Bạn trầm trồ ngưỡng phục với những tòa nhà cao tầng chọc thủng từng mây !
Bạn thán phục ngỡ ngàng với những công trình vĩ đại: trường thành, lăng tẩm, đền đài, hí trường…của những kỳ quan do con người kiến tạo !
Bạn chắc đã thưởng thức bộ phim khoa học giả tưởng ‘Chiến tranh giữa các vì sao’ (Star War)- Các phi hành gia trên những con tàu không gian siêu tốc để ngăn chặn người trên các hành tinh xâm chiếm địa cầu, không biết họ có nhìn thấy hàng triệu ngọn tháp Thánh Giá vươn cao trên vòm trời biểu tượng hòa bình tuyệt mỹ, ngăn chặn chiến tranh tàn khốc?
Ôi những Thánh đường lung linh soi bóng trên dòng nước trong xanh thơ mộng !
Ôi những Thánh đường thanh thoát vươn cao trên núi đồi hay trầm lắng trong khu rừng hoang vắng !
Những Vương cung Thánh đường uy nghiêm hùng vĩ nổi bật giữa đô thị sa hoa lộng lẫy.
Những Nguyện đường nhỏ bé khiêm cung nhìn xuống thân thương ôm ấp che chở những mái tranh nghèo nàn xiêu vẹo.
Tiếng chuông vang vọng mời gọi thức giấc đón một ngày mới hồng ân khi ánh bình minh còn e ấp nơi chân trời.
Tiếng chuông thúc giục qui tụ nguyện cầu ơn phúc khi hoàng hồn lịm tắt sau dẫy núi đồi.
Tôi nhớ văn hào Aleksandr Solzenicyn đã ca tụng vẻ đẹp linh thiêng của những ngôi Thánh đường qua những vần thơ huyền diệu mượt mà sau :
‘Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao hay ẩn mình trong những dòng sông sâu. Những ngôi Thánh đường như những nàng công chúa vận xiêm y rữc rỡ.
Nhìn xuống những mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố thị đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.
Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen, nhưng chiều về những tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người dừng lại ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ.
Cha ông chúng ta đã để lại phần cao quí nhất của các ngài. Mãi mãi tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc hàng ngày trên những viên đá này, trong những tháp chuông này.’
Đúng như những lời cảm tác trên của Solzenicyn !
Thánh đường tượng trưng sức sống thiêng liêng.
Nơi giao hòa giữa Thượng Đế và con người.
Nơi con người gặp nhau, kết nối tin yêu, chia sẻ vui buồn.
Đừng biến Thánh đường thành nơi trần tục trao đổi bán buôn,vui chơi giải trí, như Chúa đã cảnh cáo trong Phúc âm.
Đừng biến Thánh đường thành viện bảo tàng mang chiêu bài trưng bày nghệ thuật, bảo tồn văn hóa như bọn Cộng sản vô thần.
Đừng biến Thánh dường thành Hợp tác xã chăn nuôi nhơ nhớp như tôi đã được chứng kiến lúc đi tù tại Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản.
Ôi những Thánh đường linh thiêng cao quí mà bọn cộng sản vô thần đang cố triệt hạ !
Trong cuộc đời, tôi đã được diễm phúc kính viếng những Thánh đường nguy nga lộng lẫy hay những Nhà thờ nhỏ bé khiêm tốn. Tất cả đều dâng lên trong lòng niềm an ủi ấp ủ tin yêu, nhưng có lẽ ngôi Thánh đường quê nghèo xưa lưu lại nơi tôi nhiều kỷ niệm đẹp tuổi thơ không thể phai mờ.
Thánh Đường Xóm Đạo Quê Nghèo
( Lễ kính Thánh Cả Giuse 19/3 hàng năm )
Thánh đường im bóng lững lơ mây buồn,
Chiều về vang vọng hồi chuông,
Con đường xóm nhỏ thân thương tiếng người.
Chuông ngân thúc dục gọi mời,
Bước chân vội vã về nơi Nguyện đường :
Giu-se Thánh Cả nêu gương,
Con chiên Họ Đạo mến thương dâng đầy,
Sớm chiều qui tụ nơi đây,
Dâng lời khấn nguyện ngày ngày tin yêu.
Ngoài kia đã tắt nắng chiều,
Bàn thờ toả sáng,bóng xiêu Tượng Vàng,
Rộn lên tiếng hát ca vang :
‘ Giu-se xóm nhỏ nghèo nàn thủa xưa…’ (*)
Kính yêu biết mấy cho vừa !
Tuổi thơ dịu ngọt luôn mơ màu hồng.
Say sưa nhìn Chúa Hài Đồng,
Trên tay Thánh Cả ẵm bồng nâng niu,
Tay kia Huệ Trắng mến yêu,
Ôi! Sao đẹp quá làm siêu ngất hồn!
Cuộc đời bóng xế hoàng hôn,
Nổi trôi kiếp sống bồn chồn vấn vương,
Dâng dâng gợi nhớ giáo đường,
Mến thương họ đạo thân thương thuở nào.
Thánh đường in dấu trong tôi,
Mang bao kỷ niệm của thời ấu thơ,
Vấn vương đến tận bây giờ,
Quê nghèo họ đạo trong mơ ngày nào.
Nơi đây cuộc sống xôn xao,
Vắng hồi chuông vọng biết bao gọi mời,
Thánh đường chốn ấy quê tôi,
Nhớ thương xóm đạo khuất nơi quê nghèo!
(*) Mượn ý lời bài Thánh ca ‘Giuse xóm đạo điêu tàn’ của cố Lm Đạo Minh Dòng thánh Giuse.
Đinh văn Tiến Hùng