Thực ra, cho tới khi tiếp xúc với văn minh Hy Lạp, Kinh Thánh mới dùng một tiếng riêng để chỉ lương tâm. Thực vậy, người ta chỉ gặp thấy chữ syneidesis (Syn=với, oida=biết) ở Sách Giảng Viên 10:20 (Bản Nguyễn Thế Thuấn: dù với người quen, ngươi cũng chớ rủa Vua; nhưng bản Jerusalem Bible: Do not curse the king, even in thought) và sách Khôn Ngoan 17:10 (Bản Nguyễn Thế Thuấn: chúng đã ra như chết vì sợ, chẳng dám nhìn ngay cả không khí không tài nào thoát khỏi; Bản Jerusalem Bible: Wickedness is confessedly very cowardly, and it condemns itself; under pressure from conscience it always assumes the worst). Chữ này không gặp thấy trong các sách Tin Mừng, nhưng được Thánh Phaolô dùng nhiều nhất. Tuy nhiên, nội dung của từ ngữ này đã hiện diện trong toàn bộ Kinh Thánh (Theo Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà lạt, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh).



Thực thế, sự ray rứt lương tâm của Cain sau khi giết em là Abel đã được Kinh Thánh nhắc đến qua câu nói của chính hắn: “Tội tôi quá lớn làm sao có thể gánh nổi” (St 4:13), và đã được thi sĩ Victor Hugo của Pháp diễn tả như sau trong La Légende des Siècles: “Cain không ngủ được, nằm mơ dưới chân núi. Ngẩng đầu lên, nhìn bầu trời thăm thẳm, nó thấy một con mắt, đang mở lớn trong cõi vô minh, và chăm chăm nhìn nó trong bóng tối.

“Tôi đứng gần quá” nó nói với giọng run run... Nó lại bỏ chạy trốn. Nó đi ba mươi ngày, ba mươi đêm... và đã đến bờ biển. Con mắt vẫn theo nó. ‘Hãy che dấu ta đi’, nó van xin. Con cái nó mới giương một tấm màn bằng da... xây một bức tường bằng đá... ‘Con mắt đã biến chưa? – Không, nó vẫn luôn còn đó’. Lúc ấy nó mới nói: ‘Ta muốn xuống sống dưới lòng đất...Không gì sẽ thấy ta nữa; và ta sẽ không thấy gì nữa’. Người ta đã đào cho nó một huyệt sâu. Rồi nó đi xuống dưới vòm tối om ấy một mình. Khi nó vừa ngồi xuống chiếc giường trong bóng tối, và khi người ta đật nắp hầm trên nó, con mắt vẫn còn ở trong huyệt và nhìn Cain”.

Lương tâm chỉ có giá trị khi có tự do. Tự do chọn giữa cái này và cái nọ, tự do loại bỏ cái này mà không loại bỏ cái kia. Đây là việc ta có thể làm và làm hàng ngày. Tuy nhiên, có lúc việc lựa chọn này đòi hỏi nơi ta những hy sinh thật lớn lao, liên hệ đến chính sinh mạng mình. Như trường hợp Thomas More. Ông vốn là người tin cẩn của Henri VIII, Vua nước Anh, những ngày ông vua này còn mang danh hiệu “Người Bảo Vệ Đức Tin” do Đức Lêô X ban tặng. Nhưng “Người Bảo Vệ Đức Tin” này có điểm yếu mê đàn bà, nên đã bỏ vợ là Hoàng hậu Catherine Aragon để cưới nàng Ann Boleyn. Đơn thỉnh cầu chấp nhận cuộc hôn nhân tội lỗi này bị Đức Clêmentê VII từ chối. Thế là ông bèn ly khai khỏi Tòa Phêrô và tự xưng là “Thủ lãnh Tối cao của Giáo Hội Anh Quốc”, ra chiếu chỉ bắt mọi thần dân phải tuyên thệ phủ nhận mọi quyền hành của Đức Giáo Hoàng và phải công nhận cuộc hôn nhân của Ông với Ann Boleyn. Mọi người răm rắp tuân theo, kể cả Tổng Giám Mục Canterbury, duy chỉ có Thomas More chống lại, nhất định từ chối không chịu tuyên thệ. Ông dõng dạc tuyên bố trước phiên toà xử ông tại Lâu Đài Lambeth như sau: “Tôi không lên án lương tâm của những ai đã tuyên thệ... (Nhưng) theo lương tâm tôi, đây là một trong những trường hợp người ta không bắt buộc phải vâng lời các vua chúa, vì lương tâm tôi thấy sự thật từ một diện khác”. Kết quả, ông bị giam tại Tháp Luân Đôn 14 tháng và sau cùng bị chém đầu ngày 6-7-1535. Năm 1935, ông được Giáo Hội phong hiển thánh.



Hơn 300 năm sau, đó cũng là số phận của Franz Jaegerstaetter, một ông từ trong xứ đạo thuộc miền Thượng Áo. Franz từ khước gia nhập đạo quân giết người của Hitler trên nguyên tắc lương tâm nên đã bị bắt giam và sau cùng bị xử tử. Năm 1942, anh tuyên bố “chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta phải chịu là những công cụ của một sức mạnh hung dữ nhất, nguy hiểm nhất trên các sức mạnh xưa nay đã chống lại Kitô giáo hay sao? Tôi không thể tin điều đó được; không bao giờ tôi sẽ tin điều đó được”. Năm 1943, anh tâm sự với cha sở của anh như sau: “Vì những người Phát-xít đã dung dưỡng bao nhiêu sự kinh tởm, thì thà hy sinh mạng sống con ngay bây giờ còn hơn là dấn mình vào tội lỗi trước khi chết”. Anh bị Đức Quốc Xã chém đầu vào sáng 9-8-1943.

Lương tâm được nhiều người định nghĩa như là tiếng Chúa nói trực tiếp với mỗi người chúng ta. Nhưng ta có thể biến nó thành ngái ngủ say sưa hết còn có thể hướng dẫn hành động của mình. Đó là trường hợp Vua Đavít, cậu bé chăn cừu nghèo hèn đã được Chúa tấn phong ngôi vua. Nhưng vì một người đàn bà, nàng Bethsabê, lương tâm ông đã thành chập choạng, khiến ông đi tìm mọi cách để khỏa lấp tội ngoại tình đã gây ra cái bầu nơi nàng Bethsabê của mình: không dụ được chồng nàng là tướng Urya bỏ nhiệm vụ về ngủ với vợ, ông đã đẩy viên tướng này ra chỗ hung hiểm nhất của trận địa rồi bỏ rơi cho quân địch xé thây, và cướp luôn người vợ của kẻ xấu số. Lương tâm ấy nếu không được Chúa thương sai tiên tri Nathan đến đánh động thì chắc đã ngủ say mất rồi. Điều qúy nơi Đavít là ông đã chỗi dậy, nhìn nhận tội lỗi mình và quay vê với Đấng Nhân Từ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con theo lòng nhân nghĩa của Người, vì đức từ tâm hải hà, xin hãy xóa tội ác con đi! Lòng tà này, xin Người rửa sạch, lỗi lầm của con, xin Người luyện trong. Bởi chưng tội ác con, con xin nhận...” (Tv 51) (Theo Th. Rey-Mermet, Tin, Nhãn quan Mới về Luân lý).

Thái độ trên thật khác với thái độ của Cain trong La Légende Des Siècles, hoặc thái độ của Giuđa Iscariốt trong Tin Mừng. Sách Mátthêu kể lại: Bấy giờ Giuđa, kẻ nộp Người (Chúa Giêsu), thấy Người bị kết án, thì hối hận, đem trả lại 30 đồng bạc cho các thượng tế và hàng niên trưởng... đoạn đi ra thắt cổ” (Mt 27:3-5). Tâm lý học hiện đại coi mặc cảm tội lỗi thái quá ấy như một bệnh lý, một thất bại không giải thoát mình khỏi mặc cảm tội lỗi, một thứ neurosis tàn phá con người. Cụ thể, nó ngăn cản cả ơn thánh Chúa. Lời Chúa khiển trách Giuđa chính là ở khía cạnh này: “Thà nó đừng sinh ra” (Mt 26:24). Con người sinh ra để hưởng ơn Chúa, người không hưởng được ơn ấy thì đừng nên sinh ra. Ngược với thái độ cắn rứt lương tâm thái quá trên là điều tâm lý học hiện đại gọi là hiện tượng đè nén lương (repression of conscience), tức hiện tượng tìm cách đẩy cảm thức tội vào vô thức, ra khỏi vòng ý thức, để có thể tình bơ nói “không phải lỗi tại tôi”. Sách Cách Ngôn ví những người này như người đàn bà ngoại tình “ăn (vụng) rồi chùi mép nói: tôi chẳng làm gì quấy” (Cn 30:20).

Có điều câu chuyện không kết thúc đơn giản như thế. Vì lỗi còn đó, không phải hễ “không phải lỗi tại tôi” là lỗi tự động biến đi. Cho nên, chị em sinh đôi, hay mặt kia của đè nén lương tâm chính là đổ lỗi, được tâm lý học hiện đại đặt tên là phóng chiếu cái tội của mình lên người khác (Projection of one’s guilt upon others). Hãy nghe Ađam phóng cái tội của mình lên vợ và một cách khéo léo và gián tiếp lên Chúa: “Người đàn bà, mà Chúa đã ban cho tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn” (St 3:12). Nói cách khác, nếu Chúa chẳng cho tôi người đàn bà đó thì làm gí có cớ sự! Chúa phạt Ađam chưa chắc vì đã ăn trái cấm cho bằng vì đã đè nén lương tâm, không biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, và do đó, đổ lỗi lên người khác. Tiến sĩ Paul Tournier, trong Vraie ou Fausse Culpabilité, cho hay “Điều nghịch lý lạ lùng trong mỗi trang Tin Mừng mà chính ta có thể kiểm chứng hàng ngày là không phải tội làm cản trở ơn thánh như các nhà đạo đức giả định. Ngược lại, chính là sự đè nén tội, sự tự biện minh, sự tự coi mình là công chính và sự quá tự hào về mình làm cản trở ơn thánh Chúa” (Xem Dr Paul Tournier, Guilt & Grace, các trang 134-141).