Theo định nghĩa, ánh sáng là dạng vật chất do vật phát ra hoặc phản chiếu trên vật nhờ đó mắt có thể cảm thụ mà nhìn thấy vật ấy. Phần lớn các sự vật được ta nhìn thấy là do chúng phản chiếu ánh sáng từ một nguồn sáng nào đó. Mặt trời là nguồn chính của ánh sáng tự nhiên. Các vì sao cũng phát ra ánh sáng, nhưng vì ở quá xa, nên chỉ một phần ít ánh sáng của chúng đến được tới ta. Ánh sáng từ Mặt Trời cần 8 phút để đến Trái Đất, nhưng ánh sáng của các vì sao có thể cần đến nhiều năm ánh sáng mới tới được đến đây. Việc đo lường vận tốc ánh sáng được thực hiện lần đầu năm 1676 do Ole Roemer, một nhà thiên văn học người Đan Mạch. Biểu thức của vận tốc ánh sáng là
C=186,281 dặm (hay 299,792.80 Kilômét) một giây (Theo Encyclopedia Britanica).
Không lạ gì khi người con thứ ba, trong câu truyện “Chia sẻ Ánh sáng Cứu độ” (Lẽ Sống, tr.101), vừa bật que diêm để đốt vào cây nến, thoáng một cái, căn phòng đã) đầy ánh sáng. Bản chất của ánh sáng, vì vậy, là truyền đi thật nhanh để nhiều người cùng thấy. Thấy gì? Tất nhiên là thấy sự vật. Về vấn đề này, xin mời các bạn nghe câu truyện Khác biệt Giữa Ngày và Đêm sau đây:
“Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: ‘làm thế nào là đêm đã tàn và ngày bắt đầu?’.
Một đệ tử trả lời như sau: ‘khi ta thấy một con thú từ đàng xa và ta có thể nói: nó là con bò hay con ngựa’. Câu trả lời không làm đạo sĩ ưng ý chút nào. Đệ tử thứ hai mới lên tiếng: ‘khi ta thấy một cây lớn từ đàng xa và ta có thể nói: nó là cây xoài hay cây mít’. Đạo sĩ cũng lắc đầu không ưng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau: ‘khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong người đó là lúc đêm tàn và ngày bắt đầu’”.
Ánh sáng thế gian mà Chúa Kitô muốn nói chắc chắn là thứ ánh sáng theo nghĩa ban ngày của nhà đạo sĩ trên đây. Bình luận về câu truyện trên, Soạn giả Lẽ Sống viết như sau: “Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy Hình Ảnh Thiên Chúa nơi một người cũng như phẩm giá vô cùng cao quí của người đó. Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh, và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn...” (Lẽ Sống, tr.165-66).
Làm ánh sáng thế gian nhiều khi cũng có nghĩa là ta cần tránh sang một bên, để chính nguồn sáng Mặt Trời tự chiếu rọi trên chính người anh em như câu truyện về Diogène: “Triết gia Diogène nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trên đời, thế nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn sơ nghèo nàn. Ông sống trong một cái thùng, ngày ngày nằm đọc sách nhờ ánh sáng qua lỗ hổng ở vách thùng. Cơ nhgiệp của ông chỉ có một cái bát gỗ dùng để múc nước sông mà uống... Vua Hy Lạp nghe biết ông là người hạnh húc nhất đời bèn tìm đến tận nơi để thăm. Thấy ông đang nằm đọc sách, nhà vua lại gần để hỏi xem ông có cần gì không. Diogène không trả lời. Nhà vua hỏi vặn nhiều lần, ông điềm tĩnh trả lời như sau: Hạ thần muốn xin bệ hạ một điều và chỉ một điều mà thôi: xin bệ hạ hãy tránh ra để hạ thần có đủ ánh sáng mà đọc sách” (Lẽ Sống, tr.432).