hộ kẻ thù của Trung Quốc.  

Cuộc đối đầu sắp tới với Trung Quốc là một cuộc đối đầu mà lịch sử Mỹ không có một sự tương đồng chính xác nào. Trung Quốc không chỉ là một đối thủ cạnh tranh về quân sự và chính trị mà còn là một đối thủ kinh tế và thậm chí có khả năng là đối thủ văn hóa, trong một thế giới gắn kết chặt chẽ hơn nhiều so với thế giới của Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh này, việc phân chia thế giới giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài, tự do và không tự do, là một cách làm lợi cho đối phương rất hiệu quả, nó san bằng những nhược điểm của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các đồng minh miễn cưỡng ngã vào vòng tay chúng. Thay vào đó, Hoa Kỳ nên tìm cách chiếm càng nhiều “khu vực trung gian” càng tốt và đừng đẩy khu vực này về phía Trung Quốc. Thay vì nói về dân chủ và độc tài, Hoa Kỳ nên tập trung vào những cách thức mà hành động của Trung Quốc đang đe dọa tất cả các nước, chẳng hạn như sự bành trướng lãnh thổ hung hăng và các mối quan hệ kinh tế khai thác, cũng như giúp đỡ các nước trên cơ sở song phương trong các tương tác của họ với Bắc Kinh. Các quốc gia trên thế giới phải lo sợ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy hơn là sợ Hoa Kỳ có một quy trình chính trị minh bạch, một quy trình mà nhiều người trong số họ đã phải đối phó trong nhiều thập kỷ. Việc áp dụng cách tiếp cận này có thể không quyến rũ như một cuộc thập tự chinh vì dân chủ, nhưng đó là một đường hướng đối ngoại có nhiều khả năng thành công hơn.
Source:National Interest