Mỗi năm cứ đến Mùa Giáng Sinh, người ta nhớ đến những người thân yêu nhất trong cuộc đời mình để gửi lời cầu nguyện, chúc mừng và có khi gửi những món quà dù nhỏ bé nhưng với cả tấm lòng.

Để mở đầu bài viết này, con xin được gửi lời kính chúc Giáng Sinh đến quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và mọi người thân yêu. Đặc biệt, con xin gửi lời cầu chúc Giáng Sinh đến Cha Giám đốc Vitecatholic và Ban Biên Tập là những người mà con và đông đảo dân Chúa kính yêu cách đặc biệt vì các ngài đã tiếp tục gửi đi cho thế giới sứ điệp yêu thương: “Gloria in excelsis Deo et in terra pax hominibus bonae voluntatis – Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Mùa Giáng Sinh, lời cầu chúc “an lành, hòa bình, bình an” luôn được trân trọng gửi cho nhau như món quà đặc biệt. Và tại mảnh đất này, lời cầu chúc ấy còn thiết tha hơn bất cứ nơi đâu khác. Một số người quan niệm đơn giản một đất nước hòa bình là đất nước không có chiến tranh, không có bom đạn. Vậy một gia đình hạnh phúc đơn giản là gia đình không đánh nhau sao? Không, một gia đình hạnh phúc đòi hỏi cao hơn nhiều. Cũng thế, Giáo hội dạy “Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh” (Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, số 489).

Có những chuyện có vẻ nhỏ nhưng gây bất an. Chẳng hạn, năm nào cũng vậy, cứ đến Lễ Giáng Sinh, nhiều người Công Giáo phải viết đơn xin cho con cái nghỉ học với lý do “Mừng Lễ Giáng Sinh”. Có những phụ huynh ngại nên phải ghi khác đi, có khi phải nói dối “con ốm” chẳng hạn. Buồn hơn là cứ phải đi học, chiều về đi Lễ mà chưa chắc gì kịp Lễ. Ngày nghỉ của cả thế giới mà sao chúng ta cứ phải bồn chồn, hồi hộp và lo âu vì không được nghỉ như thế? Đó là chưa kể người lớn phải đi làm, không đi làm thì bị phạt…

Năm nào cũng thế, trước Lễ Giáng Sinh, một số giáo viên Công Giáo nói trong lớp: “Nhà trường không cho nghỉ Lễ Giáng Sinh, nhưng tôi phải nghỉ, sẽ có thầy khác dạy thế. Có khi thầy cô vui vì em học trò nói: em có Đạo, em cũng nghỉ thầy cô ạ. Nhưng cũng có khi buồn vì có em nói: sắp thi rồi nên em sợ, phải đi học. Mùa Lễ bình an mà cứ phải sợ, phải lo.

Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm dương lịch thấy ngoài đường người ta hối hả hơn, những bóng người vất vưởng nhiều hơn và trẻ em đói lê la ngoài đường nhiều hơn. Ngược lại, các quán nhậu đông hơn, những chiếc xe hơi sang trọng chạy ẩu hơn, mở cửa vất rác hay khạc nhổ xuống đường nhiều hơn. Mùa bình an mà sao vẫn thấy có gì đó chưa ổn lắm. Nhiều người còn nhớ Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng. Lúc sinh thời, ngài giảng: “Vẫn có cái gì đó chưa được đặt đúng chỗ của nó”.

Và năm nào cũng vậy, các ông ở trong ủy ban đàn két quốc doanh uống bia và quà cáp, nói lời ngon ngọt dỗ dành nhau rồi về nhà lại lầm bầm kiểu nửa hối tiếc nửa mắng thầm. Hai bên đều biết đối phương giả dối với mình, nhưng ai cũng gượng cười, chỉ để uống cho cạn ly bia. Có ông linh mục làm cho ủy ban này thật thà nói “mình chẳng tin họ, họ cũng chẳng mấy tin mình”, nhưng cứ qua loa cho được việc, mong cho xin giấy này giấy nọ dễ hơn chút xíu. Mùa bình an, mà thiện tâm sao chưa rõ nét.

Giáo hội dạy rằng “Các tiên tri đã loan báo vào thời cánh chung sẽ có một đoàn hành hương gồm nhiều dân tộc tiến về đền thờ Thiên Chúa và thế là bắt đầu một kỷ nguyên hoà bình cho các dân tộc (x. Is 2,2-5; 66,18-23).” (HTXHCG số 430)

Thế nhưng, để đón nhận và duy trì nền hòa bình ấy, Học Thuyết Xã hội Công Giáo dạy “cần phải chăm lo thích đáng nền hoà bình chung thật sự, một nền hoà bình chỉ có khi mọi người cùng sống với nhau trong trật tự và trong công lý đích thực; sau cùng cần phải có sự bảo vệ thích đáng cho nền luân lý chung” (Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2109).

Tôn trọng nhau, dành cho nhau niềm vui, trung thực với nhau và biết quan tâm đến nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ máng cỏ Chúa Giêsu Hài Nhi là những điều kiện cần cho một nền hòa bình thật sự.

Thành ra, lời chúc “Giáng Sinh an lành” phải đi đôi với một trái tim rộng mở. Bằng không thì mùa Giáng Sinh chỉ dành riêng cho một số người thôi, đó là những người “thiện tâm” thật sự.

Gioan Lê Quang Vinh