TRẺ EM TỰ BẾ

PHỤ TRƯƠNG : NHỮNG BÀI HỌC CỤ THỂ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TEACCH

Nhằm giúp người giáo viên sáng tạo nhiều bài học thích ứng với nhu cầu và điều kiện hiện hữu của mỗi trẻ em, chương này trình bày và giới thiệu những đề mục và bài học, đã được TEACCH nghiên cứu và sắp xếp, theo từng giai đoạn tăng trưởng và phát triển của trẻ em.

Điều quan trọng không phải là sao chép một cách máy móc, tự động tất cả những bài học. Trong lối nhìn của tôi, TEACCH là « người bạn » có mặt với chúng ta, để giúp chúng ta sáng tạo, hay là « kho nấu » những bữa ăn thích hợp với tì vị của các học sinh.

Ngoài ra, tôi cố tình trình bày những bài học với nhiều chi tiết, trên phương diện sư phạm. Tôi tin chắc rằng cách làm này cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho những giáo viên đặc trách về những học sinh không thuộc diện tự bế. Một cách đặc biệt, người cha mẹ còn trẻ và các giáo viên mới vào nghề, sẽ có nhiều ý kiến, để làm việc hoặc vui đùa với con cái và học sinh.

Những đề mục được đề cập trong chương trình TEACCH :
    1.- Bắt chước (Imitaion),

    2.- Nhận thức (Perception),

    3.- Vận động thô (Gross Motor),

    4.- Vận động tinh (Fine Motor),

    5.- Phối hợp mắt và tay (Eye-hand Intergration),

    6.- Kỹ năng hiểu biết (Cognitive Performance),

    7.- Kỹ năng ngôn ngữ (Verbal performance),

    8.- Kỹ năng tự lập (Self-Help),

    9.- Kỹ năng xã hội hóa (Social performance).
1- BẮT CHƯỚC

1.1 Dùng chiếc muỗng nhỏ gõ trên bàn theo nhịp.

1.2 Lặp lại một số âm thanh một vần.

1.3 Kết hợp một âm thanh với một động tác hoặc cử điệu. “Bum bum” : nhảy, “phù phù”: thổi ra.

1.4 Vừa quan sát cử chỉ của người lớn, vừa phát âm. “Xì xì” khi đưa ngón tay lên miệng. “Oa oa” khi vỗ tay lên miệng. Đưa tay lên miệng và gửi đi một nụ hôn. Đưa ngón tay lên má và làm một tiếng nổ.

1.5 Yêu cầu trẻ em dùng tay hay ngón tay để trả lời, khi chúng ta hỏi : Mũi của em đâu? Tóc đâu? Miệng? Mắt? Lỗ tai?

1.6 Vỗ tay (vừa nhìn người lớn vừa làm theo).

1.7 Đưa tay lên. Đưa tay xuống. Đưa tay ra ngoài.

1.8 Sử dụng 3 đồ vật, giống như người lớn, để tạo nên một âm thanh : Rung chuông, thổi còi, quay chiếc “lúc lắc”.

1.9 Làm theo người lớn : Ngậm miệng, mở miệng, đưa miệng ra trước, mĩm cười, dùng lưỡi liếm môi trên, liếm môi dưới.

1.10 Lấy bút màu vẽ tự do lên trang giấy lớn, không vượt ra ngoài.

1.11 Bắt chước chải tóc với chiếc lược, lấy găng tay lau mặt, dùng bàn chải răng.

1.12 Biết cách dùng của năm vật thông thường như : trái banh nho nhỏ, chiếc xe ô tô, tách trà, bàn chải răng, chiếc gương soi.

1.13 Bắt chước tiếng động của ba đồ dùng quen thuộc như : đồng hồ reo, chuông, xe ô tô, xe lửa…

1.14 Gạch đường ngang trên giấy, từ trái qua mặt.

1.15 Bắt chước vỗ tay.

1.16 Bắt chước dùng đất sét công nghiệp, để chơi 2 cách khác nhau, như vo tròn lại hay là trải ra.

1.17 Bắt chước đụng đến 2 phần thân thể cùng một lúc như : một tay đụng đầu, tay kia đụng ngực - mũi và lỗ tai - tóc và miệng - tai và bụng - đầu và mũi.

1.18 Bắt chước mở và ngậm miệng, đưa miệng qua mặt và qua trái, mà vẫn giữ yên, không động đậy đầu và trán.

1.19 Bắt chước : dội banh trên nền nhà, dùng chiếc muỗng nhỏ gõ vào ly hoặc tách trà, lăn chiếc banh về một hướng, trải dài và rộng đất sét ra trên măt bàn, lấy muỗng khuấy tròn trong chiếc ly, vo tròn đất sét thành nhiều viên bi, ném chiếc banh lên cao.

1.20 Bắt chước đặt con búp bê vào giường, hay vào nôi và lấy giấy làm mền đắp trên mình, lấy khăn lau mũi cho búp bê, lấy muỗng đút cơm cho búp bê, lấy ly cho búp bê uống.

1.21 Bắt chước những tiếng kêu của loài vật quen thuộc như chó : vâu vâu, mèo : meo meo, bò mẹ : bọ bờ, bò con : be be, ruồi : vù vù.

1.22 Bắt chước (vừa hát vừa làm) những cử điệu : đặt tay lên đầu, lên đầu gối, đằng sau lưng.

1.23 Nắn đất sét thành hình và gọi tên: một cái đĩa, một vòng đeo tay, một cây cà rem.

1.24 Bắt chước ba cử động của 3 con vật : chim bay : tay đưa lên đưa xuống, mèo nằm ngủ : hai tay chắp lại đưa lên má, chó đào đất.

1.25 Bắt chước tập thể dục. Dùng một hai động tác đơn sơ.

1.26 Thực thi 2 động tác tiếp theo nhau : đóng cửa lại rồi ngồi xuống ghế, đi quanh bàn một vòng rồi đi ra cửa, đóng cửa lại rồi vào ngồi bàn.

1.27 Thay đổi mạnh-yếu, nhanh-chậm khi gõ trống, lau bàn…

2- NHẬN THỨC

2.28 Cất giấu một vật dụng hay là đồ chơi quí của trẻ em dưới một tấm khăn hay màn, khuyến khích trẻ em tìm lại bằng cách rút cất tấm màn.

2.29 Trước mặt trẻ em, sắp đặt ba cái chén hoặc đĩa lật ngữa, cách nhau chừng 15 cm. Yêu cầu trẻ em nhìn theo chiếc kẹo hay trò chơi. Chúng ta xê dịch chiếc kẹo từ trái qua phải một hai lần và xem chừng trẻ em có nhìn theo hay không. Cuối cùng, để chiếc kẹo vào trong một cái chén và hỏi: Chiếc kẹo ở đâu? Quan sát trẻ em có biết trả lời hay không, bằng cách nào. Một cách đặc biệt, cố tình làm vui nhộn, để trẻ em đưa mắt nhìn theo.

2.30 Làm rơi một vật dụng từ mặt bàn xuống sàn nhà, và yêu cầu trẻ em đi tìm và mang đến cho cô : “Ngòi bút của cô đâu rồi? Em đi tìm cho cô đi”.

2.31 Xê dịch một chiếc kẹo hay đồ chơi, từ chỗ này qua chỗ khác, trước mắt trẻ em. Đoạn úp một cái chén lên trên. Sau đó úp thêm hai cái chén khác ở 2 chỗ khác, hai bên cạnh. Hỏi trẻ em : “Cô giấu kẹo ở đâu ?”. Và khuyến khích trẻ em tìm, nếu trẻ làm sai mấy lần đầu.

2.32 Kết hợp một sinh hoạt mà trẻ em yêu thích, như tắm gội, với một âm thanh như tiếng chuông. Sau khi trẻ em đã quen với cách làm này, chúng ta chỉ khởi động tiếng chuông và quan sát phản ứng của trẻ em : trẻ em có nghĩ đến sinh hoạt tắm gội hay không?

2.33 Kết hợp 2 động tác với 2 âm thanh khác nhau. Ví dụ : 1- đưa tay chọc nhột trẻ em và phát âm “cờ líc, cờ líc…”, 2- cầm hai tay trẻ em và cùng giúp trẻ em vỗ 2 tay vào nhau, đồng thời phát ra âm thanh “bốp bốp…”. Sau nhiều lần, khi trẻ em đã quen thuộc, chúng ta chỉ phát âm và quan sát trẻ em hành động như thế nào.

2.34 Đưa ra cho trẻ em thấy chiếc dép thứ nhất và tập trẻ em đi tìm chiếc thứ hai. Cũng như vậy, bảo trẻ em đi tìm cái ly thứ hai. Và lần thứ ba là chiếc xe ô tô. Mấy lần đầu, vật thứ hai có sẵn trước mặt của trẻ em. Dần dần, chúng ta cất giấu các vật thứ hai cùng cặp ở nhiều chỗ khác nhau, ngoài tầm mắt của trẻ em. Khi trẻ em đã có nhiều tiến bộ, chúng ta chỉ dùng ngôn ngữ : “Chiếc dép kia ở đâu? Đi tìm cho cô”.

2.35 Lần đầu, chúng ta dùng 3 cái ly có 3 màu sắc và hình thể hoàn toàn khác nhau, lật sấp lại trước mặt trẻ em. Chúng ta lấy ra một chiếc kẹo và cất giấu dưới một chiếc ly, dưới mắt của trẻ em. Đoạn chúng ta hỏi trẻ em: “Kẹo ở đâu?”.

Lần thứ hai, sau khi trẻ em đã thành công trong lần thứ nhất, chúng ta dùng 3 chiếc tách hoàn toàn giống nhau.

Lần thứ ba, chỉ dùng 2 chiếc tách. Sau khi cất giấu kẹo, chúng ta thay đổi chỗ hai chiếc ly với nhau, trước mắt của trẻ em. Sau đó hỏi : “Kẹo ở đâu?”.

2.36 Trên mỗi tấm giấy cứng hình vuông, có tô sẵn 4 hình vuông nhỏ giống nhau, theo 4 cách khác nhau:
    1) 4 hình vuông nhỏ ở 4 góc của hình vuông,

    2) 4 hình vuông ở giữa mỗi cạnh và làm thành một hình thoi,

    3) 4 hình vuông nhỏ sắp thành một chữ L hoa,

    4) 4 hình vuông nhỏ sắp thành một chữ T hoa.
Hãy để một tấm hình có tô sẵn trước mặt trẻ em.

Trao cho trẻ em một hình khối nhỏ, và bảo trẻ em đặt để hình khối trên hình vuông đã được vẽ sẵn. Chúng ta đưa tay chỉ rõ cho trẻ em biết chỗ. Đến ô thứ tư còn lại, chúng ta chờ xem trẻ em có biết làm tiếp hay không.

2.37 Mỗi tấm hình có 2 bản giống nhau. Tấm thứ nhất : Một gạch ngang lớn và đậm nét. Tấm thứ hai : chữ X hoa lớn và đậm nét. Tấm thứ ba : một hình tròn đậm nét. Xếp thành đường ngang ba tấm hình khác nhau, trước mặt trẻ em. Trao cho trẻ em một trong 3 tấm hình còn lại và bảo : Tấm hình này giống tấm nào, thì em để lên trên tấm ấy.

2.38 Đặt để trước mặt trẻ em hai dụng cụ phát ra âm thanh như : 1 cái chuông và một chiếc còi.
  • Giai đoạn một : cho phép trẻ em khám phá mỗi dụng cụ tùy ý.
  • Giai đoạn hai : đằng sau một tấm màn che, bạn rung một tiếng chuông và hỏi trẻ em : tiếng gì vậy ? Yêu cầu trẻ làm lại với dụng cụ có sẵn trước mặt, cho đến khi trẻ em hiểu và làm đúng.
  • Giai đoạn ba : dần dần thêm vào 2 hoặc 3 dụng cụ khác.
  • Giai đoạn bốn: Trong giai đoạn ba, chọn những âm thanh hoàn toàn khác nhau. Trong giai đoạn bốn, chọn những âm thanh gần giống nhau, để tập trẻ em biết phân biệt.
2.39 Khoét 3 hình khác nhau trên một nắp hộp lớn: hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn.
  • Giai đoạn một : cho phép trẻ em thử tự do.
  • Giai đoạn hai : trao cho trẻ em chỉ một hình và quan sát cách làm của trẻ em.
  • Giai đoạn ba : đưa cho trẻ em thấy một hình, nhưng vẫn giữ hình ấy trong tay, không đưa cho trẻ em. Chúng ta chỉ yêu cầu trẻ em tìm bằng mắt. Trẻ em thành tựu chỉ khi nào tìm bằng mắt, trước khi bỏ vào đúng chỗ, không dò dẫm, thử làm từ chỗ này qua chỗ khác.
2.40 Sắp xếp 5 hình khối lại với nhau, giống như những bản mẫu đề nghị. Khi bạn trình bày bản mẫu, yêu cầu trẻ em chú ý nhìn xem. Sau đó khuyến khích trẻ em làm, với 5 hình khối của mình : “Bây giờ đến phiên em làm”.
  • Hình thư nhất : 3 khối bên trái chồng trên nhau và 2 bên mặt chồng trên nhau và đứng sát 3 khối bên trái.
  • Hình thứ hai : 2 bên trái, 2 ở giữa và 1 bên mặt, sát kề nhau.
  • Hình thứ ba : 4 hình khối hợp lại thành một hình vuông ở dưới, 1 hình khối ở trên, đúng chính giữa.
2.41 Lấy những tấm giấy bìa cứng và chắc, cắt ra nhiều loại hình tròn, tam giác và vuông, cùng cỡ và cùng một màu như nhau. Mỗi loại độ 3-5 tấm.
  • giai đoạn một, yêu cầu trẻ em xếp vào ba hộp ba loại hình khác nhau, tròn theo tròn, vuông theo vuông…
  • giai đoạn hai, gọi tên các hình cho đúng.
  • giai đoạn ba, bảo trẻ em : “ Đưa cho cô một hình vuông”…
Tập lui tập tới cho đến khi trẻ em hiểu và làm được.

2.42 Trong bài học này, mỗi hình có nhiều cỡ khác nhau; lớn, nhỏ, vừa.
  • Một : Chỉ dùng một loại hình mà thôi, sắp theo 3 cỡ khác nhau.
  • Hai : Kết hợp 2 tiêu chuẩn hình và cỡ lại với nhau.
Có thể dùng cách làm lắp ráp hình con lồi vào các hình mẹ lõm.

2.43 Lắp ráp số 1 : Lắp ráp 3 hình con vào 3 hình mẹ. Trẻ em nào biết nhìn, quan sát trước khi làm, sẽ thành công dễ dàng.

2.44 Lắp ráp số 2 : Lắp ráp các loại hình tròn, tam giác, chữ nhật, sáu cạnh…

2.45 Phân chia 8 dụng cụ khác nhau thành 2 loại, bằng cách bỏ vào 2 đĩa khác nhau.

Phân biệt màu sắc Số 1: Giáo viên bỏ vào đĩa bên trái, một vật dụng màu đỏ và nói : ĐỎ. Sau đó bỏ vào đĩa bên mặt một vật dụng màu khác, và gọi màu ấy.

Ví dụ : XANH. Sau đó từ từ trao cho trẻ em những vật dụng khác. Khi trẻ em làm không đúng, thinh lặng lấy ra lại, để trước mặt trẻ em và nói: Bên trái, màu đỏ. Bên mặt, màu xanh.

2.46 Phân biệt màu sắc số 2. Trong 8 hình vuông cùng một cỡ giống nhau, 4 màu trắng, 4 màu đen. Đĩa bên trái dành cho màu đen. Đĩa bên mặt dành cho màu trắng. Nếu trẻ em thành tựu cách dễ dàng, thêm vào 4 hình vuông có màu khác. Lần này chỉ để 3 chiếc đĩa trước mặt trẻ em, và bảo : hãy xếp theo màu : đỏ với đỏ… Khi trẻ em làm sai, không đưa ra nhận xét Đúng hoặc Sai. Chỉ thinh lặng rút ra hình đặt sai chỗ và để trước mặt trẻ em : “Hình này màu Xanh, ở với các hình màu Xanh. Em hãy nhìn cho rõ”. Với những em thành tựu quá dễ dàng, thử thêm vào một hình với màu khác, Vàng chẳng hạn. Không thêm chiếc đĩa khác. Hãy quan sát cách làm của trẻ em với hình màu vàng trẻ em bỏ vào đâu?

2.47 Bắt chước phân biệt âm thanh. Gõ xuống mặt bàn hoặc 1 hoặc 2 hoặc 3 lần. Sau mỗi lần gõ, bảo trẻ em : Hãy làm như cô, gõ đi. Nếu trẻ em chưa hiểu, cầm tay hướng dẫn, cho đến khi trẻ em hiểu. Sau khi trẻ em thành tựu, chúng ta tìm cách, không cho trẻ em thấy, chỉ NGHE.

2.48 Phân biệt những con cờ đô-mi-nô, thay vì đếm. Soạn sẵn 2 lần 6 tấm giấy cứng có kẻ từ 1 đến 6 nút tròn, giống như trên con cờ. Trải ngang trước mặt trẻ em chỉ 3 tấm. Ban đầu, chỉ trao cho trẻ em một tấm và bảo trẻ em : Hãy tìm và để lên trên tấm giống như vậy.

2.49 Tập nhận biết và sao chép hình mẫu từ trái sang phải.
  • Hình thứ nhất : Hình vuông lớn, có hai hình tròn nhỏ ở dưới giống như 2 bánh xe ô tô.
  • Hình thứ hai: Hình chữ nhật có chiều dài bằng 2 hình vuông, có 2 hình tròn ở dưới.
  • Hình thứ ba : Hình tam giác có hai hình tròn ở dưới. Khi trẻ em đã hiểu và làm được từng hình một, chúng ta đưa ra một hình mẫu có cả 3 hình, từ trái sang phải. Trong một hộp, có một tấm hình vuông, một tấm hình chữ nhật và một tấm hình tam giác, cùng với 6 hình tròn. Bảo trẻ em nhìn hình mẫu ở trên và làm giống như vậy ở phía dưới. Bắt đầu từ bên trái. Hãy tìm các hình trong hộp.
2.50 Liên kết Hình và Chữ (dùng kiểu chữ đánh máy thông thường cỡ 16, không dùng chữ hoa). Bảo trẻ em : Em đọc đi, chữ gì đây ? Xem hình Nhà, đọc chữ Nhà. Bắt đầu với những hình và chữ như : Nhà, cửa, chén, đĩa, giường, gấu, Cha (ba), Mẹ. Trẻ càng tiến bộ, chúng ta càng thêm hình và chữ luôn luôn đi với nhau.

3- VẬN ĐỘNG THÔ

3.51 Vỗ tay (theo điệu của một bài hát nho nhỏ).

3.52 Ngồi một mình không cần người gíúp. Nếu trẻ còn bé, đặt trẻ em nằm ngửa, tay mặt dang ra trên mặt đất. Cầm tay trái của trẻ em, phía bên trên cùi chỏ và lật nhẹ, để thân mình nằm ở trên cùi chỏ và tay mặt. Tiếp tục kéo lên trên, để trẻ em nâng cùi chỏ và tay mặt lên và lấy tay mặt tựa vào mặt đất và đẩy lên. Dần dần, khi trẻ em đã quen, chỉ đẩy nhẹ, để trẻ em tự mình ngồi dậy, không cần chúng ta giúp đỡ.

3.53 Đưa tay lên khỏi đầu, để nắm lấy một đồ chơi. Khi trẻ em còn bé, treo một vài đồ chơi phía trên nôi.

3.54 Cho và nhận trái banh với người lớn.

3.55 Tập bước lên trên những chướng ngại nho nhỏ, như những tấm ván dày và rộng.

3.56 Đi theo đường quanh co của sợi dây thừng. Sau khi trẻ em đã biết nhìn và đi theo đường dây, thêm những chướng ngại : đi ở dưới bàn, đi trên một chiếc cầu, đi quanh bàn và lách qua một kẽ hẹp.

3.57 Cúi xuống nhặt lên những đồ chơi rải rác trên sàn nhà.

3.58 Lấy giấy màu bọc lại đàng hoàng những chiếc hộp đựng giày và để rải rác trên nền nhà. Bảo trẻ em đi tìm và mang đến. Sau đó, tập cho trẻ em chất lên từng chồng cao, ngang tầm mắt. Bảo trẻ em đưa chân làm rơi xuống. Hãy kết thúc trò chơi, bằng cách sắp xếp lại cho có thứ tự vào một nơi nhất định.

3.59 Đi lên thang lầu, từng cấp một. Chân mặt bước lên trước và chân trái theo sau. Ban đầu, trẻ em cầm tay người lớn. Dần dần, chỉ cầm ngón tay. Sau đó, cầm một đầu sợi dây, đầu kia do người lớn cầm.

3.60 Người lớn và trẻ em cùng ngồi trên nền nhà, mặt đối mặt, cách nhau chừng 2 mét, hai chân mở rộng khoảng 90 độ. Hai bên chuyền qua chuyền lại cho nhau một trái banh. Nếu trẻ em còn nhỏ (dưới 1 tuổi), có một người lớn ngồi đàng sau trẻ em, để giúp đỡ và hướng dẫn.

3.61 Trẻ em ngồi trên mặt đất, cách vách tường độ 1 mét. Ban đầu, người lớn ngồi sau trẻ em. Tập trẻ em lăn trái banh vào tường khá mạnh, để trái banh có thể dội trở lui. Trẻ em chú ý nhìn theo, nhận banh và tiếp tục.

3.62 Tập đi theo một đường được chỉ định. Lấy băng nhựa có màu hay là một sợi dây thừng làm một đường dài và thẳng từ 2-6 mét. Cuối đường, để một đồ chơi mà trẻ em thích. Ban đầu trẻ em cầm tay người lớn để đi từ đầu đến cuối đường. Sau đó trẻ em chỉ cầm một đầu sợi dây và đi theo. Dần dần, trẻ em đi một mình.

3.63 Cũng một con đường như trên từ 5 mét trở lên. Lần này, trẻ em đi ngang một bên, hay là đi lui, vừa đi vừa ngước nhìn đằng sau.

3.64 Trẻ em và người lớn ngồi bên cạnh nhau, cùng nhìn một hướng giống nhau. Hai chân nằm thẳng dài ra trước. Hai tay đụng đầu gối và từ từ cúi xuống đụng vào 10 ngón chân, mà không xếp cong đầu gối lên trên. Ban đầu, nếu trẻ còn nhỏ, một người lớn thứ hai ngồi đằng sau, đưa hai chân kẹp giữ trẻ em, và đồng thời hướng dẫn trẻ em nhìn, làm theo như người lớn bên cạnh.

3.65 Để các đồ chơi của trẻ em vào các ngăn kéo của một cái tủ thấp, vừa tầm trẻ em. Chúng ta kéo mở các ngăn kéo, cho trẻ em thấy đồ chơi bên trong. Sau đó tập trẻ em mở kéo ra và đẩy vào lại nhiều lần. Sau khi dạy trẻ em mở ra và đóng lại các ngăn tủ như vậy, chúng ta không bao giờ để những đồ dùng nguy hiểm vào các ngăn kéo này.

3.66 Tập trẻ em đứng trên một chân trong vòng 5-6 giây. Ban đầu người lớn làm cho trẻ em thấy : một tay vịn vào ghế, tay kia để dọc theo thân mình. Đồng thời co một chân lên. Khi trẻ em đã hiểu và làm được, chúng ta cất chiếc ghế ra xa và đưa ngón tay trỏ cho trẻ em cầm và co cân lên. Dần dần, trẻ em không còn cầm ngón tay của người lớn.

3.67 Tập đưa chân đẩy mạnh trái banh ra trước. Bên cạnh một vách tường, dùng những hộp giấy cứng làm thành một con đường có lề kín. Bạn ngồi trên một chiếc ghế ở một đầu. Đầu kia trẻ em ngồi. Bạn đưa chân đẩy trái banh về phía trẻ em. Và bảo trẻ em đưa chân đẩy mạnh trái banh về phía bạn.

3.68 Đứng trên đầu ngón chân. Ban đầu bạn làm cho trẻ em thấy. Sau đó, bạn cầm hai tay của trẻ em, nâng lên và bảo trẻ em đứng trên đầu các ngón chân. Khi trẻ em đã hiểu cách làm, bạn chỉ cầm một tay của trẻ em. Dần dần, bạn đưa ngón tay cho trẻ em cầm. Cuối cùng, khuyến khích trẻ em làm một mình.

3.69 Nhảy lên, đưa tay dụng vào một đồ vật. Ban đầu cầm hai cánh tay phía trong, gần sát vai của trẻ em, nâng lên và để xuống cho trẻ em làm quen và tập nhảy lên cao. Sau đó, treo một đồ chơi phía trên và bảo trẻ em nhảy lên cao, đánh mạnh vào đồ chơi.

3.70 Lăn trái bóng tròn để lật đổ những chiếc hộp chồng lên nhau. Ban đầu giữ khoảng cách chừng 3 mét. Lấy băng nhựa làm một lằn ranh không được vượt quá. Dần dần tăng khoảng cách lên.

3.71 Ném những bao cát nhỏ vào trong một cái thùng, từ một lằn ranh nhất định. Trẻ em càng biết làm, chúng ta càng tăng lên dần khoảng cách.

3.72 Bước lên thang lầu, mỗi chân một cấp (khác với 3.59 Lên từng cấp một).

3.73 Vượt qua 5 chướng ngại trên đường đi tới (xem 3.56). Đi theo đường quanh co của một sợi dây. Nhắc lui nhắc tới, để trẻ em đi theo đường dây, vừa đi vừa nhìn. Chướng ngại một : cúi xuống, bò qua dưới một chiếc bàn thấp. Chướng ngại hai : bước qua một chiếc gậy dài chận ngang đường. Chướng ngại ba : bò qua một đường hầm làm bằng những chiếc thùng giấy kiên cố. Chướng ngại bốn : lách mình đi ngang qua một eo hẹp ở giữa hai chiếc tủ. Chướng ngại năm : bước từ một tấm gỗ này qua tấm gỗ khác, mà không « ướt chân », rơi vào suối nước.

3.74 Làm con nhái nhảy 10 bước liên tục mà không té nhào. Ban đầu giải thích cho trẻ em biết nhảy nhái là làm thế nào : khom lưng xuống, co đầu gối lại, chứ không ngồi trệt, và nhảy tới trước. Với các em nhỏ, có người đỡ đằng sau lưng, nhất là khi mới bắt đầu.

3.75 Nhảy với 1 hoặc 2 chân trên một khoảng dài. Lúc đầu tập nhảy tự do, nhảy về hướng nào cũng được. Sau khi trẻ em đã biết cách làm,
    1) nhảy theo một đường dài 5 mét được vạch sẵn bằng dây hay là bằng băng nhựa,

    2) nhảy hai chân và hai tay dang ngang vai,

    3) nhảy với một chân mà thôi,

    4) sau 5 mét, thay đổi chân và trở về chỗ cũ,

    5) nhảy 2 chân, hai tay đưa lên cao trên đầu.
3.76 Làm những cử điệu vừa bằng tay, vừa bằng chân cùng một lúc. Ban đầu quì xuống, hai tay đụng mặt đất. Trẻ em và người lớn cùng làm với nhau, cùng nhìn về một phía.
    1) đi bằng cách đạp chân lên trên băng nhựa, không bước ra ngoài,

    2) đi trở lui, ngó đằng sau,

    3) đi ngang không tréo chân,

    4) đi tới trước, bằng cách đạp chân trái xuống bên mặt, và đạp chân mặt xuống bên trái đường băng nhựa,

    5) nhảy hai chân dính vào nhau qua bên mặt rồi qua bên trái và đồng thời tiến tới phía trước,

    6) đi ngang bằng cách tréo chân lại với nhau.
3.79 Treo chặt một lốp xe ô tô cao độ 1 mét. Lốp xe không thể quay lui quay tới. Trẻ em đứng gần và ném trái bóng chuyền qua giữa lốp xe. Khi trẻ em đã hiểu phải làm gì, bảo trẻ em lùi xa dần dần.

3.80 Dội trái bóng 5 lần liên tiếp, không làm rơi trái bóng qua chỗ khác.

3.81 Trên một tấm thảm khá dày, trẻ em học lăn tròn theo chiều dọc :
  • người lớn làm trước 1 hoặc 2 lần cho trẻ em thấy,
  • bảo trẻ em quì xuống, đầu sát mặt thảm, cằm dính vào ngực, hai tay úp xuống trên mặt thảm,
  • đưa tay giúp trẻ em lăn tròn về phía trước,
  • từ từ rút tay, để trẻ em làm một mình.
3.82 Làm con voi đi tới :
  • hai chân đứng thẳng,
  • lưng cong về phía trước độ 90 độ,
  • hai tay chấp lại sát đầu và đưa ra trước,
  • vừa đi tới, vừa đưa 2 tay qua mặt và qua trái làm cái vòi. Khi trẻ em đã quen, bảo trẻ em đi theo một đường đã vạch sẵn, độ 10 mét.
3.83 Cầm chiếc muỗng cà-phê có đựng một củ khoai và đi lui đi tới chừng 15 mét mà không làm rơi. Với những trẻ em lớn, có thể bảo ngậm chiếc muỗng có đựng củ khoai và đi.

3.84 Đi vững vàng trên một thân gỗ dài hơn 1 mét, rộng 10 cm, cao 10 cm. Sau khi trẻ em đã quen đi như vậy, lấy gạch lớn nâng khúc gỗ lên, cách mặt đất chừng 30 cm.

3.85 Vượt qua 7 chướng ngại như trong bài 3.73.

3.86 Dùng chiếc vợt đánh vào chiếc banh bằng mút, treo từ trên rơi xuống trước mặt, trong một giỏ lưới.

3.87 Chiếc xe cút-kít. Trẻ em quì xuống, hai tay đụng đất. Người lớn đứng phía sau, cầm 2 chân của trẻ em nâng lên. Trẻ em dùng 2 tay đi tới theo một đường đã vạch sẵn. Khi trẻ em đã quen, chúng ta cố ghì lại đằng sau, để trẻ em cố sức đi tới.

3.88 Cột chặt một sợi dây lớn dài chừng 1 mét vào một cái thùng giấy cứng. Trẻ em đứng một bên kéo thùng giấy về phía mình, cho đến khi vượt quá một đường ranh. Từ từ chúng ta thêm vào thùng những vật nặng, tùy vào sức mạnh của trẻ em.

3.89 Chơi kéo dây. Một đầu dây là người lớn và đầu kia là trẻ em. Trẻ em cố kéo người lớn vượt qua một lằn ranh đã được vẽ sẵn. Ban đầu tạo dễ dàng cho trẻ em. Dần dần chúng ta cố ghì lại, nhưng vẫn không tạo thất bại cho trẻ em.

3.90 Nhảy lên và đồng thời đưa 2 tay đụng vào nhau hay là vỗ vào nhau phía trên đầu. Sau đó, nhảy và đưa 2 chân mở rộng ra. Đoạn nhảy và khép hai chân lại. Khi trẻ em đã biết làm từng động tác, chúng ta bảo trẻ em kết hợp lại với nhau. Nhảy lên đưa 2 tay ra và hai chân mở rộng. Sau đó, nhảy lên khép hai chân lại và để 2 tay dọc theo thân mình. Người lớn cùng làm với trẻ em.

3.91 Nhảy dây. Cột chặt một đầu dây vào một thân cây hay một nơi vững chắc. Giáo viên và trẻ em ở giữa. Chúng ta nhờ một người khác cầm đầu dây kia và quay tròn. Khi nhìn thấy dây đến gần, bảo trẻ em cùng nhảy lên, để cho sợi dây tiếp tục quay tròn. Ban đầu chỉ nhảy một lần. Dần dần nhảy liên tiếp 3-4 lần.

3.92 Trò chơi nhảy lò cò từ ô một lên tới ô mười, rồi nhảy về chỗ cũ.

3.93 Đi trên một khúc gỗ, giống như 3.84. Lần này lấy một đồ vật ở đầu khúc gỗ đem đến bỏ vào một cái thùng ở cuối khúc gỗ. Làm như vậy cho đến khi mọi đồ vật được chuyển hết từ thùng đầu đến thùng cuối.

4- VẬN ĐỘNG TINH

4.94 Cầm chiếc muỗng và gọi tên muỗng. Ban đầu đặt chiếc muỗng giữa lòng bàn tay của trẻ em. Chúng ta lấy tay siết nhẹ những ngón tay của trẻ em lại, và để lưng các ngón tay của trẻ em quay lên phía trên. Dần dần để trẻ em cầm một mình trong vòng vài giây đồng hồ.

4.95 Dùng một thùng giấy khá dày và chắc, nếu bằng gỗ càng tốt. Khoét một lỗ tròn ở phía trên vừa rộng đủ cho nắm tay của người lớn có thể đút vào, lấy ra. Để vào trong thùng những vật dụng quen thuộc trong nhà. Ban đầu cho phép trẻ em lấy ra bất cứ vật gì. Khi trẻ lấy ra và đưa lên, chúng ta gọi tên của vật dụng, như : Cái muỗng, trái banh nhỏ, chiếc khăn, ngòi viết, cây bút chì… Sau khi trẻ em đã quen lấy ra, chúng ta đưa lên một vật dụng, gọi tên và bảo trẻ em : Cái MUỖNG, hãy tìm ở đáy thùng và lấy ra cho cô một cái muỗng…

496 Tập trẻ em cầm « với hai ngón tay cái và trỏ ». Nhặt lên và bỏ vào hộp những vật dụng như : chìa khóa, nút chai, ngòi bút, hạt nút, hạt đậu phụng, một trái bóng bàn. Ban đầu hướng dẫn trẻ, bằng cách lấy tay nắm chặt 3 ngón tay còn lại của trẻ. Khi trẻ em cầm lên một đồ vật, chúng ta bảo : thả rơi chìa khóa vào trong hộp…

4.97 Tập dùng tay, để chơi với đất sét.
  • 1) Vo tròn thành những con giun dài.
  • 2) Dùng hai ngón tay cái và trỏ để cắt con giun thành những khúc nho nhỏ độ 1 cm và bỏ vào trong một cái chén.
4.98 Tập ăn một mình. Trẻ em đã học cầm muỗng ở bài học 4.94. Trong bài học này, trẻ em cầm muỗng để múc gạo hay lúa từ chén này sang qua chén khác.

4.99 Dùng hai ngón tay trỏ và cái để nhặt lên những đồng tiền và bỏ vào một hộp nhỏ có kẽ hở phía trên.

4.100 Dùng hai tay để mở ra một hộp đựng giày, một hộp diêm loại lớn, một hộp sữa có nắp nhựa. Điều cơ bản là trẻ em học mở ra bằng nhiều cách khác nhau, tùy đồ vật.

4.101 Học cho và nhận. Vừa đưa tay vừa nói : cho cô ngòi bút chì…

4.102 Chế tạo một bảng có 3 bóng điện màu xanh, đỏ và vàng, có 3 nút bấm khác nhau cho mỗi bóng đèn, và có một sợi dây điện dài có nút cắm vào công tắc. Ngồi đằng sau trẻ em để hướng dẫn mở và tắt đèn. Soạn trước những ký hiệu trên những tấm giấy cứng : + là mở đèn và - là tắt đèn. Ba hình tròn màu đỏ, xanh và vàng. Đợt một : tập mở và tắt. Đợt hai : mở và tắt mỗi màu đèn. Đợt ba : kết hợp cả hai hiệu lệnh : tắt hoặc mở một trong ba loại đèn.

4.103 Dùng một chai bằng nhựa và những chiếc tất người lớn, để trẻ em học mang tất vào và lấy tất ra. Biết bên nào trái, bên nào mặt.

4.104 Ngồi sau trẻ em để hướng dẫn xếp giấy : hai lần xếp dọc và hai lần xếp ngang, với mỗi tờ giấy.

4.105 Dùng bút màu lớn (loại phớt), để cho trẻ em vẽ xuôi ngược tùy ý thích. Tập vẽ giới hạn trong và trên tờ giấy, không vượt ra ngoài, không vẽ bẩn trên tay chân và áo quần.

4.106 Tập trẻ em chơi thổi bong bóng với nước xà phòng.

4.107 Dùng những chai nhựa, để trẻ em tập mở và đóng nắp chai. Sau đó dùng các loại nắp khác với các đồ dùng khác.

4.108 Tập trẻ em làm nhiều cử động khác nhau với tất cả 5 ngón tay hay là với mỗi ngón tay : xếp lại, mở ra từng ngón tay, lấy tay này vuốt dài ra từng ngón của tay kia, làm chỉ một tay hai là cùng làm hai tay những cử điệu như con rối.

4.109 Tập kéo dây từ trái qua phải hay là từ phải qua trái, để mở ra hoặc đóng lại màn cửa sổ. Có thể dùng những trò chơi kéo dây ra để gây tiếng động hay âm nhạc…

4.110 Bóp mạnh những quả banh bằng mút hoặc bằng cao su.

4.111 Dùng kẹp để kẹp trên bờ miệng của một chiếc hộp. Sau đó lấy ra bỏ vào hộp. Tập dùng hai ngón tay cái và trỏ, để làm những cử động như mở và đóng các cái kẹp áo quần.

4.112 Dùng ngón tay trỏ để lướt theo những đường viền, hay là những đường vẽ sẵn. Thay đổi những loại đường khác nhau, trên những diện tích cứng và mềm khác nhau. Hay là vẽ trên những khay hay hộp trải cát mịn.

4.113 Xếp giấy. Xếp một tờ giấy A 4 thành 4 đường dọc và 4 đường ngang.

4.114 Dùng kéo có mũi tròn, để trẻ em tập cắt tờ giấy theo những đường dọc và ngang, như đã được xếp lại ở 4.113.

4.115 Tập vặn lại và mở ra những đinh ốc và đai ốc (bù loong), theo đúng 3 cỡ to nhỏ khác nhau.

4.116 Xếp một tờ giấy A 4 thành 4 lớp. Dùng kéo cắt nhiều lỗ khác nhau và trải ra thành một hạt tuyết lớn.

4.117 Lấy sợi dây dăng thẳng ra ngang vai trẻ em hay là dùng một nạng phơi quần áo có nhiều dây. Có bao nhiêu khăn, thì có bấy nhiêu kẹp. Khăn để trong một thau. Kẹp để trong một hộp. Bảo trẻ em phơi khăn lên và lấy kẹp kẹp lại. Để giúp trẻ em tự lập, phân chia công việc thành 3 giai đoạn khác nhau, lúc ban đầu : ─ giai đoạn một : dăng dây ra, ─ giai đoạn hai : phơi khăn lên dây, ─ giai đoạn ba : lấy kẹp kẹp từng chiếc khăn lại.

4.118 Lấy đinh rệp ấn mạnh vào một tấm mút dày. Sau khi đã biết dùng đinh rệp, bảo trẻ em ấn đinh theo những đường vẽ hay là theo các loại hình khác nhau.

4.119 Cắt giấy màu thành nhiều đường dài. Tập trẻ em dệt lại « một trên một dưới », thành những tấm khăn có nhiều ô vuông nhiều màu.

(Còn tiếp)