Chứng nhân trực tiếp về một ngày lễ có một không hai trong lịch sử nhân loại:

Tang lễ Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Lập tức sau khi được tin Đức Thánh Cha về với “nhà Cha” trên trời hồi 2 giờ 37 phút sáng Chủ nhật giờ Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thành lập một phái đoàn các Giám Mục đi dự tang lễ gồm có Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục giáo phận Nha Trang, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Hồng Y J. B. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục giáo phận Saigon. Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, có Cha chính giáo khu Hà Nội Giuse Đặng Văn Ngân đi tháp tùng. Đức Cha F.X. Nguyễn Văn Sang Giám Mục giáo phận Thái Bình. Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến Giám Mục giáo phận Phát Diệm. Đức Cha giáo Giuse Hoàng Văn Tiệm Giám Mục giáo phận Bùi Chu, ngoài ra có một số cha thuộc giáo phận Saigon, đi tháp tùng Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Được chia làm hai đoàn khác nhau đi vào ngày thứ tư (5/4/2005) và cùng tới sân bay Fiumincino Rome buổi sáng cùng ngày: 7 giờ 30 phút giờ Roma.

Phái đoàn được đón tiếp thân tình do Đức Ông Đaminh Vũ Văn Thiện và một số linh mục nam nữ tu sĩ.

Trời Roma se lạnh, nhiệt đô tới 6 độ bách phân, nhưng rét ngọt chứ không rét buốt như ở miền Bắc năm nay. Đức Hồng Y và Đức Cha Hòa được Đức Hồng Y tổng Trưởng bộ truyền giáo mời ở tại trường truyền giáo để tiện việc họp bàn về tang lễ Đức Thánh Cha còn tất cả chúng tôi đều được xe đưa về nghỉ tại nhà Foyer Phát Diệm. Chúng tôi dùng bữa sáng và bữa trưa với món ăn Việt Nam rất hợp khẩu vị.

Ngay buổi chiều chúng tôi tổ chức đi viếng xác Đức Thánh Cha đang quàn tại đền thờ Thánh Phêrô.

Cuộc chuyển linh cữu của Ngài vào Đền Thờ cũng rất long trọng và cảm động. Các đài truyền hình quốc tế C.N.N B.B.C v.v… đã trình bày đầy đủ và ở Việt Nam rất nhiều người đã được xem truyền hình qua máy thu hình.

Nói tới cuộc viếng xác Đức Giáo Hoàng lần này thật là một quang cảnh chưa từng có. Trong 3 ngày xác được quàn tại Đền Thờ, đám đông mới tới hơn 1 triệu người lần lượt xếp hàng trật tự, không ai chen lấn.

Các Linh Mục nam nữ Tu sĩ cũng xếp hàng với giáo dân từ cuối đường hòa giải vào sân Đền Thờ và đám đông ở các ngõ ngách chúng quanh cũng tới làm thành một con rắn khổng lồ, nhúc nhích tiến về sân Đền Thờ và vào trong Đền Thờ.

Các vị đã kể lại phải xếp hàng 3 ngày mới được viếng xác. Các vị đứng trức từ sáng đến trưa mới đi được vào chục mét.

Nước uống miễn phí phát cho mọi người tới 3 triệu chai mỗi ngày. Trật tự vệ sinh rất bảo đảm, các binh lính cảnh sát công an, chìm nổi gần cả trên mười ngàn người rải rác khắp nơi trong Đền Thờ, chung quanh Đền Thờ các hang cùng ngõ hẻm ở Roma.

Các nhà vệ sinh lưu động được đặt khắp nơi và bảo đảm công bằng cho người xếp hàng, ai cần đi vệ sinh, phải giơ tay lên sẽ có nhân viên trật tự tới dẫn đi, xong việc lại dẫn tới đứng hàng lối người đó đã xếp hàng.

Phái đoàn các Giám Mục Việt Nam được chở bằng xe hơi tới trứơc cửa nhà nguyện Phaolô phía ngoài con đường Fornace rồi để xe đi bộ vào bên cạnh đền thờ, chờ phái đoàn Đức Hồng y và Đức Cha Hòa đi họp về, rồi làm thành một phái đoàn được đặc cách qua cửa hông Đền Thờ.

Chỉ các Hồng y, Giám Mục và các vị lãnh đạo chức quyền đạo, đời mới được đưa đi vào lối ấy, còn đám đông khác phải xếp hàng từ đường Hòa Giải và nhích gần tới nơi quàn xác. Mọi người được đi quanh nơi quàn xác, không được dừng lại… hàng nghìn chiếc máy ảnh, cả điện thoại di động được giơ lên, cố gắng ghi hình ảnh người Cha Chung nhân lành đang nằm nghỉ trước mặt họ.

Chúng tôi được dẫn vào khu vực quàn xác Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mặc phẩm phục đỏ: Biểu hiện sự chiến thắng vinh quang như các vị Tử Đạo, đầu đội mũ gầu màu trắng đơn giản đang cầm gậy để dọc suốt bên xác. Chân đi giầy mầu nâu.

Ngài nằm đó như đang ngủ giấc bình an, da mặt xam xám, mầu sáp, môi mím lại như khi ngài còn sống biểu lộ thái độ suy tư sâu sắc.

Đức Thánh Cha Gian Phaolô II của tôi như đang ngủ trước lòng sùng mộ vô biên của đám con cái vây quanh.

Tôi quì xuống trên trên nhìn vào dung nhan bất động của Ngài, tâm trí đang sống lại những giây phút vô cùng quí báu với Ngài.

Từ giây phút đầu tiên trên Quảng Trường Thánh Phêrô, nhìn đám khói trắng phụt lên bầu trời chứng kiến sự ra mắt đầu tiên với đám dân chúng la hét hoan hô nhất là dân Ba-lan vui mừng vì Giáo Hội có Giáo Hoàng mới.

Tới những lần được trực tiếp ngài đối diện với Ngài trong các bữa ăn mà Ngài đã dành cho tôi một nửa chiếc bánh gatô “để ăn cho chóng lớn”. Đến những lần dự hội nghị các buổi họp Thượng Hội Đồng về Giáo Dân và về Á Châu, tôi thường được Ngài chú ý hỏi han nhiều điều về Việt Nam. Sau các cuộc họp dịp lễ lá năm 2003; Đại Hội Giới Trẻ ở Roma tôi vô tình được diễm phúc đứng bên Ngài cùng với 5 vị Hồng Y đồng tế. Ngài đã ban hôn bình an cho tôi trong Thánh lễ và sau đó khi tôi quì dưới chân ngài, ngài đã ghi dấu Thánh Giá trên trán tôi, miêng lẩm bẩm: Việt Nam, Việt Nam. Những kỉ niệm trên làm trong tôi là những dòng lệ muốn tràn ra khỏi mắt, may sao tôi giữ lại được.

Tuy tôi cũng mang theo máy ảnh mà không sao giơ lên chụp được hình ảnh Ngài. Các vị khách quí tới viếng xác ngài dần dần tới đông, chúng tôi bảo nhau ra về nhường chỗ cho các ngài.

Ra khỏi khu vực Đền Thờ tìm chỗ lên xe chúng tôi còn thấy đám đông các lữ khách kéo đến xếp hàng ngày càng đông. Họ sẵn sàng qua đêm trên các hè phố vây quanh để xếp hàng tới chiêm ngưỡng xác Đức Thánh Cha.

Hôm sau ngày thứ 5, chúng tôi tụ họp tại nhà nguyện của văn phòng phối kết mục vụ của Đức ông Đinh Đức Đạo dự lễ phát tang của cộng đoàn Tu sĩ Roma, sau đó cùng đồng tế với Đức Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

Buổi tối trước khi xuống khỏi đồi Gianiculô, tôi được chứng kiến cảnh hàng trăm nhà báo, hàng trăm phóng viên, các hãng truyền hình lớn tụ tập trên các đỉnh đồi, họ thúc các nhà ở trên đồi, đặt các thiết bị, máy móc, đặt các văn phòng làm việc suốt đêm ngày, để tường thuật tin tức, hình ảnh nóng hổi về các lễ tang Đức Thánh Cha.

Các hãng CNN, MBC, BBc, FDC, TUS, RAI v.v…. đều có mặt không kể các hãng khác đặt văn phòng máy móc chung quanh sân Đền Thờ Thánh Phêrô suốt con đường Hòa Giải tới đền thờ.

Hôm sau ngày thứ 6 (8/4/2005) ngày cử hành chính đám tang Đức Giáo Hoàng Gioan PhaolôII vào hồi 10 giờ sáng tại sân quảng trường Thánh Phêrô.

Từ 4 giờ sáng tất cả các phố xá ăn thông tới Quảng trường, cả con đường Hòa giải trước sân đền thờ dài tới 2 Km ăn thông ra tận bờ sông Tibre đều đặc kín những người cho tới đúng lúc hành lễ con số lên tới kỷ lục khủng khiếp. Nguyên khách đến từ Ba-lan khoảng 2 triệu cộng cả du khách từ các nơi (xa xăm nhất là Việt Nam cũng đã tới vài nghìn) con số không ai tưởng tượng được là năm triệu rưỡi người, không kể hàng tỉ người theo dõi qua các buổi truyền hình trên khắp Thế Giới, nguyên ở sân đền thờ cũng có 27 màn ảnh lớn để mọi người theo dõi.

Chúng tôi xuất phát từ nhà lúc 7 giờ 30 phút. Toàn bộ xe hơi bị cấm cách Đền Thờ 5 Km, chỉ có khách bộ hành và xe mô tô xe máy được lưu hành tới khu vực cách đền thờ 3km. thế là chúng tôi y phục Giám mục chỉnh tề đành đi bộ. Riêng tôi cảm thấy đôi chân nhức nhói đã hai ngày nay song tôi cũng cố gắng lê bước để nói như Thánh Phaolô “được bù đắp vảo cuộc thương khó của Ngài” đã chịu trong những ngày cuối đời Giáo Hoàng.

Tới khu vực cách Đền Thánh 3 km mọi người phải xuống khỏi xe đi bộ giữa hai bên hàng rào quân đội, cảnh sát, công an chìmn nổi. Vũ khí, điện thoại di động dắt đầy người song không thấy loại vũ khí nặng hay xe bọc thép nào có thể gây ấn tượng cho những người đi dự đám tang. Thỉnh thoảng còi hụ nổi lên kêu gọi dành cho đoàn xe các lãnh tu, Hoàng thân quốc thích của các nước trên Thế Giới, có xe công an hộ tống được vào sân Vatican, để sau đó sẽ được đưa tới nơi dự lễ.

Chúng tôi nhập đoàn với số lớn các Giám Mục từ khắp nơi trên Thế Giới mặc phẩm phục gọn gàng, cùng phái đoàn Thượng và Hạ Nghị Viện Balan mang cờ Tổ Quốc tới dự lễ.

Các khách nếu là Giám Mục và chừng 500 cha xứ ở các giáo phận Roma mới được ngồi trên sân trong đền thờ và dự lễ. Còn các vị khác dự lễ là Linh mục nam nữ Tu sĩ được một chỗ đứng ở Quảng trường đã là may lắm rồi. Các Hồng Y sẽ đồng tế và ngồi ở sân trên cùng. Các Hoàng Thân Quốc thích, các nguyên thủ quốc gia, ngồi ở sân 2 đối diện với các Giám mục, nhưng khoảng cách chừng 200 m.

Các Giám Mục Việt Nam được mời tới chỗ các Giám mục dự lễ. Chung quang trên là các vị người da đen hỏi ra mới biết là các Giám mục Su-dăng nói tiếng Anh, dự định gặp Đức Thánh Cha và đi viếng mộ hai thánh Tông Đồ. Đức Thánh Cha qua đời các ngài phải ở lại chờ Giáo Hoàng mới. Tôi cũng gặp một số các Giám mục quen biết như: Hồng Công, Singapo, Thái lan, Pakistan v.v…

Trời Rôma hôm nay âm u lành lạnh nhưng khô ráo không mưa, đôi lúc hửng nắng. Vào khoảng 9 giờ các quan khách kéo đến, họ được một vị trong ban lễ tân hướng dẫn đi ra từ trong đền Thờ, tới sân lại được Đức Hồng Y quản trị nhà Đức Giáo Hoàng tiếp đón tại sân 2, rồi các vị lễ tân y phục chỉnh tề dẫn đưa họ tới chỗ ngồi bên cạnh Đền Thờ đối diện với các Giám Mục song khoảng cách tới 30 mét. Khi các vị nguyên thủ có tiến tới sân Đền Thờ mọi người đứng lên nhìn ngó. Ví du: hai cha con ông Bush tổng thống Mỹ, cựu tổng thống Bill Clinton, Tổng thống Pháp Chirac, thủ Tướng Anh Blair, vua I-ran, vua Tây Ban Nha. Các thủ tướng Nhật bản, Đại hàn, Dothái v.v… nói chung chừng 200 thủ lãnh các nước tới dự.

Tôi đứng trên sân 2 của Đền thờ nhìn xuống đám đông như biển cả mênh mông, cả một rừng cờ các nước vẫy lên, trong đó cờ Balan nhiều nhất. Thỉnh thoảng họ la lên: “cho mang xác Đức Thánh Cha về chôn cất tại Balan, phong thánh ngay cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”. Tiếng họ vỗ tay trước quảng trường đông nghẹt rào rào nghe vang động từ xa như những tiếng sóng rì rầm vỗ vào bờ cát. Nhìn lại sân thượng 2 bên hàng cột Bellini cũng đông nghẹt những người, các máy ảnh từng ngàn từng ngàn thi nhau lóe sáng.

Trước lễ, trong đền thờ diễn ra nghi lễ nhập quan. Xác Đức Thánh Cha trong quan tài bằng kẽm được đặt vào quan tài bằng gỗ thông mộc mạc. Khi đóng nắp có sự hiện diện của Đức Hồng Y Thủ Trưởng, các Đức Hồng Y theo Phẩm trật (Giám mục, linh mục, phó tế) v.v… một số Giám Mục thân cận như Đức Cha thơ ký riêng của Đức Giáo Hoàng và một số họ hàng thân thích. Đức Cha thơ kí đặt mảnh vải trên mặt Đức Thánh Cha và một túi đựng 26 đồng tiền tượng trưng cho 26 năm Giáo Hoàng. Sau cùng quan tài được niêm phong bằng Ấn tín Bộ Phụng Tự.

Đúng 10 giờ chuông đến Thờ Thánh Phêrô nổi cung sầu, đám rước đồng tế bắt đầu đi ra từ trong đền thờ. Thánh Giá nến cao và khoảng 125 Hồng Y trong Phẩm phục mầu đỏ; biểu tượng sự vui mừng tạ ơn. Đó là điều Giáo Hội ngày nay đang dạy người tín hữu: Vui mừng tạ ơn vì Chúa đã ban cho chúng ta vị Giáo Hoàng nổi tiếng và cho Ngài tiến về nhà Cha Trên Trời.

Trong số các Hồng y đồng tế, tôi nhận ra Đức Hồng Y Việt Nam Gioan B. Phạm Minh Mẫn, dáng người cũng cao to không khác gì mấy Hồng Y người Âu.

Đi sau đoàn Hồng Y là vị Chủ tế Đức Hồng Y Ratzinger người Đức, nguyên là vị Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, một cột trụ trong Giáo Triều Rôma hiện nay, tuy tuổi đã cao; 78 tuổi, song giáng vẻ gầy gầy nhanh nhẹn và rất tráng kiện.

Sau cùng là quan tài Đức Giáo Hoàng bằng gỗ thông mộc mạc do 8 người mặc lễ phục khiêng. Quan tài vừa ra khỏi đền thờ, cả rừng người náo động. Họ vỗ tay rào rạt kính chào vị Cha chung mà cách đây hơn 1 tuần còn hiện ra trước khung cửa sổ ban phép lành Phục Sinh cho họ. 5 triệu người hô vang “Vạn tuế Đức Thánh Cha. Xin Phong Thánh ngay cho Ngài”. Quan tài được khiêng tới đặt ở trên chiếc thảm đối diện với bàn thờ. Bên cạnh là cây nến Phục Sinh lung linh cháy, cuốn sách Phúc Âm đặt trên quan tài. Gió thổi mạnh lật đi lật lại các trang Phúc Âm cho ta có cảm giác Ngài đang sống, nhập hòa vào ngọn lửa Phục Sinh, và đang lần giở đọc các trang Kinh Thánh.

Thánh lễ bắt đầu với bài ca nhập lễ Bình ca quen thộc Requiem, nên cả biển người cũng ca lên hùng hồn mạnh mẽ.

Bài đọc 1 trích sách tông Đồ Công Vụ thuật lại bài Giảng của Thánh Phêrô cho giáo hữu và lương dân với Giáo Hội Sơ khai thường được gọi là bài huấn giáo của Các Thánh Tông đồ. Khởi sự từ công cuộc rao giảng Tin Mừng từ Galilê cho đến khi Chúa bị giết treo trên thập giá và sống lại.

Bài đáp ca là Thánh Vịnh Chúa Chăn nuôi tôi quen thuộc được ca đoàn Vatican hát lên với giọng du dương lay động lòng người.

Bài đọc 2 trích thư Thánh Phaolô gửi người Philiphê khuyên nhủ người tín hữu hãy tìm tòi những sự trên trời nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, có chăng là ám chỉ suốt cuộc đời vị Giáo Hoàng đi tìm chân lý và nay đang ngự bên Đức Chúa Cha với Đức Kitô.

Sau bài Phúc Âm Thánh Gioan về 3 câu Chúa đã hỏi Thánh Phêrô về lòng yêu mến là phần giảng thuyết của Đức Hồng Y chủ tế. (xem toàn bài giảng sẽ đăng).

Đại ý bài giảng phát triển câu nói của Chúa Giêsu với Thánh Phêrô: Hãy theo Ta. Đức Hồng Y áp dụng câu đó trên toàn cuộc đời của Vị Giáo Hoàng. Ngài đã đáp lại một cách xuất sắc trong các giai đoạn quan trọng của đời Ngai

Từ khi còn là sinh viên trẻ tuổi ngài đã đi theo lời mời gọi để dấn thân làm linh mục, rồi làm giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Cracovie (Balan), rồi giai đoạn quan trọng của lời mời gọi là lên ngai Giáo Hoàng để phục vụ đoàn chiên trở nên “tôi tớ của các tôi tớ”.

Bài giảng được 19 lần vỗ tay tán thưởng và khi Đức Hồng Y kết thúc bằng câu nói trứ danh gợi lại lần cuối Đức Giáo Hoàng trong tột cùng đau khổ hi sinh đã xuất hiện bên cửa sổ gắng gượng ban phép lành “Urbi và Orbi” cho thành Roma và cho cả thế giới.

Chúng ta có thể chắc rằng vị Giáo Hoàng khả kính của chúng ta ngày hôm nay cũng đang đứng tại cửa sổ nhà Cha, để nhìn xuống và chúc phúc cho tất cả chúng ta. Vâng hãy chúc phúc cho chúng con, thưa Đức Thánh Cha”.

Nghe câu đó cả biển người vang lên tiếng vỗ tay không dứt và hô vang “Xin hãy phong thánh cho Ngài ngay lập tức: Subito, subito (tiếng Italia).

Thánh lễ tiếp tục sốt sáng và yên lặng, rất yên lặng nhất là lúc dâng Mình Máu Thánh, cả 5 triệu người nghe rõ 5 triệu con tim thổn thức hướng về Đức Kitô Mục Tử đang hiện diện, và vị Cha chung đang nằm bất động, như đang nói với họ rất nhiều.

Lúc rước lễ, hàng ngàn linh mục trẻ từ khắp nơi cho cộng đoàn chịu lễ trong trật tự. Bài Thánh Ca do Ca đoàn hát lên được mọi cùng hát nghe sốt sáng lay động lòng người.

Sau lễ, diễn ra nghi lễ khẩn cầu: Các Đức Hồng Y đồng tế được mời gọi tới xung quanh quan tài cùng đức Hồng Y chủ tế và ca đoàn hát kinh các thánh bằng tiếng La Tinh, người có mặt nhận xét hầu hết là các vị Thánh do chính Đức Giáo Hoàng này phong như Thánh Maximiliane Kolbê, Marie Faustina người Ba lan v.v…

Tiếp sau nghi lễ Giáo Hội Công Giáo Latinh là nghi lễ Giáo hội Công giáo lễ nghi Đông Phương theo phụng vụ Bizantin. Lời khẩn cầu được hát lên bằng tiếng Hilạp, nghe trầm bổng du dương lạ tai.

Sau lời cầu khẩn của lễ nghi Đông Phương với phần chấm dứt lễ tang.

Kinh Magnificat, kinh tán tụng ngợi khen của toàn dân Kitô giáo hợp ý cùng Đức Maria tạ ơn Chúa vì tang lễ vị Cha chung của họ hôm nay. Sau cùng bài hát quen thuộc được cất lên “ In Paradisum “xin các Thiên thần dẫn đưa Cha vào thiên đàng…”.

8 vị đô tùy khiêng chuyển quan tài gỗ thông mộc mạc đi một vòng tạm biệt các quan khách, các hồng y, các Giám Mục, các Linh mục mọi thành phần dân Chúa trước khi vào lại đền thờ tới chân bàn thờ Thánh Phêrô để được chôn cất… Quan tài được khiêng quanh đi quanh lại nhiều vòng giữa tiếng vỗ tay không ngớt để tiễn biệt vị Cha chung vào lòng đất Mẹ, kí gửi tại đó cho tới ngày sống lại vinh quang.

Thực ra còn 1 lễ nghi trong phần mộ để táng xác, nhưng chỉ có một số Hồng Y được tham dự với các thủ tục pháp lí được thi hành.

Lễ an táng có một không hai trong lịch sử của một vị Giáo Hoàng rất nổi danh được chấm dứt, nhưng đám đông dân chúng vẫn còn đứng y nguyên tại chỗ. Họ yên lặng luyến tiếc nhìn lên cửa sổ phòng Đức Thánh Cha hy vọng ngài sẽ hiện ra tươi cười chúc lành cho họ. Đám đông các tín hữu nói với sức mạnh của Đức tin như các tín hữu thời trung cổ, họ hằng mơ ước có dịp xuất hiện để dạy chúng ta một bài học sâu sắc về tín điều của các Thánh cùng thông công.

Nhưng cũng phải ra về, trên trời các đám mây đen vần vũ, tiếng sấm ì ầm phía chân trời, tiếng gió lại nổi lên làm rét lạnh, phải nói rằng: trong lúc Đức Hồng Y chủ tế thuyết giảng gió nổi lên ầm ầm làm bay mũ Hồng Y, Giám Mục, làm cuộn lên áo lễ của các vị đồng tế, nhưng gió chỉ làm tan đi đám mây đen trên Quảng trường, chỉ cho phép một đám mây xòe ô ra che cho cả quảng trường rộng lớn để làm dịu mát, nhưng không mưa.

Cầu cho ĐTC Gioan Paul II tại Thái Bình
Một vị Giám Mục phía sau tôi buột miệng: “Không mưa thế mới tuyệt”.

Không mưa khắp thành Roma từ hôm Đức Giáo Hoàng về nhà Cha.

Năm hôm rồi trời râm mát để hàng triệu người xếp hàng dưới các đám mây che chở để vào Đền Thờ viếng xác nhích từng bước chân… Nếu mà mưa chắc chắn đau khổ cho đoàn con, và có người bạo miệng “Đó là phép lạ đầu tiên của Đức Giáo hoàng”.

Bắt đầu từ hôm sau các lễ nghi cầu cho Đức Giáo Hoàng hầu hết diễn ra tại đền thờ và viếng mộ nơi Hầm… trời mưa tầm tã suốt ngày suốt đêm.

Chúng tôi tìm lối ra về trong biển người đó, vì đi bộ nên thất lạc mỗi người một nơi, sau cùng tôi gặp được Đức Cha Phát Diệm và cũng đi nhờ một chuyến xe chở các Giám Mục về nhà trọ Domus Marie gần nhà Foyer Phát diệm.

Trên xe lại râm ran bàn tán về lễ tang Đức Thánh Cha và đề tài Gió lại được nêu lên. Có vị cho rằng Gió “Thánh Linh ngày ngũ tuần”. Cái chết và đám tang của Đức Thánh Cha như làn Gió trong nhà tiệc ly xưa, xua tan mọi oán thù giữa các dân tộc để xây dựng hòa bình như chính Đức Thánh Cha đã thực hiện trong cả cuộc đời: Gió Thánh Linh đã thổi…. Khiến cho Tổng thống Mỹ Bush bắt tay đối thủ là vua người I-ran. Thủ tướng Dothái bắt tay tổng thống Palettin. Có thể Thế giới không phân biệt tín ngưỡng, chế độ, chính trị đều ngồi lại với nhau trước cỗ quan tài bằng gỗ thông mộc mạc đặt trên nền đất.

Gió từ các trang Thánh Kinh thử thách lòng tin của Tiên tri Giona làm nẩy sinh mầm cây sống động bên cửa sổ. Gió thổi vào lò lửa các Tiên Tri Danien và các bạn làm cho mát dịu.

Gió thổi làm lung lay nghiêng ngả con thuyền của Phêrô để thử thách lòng tin của các Môn đệ. Sau đó Chúa làm phép lạ gió im biển lặng khiến các Tông đồ phải thốt lên: “Ngài là ai mà khiến gió lặng biển câm”.

Gió không biết từ đâu tới và thổi đến đâu, gió làm tung các phân bón và mang các hạt giống đi xa. Gió biểu tượng của Chúa Thánh Thần sáng nay trong tang lễ Giáo Hoàng bùng lên rất mạnh đem tới khắp nơi bốn phương trời Hạt giống chứng từ và sự Thánh thiện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã bị che phủ khiến cho trái đất sinh ra oán thù bị gió xua tan trong chốc lát.

Rồi tôi đắm chìm trong mấy dòng suy tư:

Gió là một yếu tố thiêng liêng vô hình nhất trong 4 yếu tố có thể nói là nét rất đặc trưng trong tang lễ Đức Thánh Cha hôm nay. Đất đang chuẩn bị đón tiếp linh cữu đựng xác Ngài trong lòng. Nước từ những giọt Nước Thánh vị Chủ tế rảy trên quan tài sẽ khô đi theo thời gian. Lửa bập bùng cháy trên ngọn Nến Phục Sinh, riêng có Gió như hơi thở của vũ trụ không thể nào quên nổi trong tang lễ 8/4/2005 hôm nay. Gió thổi tung bay mũ áo các vị Hồng Y, gió rào rào trong micro khi Đức Hồng Y chủ tế thuyết giảng như gõ nhịp cho thứ tiếng Italia pha giọng Đức của Ngài, Gió lần giở các trang Phúc Âm, Gió đến từ rất xa (từ Việt nam, Philiphin, Indônêxia và các nước nam Mỹ).

Suôt quãng đường tới nhà Foyer Phát Diệm tôi như mê đi trong các suy tư đó.

Quả nhiên hôm sau trời đổ mưa suốt từ đêm kéo dài dầm dề 5, 6 ngày liền. Đức Cha Hòa bay về ngay Việt Nam, còn Đức Tổng giám Mục Hà Nội lên đường ngày Chúa nhật 10/4/2005.

Riêng tôi và Đức Cha Yến Phát Diệm phải chờ một tuần mới có vé trở về Việt Nam ngày Chúa Nhật 17/4/2005 mang theo cảm xúc tuyệt vời về lễ an táng lạ lùng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và một tập dày những bài báo và hình ảnh về cuộc đời, cái chết, lễ an táng nên không có dịp để trình bày với mọi người.

Dư luận nói chung rất khen ngợi việc tổ chức đám tang tuyệt hảo. Phát ngôn viên Navalis của Tòa Thánh cám ơn và ngợi khen: “Các bộ phận an ninh Italia giữ gìn trật tự ngày đêm không để xẩy ra một vụ rối loạn nào. Thực ra có hai vụ báo động giả về bom đặt trong các Phi cơ nhưng sau đó kiểm tra không thấy gì”.

Cầu cho ĐTC Gioan Paul II tại Thái Bình
Toàn thể nước Italia để tang 3 ngày, trường học, nhà máy, xí nghiệp, sân vận động ngừng các cuộc thi đấu thể thao.

Cấm các chuyến bay trên bầu trời Roma vào ngày thứ sáu 8/4/2005 và hiệu buôn bán cũng nghỉ trong ngày đó.

Cuba là nước xã Hội Chủ nghĩa cũng để tang Đức Giáo Hoàng 3 ngày vì nhớ công ơn Ngài đã đi thăm nước này, và kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế, quân sự đối với họ.

Tôi chỉ xin trích ở đây một vài câu nói của nhà báo Mỹ Keneth L. Woodward viết trong tạp chí New Week số đặc biệt về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Ngài là một Linh mục, là một nhà rao giảng Tin Mừng, một thi sĩ, Đấng che chở bảo vệ người nghèo, bênh vực Đức Tin. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi vào truyền thuyết và Lịch sử”.

Chúng ta hãy nhắc lại câu nói của Đức Hồng Y Ratzinger trong phần cuối bài giảng: “Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy chúc phúc cho chúng con từ cửa sổ nhà Cha trên Trời”.

Hà nội ngày 18/04/2005

Giám Mục Giáo Phận Thái Bình