CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN

HOÀNG HẬU PARAMECVARI  


 Nguyễn Ngọc Danh

          Từ bao nhiêu thế hệ và cho tới hôm nay, tât cả mọi đứa bé  đước sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương đều được học về lịch sử của nước mình bằng hai phương thức : Truyền khẩu và sách vở.  Trong đó thường được nghe kể những chuyện tình sử cao đẹp hoặc bi thương của các danh nhân, anh hùng, liệt nữ.  Trong giòng lịch sử nước ta cuộc tình vương giả vào thời đại nhà Trần giữa Vua Champa Chế Mân (Jaya Simhavarnam III) và Công chúa Trần Huyền Trân được nhắc nhở, thêu dệt nhiều nhất và cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực trong thơ, văn của cả hai dân tộc Việt - Champa (Chiêm Thành).

         Tôi cũng như hàng chục triệu đứa bé được nuôi dưỡng và lớn lên theo giòng sinh mệnh nổi trôi của dân tộc. Một dân tộc chịu quá nhiều bức bách, nhục nhã, khổ đau.  Một dân tộc mà theo ông Passi nhận định trong cuốn Ngươi Việt Đáng Yêu của Doãn Quốc Sỹ :  Họ vừa ăn vừa chạy, vừa chiến đấu để bảo vẹ, vừa mở mang bờ cõi.  Họ không có thời giờ để nghỉ ngơi, Thảng hoăc nếu có thì cũng chỉ vừa đủ để họ mài nhọn lưỡi cày để khai khẩn thêm đất đai và mài nhọn mũi giáo để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ trong tương lai.  Tiền nhân của họ chỉ nghĩ tới thanh bình, hạnh phúc cho dân tộc. Do đó trong suốt chiều dài của lịch sử và giang sơn của họ không thấy một kiến trúc hay một công trình đồ sộ nào.  Vì tiền nhân của họ đã nhận thức được rằng công trình kiến trúc càng đồ sộ bao nhiêu, to lớn bao nhiêu thì máu xương và đau khổ của đồng bào họ cũng chất chồng cao tới bấy đó.  Hãy nhìn đi! nơi nào có nhiều cung điện xa hoa tráng lệ, đền đài cao ngất rực rỡ thì chúng ta biết ngay nơi đó là chỗ để lại dấu vết đậm nét nhất của một thời kỳ nô lệ. Chính mỗi viên gạch, mỗi vữa hồ là những giọt mồ hôi, nước mắt, là xương thịt và thống khổ của người dân vô tội. Theo ông, chúng ta là con dân của nươc Việt đừng bao giờ mang mặc cảm vì quốc gia mình không có những đền đài nguy nga tráng lệ, nhưng hãy hãnh diện vì tiền nhân chúng ta đã sáng suốt, họ không vì cái hào nhoáng vật chất ấy mà để lại cái di hại muôn đời cho con cháu, nếu không muốn nói là hiểm họa diệt vong. Cái gương của Chiêm Thành vẫn còn đó.

      Chính vì vậy mà chúng ta đã thoát khỏi bị diệt vong trong suốt thơi gian bi đô hộ 1000 năm bởi dân tộc Trung Hoa, một dân tộc hùng manh và có nền văn hóa rực rỡ nhất thời trung cổ. Một nền văn hóa có một sức thẩm thấu đến lạ lùng mà ngay những kể chiến thắng và cai trị họ như Mông Cổ, Mãn Châu cùng đã bị họ đông hóa.

    Và lẽ dĩ nhiên tôi cũng được hun đúc bằng một thứ tình yêu chân thành, lãng mạn  đầy huyền thoại của tổ tiên.  Từ đó theo tuổi đời lớn lên tôi đươc đọc, được nghe kể nhiều truyên tình sử.  Trong đó mối tình vương giả Việt Chiêm đã để lại trong tôi một nỗi băn khoăn, ray rứt.   Nên tôi có ý đọc  và lục lọi lại ký ức tất cả những chuyện tình sử của cả Trung Hoa và Việt Nam trước là để thỏa mãn tính tò mò và  sau đó để xem mình có thể tìm ra được những uẩn khúc nào chăng.  Chính điều này mà bài viết hôm nay đang được nằm trong tay quý độc giả.

         Theo chính sử :  Vua Trần nhân Tôn sau khi đập tan hai cuộc xâm lăng của đại đế quốc Mông Cổ.   Vào năm Quý Tỵ (1293) ngài nhường ngôi cho con là thái tử Trần Thuyên tức vua Trần Anh Tôn để lên làm Thái Thương Hoàng. Ngài về ở ẩn tại Thiên Trường là nơi an nghỉ của vua chúa nhà Đông A. Ngài ngộ đạo, quy y rồi vào tu tại chùa Võ Lâm thuộc phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sau đó về Yên Tử Sơn cùng sư phụ là Quốc sư thiền sư Phù Vân lâp lên phái thiền tông Trúc Lâm.  Mặc dù đã quy y cửa Phật, nhưng trái tim Bồ Tát của ngài vẫn còn lo tới sự an lạc và hạnh phúc lâu dài cho quê hương dân tộc.  Đứng trước nạn lầm than nô lệ mà phương bắc Trung Quốc lúc nào cũng muồn đặt lên đầu lên cổ của dân tộc, cái kế sách hay nhất và lâu bền nhất mà ngài phải nghĩ tới là hòa hoãn với quốc gia lân bang phái Nam là Champa (Chiêm Thành), một quốc gia  có quá nhiều tranh chấp đầy xương máu của hai dân tộc. Nên vào năm 1301 ngài lên đường hành trình về phương Nam đến đât Chiêm.   Trong cuộc hội ngộ giữa Thiền sư Thái thượng hoàng Đại Việt và Vua Chiêm, ngài hứa gả Huyền Trân công chúa cho Vua Chế Mân.  Từ đó Chế Mân đã dâng rât nhiều vàng bạc, châu báu làm sính lễ, nhưng Trần triều nhiều người đã không bằng lòng về cuộc hôn nhân này nên nhất quyết từ chối.  Việc dằng co này mãi cho tới sáu năm sau (1306) vua Chế Mân dâng thêm hai châu : Châu Ô và Châu Lý để làm sính lễ khi ấy nhà Trần mới bằng lòng. Mùa xuân năm 1306 Huyền Trân công chúa lên đường về Chiêm Thành.  Khi qua Chiêm, Huyền Trân được phong làm hoang hậu Paramecvari. 

    Đoc tới đoạn lịch sử này hồn tôi trào dâng lên niềm cảm xúc xâu xa cho những tâm hồn vì đại nghĩa của dân tộc nên đã làm bài thơ:

 

                       TÌNH VỀ NƯỚC NON

                      Lên đền hỏi thần Kim Quy

 

                        Dấu xưa lông ngỗng? - Đường về Cổ Loa?

                        Mỵ Châu hận nước thù nhà

                         Nhát gươm Thục Đế - Máu hòa biển Đông

                         Phong Châu hỏi chú tiểu đồng :

                         Đường về cổ miếu bên giòng Hát Giang?

                        Dưới trăng hồn khách mơ màng

                        Tiếng quân Nam Hán - Bóng nàng Trưng Vương.

                          Hoa xuân rơi trước Phật đường

                         Thiền sư quên hết phố phường - hoàng cung

                         Tình riêng thả xuống vô cùng

                         Chỉ còn tình nước bận lòng quân vương

 

                        Trống chiêng võng lọng lên đường

 

                        Đưa người về nẻo dặm Trường Sơn xa

 

                        Huyền Trân ơi! Đất Champa

 

                        Hiên chùa Yên Tử hồn cha nghì trùng

    

 Cuộc tình chưa được một năm, vào tháng 5 năm 1307 Chế Mân băng hà. Cái chết này theo một số bài viết của người Chăm trong các đặc san tôi đang có thì nó đầy bí ẩn và đáng nghi ngờ. Và lẽ dĩ nhiên điều nghi ngờ ấy họ nhắm vào Huyền Trân, một con dâu ngoại tộc. Lịch sử không để lại dấu vết, nên không có một chút ánh sáng nào soi rọi vào thì sự kiện lịch sử chỉ là một số giả thuyết đầy tính cách nghi ngờ mà thôi. Họ có quyền đặc dấu hỏi nhưng đúng hay sai chẳng có sách vở và sự kiện nào chứng minh điều này.

        Theo tục lệ Chiêm Thành, cũng là tục lệ của giaó phái Balamôn, vua chết thì phải hỏa thiêu và các hoàng hậu cũng phải lên dàn hỏa với vua cùng một lúc để thể hiện lòng trung thành.   Được tin này vua Trần Anh Tôn (Anh ruột của Huyền Trân) không muốn em mình bị thiêu nên vào tháng 10 năm ấy sai Trần khắc Chung vào tìm cách giải cứu. Cuộc giải cứu thành công, nhưng không biết vì lý do gì mà thuyền của hai người phải mất một thời gian khá lâu mới về tới Thăng Long. Tới đây thì sự việc qua các sử sách cũng như lời truyền khẩu bắt đầu có những dị biệt.

 Theo Việt Nam Sử Lược của Trần trong Kim. Vì là cuốn sử lược nên ông chỉ kể sơ lược về việc gả Huyền Trân cho Chế Mân mà không đề cập tới chuyện tình và khoảng thời gian Trần Khắc Chung và Huyền Trân Trở về cố quốc.

 Theo Việt Sử Tâm Biên của sử gia Phạm Văn Sơn phần chú thích: Bên lề lịch sử, ta còn thấy kể chuyên tình duyên giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân trước khi nàng vượt giải Hoành Sơn sang Chiêm quốc. Sau này Trần Khắc Chung được dịp sang thi hành một kế đưa Huyền Trân về nước. Đáng nhẽ nàng phải lên dàn hỏa để trọn nghĩa cùng quốc vương theo phong tục bản quốc (Phong tục này là phong tục của tất cả mọi dân tộc theo văn hóa Ấn Độ). Trân Khắc Chung cùng nàng đã lênh đênh trên mặt nước, và con thuyền đến hơn một năm mới trở về Thăng Long, kể ra cuộc hành trình không đầy ba tháng bằng đường  biển từ Đồ Bàn (Bình Định,Qui Nhơn) tới kinh đô Thăng Long nên cũng bị nghi ngờ là có chuyện Hoa xưa ong nọ       ( VSTB tr 275 phần chú thích).

        Theo sách Toàn Thư và Cương Mục thì Trân Khắc Chung và Huyền Trân tư thông với nhau trên đường về nên thuyền của hai người đã loanh quanh, chậm chạp rất lâu mơi về tới Thăng Long.

    Theo cuốn Những Kỳ Án Trong Việt sử của sử gia Trần Gia Phụng thì khi hay tin Chế Mân chết Vua Trần Anh Tôn lo ngại cho số phận em gái mình, nên tháng 10 năm đó sai Trần Khắc Chung qua Chiêm kiếm cách giải cứu Huyền Trân. Qua triều đình Chiêm Thành viếng tang, Trần K Chung nói rằng: Công chúa hỏa táng thì không có ai làm chủ đàn chay chi bằng cho công chúa ra ngoài bãi biển chiêu hồn chúa công (chỉ Chế Mân) cùng về, lúc ấy sẽ lên dàn thiêu là tiện hơn cả. Người Chiêm thành tin thật, đồng ý đưa Huyền Trân ra bãi biển làm chủ lễ chiêu hồn. Chính lúc này thuyền của Đại Việt đến cướp Huyền Trân đưa về Nước. (NKÁTVS tr 35)

    Câu chuyên này càng đi vào chi tiết chúng ta càng thấy nhiều mâu thuẫn.   Để tìm hiểu rỏ chân tướng của sự thực, chúng ta cần phải tháo gỡ từng mối một của những câu văn không rõ ràng, đôi khi khá hàm hồ. Xét lại những câu chuyên bên lề qua cửa miệng của dân gian hầu như thiếu hẳn sự trung thực, hoặc có thể có ngầm ý thật thâm hiểm của kẻ thù muốn  gây chia rẽ và đào sâu mối hận thù giữa hai dân tộc mà chúng ta hoàn toàn không nhận thức được. Rồi cho mãi tới hôm nay cái điều xót xa, cay đắng ấy vẫn được mọi người Việt chúng ta chấp nhận một cách đương nhiên, không thắc mắc, không bàn cãi. Để đem lại sự trung thực, giảm bớt đi sự hiềm kích của hai dân tộc, rửa đi cái vết nhơ nhục nhã cho Trần Khắc Chung và Huyền Trân người con gái trinh trắng thơ ngây, vị công chúa và cũng là hoàng hậu bạc phước, người con yêu của hai dân tộc Việt Chiêm đã vì hiếu vì dân tộc đem tình yêu và thân xác mình làm khí cụ bình yên cho trăm họ. 

          Nhưng theo tinh thần trình bày trong Toàn Thư và Cương Mục nêu trên Huyền Trân và Trần K Chung là những kẻ gian phu dâm phụ.  Cái nhơ nhuốc mà Toàn Thư và Cương Mục đổ lên đầu Huyền Trân và Trần Khắc Chung cũng là một điều xỉ nhục cho quốc thể của hai dân tộc Việt-Chiêm. Nguồn sử liệu này từ đâu mà có?   Hay cũng chỉ là những ước đoán vu vơ, nhưng lại được đưa vào chính sử với những câu văn chắc như đinh đóng cột. Chân giả như thế nào? Cái luồng gió đủ lực làm tan đi đám bụi mù này là phải tìm hiểu cho ra chân trướng Trần Khắc Chung, Ông là ai?   Tuổi tác, thân phận ra sao?  Việc đưa Huyền Trân về như thế nào?  Chúng ta hãy đi từng bước để đem lại sự trung thực cho lịch sử.

       Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, người làng Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương. Khi quân Nguyên xâm lấn nước ta lần thứ hai năm 1285. Ô Mã Nhi đem môt cánh quân thọc thẳng vào Thăng Long, và giải cứu được ba sứ giả nhà Nguyên đang bị trói và cầm tù, trong đó có một người đã bi chết. Quá tức giận và để trả thu, Ô Mã Nhi ra lịnh tàn sát hết tất cả mọi người trong thành Thăng long không trừ một ai dù chỉ là một em bé. Tin tức này lọt tới tai vua quan nhà Trần làm rúng động tâm hồn vua Trần Nhân Tôn, ngài vốn là người có một tâm hồn nhân hậu thương yêu dân chúng như con mình. Chính vì vậy nên khi lên ngôi vua ngài lấy danh hiệu là Nhân Tôn. Đứng trước sự việc đau lòng này vì quá thương người dân vô tội nên ngài có ý xin hàng để cứu mạng sống cho dân chúng. Khi đưa ý kiến này hỏi Trần Hưng Đạo. Hưng Đạo Vương trả lời: Bệ hạ vì thương dân mà nghĩ vậy, còn sơn hà xã tắc thì sao?  Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã.  Được sự trợ giúp bởi tinh thần quật cường và lòng yêu nước vời vợi của một chủ soái vừa là nhạc gia của mình Ngài bỏ ý định đầu hàng.  Nhưng để thi hành kế hoãn binh và thăm dò tình hình địch, Ngài muốn sai một người qua trại quân Nguyên thương lượng. Đỗ Khắc Chung tình nguyện ra đi.  Khắc Chung đối đáp thật cứng cỏi với Ô Mã Nhi. Vua Nhân Tông rất hài lòng, nên sau khi chiến thắng quân Nguyên, Trần Nhân Tôn ban cho ông quốc thích (họ nhà vua). Từ đó ông được gọi là Trần Khắc Chung. Trần Khắc Chung được thăng quan tiến chức dần dần.   Tháng 12 năm 1299 ông lên làm Đại an phủ sứ kinh đô, tức vị quan đứng đầu Lộ kinh thành Thăng Long.

      Qua đôi giòng sử liệu trên năm 1285 là một dấu móc rât quan trọng của lịch sử Việt Nam không thể nhầm lẫn được. Vậy 1285 Trần Khắc Chung tình nguyện sang thuyết dụ quân Nguyên cũng không thể sai lầm được. Vào năm 1285, Trần Khắc Chung có thể chỉ là một vị quan nhỏ như Cưủ Phẩm mà ta thường gọi là quan hạt mè trong triều đình.   Nhưng để đảm trách công việc đi thuyết dụ một đại kình địch chắc chắn ông phải là một quan văn có tài ăn nói, đầu óc đầy mưu trí đảm lược, và để tỏ lòng kính trọng đôi phương, kẻ thuyết khách phải là một vị quan ít nhất từ 20 hoặc 30 tuổi trở lên.  Nếu giải thuyết này được chấp nhận thì ta lấy năm 1285 trừ đi số tuổi của ông khi đó là 30 tuổi ( 1285- 30 = 1255) tức ông sinh năm 1255.   Hoặc Trân Khắc Chung khi đó còn rất trẻ khoảng 20 tuổi. Ta lấy năm 1285 trừ đi 20 tuổi (1285-20 = 1265 ) tức ông sinh năm 1265.   Như vậy Đỗ Khắc Chung sinh vào khoảng giữa 1255 và 1265 trở lên.  Tới đây chúng ta tạm chấp nhận năm sanh trẻ nhất của Trần Khắc Chung là 1260.

(còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Danh