GIÁNG SINH là một Đại Lễ Hội Nhân Loại. Mọi người đón mừng khắp nơi, không phân biệt tôn giáo, ngôn ngữ, màu da với trang hoàng sắc màu rực rỡ, âm nhạc rộn ràng vui tươi, tiệc mừng ấm áp yêu thương.

Chủ đề bài viết này giới thiệu về nhạc phẩm GIÁNG SINH.

-Tại Việt Nam thân yêu, mỗi mùa Giáng Sinh, ta lại nghe nhiều bản nhạc Giáng Sinh nơi Thánh đường trang nghiêm huyền nhiệm hay ngoài phố phường thôn quê hân hoan dâng trào sức sống, với cung đàn tiếng hát: ‘Mừng Chúa ra đời- Chúa Hài Đồng- Hang Be-lem- Bài Thánh ca buồn- Hai mùa Noel- Dư âm mùa Giáng Sinh…’cùng với những nhạc bản dịch từ tiếng nước ngoại qua những Liên khúc Giáng Sinh rộn ràng nhiều thư tiếng.

Nhưng bản ‘Thánh ca ‘ Hang Be-lem’ của nhạc sĩ Hải Linh được mọi người ưa thích nhất vì bình dân và phổ quát, nên tiếng hát‘ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa …’ vừa cất lên thì nhiều người không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo cũng có thể hát theo dễ dàng, bản Thánh ca đã biến thành khúc hát dân ca đem đạo vào đời.

-Những nhạc phẩm bằng tiếng Anh nổi tiếng như: Gloria- Happy Christmas- O Holly Night- Christmas Don’t’ Be Late- Once in Royal David’s City-

Joy to the World- Last Christmas- Blue Christmas-Jingle Bells- Feliz Navida...

Nhưng nổi tiếng nhất là bản SILENT NIGHT.

Nguồn gốc SILENT NIGHT (Đêm Thánh vô cùng)

Silent Night hay "Đêm Thánh Vô Cùng" (tiếng Đức: "Stille Nacht"; tiếng Anh: "Silent Night") là một trong những ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng, với phần lời gốc do Linh Mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức và phần giai điệu do nghệ sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác năm 1818, cả hai đều là người Áo. Phiên bản đang được sử dụng rộng rãi ngày nay có đôi chút khác biệt với nguyên bản của Gruber. Ca khúc này đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu vào tháng 3 năm 2011.



Ca khúc được sáng tác hoàn tất vào ngày 25 tháng 12 năm 1818 và được trình diễn lần đầu tại Nhà Thờ Thánh Nicôla (Nicola-Kirche) ở Obendorf thuộc nước Áo. Linh Mục Mohr viết lời cho bài hát từ năm 1816, nhưng mãi đến đêm vọng Lễ Giáng Sinh năm 1818 mới tìm gặp nghệ sĩ Gruber để nhờ soạn phần giai điệu cũng như phần phối âm cho đàn ghita. Có lẽ Linh Mục Mohr muốn có một ca khúc Giáng Sinh mới dành cho Thánh Lễ nửa đêm Giáng Sinh, nhưng đàn phong cầm của nhà thờ đã bị hỏng. Lúc đầu, Gruber không đồng ý với đề nghị của Mohr vì e rằng giáo dân đến dự lễ sẽ không thích loại âm nhạc được trình bày với đàn ghita, bởi lẽ lúc đó quy chế về nhạc cụ trình diễn Thánh ca phải là phong cầm. Nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác, Gruber phải chấp nhận và bắt tay vào việc. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, phần nhạc của ca khúc được hoàn tất. Lúc đầu, người dự lễ tỏ ra kinh ngạc khi nghe ca khúc được trình bày với đàn ghita, nhưng chẳng bao lâu mọi người bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài hát.

Từ đầu thập niên 1900, Nhà Thờ Thánh Nicôla bị lũ lụt tàn phá, thị trấn được dời lên một nơi an toàn hơn ở thượng nguồn dòng sông, một ngôi nhà thờ mới được xây dựng bên cạnh một chiếc cầu. Một nhà nguyện nhỏ gọi là Stille-Nacht-Gedächtniskapelle (Nhà Nguyện Tưởng Nhớ Ca Khúc Đêm Yên Lặng) được dựng lên ngay tại địa điểm của ngôi nhà thờ cũ bị phá hủy, và ngôi nhà kế cận được biến thành nhà bảo tàng, quanh năm thu hút du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đông nhất vẫn là trong tháng 12.

Mặc dù bản gốc của ca khúc đã bị thất lạc, một bản viết tay của Mohr đã được tìm thấy vào năm 1995, các nhà nghiên cứu xác định nó thuộc vào khoảng năm 1820. Điều này cho thấy Linh Mục Mohr đã viết lời bài hát vào năm 1816 khi ông được phân công đến một nhà thờ hành hương ở Mariapfarr (Áo), và phần nhạc được sáng tác bởi Gruber vào năm 1818. Đây là bản cổ nhất, cũng là bản viết tay duy nhất của Mohr. Giai điệu được sáng tác bởi Gruber chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống tại các vùng nông thôn, phảng phất những nét đặc trưng của dân ca Áo.

Năm 1859, John Freeman Young (Giám Mục Giáo Phận Florida, Hoa Kỳ) cho ra đời bản dịch tiếng Anh của ca khúc, và nó trở thành bản được nhiều người biết đến nhất hiện nay. Nói chung, các phiên bản hiện nay có giai điệu được sử dụng thường là chậm, theo lối hát ru, có một chút khác biệt so với bản nguyên gốc của Gruber (đặc biệt là ở các dòng cuối cùng) có tiết tấu linh hoạt, gần như nhạc khiêu vũ. Ngày nay, lời và giai điệu ca khúc đã được đưa vào phạm vi công cộng của điều luật tác quyền.

Ca khúc vẫn thường được trình diễn không cần nhạc đệm theo lối ca cappella. Mặc dù được sáng tác bởi hai tín hữu Công Giáo, bài hát này cũng có một vị trí đặc biệt trong các nhà thờ thuộc Giáo Hội Luther. Người ta tin rằng ca khúc Giáng Sinh này đã được dịch ra hơn 140 ngôn ngữ trên khắp thế giới, và là một trong những bài hát được yêu thích nhất mọi thời đại. Phần dịch thuật và đặt tựa tiếng Việt của nhạc sĩ Hùng Lân.

SILENT NIGHT

Silent night, holy night

All is calm, all is bright

'Round yon virgin mother and Child

Holy infant so tender and mild

Sleep in heavenly peace

Sleep in heavenly peace

Silent night, holy night,

Shepherds quake at the sight.

Glories stream from heaven afar,

Heav'nly hosts sing Alleluia;

Christ the Saviour is born

Christ the Saviour is born



Silent night, holy night,

Son of God, love's pure light.

Radiant beams from Thy holy face,

With the dawn of redeeming grace,

Jesus, Lord at Thy birth

Jesus, Lord at Thy birth



ĐÊM THÁNH VÔ CÙNg

(Lời Việt: NS Hùng Lân)

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng

Ðất với trời se chữ Ðồng

Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ

Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa

Ơn châu báu không bờ bến

Biết tìm kiếm của chi đền



Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn

Nhấp chén phiền vương phong trần

Than ôi Chúa thương người đến quên mình

Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành

Ai đang sống trong lạc thú

Nhớ rằng Chúa đang đền bù



Tinh tú trên trời, sông núi trên đời

Với thánh thần mau kết lời

Cao sao hóa công đã khéo an bài

Sai con hiến thân để cứu nhân loại

Hang chiên máng rêu tạm trú

Bốn bề tuyết sương mịt mù.

Ca khúc này cũng từng được hát cùng một lúc bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức trong ngày hưu chiến đêm Giáng Sinh năm 1914 trong Thế Chiến Thứ Nhất, vì đây là một thánh ca mà các binh sĩ của cả hai bên của cuộc chiến đều biết. Với tính chất như vậy, người ta thường thấy sự xuất hiện của Silent Night ở những giây phút đặc biệt khốc liệt hoặc khó khăn của nhân loại.

Lịch sử vẫn còn ghi lại câu chuyện về đêm hưu chiến Giáng Sinh huyền thoại trong Thế Chiến Thứ Nhất tại Mặt Trận phía Tây năm 1914. Bất chấp sự phản đối từ chỉ huy, các binh sĩ Đức và Anh đã tự động ngừng bắn. Các binh sĩ Đức vừa trang trí khu vực xung quanh chiến hào của họ trong vùng Ypres thuộc Bỉ, vừa ca vang những ca khúc Giáng Sinh, nhiều nhất là bài Silent Night bằng tiếng Đức. Khi ấy, các binh sĩ Anh bắt đầu ra khỏi chiến hào ở bên kia chiến tuyến và đáp lời bằng chính bài hát đó ở phiên bản tiếng Anh. Đó là giây phút diệu kỳ khi hai bên im bặt tiếng súng và thay vào đó là tiếng hát ca ngợi Thượng Đế.

Nghĩ về Silent Night là tưởng tượng thấy một khung cảnh lý tưởng đêm Giáng Sinh. Khi đó đường phố yên tĩnh, vắng lặng, những ngôi nhà ngủ yên, ngập trong tuyết trắng. Khung cảnh ấy đẹp đẽ mơ màng như trong chuyện cổ tích. Đúng 12 giờ đêm, chuông nhà thờ đổ vang và Silent Night được cất vang từ dàn đồng ca, nghe như tiếng vọng từ thiên đường. Đó là một khoảng khắc thiêng liêng, lòng người tràn đầy sự thành kính và biết ơn. Tưởng như trong giây phút, mọi cái xấu, cái ác đều được xóa sạch khỏi mặt đất.



Đinh văn Tiến Hùng











* Thế giới tưng bừng đón chờ Giáng Sinh 2020