Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết trong khi các nhà bất đồng chính kiến và các tổ chức nhân đạo tố cáo những hành động tàn bạo mà các tướng lãnh Miến Điện thi hành đối với trẻ em và trẻ vị thành niên, thì Bắc Kinh có những ưu tiên khác: họ muốn chính quyền quân sự bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt nối hai nước, hai cơ sở hạ tầng được trợ cấp bằng tiền Trung Quốc như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường Tơ lụa mới.

Chính phủ Trung Quốc bày tỏ ý định hỗ trợ đầy đủ cho quân đội Naypyidaw, tham gia vào một cuộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình quần chúng nổ ra sau cuộc đảo chính hôm 1 tháng Hai.

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, vào ngày 31 tháng 3 tại Nam Bình, Phúc Kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rõ: Trung Quốc đánh giá cao việc ASEAN, tức là Hiệp hội các nước Đông Nam Á, đã áp dụng “chính sách không can thiệp” đối với cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự can thiệp từ bên ngoài - đặc biệt là sự can thiệp của phương Tây - là mối nguy hiểm đối với các lợi ích thương mại và chiến lược của nước này ở Miến Điện.

Theo tờ The Irrawaddy, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Miến Điện tăng cường việc bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Kyaukphyu, trên Vịnh Bengal, đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Mối quan tâm của Trung Quốc về các cấu trúc năng lượng này đã tăng lên gấp bội sau khi các dân quân dân tộc đóng quân ở bang Shan đe dọa tham gia cuộc nổi dậy chống lại các tướng lĩnh Miến Điện trong những ngày gần đây. Trước khi đến lãnh thổ Trung Quốc, các đường ống phải đi qua khu vực này của Miến Điện.

Trong khi đó, số người biểu tình bị quân đội giết tiếp tục tăng. Hiệp hội tù nhân chính trị ước tính rằng đến nay có 543; con số này bao gồm 44 trẻ em. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ước tính số trẻ vị thành niên bị giết dưới tay lực lượng an ninh Miến Điện đã tăng gấp đôi trong 12 ngày qua.

Chế độ của Tướng Min Aung Hlaing cho đến nay đã giam giữ 2,700 người chống đối. Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ bị chính quyền lật đổ, tiếp tục bị bắt giữ. Sau những cáo buộc tham nhũng, nhà chức trách quân sự buộc tội bà vi phạm luật về bí mật quốc gia có từ thời thuộc địa Anh: bà phải đối mặt với 14 năm tù giam.

Mya Aye, một thành viên lịch sử khác của mặt trận dân chủ, cũng bị buộc tội. Anh là một cựu chiến binh của Thế hệ 88, nhóm những người bất đồng chính kiến, những nhân vật chính của cuộc nổi dậy năm 1988, sau đó đã bị Lực lượng vũ trang đàn áp. Cáo buộc chống lại ông là ông đã kích động dân chúng tham gia các cuộc biểu tình.
Source:Asia News