Ngày nhà giáo : Tình Thày Trò

‘Vẫn bóng thày xưa dưới mái trường,

Vẫn lời trầm ấm lắm yêu thương,

Vẫn lời thơ nở trên trang giấy,

Những nụ hoa đời gió ngát hương’


Đó là những lời thơ trìu mến các em trò cũ khắc trên tấm plaque rất đẹp tặng nhân dịp sinh nhật 70 của tôi, do con gái tổ chức trong không khí gia đình đầm ấm thân mật cách đây gần 10 năm rồi.

Thật cảm động vì đã nửa thế kỷ qua, các em cũng đã trên dưới 60 tuổi đời vẫn còn nhớ ông thày cũ.

Tôi bước vào nghề giáo vừa mới 20 tuổi tại một trường Trung học Công Giáo. Ngôi trường nhỏ bé nằm giữa những giáo xứ chạy dài trên 10 cây số dọc hai bên quốc lộ. Ngôi trường Tư thục Đệ nhất cấp duy nhất trong vùng, mang tên Nữ Thánh Monica. Các em tuổi từ 11, 12 đến 15.16 là con em của những gia đình nghèo, lánh nạn Cộng Sản từ Miền Bắc vào mới được ít năm nên cuộc sống còn khó khăn. Các giáo chức hầu hết trẻ dưới 30, do Linh Mục Hiệu Trưởng Mai văn Điệu tuyển chọn trong số các đệ tử cũ hay được các Linh Mục giới thiệu, ngoài tiêu chuẩn bằng cấp, tính tình đảm bảo khả quan trong việc Giáo dục.

Vì thế, thày trò đôi khi chỉ cách nhau 4, 5 tuổi, dù tận tình hướng dẫn vẫn giữ một khoảng cách tương kính nên các em vẫn xưng thày và con theo tục lệ cổ truyền.

Những buổi sáng sớm theo chuyến xe đò từ Sài gòn lên. Tôi thường gặp dọc đường em nam sinh đang cố đẩy chiếc xe chất đầy rau trái hay em nữ sinh thắt chéo hai vạt áo dài trắng vội vã gánh hàng ra chợ giúp mẹ để kịp đến trường, khiến tôi chạnh lòng cảm thông khi nghĩ đến năm tháng gian khổ đời mình khi cha mẹ mất sớm.

Tôi phụ trách môn Việt văn cho các lớp, nên cố gắng tìm những sáng kiến giúp các em vui học quên bớt khổ cực trong cuộc sống. Sau mỗi tác giả hay tác phẩm, tôi luôn soạn các câu hỏi, để các em chia nhóm cử đại diện trình bày và các nhóm khác có thể đặt câu hỏi xin giải đáp, điểm chấm được chia đều cho cả nhóm. Mục đich giúp các em hào hứng ôn lại bài học và mạnh bạo trình bày ý kiến của mình.

Những buổi trần thuyết tại sân cờ vào các dịp kỷ niệm như giỗ tổ Hùng Vương, chiến thắng của Hai Bà Trưng, vua Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo…Tôi giúp các em soạn đề tài và cử đại diện thuyết trình, không phân biệt lớp trên hay dưới. Nhiều em ăn nói rất hùng hồn, thật hào hứng và hấp dẫn.

Rồi dịp Tết, thi đua làm Bích Báo, Lm Hiệu Trưởng và ban giáo chức đến từng lớp nghe các em đại diện trình bày nội dung và hình thức tờ báo, có em lại ngâm cả những bài thơ đơn sơ cảm động do mình sáng tác về học đường và gia đình, quê hương… Những buổi cắm trại, trò chơi tập thể, thi đua lều trại, làm nhiều món ăn bình dân đẹp mắt và ngon miệng.

Tất cả, không ngoài mục đích để các em vui học và yêu đời…

Năm cuối cùng, Lm Hiệu Trưởng giới thiệu tôi với Lm Trường Thánh Tâm Hố Nai, Biên Hòa phụ trách Việt Văn cho các lớp chuẩn bị thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, thay thế cho giáo sư mới nhập ngũ. Và mỗi chiều thứ 7 Ngài nhờ tôi vào Nhà Dòng để ôn tập luyện thi cho các nữ đệ tử tập viện trong khung cảnh kín cổng cao tường thật trang nghiêm trầm lặng. ( Sau này vào quân ngũ, trú đóng tại Đà Nẵng tôi đến thăm bà cô tại nhà Dòng, tôi gặp lại một Sơ trẻ áo trắng, nhanh nhẹn thanh thoát là học trò cũ tại tu viện Thánh Tâm xưa )

Tôi hướng dẫn các em được 4 niên học và phải từ giã lên đường nhập ngũ làm bổn phận của nam nhi thời chinh chiến. Gần ngày chia tay, các em mời tôi đến từng lớp chào tiễn biệt với lời thân tình cảm động, vừa thưởng thức trà bánh và ghi những dòng lưu bút cho các em giữ kỷ niệm.

Buổi sáng giã từ thật cảm động khó quên, một số các em chở nhau trên những chiếc xe đạp, nối đuôi theo chiếc Honda chạy chậm của tôi trong tình lưu luyến dến 4, 5 cây số, khi tôi dừng xe cám ơn các em và ra hiệu cho các em trở lại trường…

Vào quân đội, gần ngày mãn khóa sĩ quan Thủ đức, tôi tình nguyện và được tuyển chọn sang binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, nắm chức vụ Trung đội trưởng Tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù ( Tiền thân của Liên đoàn 81BCD sau này). Gần một năm lội suối băng rừng tìm dấu vết địch, một ngày chiều xuống dần Trung đội tôi lọt vào ổ phục kích trong sào huyệt địch. Chúng đông gầp nhiều lần, hò hét thổi kèn ào lên cố tình bắt sống để khai thác. Nhưng nhờ màn đêm che dấu và sức cầm cự mãnh liệt suốt đêm dài, nên bọn chúng không đạt được âm mưu thủ đoạn. Mãi sáng sớm hôm sau, được các đơn vị bạn tiếp ứng, chúng tôi mở đường máu thoát ra ngoài. Vì tổn thất nặng, trở về hậu cứ chờ bổ sung lại quân số, tôi rất buồn thương tiếc các chiến hữu đã ra đi và đồng đội bị thương tich. Tôi ngồi ghi lại trận thử lửa đầu đời binh nghiệp và gửi dự thi giải Phóng sự Chiến trường do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị vừa phát động với tiêu đề ‘Ngọn đồi tử chiến’ và nhận được giải thưởng.

Sau khi lãnh giải, theo học Khóa Nhảy dù, rồi Bộ Tư Lệnh gọi tôi về làm Trưởng ban biên tập cho Nguyệt san Bốn Phương Binh chủng kiêm Phóng viên chiến trường.

Trong thời gian đi công tác khắp 4 vùng Chiến thuật, thỉnh thoảng tôi gặp lại một vài trò cũ, nhưng tôi chỉ xin ghi lại vài trường hợp tiêu biểu, chứng minh tình thày trò luôn vẫn còn đáng mến.

Tôi đang chăm chú kiểm lại các bài vở, chuẩn bị cho số báo tháng tới, Trung sĩ trưởng toán gác vào báo cho tôi biết có hai thiếu nữ ngoài cổng muốn gặp. Sự việc này không có gì lạ vì tôi thường lui tới Trường Nữ Trung Học Nha Trang kết nghĩa với Binh chủng nhận bài cộng tác và gởi báo tặng cho các tác giả trong nhóm Hoa Biển có nhiều bài viết chân tình và đề cao lính dù Mũ Xanh như thần tượng. Ngoài ra, đôi lúc tôi còn làm ông bầu hướng dẫn Đoàn Văn Nghệ đến các tiền đồn liên hoan

sau chiến thắng. Vì thế khi được báo, tôi nghĩ ngay một là các em đến trao bài nhận báo hay các cô xin vào ban Văn nghệ là thường xuyên.

Ra tới cổng 1 trong 2 cô cất tiếng :

-Chào thày !

Tôi hơi bỡ ngờ và dẫn 2 cô lên Câu lạc bộ để trò truyện thoải mái hơn.

Vừa ngồi xuống, tôi hỏi :

-Sao em biết tôi ở đây?

Em chỉ cô bạn:

-Chị cho em xem tờ báo LLĐB, thấy tên thày dài thoòng nhưng dễ nhớ. Hơn nữa em là con thày thì quên sao được?

Lúc đó, tôi mới nhận ra cô bé cùng họ với mình lại hát hay và thường trêu chọc bạn học, nên tôi vui nhận là con nuôi, không ngờ em vẫn còn nhớ.

Tâm tình thân mật nhắc lại chuyện xưa không muốn dứt, nhưng cô bạn ra hiệu xin phép cáo từ, em đứng dạy :

-Cám ơn thày nhiều và xin lỗi làm mất thời giờ của thày. Hẹn sẽ được gặp thày sau nữa.

Đưa em ra tới cổng, em còn quay lại như quên một điều gì chưa nói hết :

-Chúc thày luôn vui mạnh và khi nào có tin vui gởi thiệp hồng cho em biết nhé !

Tôi cười xòa :

-Đợi khi đất nước an bình rồi sẽ tính ! Chúc hai em luôn vui khỏe đẹp !

Một buổi chiều sau chuyến công tác trở về, tôi đang đứng đợi xe đơn vị ra đón, bỗng chiếc Honda dừng trước tôi và anh Trung sĩ giơ tay chào :

-Chào thày !

Tôi ngạc nhiên hỏi anh :

-Sao anh nhận ra tôi?

-Em là học trò cũ, nhìn dáng điệu và tên trên ngực áo nên nhận ra thày ngay. Thày đi đâu đây?

- À, tôi mới đi công tác Sài gòn đang đợi xe ra đón !

- Thày về đâu, em đưa về cho biết chỗ để khi nào rảnh ghé thăm thày.

- Tôi về Bộ chỉ huy bên Non Nước.

Tôi vào quầy vé phi trường, mượn điện thoại báo về BCH khỏi ra đón nữa.

Tới Bộ chỉ huy, tôi mời anh lên Câu lạc bộ, chọn một bàn ngồi trông ra biển để truyện trò yên tĩnh thoải mái. Thày trò nhắc lại những kỷ niệm đẹp năm xưa.

Anh nhìn tôi cười :

-Trông thày hiền từ nho nhã, sao lại chọn binh chủng nguy hiểm thế? Hay là…

Tôi hiểu ý em muốn nói gì nhưng còn e ngại thất lễ.

-Trước kia gió cuốn mây trôi, giờ đây có một lại thời lo toan !

-Như vậy thày đã lập gia đình, nhưng sao không đưa cô ra đây sống?

-Còn sống với mẹ già và vẫn đi làm !

-Em hơi tò mò nhé ! Cô làm gì vậy?

-Xướng ngôn viên Đài phát thanh.

-Thày khéo chọn người cùng nghề hợp ý.

-Duyên số nhiều hơn là kén chọn.

Từ Câu lạc bộ, nhìn ra biển những cánh hải âu đang chập chờn trong bóng đêm dần xuống, tôi giục em :

-Cám ơn em nhiều còn giành cảm tình tốt đẹp cho ông thày cũ. Tối rồi em về để gia đình khỏi mong.

Em đứng lên như còn lưu luyến :

-Kính chúc thày luôn khỏe mạnh và bình an ! Hẹn gặp lại thày !

………………………

Mười năm binh nghiệp qua đi, biết bao đổi thay, cuộc sống gian khổ, hy sinh, tự hào, cận kề hiểm nguy. Đôi lúc nhớ lại những tháng ngày êm đêm phẳng lặng nghề mô phạm bên các học trò thân yêu. Giờ tất cả các em đã trưởng thành nối tiếp vào đời với những vui buồn trong đời sống.

Thế rồi, Miền Nam tự do no ấm rơi vào tay Cộng Sản Miền Bắc với biết bao khổ lụy nối tiếp. Tôi và hàng trăm

Ngàn chiến hữu bị lừa gạt vào tù với ngụy danh Học tập cải tạo. Tôi bị chúng hàm hồ ghép tội là ‘Binh chủng ác

ôn và ngành nghề phản động’, nên cấp bậc dù nhỏ cũng bị đầy ải ra miền biên giới Việt Trung nơi rừng thiêng nước độc cùng các cấp chỉ huy đàn anh. Qua các trại tù biên giới, tôi không gặp được học trò nào, có lẽ vì các em cấp bậc còn nhỏ và phục vụ tại các đơn vị mà Việt cộng đánh giá không cao.

Nhưng vài năm sau, chiến tranh biên giới bùng nổ năm 1979 giữa Trung cộng và Việt cộng, chúng sợ các trại tù được giải thoát, nên di chuyển chúng tôi về các trại giam vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Ít lâu sau lại chuyển chúng tôi về trại Long Giao Hàm Tân, Miền Nam.

Vừa về đến Long giao, phía bên kia hàng rào kẽm gai tiếng hò hét, gọi nhau vang dội đón mừng đàn anh. Tôi nghe một số em gọi tên tôi :

-Thày Hùng ! Thày Hùng !

Tôi nhận ra các em trò cũ cùng tiếng thăm hỏi dồn dập.

Khi mới về, chúng tôi chưa phải xuất trại đi lao động, suốt ngay chỉ loanh quanh trong hàng rào ca hát nhạc vàng và một số bài nhạc đấu tranh, nên cán bộ và bọn trật tự ăng-ten xuống nói chúng tôi không được hát nhạc phản động.

Mỗi chiều sau khi lao động về, các em chuyền qua hàng rào cho tôi khi thì bó rau lúc trái mướp hay bình nước…có em còn chia sẻ cho tôi cả phần quà gia đình thăm nuôi gởi vào. Thật là cảm động, vì ngoài tình chiến hữu đồng cam cộng khổ, còn có cả tình thày trò thân kính.

Vài tháng sau, những em cấp nhỏ lần lượt được phóng thích, tuy về rồi có em vẫn nhớ gởi cho tôi những gói quà đậm tình nghĩa nhờ gia đình đi thăm nuôi chuyển hộ.

Sau gần 10 năm ra tù, gia đình tôi được chính phủ Hoa Kỳ cho đi định cư theo diện tỵ nạn chính trị. Nhờ người anh họ bảo trợ, gia đình tôi định cư tại một Tiểu bang nhỏ Miền Đông Bắc lạnh lẽo, cố gắng làm lại cuộc đời, lăn lộn với nhiều nghề để mưu sinh. Tôi gặp lại một trò cũ làm cùng hãng xưởng và tình thày trò trở thành đồng nghiệp rất thân tình và khi anh có con trai lập gia đình đã nhờ tôi đại diện trong hôn lễ. Chúa Nhật nghỉ làm, tôi tham gia sinh hoạt cộng đoàn Công Giáo Connecticut, phụ trách trông coi các lớp Giáo Lý và phụ giúp Lm Quản Nhiệm ít giờ cho lớp Dự bị Hôn Nhân. Tôi gặp một thày đang học Đại Chủng Viện ra phụ giúp cộng đoàn mỗi sáng Chúa Nhật, thày tự giới thiệu là học trò cũ, sau này khi chuyển qua sống bên Cali được tin thày đã chịu chức Linh Mục. Trong 16 năm làm việc cho tới tuổi về hưu, con gái đưa chúng tôi qua Cali sống với cháu cho ấm cúng và tránh tuyết lạnh giá buốt có hại cho sức khỏe tuổi già.

Biết tin tôi mới qua Cali, các em rủ nhau lần lượt đến thăm thân mật sau nhiều năm xa cách. Các em thông báo cho các bạn ở xa gởi email thăm hỏi nhiệt tình. Hai vợ chồng 1 học sinh cũ, cuối tuần nghỉ làm thường đến đưa tôi đi ngoạn cảnh cho đỡ cô đơn tuổi già. Nhưng buồn thay, một thời gian sau em bị bệnh và mất dần trí nhớ. Tôi thường điện thọai thăm hỏi và một lần ghé thăm. Thày trò ngồi bên nhau, nói ít nhưng hiểu nhau nhiều. Tôi rất cảm phục sự săn sóc tận tình của vợ anh trong hoàn cảnh này ( Yêu nhau nên gọi là Mình- Thương nhau nên gọi thân tình Nhà Tôi) Dễ thương nhất, có em ở gần cứ vài tuần lại ghé thăm tôi, sửa chữa những việc lặt vặt trong nhà hay giúp chăm sóc vườn hoa sau nhà có đài kính Đức Mẹ.

Trong số các học sinh cũ, em Vũ Kim Tân ăn nói hoạt bát và rất năng động trong các kỳ họp bạn. Em thường ghé thăm sức khỏe tôi và tặng những cây nhà lá vườn. Tôi thành thực khen em :‘Giờ em đã vượt xa ông thày cũ rồi ! Em khiêm tốn trả lời : ‘ Cũng là nhờ thày hướng dẫn trong những buổi trần thuyết ngày xưa đấy !’

Nhưng rất buồn vì em đã ra đi ít tháng trước đây để lại thương tiếc cho ông thày cũ và các bạn đồng môn.

Tôi vui mừng vì nơi hải ngoại các học sinh trường xưa ở Việt Nam vẫn còn lưu giữ được truyền thống tốt đẹp ‘Tôn sư trọng đạo- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư- Tiên học lễ, hậu học văn’. Những tổ chức họp mặt đông vui để ghi ơn thày cũ và nối kết bạn học xưa trong không khí thân yêu đầm ấm.

Nhưng tôi lại buồn khi nhớ đến các em còn kẹt lại quê nhà, sống dưới chế độ Cộng sản tham ô ngu dốt làm băng hoại đất nước về mọi mặt và con cháu các em phải chịu một nền giáo dục vong bản đồi trụy : thày không ra thày, trò không ra trò, thày thì dụ dỗ trò vào đường tội lỗi, phụ huynh bắt cô giáo quì xin lỗi vì đụng đến con họ, học sinh bè phái du đãng đánh nhau trấn lột quần áo trước sự cổ võ của bạn học và sự bất lực của nhà trường.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một em ở bang xa Miền Đông báo tin vui có con vừa chịu chức Linh Mục và tình nguyện qua truyền giáo tại bên Lào. Tôi gởi lời chung vui và rất xúc động khi em chuyển những dòng tôi viết dặn

dò trước khi chia tay vào quân ngũ, trong cuốn Lưu bút cách đây hơn nửa thế kỷ em vẫn còn trân quí giữ lại.

Tôi xin dùng lại những dòng lưu bút này để kết thúc bài viết về Tình Thày Trò và cám ơn tất cả Các Em đã trao tặng tôi những cảm tình nồng ấm trong buổi xế chiều cuộc đời.

-Kỷ niệm trải bao năm tháng dài,

Thân tình trìu mến chưa nhạt phai,

Tuổi già chồng chất qua năm tháng,

Thày xưa bạn cũ vẫn nhớ hoài.

Cuộc đời bóng xế thong dong,

Thuyền đời lặng lẽ theo dòng thời gian.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG


Kính thưa Quý Thầy Cô thân mến,

Ngày hôm nay ở Việt Nam nhắc nhở là ngày nhớ ơn Quý Thầy Cô, đặc biệt là những nhà Giáo của thập niên 60, 70.

Xin kính chúc Quý Thầy Cô muôn điều tốt đẹp, được thêm nhiều niềm vui, sức khoẻ, bình an, hạnh phúc, nhất là được nhiều Ơn Thánh Chúa.

“Tuổi thơ con gọi Thầy Cô

Bạc đầu con vẫn thưa Cô thưa Thầy

Lấy chi đền đáp cho đầy

Tạ ơn Thiên Chúa, nhớ tình Thầy Cô”

Rất thân kính

Các học trò ngày xưa

Đại diện trò xưa: Agnes Hồng, Úc Đại Lợi