Huệ Đồng Nội

Maria Goretti, vị tử đạo đầu tiên của thế kỷ 20, thường được gọi là Agnès Mới, vì cũng như vị thánh anh thư của Giáo Hội thuở ban đầu này, Goretti đã hy sinh mạng sống để gìn giữ sự trong trắng của mình.



Cô sinh tại gần thành phố Corinaldo, Ý, ngày 16 tháng 10 năm 1890, con đầu lòng trong một gia đình gồm 7 chị em. Cha mẹ cô đạo hạnh, ngay thật và chịu khó làm ăn, và Maria luôn theo gương và vâng lời các ngài một cách hân hoan.

Ngay từ nhỏ, Maria đã có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khi bàn tay nhỏ bé của cô không bận việc nhà, cô đều lần chuỗi Mân Côi, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội cầu nguyện. Khi lên 10, cô mất cha là Ông Louis Goretti, qua đời vì một chứng nan y. Cô nhớ cha vô cùng, không bao giờ bước qua nghĩa địa mà không dừng lại, qùy gối cầu nguyện cho cha. Không những thế, Maria còn cố gắng hơn nữa trong việc giúp đỡ mẹ, cô sẵn sàng làm những việc nặng nhọc và khó chịu nhất trong nhà như chà nồi niêu, chùi sàn nhà và thực tế đủ mọi việc. Cô trở thành như người mẹ thứ hai của các em, lo lắng chăm sóc chúng, dạy chúng cầu nguyện, khuyên bảo chúng biết vâng lời và sống ngay thẳng. Cô có tinh thần giúp đỡ người khác và đầy lòng khiêm nhu: cho dù bị chỉ trích nặng lời, cô vẫn tiếp nhận một cách vui vẻ, mặt không dài ra như các cô gái khác.

Nhờ đâu cô được như vậy? Nhờ cô biết lấy Chúa làm tâm điểm đời cô, việc gì Chúa vui là cô làm. Dù phải đi bộ hai tiếng đồng hồ mới tới nơi tham dự Thánh Lễ, cô cũng không từ nan: cô luôn là người đến trước nhất và ra về cuối cùng. Cô năng xưng tội và luôn cố gắng đem các quyết tâm ra thực hiện cho bằng được.

Cô đặc biệt qúi trọng đức trong sạch: gìn giữ ý tứ trong ăn mặc, nói năng, đi đứng, tránh những chuyện sàm sỡ. Một lần thấy một cô gái khác ăn nói tục tĩu, cô thưa với mẹ: con thà chết chứ không ăn nói như nhỏ đó đâu! Vì cô biết rằng ngay cả một linh hồn mạnh mẽ nhất cũng sẽ sa ngã nếu không tránh dịp tội.

Gia đình cô sống chung với một gia đình khác gồm người cha là Ông Serenelli và đứa con trai là Alexander lúc đó đã 20 tuổi.

Alexander đầy những tư tưởng và thèm muốn xấu xa, phần lớn vì đã xem các báo chí và tập san đồi trụy do cha cậu mua và để bừa bãi trong nhà, và làm bạn với các thanh thiếu niên khác cũng có tư tưởng hắc ám như cậu. Cho nên không lạ gì cậu đã để mắt tới cô gái trong trắng và vô tội Maria Goretti.

Sau nhiều lần dụ dỗ không được, cậu đã cả gan ôm chầm lấy Maria, nhưng cô đã dùng hết sức lực thoát chạy được. Tuy vậy, Alexander không buông tha con mồi. Ngày hôm sau, hai gia đình Goretti và Serenelli cùng bận đạp đậu ở sân làng, Maria có nhiệm vụ phải ở nhà coi nhà. Alexander cỡi bò còn các em của Maria thì cỡi toa xe phía sau đi vòng vòng quanh sân đạp đậu, Bà Goretti giữ nhiệm vụ xẩy vỏ đậu.

Vào khoảng 3 giờ chiều, Alexander xin kiếu bỏ đi, nhờ Bà Goretti cỡi bò hộ. Đoạn cậu chạy về nhà. Lúc ấy, Ông bố Alexander là Ông John Serenelli đang nằm nghỉ phía ngoài vì bị lên cơn sốt, Maria thì đang ngồi khâu vá ngoài cầu thang, từ đó, cô có thể thấy rõ sân đạp đậu. Hùng hổ không nói không rằng, Alexander qua mặt Maria, vào nhà lục lọi một hồi, lấy được khúc sắt nhọn dài khoảng hai gang tay, đoạn lên tiếng: Maria, đến đây chút coi! Maria biết rõ dã tâm của Alexander, nên không trả lời, vẫn ngồi yên khâu vá. Tức giận, Alexander sấn tới, ôm lấy Maria, cô vùng vẫy tìm cách thoát thân giữa lúc Alexander kéo cô vào phòng, khóa chặt cửa lại. Cô cố la to, nhưng bị Alexander nhét khăn tay vào miệng.

Tuy vậy, cô vẫn tìm cách thoát ra và không ngừng nói với Alexander: Không được, không được, Chúa không muốn vậy đâu; làm thế là tội trọng phải sa hỏa ngục đấy! Biết giằng co mãi không xong, Alexander bèn dùng thỏi sắt nhọn đâm túi bụi vào người Maria. Cô gục ngã giữa vũng máu. Tưởng cô chết, Alexander bỏ vào phòng. Dần dần tỉnh lại, và dù đau đớn cùng cực, Maria cũng cố hết sức bò ra phía cửa để la cầu cứu. Nghe thấy tiếng la, Alexander lại xông tới và liên tiếp đâm thẳng vào cổ cô 6 lần nữa. Maria chới với kêu lên: Chúa ơi, Chúa ơi, con chết mất má ơi! Mọi người chạy tới, chỉ còn để nghe Maria thoi thóp: Alexander giết con, vì anh ấy muốn con phạm tội với anh ấy nhưng con không chịu.

Băng bó cho cô qua loa, người ta vội đưa cô vào bệnh xá. Đường thì xa, gập ghềnh mà xe lại quá tệ, nên cái đau hấp hối của Maria càng dữ dằn hơn. Mãi chiều tối, mới tới nơi. Nhưng Maria không oán hận Alenxander. Được hỏi: con có tha thứ cho người đã giết con không? Cô trả lời ngay: có, con tha thứ cho anh ấy vì con tin rằng Chúa cũng đã tha thứ cho anh ta. Mấy giờ sau, cô trút linh hồn sau khi đã được rước Chúa.

Năm ấy là năm 1902, khi cô mới được 11 tuổi rưỡi. Bốn mươi tám năm sau, tức năm 1950, cô được phong hiển thánh trước sự chứng kiến của mẹ và Alexander, lúc ấy đã ăn năn hối cải và sống cuộc sống xứng đáng của một người con Chúa.

(Daughters of St Paul, Fifty-Seven Saints for Boys and Girls, Boston, 1975)

Bùn Thành Phố

Không ai không công nhận thành phố ta đang vấy đầy bùn. Bùn là đất nhão do hoà lẫn trong nước, và vì ở đáy ao nên chứa rất nhiều chất dơ do việc rửa ráy, tắm giặt và đôi khi cả phóng uế nữa, tạo nên. Cho nên bùn thường đi đôi với nhơ bẩn, hôi tanh.

Người ta ví các tệ nạn xã hội như bùn nhơ là vì vậy, như các khẩu hiệu: Quét sạch các thứ bùn nhơ của xã hội. Trái lại, những người sống bên cạnh những tệ nạn ấy mà vẫn giữ được lòng trong sạch được văn hóa Việt Nam ca tụng là: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Cái thứ bùn ta thấy hiện đang vấy đầy các thành phố, nhất là các thành phố Tây Phương, chính là phim ảnh và sách báo khiêu dâm. Ở đây, ta thấy văn hóa Đông Tây lại một lần gặp gỡ. Thực thế, người Úc gọi cái thứ ô uế ấy bằng hạn từ sleaze hay sleazy. Từ điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ Học dịch hạn từ này là bẩn thỉu và không đứng đắn, nhớp nhúa. Chữ nhớp nhúa là hay hơn cả trong bối cảnh bài này vì nó gợi lên cùng một hình ảnh khi nói đến bùn. Chính Từ điển Webster Comprehensible Dictionary, Encyclopedic Edition, đã định nghĩa hạn từ này là lacking firmness of texture or substance (thiếu tính cứng cáp của kết cấu hay bản chất), cũng âm hưởng như bùn vậy.

Nói cách khác, cũng như bùn, cái thứ văn hóa khiêu dâm không có cái cứng cáp của bản thể sự vật. Nói gọn hơn, nó thiếu sự thật, nó không tôn trọng sự thật. Hay nói theo ngôn ngử Coca Cola: It’s not real! Và do đó, không cool. Chính Peter Olszewski, chủ bút tờ People của Úc đã thành thật thú nhận: We may stretch the truth (chúng tôi có thể đã kéo mỏng sự thật). Và David Naylor, người được Kerry Packer cử làm tổng biên tập cho cả ba tạp chí cùng có tên bắt đâu chữ P là People, Picture và Pix, còn đi xa hơn thế. Đối với anh ta, càng đi quá bên kia sự thật càng tốt: I made a decision to go English Tabloid – to go overboard, use all alliteration,the crazy angles on stories. And it worked – the more over-the-top it became, the more we sold”. Và anh ta chẳng ngần ngại cho đăng hình người đàn bà ba vú và người đàn ông với cái mông quay ra phía trước với tựa đề: Ê, bác sĩ khâu mông tớ từ sau ra trước! Sau này, anh ta phải thú nhận hai chuyện ấy hoàn toàn bịa đặt.

Việc khai thác thân thể đàn bà để làm tiền đôi khi làm chính các viên chủ bút này cảm thấy xấu hổ. Như lời thú nhận của Naylor: It is a shame that, to be able to sell the magazine like this, we have to expose the female figures like we do. But the other side of me says it’s natural and okay. I acknowledge there’s a degree of conflict inside me. When I was younger there was no conflict.

Còn Jean Norman, nữ phóng viên duy nhất của tờ People, cho hay cô cảm thấy mệt cứ phải xem những thân hình đàn bà trên báo: Nếu một ngoại nhân từ ngoài không gian đổ bộ lên đây mà thấy những hình ảnh và quảng cáo này, chắc họ sẽ nghĩ hẳn cái tôn giáo của giống người này phải tôn thờ các cô gái trẻ (Xem Richard Glover, Full-Frontal Farce, Good Weekend, Dec. 23, 1989, pp. 20-24). Nhưng điều ấy không ngăn cản họ tiếp tục hành nghề.

Nói đến tôn thờ, lại nhớ đến một bài báo khác đăng trên Reader’s Digest đã từ lâu. Tác giả là Bác Sĩ Goodrich C. Schauffler. Tựa đề bài báo là Bosom Worchip (Thờ Ngực) được lựa đăng lại trong tuyển tập Our Human Body, Its Wonders & Its Care cũng do Nhà Reader’s Digest ấn hành năm 1969. Bác sĩ Schauffler cho hay điều làm các thầy thuốc ưu tư là bộ ngực đàn bà đã trở thành biểu tượng quá thổi phồng của tính dục khiến cho mục đích tuyệt vời về sinh học của nó mất dần đi một cách thảm hại, dù các phúc trình y khoa đều xác tín rằng những trẻ khỏe mạnh nhất chính là những trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ. Ông buồn bã nhận xét:

Vốn là biểu tượng của tình mẹ, bộ ngực nay được phần đông các thiếu nữ coi như thước đo đầu hết tiềm năng tính dục của họ. Từ việc phải lôi cuốn một người bạn trai ở trung học để tung tăng đi chơi hoặc ngay cả một tấm chồng sau này, sự âu lo về bộ ngực đã bén rễ sâu trong tâm tư các thiếu nữ tuổi trăng tròn. Ngày xưa còn những điều như giữ gìn ý tứ (modesty), nhưng ngày nay, những điều như thế không còn phổ thông nữa. Lên năm lên sáu, những cô gái xinh xinh, tương lai trở thành vũ công ballet, đã bắt đầu lo lắng đến những vấn đề này rồi...

Điều ấy đem lại nhiệu hậu qua tai hại. Ông cho hay ông đã chứng kiến nhiều bé gái mới 10 tuổi, vì quá ám ảnh đến việc muốn có bộ ngực lớn, đã bắt đầu đeo vú giả. Nhiều em khác gặp trường hợp vú tăng trưởng bất thường đã lo âu quá đến độ tính bề tự sát. Đã đành, đây chỉ là những trường hợp hiếm có, nhưng cũng đủ để nói lên rằng người ta đã quá chú trọng đến vấn đề này ở một độ tuổi quá sớm. Người ta dùng đủ mọi phương tiện nào báo chí, phim ảnh, nào truyền thanh, truyền hình để quảng bá những phương tiện làm tăng kích thước bộ ngực. Khiến cả những người đàn bà trời đã cho một bộ ngực đủ kích thước, cũng vẫn tìm hết cách để gia tăng kích thước ấy lên bằng đủ thứ giả tạo. Và lãnh đủ tai ương như gần đây báo chí Úc đã đề cập nhân khi đưa tin về những vụ kiện đòi các hãng chế tạo vú giả bồi thường.

Bác sĩ Schauffler, sau khi đưa ra những cái lợi về phương diện sinh học của việc cho con bú sữa mẹ, đã kết luận như sau: Những đường cong, sự ấm áp và cái đẹp của thân xác phụ nữ là quà tặng của Thiên Chúa, và chúng càng đẹp khi được hiểu và được sử dụng trong vai trò đã được đặt định cho chúng đó là tình mẫu tử.

Tiếc thay, văn hóa bùn nhơ, văn hóa nhớp nhúa hay văn hóa phi sự thực lại không nhìn ra điều ấy. Hoặc có nhìn ra, nhưng vì túi tham không đáy đã khiến họ quay mặt làm ngơ. Điều này chưa hẳn là điều đáng buồn. Điều đáng buồn còn là vì những người có trách nhiệm trong xã hội đã về hùa với họ.

Fenella Souter, trong bài Censors and Sensibilities, đăng trên tờ The Bulletin số ngày 6 tháng 4 năm 1993, đã lên tiếng tố cáo những khuôn mặt trách nhiệm này. Cô nhận xét rằng: Ngày nay, kiểm duyệt viên có khuynh hướng cắt xén và xếp loại hơn là cấm đoán. Mặt khác, hình như văn hóa phản kháng không còn nữa. Ký giả Richard Neville của tờ Sydney Morning Herald, khi lên tiếng chỉ trích cuốn phim The Cook, The Thief, His Wife and Her Lover của Peter Greenaway cho hay khán giả đã nên như “tê cóng về phương diện tâm lý” còn những người bất đồng ý kiến, thì đang ngủ thiếp.

Ông viết thêm: “Thực ra tôi đâu có đòi cấm cuốn phim đó. Tôi chỉ muốn chia sẻ cảm nghĩ của mình. Phần lớn các rây lọc nền văn hóa của ta phần nào chấp nhấp nguyên tắc tổng quát cho rằng mọi sự đều OK miễn là được làm đàng hoàng. Bao lâu cái hướng của cuốn phim là lôi cuốn và trang phục lộng lẫy...thì cần gì đến truyện phim, cứ nghe âm nhạc đi!” Bạn cứ việc đi coi phim đó hoặc những phim giống như nó, nếu bạn muốn, nhưng đừng nên giới hạn cuộc tranh luận chỉ vì sợ bị coi là “không hợp thời trang”. Neville biện luận tiếp “vấn đề là nền văn hóa phản kháng không còn nữa. Chúng ta đã lớn lên bận rộn lo đòi hỏi tự do phát biểu quen rồi, nên bây giờ như thể ‘Ê, đừng vội lên án ạ, tôi đâu có khoái cái phim đó, nhưng tôi không muốn nói gì cả vì người ta có thể nghĩ tôi là một thứ Bà Grundy hay Ông Fred Nile’”.

Thành thử, sống trong cái cảnh bùn nhơ này, thái độ đúng đắn không phải là không nhìn, không nghe, không thấy cho bằng một văn hóa phản kháng. Nền văn hóa ấy hiện đang được nhiều người ủng hộ. Tại Mỹ, tác giả Michael Medved, trong cuốn Hollywood vs America, lên tiếng cho rằng Hollywood đã trở thành lạc điệu với quần chúng Mỹ - quá nhiều suy đồi và quá ít đoan trang. “Mối tình thơ mộng của nước Mỹ với Hollywood đã chấm dứt rồi... Cái nhà máy sản xuất các giấc mơ nay đã thành nhà máy sản xuất thuốc độc”.

Nếu không thay đổi, Medved cho hay, các nhà sản xuất phim của Hollywood có thể trở thành những người thua cuộc về tài chánh. Gần đây, chính Mark Canton, đứng đầu Columbia Pictures, đã phải nhìn nhận rằng các phim lôi cuốn các bậc phụ huynh và con em họ có cơ may đem lại lợi nhận sổi 100 triệu dollars 3 lần lớn hơn các phim thuộc loại R.

Mặt khác cũng tại Mỹ, phong trào khuyến khích thanh thiếu niên giữ thân xác trong trắng trước khi kết hôn đang thu hút hàng chục ngàn thành viên, đến nỗi, lần đầu tiên, Thành Phố New York dành cả một ngân khoản 7 triệu dollars ủng hộ phong trào. Tiểu bang Michigan cũng đang phát động chương trình gọi là Sex Can Wait và tại Maryland, nhiều bảng quảng cáo đã được dựng dọc đường với hàng chữ lớn Virgin: teach your kids it’s not a dirty word! (Catholic Weekly, 17/08/1997).

Tại Úc, dư luận quần chúng hiện ny tin rằng các nguyên tắc hướng dẫn việc kiểm duyệt có nhiều thiếu sót, không đầy đủ. Nữ Bác Sĩ Marlene Goldsmith, một dân biểu của Đảng Tự Do New South Wales đã trình lên quốc hội một dự luật đòi phải hạn chế hơn nữa việc bày biện “những hình ảnh rõ ràng có tính cách tính dục, khuyến khích bạo động hay khiêu dâm hạ cấp trong các tiệm bán lẻ hoặc các nơi công cộng trẻ em có thể lui tới”. Marlene không cô độc, các nhóm áp lực đòi có những vùng “không có văn hóa khiêu dâm” đang mọc lên ở nhiều nơi trên đất Úc” (Fenella Souter, bài đã dẫn)

Kỳ tới: Nơi Phố Không Tên