Từ lâu, hình ảnh thuyền và biển luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca với những áng thơ tình giàu cảm xúc và là nỗi niềm chan chứa yêu thương của các đôi nam nữ. Từng cơn sóng biển dạt dào cứ cuộn trào như tình yêu đôi lứa dành cho nhau và mãi mãi khát khao đợi chờ. Chính những hình ảnh đó đã làm nên vẻ thi vị cho ngôn ngư thi ca.
Với Xuân Quỳnh thì:
..................................
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu.
Đối với Xuân Thắng:
Biển nhấp nhô, gió giăng buồm gợn sóng
Hoàng hôn tà dựng bóng mái chèo nghiêng
Thuyền ta về ươm đầy mình hy vọng
Biển và thuyền lưu luyến nỗi niềm riêng.
Sơn Ca Linh lại nhìn thấy thân phận con người nơi “biển” và “thuyền”:
Có ai biết cái thuở nào duyên nợ,
“Biển” và “Thuyền” đã khắng khít cùng nhau.
Thuyền chắp cánh dệt mộng ước ngàn sau,
Biển xanh ngát bao la trời tít tắp !
…
Có những ngày thuyền nổi cơn gan góc,
Quyết đương đầu khi biển nổi cuồng phong.
Mang kiếp “thuyền” đành chấp nhận long đong,
Bạn với “biển” tử sinh là chuyện nhỏ !...
Trải qua bao nghìn năm gắn chặt với nền “văn hoá sông nước”, con người Việt nam, cuộc sống Việt Nam gần như luôn thấp thoáng hình ảnh chiếc thuyền đâu đó, gắn chặt với “ngang dọc đời thường trong thô sơ mộc mạc” hay tồn tại đậm nét trong ký ức xa xăm nhưng chất chứa cả kho tàng lịch sử !
Ngược dòng thời gian nhìn lại lịch sử hơn 400 năm Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, cách riêng Giáo phận Qui Nhơn, có thể nói được, hạt giống đức tin đã “trôi dạt” đến với con dân Việt Nam trên những chiếc thuyền nhỏ bé lênh đênh giữa một thời loạn ly cấm cách. Thật vậy, chính những chiếc thuyền, có khi thật mỏng manh, đã chuyên chở các vị thừa sai đầy nhiệt huyết xuôi ngược vô Nam ra Bắc, bất kể những mùa biển động, len lỏi men theo những con sông dài thâm u khuất nẻo để tung gieo hạt giống Tin Mừng.
Trên những cuộc hải hành vượt trùng dương đầy khó khăn tưởng chừng như vô định, hình bóng những chiếc thuyền bị vùi dập mất hút giữa đại dương đã khắc hoạ rõ nét những gian nan thách đố và khó khăn dường nào của công cuộc truyền giáo. Đúng là "Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu về đâu". Chuyến vượt biển đến Đàng Trong lần đầu tiên của Đức cha Lambert cách đây 350 năm trong ký sự của Cha Vachet, người bạn đồng hành với ngài, sẽ cho chúng ta thấy rất rõ điều đó:
“Chúng tôi lên thuyền ngày 20/7/1671. Đó là một thứ thuyền mà tiếng Đàng Trong gọi là thuyền bầu. Con thuyền được lèo lái bởi duy nhất bốn dân chài người Đàng Trong. Nói cho thực, chớ có kém lòng tin vào Thiên Chúa khi ra đi trên một con thuyền như vậy. Bạn hãy cứ tưởng tượng một con thuyền không đinh, không rợ, không mảnh sắt, không vải buồm và không hoa tiêu, mà dám rời xa đất liền. Bạn hãy hình dung một mớ vài ba mảnh ván nối lại với nhau cách sơ sài và buộc chung lại với nhau bằng những sợi giây tựa như những sợi mây thô thiển, những mỏ neo thì làm bằng gỗ, những cánh buồm là các mảnh chiếu gắn vào những cái cột là mấy thân cây tre, và bánh lái thuyền nằm ở một cái lỗ phía sau con thuyền, chỗ ấy nước dạt ra dạt vào rất dễ dàng. Chính là với những trang thiết bị như vậy mà chúng tôi khởi hành một chuyến đi xa cả hai trăm dặm đường vào một mùa đã thật cuối kỳ đi biển, đến một xứ sở đang lúc chiến tranh, và trên một vùng biển bão tố lúc nào không hay và đầy dẫy hải tặc. Nếu chỉ lấy cái khôn ngoan của con người làm mẫu mực trong những tình huống như thế, thì rất nhiều kẻ sẽ kết án là liều lĩnh dại dột mà ra đi như vậy. Một ông khu trưởng người Anh quốc, là người mà tôi chỉ cho thấy con thuyền của chúng tôi, đã quả quyết với tôi rằng dù người ta hứa với ông cho ông ăm ắp những vàng ròng chất đầy con thuyền người Đàng Trong đó, thì ông cũng chẳng hề ao ước sự gì hơn trên cõi đời này là đừng phải bước chân lên con thuyền đó. Ông tuyên bố vậy cho dù chính ông đã tìm tới vùng Ấn Độ Dương này là chỉ để lo làm giầu mà thôi. Nhưng đấy không thể nào là lời ăn tiếng nói, cũng không thể nào là tư tưởng của một thừa sai giảng đạo được. Vì chẳng được liều mạng cách vô lý, ta chẳng phải lo sợ quá đáng khi đưa mình vào nguy nan nào đó hầu lo cho việc đạo được phát triển. Ta phải luôn luôn sắp sẵn một con thuyền thiêng liêng nhỏ mà thân thuyền là đức tin, bánh lái thuyền là lòng bác ái, cột buồm là đức cậy, cánh buồm là lòng nhiệt thành, giây dợ, mỏ neo và mái chèo là lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Linh hồn đã có sẵn những nhân đức ấy thì dập dềnh lướt sóng trên một con thuyền bầu nhỏ cũng an toàn như trên một con tàu to lớn nhất, điều mà ngừi ta nhận thấy qua chuyến đi biển thành công nhất của chúng tôi”.
Vâng, hành trình gieo vãi hạt giống đức tin là thế, đầy hiểm nguy và thử thách, nếu không kiên vững niềm tin sẽ không thể nào vượt qua được. Người xưa vẫn nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Cái gì mới bắt đầu mà chẳng mong manh, gian khó và nhiều chướng ngại; nhưng nếu chúng ta có một niềm tin cùng với ý chí kiên cường, vững chắc và một niềm trông cậy phó thác hoàn toàn cho tình yêu quan phòng của Chúa, chắc chắn “thuyền đời sẽ tới bến thành công”. Và như thế, hình ảnh những chiếc thuyền nan mong manh nhỏ bé kia lại bừng sáng lên như “những con thuyền vĩ đại”, chở đầy những thế hệ tông đồ, chứng nhân ra đi với tâm hồn đầy lòng yêu mến Chúa.
Nếu ai đó có dịp đi về Miền Tây ta có thể thấy được hình ảnh chiếc thuyền quan trọng như thế nào đối với người dân ở đây. Thuyền là nhà, là phương tiện đi lại và mưu sinh hằng ngày của họ. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, chiến tranh, ly loạn…, hình bóng con thuyền luôn “nhấp nhô trong ký ức Việt Nam”. Có thể nói được, khái niệm “thuyền” và “biển” luôn chuyên chở một nét đẹp nhân văn cao cả đầy ắp nghĩa tình: tình cha, tình mẹ, tình chị, tình em, tình làng nghĩa xóm, tình yêu nam nữ…
Người ta còn nhận ra nơi hình ảnh chiếc thuyền và biển cả là “biểu tượng” của cả một “trời tâm trạng”: Có khi là sự lãng mạn của tình yêu với hạnh phúc ngập tràn, có khi là một sự đợi chờ hồi hộp với trăm ngàn mối nghi nan, thất vọng, có khi lo sợ trước giông tố bão bùng, sóng to biển động, có khi chứng kiến bao cảnh thương tâm cho những mảnh đời nghiệt ngã vì cuộc sống mưu sinh... Lúc này biển rộng mênh mông lòng thuyền không sao hiểu thấu và biển như đi vào cõi bất tận, vô biên mang theo nhiều nỗi khổ cho riêng mình. Phải chăng cuộc đời này quá nhiều nỗi truân chuyên sầu muộn mà con người phải đối diện từng ngày?
Biển giận hờn khoét thuyền sâu đau điếng,
Hay điên cuồng, thuyền vỡ nát tan hoang.
Sóng dâng cao dập dìu những khăn tang,
Thuyền gác mái thâu đêm chờ vô vọng…!
Sống trên thế gian này hầu như ai ai cũng có nỗi khổ. Người giàu có nỗi khổ của người giàu và người nghèo cũng có nỗi khổ của riêng mình. Không ai nói rằng tôi không khổ cả. Đức Phật Thích Ca đã nói: đời là bể khổ. Và nguyên nhân của nỗi thống khổ ấy chính là dục vọng, là Tham - Sân – Si, ba kẻ thù lớn nhất có thể phá hủy và đưa chúng ta vào con đường lầm lạc và mê muội, khiến con người có thể mất hết lý trí và bất chấp tất cả khi có thể để đạt được mục đích của mình… Để nhận ra mình, biết mình sống trong tình trạng đó đã là một vấn đề rất khó huống chi quyết tâm chống trả và diệt trừ thì khó biết bao.
Cuộc đời mỗi người chúng ta tựa như “chiếc thuyền đang vượt biển trần gian”, đang đối mặt với biết bao cơn giông tố bão bùng; chúng ta phải cật lực chèo chống từng ngày để chinh phục bến bờ hạnh phúc. Chúng ta, như người cầm chắc tay chèo, cố gắng chống chọi với phong ba bão tố để lèo lái “con thuyền đời mình” tiếp tục đi về phía trước, bất chấp mọi hiểm nguy đang chờ đón. Mỗi một cuộc đời trên dương gian đều như thế, một cuộc “vượt qua” không ngừng để thực hiện dự phóng và ước mơ dẫu chân trời tương lai xán lạn hay đường dài phía trước mờ mịt, tối tăm…, ta vẫn cứ đi.
Đời ta đã bao mùa biển động,
Ngã nghiêng theo đợt sóng xô bờ.
Một chút xôn xao rồi mặc sóng,
Thuyền vẫn bình yên dẫu chơ vơ.
Có những lúc biển dữ dội làm cho thuyền đến mức phải bất lực nhưng không thiếu những lúc biển dịu dàng, nhẹ nhàng, lăn tăn gợn sóng như hiểu thấu nỗi âu lo, mệt mỏi của thuyền trước những thách đố, và:
Trong bài ca của muôn trùng sóng vỗ
Em có là nốt nhạc của tình yêu
Để biển xanh thành phố những buổi chiều
Hòa khúc hát bài tình ca thương nhớ
Ôi con đường hạnh phúc như trong mơ
Thuyền và biển hai tâm hồn say đắm
Qua tháng năm, qua mưa gió thăng trầm
Nỗi nhớ tình yêu viết bài ca thuyền biển
Quả thật, hình ảnh thuyền và biển đã khắc hoạ nhiều “chiều kích nhân sinh”. Con thuyền của thế giới hôm nay như đang chống chọi từng ngày, từng giờ với làn sóng của đại dịch Covid- 19 đang hoành hành và cướp đi nhiều sinh mạng của người dân ngay tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Cuộc đời chúng ta không ai biết trước được ngày mai mình sẽ như thế nào, còn sống hay chết, bao nhiêu kế hoạch và dự tính sẽ đi về đâu?
Hơn lúc nào, cuộc sống hôm nay giống như người lữ khách đang ngồi trên chiếc “thuyền nan” để vượt biển trần gian đầy khó khăn thử thách và trôi dạt về những bến bờ vô định. Cũng như biển khơi, lúc dâng cao sóng vỗ, lúc gió dịu trời êm…, biển đời cũng không thiếu những cung điệu buồn vui, những thăng trầm hạnh phúc, đau thương và khổ luỵ... Làm sao khi sống ở trần gian này mà tránh khỏi những “nhịp điệu, cung đàn” như thế…!
Nếu như “thuyền và biển” là nét đẹp thơ mộng trong “ngôn ngữ thi ca” dành cho những chuyện tình nam nữ:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió "
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố! (Xuân Quỳnh. Thuyền và Biển)
thì “thuyền và biển đời” cũng mang lại rất nhiều cảm xúc cho cuộc đời những người tu sĩ.
Thật vậy, khi tình yêu và lòng trung thành với lý tưởng, với ơn gọi còn ngự trị trong tâm hồn thì “sóng biển thế tục” cũng lặng êm; lúc đó “thuyền đời” lướt đi nhẹ nhàng trong rạng rỡ tin yêu hy vọng và cuộc đời đầy hạnh phúc. Nhưng khi “tình yêu phai nhạt”, thất tín, bất trung… thì “những cơn sóng thế tục” bủa vây giăng mắc; cuộc sống như bị dập vùi trong những trận cuồng phong dữ dội. Chính những lúc như thế, người tu sĩ mới thấy được con người thật quá mỏng manh yếu đuối, và việc bám víu vào hoa tiêu vững chắc là Đức Kitô chính là con đường bảo vệ, là điểm tựa an toàn nhất.
Chúng ta đừng quên, với chiếc thuyền của Phêrô, Chúa đã cho các môn đệ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và cũng là dịp để các ông thể hiện niềm tin của mình “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4). Với khả năng hữu hạn của con người, Phêrô chỉ có thể làm theo lệnh truyền của Chúa vì lòng vâng phục. “Vì lời Thầy, con xin thả lưới”. Thuyền của các môn đệ đang cùng với Thầy Giêsu vượt trùng khơi mịt mù trong cuồng phong bão táp xô đẩy “Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giêsu thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống, các ngài bị ngập nước và lâm nguy”(Lc 8, 23), “Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ”(Mt 8, 24).
Khi con thuyền chơi vơi giữa dòng bị sóng đánh chập chờn, sóng ập vào thuyền, bị giông tố dập vùi… cũng là lúc lòng người lữ khách âu lo, sợ hãi, chao đảo, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong đời. Nhưng trải qua bao giông tố cuộc đời, dù thế nào đi nữa thì chỉ còn một niềm hy vọng, một điểm tựa và một phao cứu hộ duy nhất là Chúa Giêsu, dù Ngài ngủ hay thức nhưng có Ngài hiện diện trên chiếc thuyền đời của ta thì chúng ta tin rằng mọi sự sẽ bình yên.
Cũng đừng quên, như những ngư phủ thường trông lên vì sao “Bắc Đẩu” để định vị và định hướng cho những cuộc hải hành, nhất là những khi trôi dạt lạc đường khi bão tố, những người tu sĩ cần ngước trông về một “Vì sao Bắc Đẩu” khác, như lời thơ:
Nên chỉ biết khi sang mùa biển động,
Thuyền có ra khơi xin nhớ hướng lên trời.
Có một vì sao Bắc Đẩu rạng ngời,
“Maris Stella”, Mẹ Maria chính là vì sao ấy !
Như chiếc thuyền nan chòng chành trên sóng nước, như biển cả bao la với muôn ngàn con sóng vỗ…, cuộc sống đời tu luôn đối diện với những khó khăn trở ngại, thất bại lo âu, thiếu cảm thông, thiếu cậy trông tin tưởng vào Chúa, và lắm lúc cũng ngả nghiêng theo từng cơn sóng… Chính trong những lúc như thế, người tu sĩ luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa, và hãy để cho Chúa dẹp yên những giông tố bão bùng trong biển lòng của mình. Có như thế, mỗi ngày chúng ta sẽ bình yên bước đi trên sóng nước bằng chính chiếc thuyền đời của mình với một niềm tin yêu phó thác vào tình yêu thương quan phòng của Chúa.
Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN
Với Xuân Quỳnh thì:
..................................
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu.
Đối với Xuân Thắng:
Biển nhấp nhô, gió giăng buồm gợn sóng
Hoàng hôn tà dựng bóng mái chèo nghiêng
Thuyền ta về ươm đầy mình hy vọng
Biển và thuyền lưu luyến nỗi niềm riêng.
Sơn Ca Linh lại nhìn thấy thân phận con người nơi “biển” và “thuyền”:
Có ai biết cái thuở nào duyên nợ,
“Biển” và “Thuyền” đã khắng khít cùng nhau.
Thuyền chắp cánh dệt mộng ước ngàn sau,
Biển xanh ngát bao la trời tít tắp !
…
Có những ngày thuyền nổi cơn gan góc,
Quyết đương đầu khi biển nổi cuồng phong.
Mang kiếp “thuyền” đành chấp nhận long đong,
Bạn với “biển” tử sinh là chuyện nhỏ !...
Trải qua bao nghìn năm gắn chặt với nền “văn hoá sông nước”, con người Việt nam, cuộc sống Việt Nam gần như luôn thấp thoáng hình ảnh chiếc thuyền đâu đó, gắn chặt với “ngang dọc đời thường trong thô sơ mộc mạc” hay tồn tại đậm nét trong ký ức xa xăm nhưng chất chứa cả kho tàng lịch sử !
Ngược dòng thời gian nhìn lại lịch sử hơn 400 năm Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, cách riêng Giáo phận Qui Nhơn, có thể nói được, hạt giống đức tin đã “trôi dạt” đến với con dân Việt Nam trên những chiếc thuyền nhỏ bé lênh đênh giữa một thời loạn ly cấm cách. Thật vậy, chính những chiếc thuyền, có khi thật mỏng manh, đã chuyên chở các vị thừa sai đầy nhiệt huyết xuôi ngược vô Nam ra Bắc, bất kể những mùa biển động, len lỏi men theo những con sông dài thâm u khuất nẻo để tung gieo hạt giống Tin Mừng.
Trên những cuộc hải hành vượt trùng dương đầy khó khăn tưởng chừng như vô định, hình bóng những chiếc thuyền bị vùi dập mất hút giữa đại dương đã khắc hoạ rõ nét những gian nan thách đố và khó khăn dường nào của công cuộc truyền giáo. Đúng là "Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu về đâu". Chuyến vượt biển đến Đàng Trong lần đầu tiên của Đức cha Lambert cách đây 350 năm trong ký sự của Cha Vachet, người bạn đồng hành với ngài, sẽ cho chúng ta thấy rất rõ điều đó:
“Chúng tôi lên thuyền ngày 20/7/1671. Đó là một thứ thuyền mà tiếng Đàng Trong gọi là thuyền bầu. Con thuyền được lèo lái bởi duy nhất bốn dân chài người Đàng Trong. Nói cho thực, chớ có kém lòng tin vào Thiên Chúa khi ra đi trên một con thuyền như vậy. Bạn hãy cứ tưởng tượng một con thuyền không đinh, không rợ, không mảnh sắt, không vải buồm và không hoa tiêu, mà dám rời xa đất liền. Bạn hãy hình dung một mớ vài ba mảnh ván nối lại với nhau cách sơ sài và buộc chung lại với nhau bằng những sợi giây tựa như những sợi mây thô thiển, những mỏ neo thì làm bằng gỗ, những cánh buồm là các mảnh chiếu gắn vào những cái cột là mấy thân cây tre, và bánh lái thuyền nằm ở một cái lỗ phía sau con thuyền, chỗ ấy nước dạt ra dạt vào rất dễ dàng. Chính là với những trang thiết bị như vậy mà chúng tôi khởi hành một chuyến đi xa cả hai trăm dặm đường vào một mùa đã thật cuối kỳ đi biển, đến một xứ sở đang lúc chiến tranh, và trên một vùng biển bão tố lúc nào không hay và đầy dẫy hải tặc. Nếu chỉ lấy cái khôn ngoan của con người làm mẫu mực trong những tình huống như thế, thì rất nhiều kẻ sẽ kết án là liều lĩnh dại dột mà ra đi như vậy. Một ông khu trưởng người Anh quốc, là người mà tôi chỉ cho thấy con thuyền của chúng tôi, đã quả quyết với tôi rằng dù người ta hứa với ông cho ông ăm ắp những vàng ròng chất đầy con thuyền người Đàng Trong đó, thì ông cũng chẳng hề ao ước sự gì hơn trên cõi đời này là đừng phải bước chân lên con thuyền đó. Ông tuyên bố vậy cho dù chính ông đã tìm tới vùng Ấn Độ Dương này là chỉ để lo làm giầu mà thôi. Nhưng đấy không thể nào là lời ăn tiếng nói, cũng không thể nào là tư tưởng của một thừa sai giảng đạo được. Vì chẳng được liều mạng cách vô lý, ta chẳng phải lo sợ quá đáng khi đưa mình vào nguy nan nào đó hầu lo cho việc đạo được phát triển. Ta phải luôn luôn sắp sẵn một con thuyền thiêng liêng nhỏ mà thân thuyền là đức tin, bánh lái thuyền là lòng bác ái, cột buồm là đức cậy, cánh buồm là lòng nhiệt thành, giây dợ, mỏ neo và mái chèo là lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Linh hồn đã có sẵn những nhân đức ấy thì dập dềnh lướt sóng trên một con thuyền bầu nhỏ cũng an toàn như trên một con tàu to lớn nhất, điều mà ngừi ta nhận thấy qua chuyến đi biển thành công nhất của chúng tôi”.
Vâng, hành trình gieo vãi hạt giống đức tin là thế, đầy hiểm nguy và thử thách, nếu không kiên vững niềm tin sẽ không thể nào vượt qua được. Người xưa vẫn nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Cái gì mới bắt đầu mà chẳng mong manh, gian khó và nhiều chướng ngại; nhưng nếu chúng ta có một niềm tin cùng với ý chí kiên cường, vững chắc và một niềm trông cậy phó thác hoàn toàn cho tình yêu quan phòng của Chúa, chắc chắn “thuyền đời sẽ tới bến thành công”. Và như thế, hình ảnh những chiếc thuyền nan mong manh nhỏ bé kia lại bừng sáng lên như “những con thuyền vĩ đại”, chở đầy những thế hệ tông đồ, chứng nhân ra đi với tâm hồn đầy lòng yêu mến Chúa.
Nếu ai đó có dịp đi về Miền Tây ta có thể thấy được hình ảnh chiếc thuyền quan trọng như thế nào đối với người dân ở đây. Thuyền là nhà, là phương tiện đi lại và mưu sinh hằng ngày của họ. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, chiến tranh, ly loạn…, hình bóng con thuyền luôn “nhấp nhô trong ký ức Việt Nam”. Có thể nói được, khái niệm “thuyền” và “biển” luôn chuyên chở một nét đẹp nhân văn cao cả đầy ắp nghĩa tình: tình cha, tình mẹ, tình chị, tình em, tình làng nghĩa xóm, tình yêu nam nữ…
Người ta còn nhận ra nơi hình ảnh chiếc thuyền và biển cả là “biểu tượng” của cả một “trời tâm trạng”: Có khi là sự lãng mạn của tình yêu với hạnh phúc ngập tràn, có khi là một sự đợi chờ hồi hộp với trăm ngàn mối nghi nan, thất vọng, có khi lo sợ trước giông tố bão bùng, sóng to biển động, có khi chứng kiến bao cảnh thương tâm cho những mảnh đời nghiệt ngã vì cuộc sống mưu sinh... Lúc này biển rộng mênh mông lòng thuyền không sao hiểu thấu và biển như đi vào cõi bất tận, vô biên mang theo nhiều nỗi khổ cho riêng mình. Phải chăng cuộc đời này quá nhiều nỗi truân chuyên sầu muộn mà con người phải đối diện từng ngày?
Biển giận hờn khoét thuyền sâu đau điếng,
Hay điên cuồng, thuyền vỡ nát tan hoang.
Sóng dâng cao dập dìu những khăn tang,
Thuyền gác mái thâu đêm chờ vô vọng…!
Sống trên thế gian này hầu như ai ai cũng có nỗi khổ. Người giàu có nỗi khổ của người giàu và người nghèo cũng có nỗi khổ của riêng mình. Không ai nói rằng tôi không khổ cả. Đức Phật Thích Ca đã nói: đời là bể khổ. Và nguyên nhân của nỗi thống khổ ấy chính là dục vọng, là Tham - Sân – Si, ba kẻ thù lớn nhất có thể phá hủy và đưa chúng ta vào con đường lầm lạc và mê muội, khiến con người có thể mất hết lý trí và bất chấp tất cả khi có thể để đạt được mục đích của mình… Để nhận ra mình, biết mình sống trong tình trạng đó đã là một vấn đề rất khó huống chi quyết tâm chống trả và diệt trừ thì khó biết bao.
Cuộc đời mỗi người chúng ta tựa như “chiếc thuyền đang vượt biển trần gian”, đang đối mặt với biết bao cơn giông tố bão bùng; chúng ta phải cật lực chèo chống từng ngày để chinh phục bến bờ hạnh phúc. Chúng ta, như người cầm chắc tay chèo, cố gắng chống chọi với phong ba bão tố để lèo lái “con thuyền đời mình” tiếp tục đi về phía trước, bất chấp mọi hiểm nguy đang chờ đón. Mỗi một cuộc đời trên dương gian đều như thế, một cuộc “vượt qua” không ngừng để thực hiện dự phóng và ước mơ dẫu chân trời tương lai xán lạn hay đường dài phía trước mờ mịt, tối tăm…, ta vẫn cứ đi.
Đời ta đã bao mùa biển động,
Ngã nghiêng theo đợt sóng xô bờ.
Một chút xôn xao rồi mặc sóng,
Thuyền vẫn bình yên dẫu chơ vơ.
Có những lúc biển dữ dội làm cho thuyền đến mức phải bất lực nhưng không thiếu những lúc biển dịu dàng, nhẹ nhàng, lăn tăn gợn sóng như hiểu thấu nỗi âu lo, mệt mỏi của thuyền trước những thách đố, và:
Trong bài ca của muôn trùng sóng vỗ
Em có là nốt nhạc của tình yêu
Để biển xanh thành phố những buổi chiều
Hòa khúc hát bài tình ca thương nhớ
Ôi con đường hạnh phúc như trong mơ
Thuyền và biển hai tâm hồn say đắm
Qua tháng năm, qua mưa gió thăng trầm
Nỗi nhớ tình yêu viết bài ca thuyền biển
Quả thật, hình ảnh thuyền và biển đã khắc hoạ nhiều “chiều kích nhân sinh”. Con thuyền của thế giới hôm nay như đang chống chọi từng ngày, từng giờ với làn sóng của đại dịch Covid- 19 đang hoành hành và cướp đi nhiều sinh mạng của người dân ngay tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Cuộc đời chúng ta không ai biết trước được ngày mai mình sẽ như thế nào, còn sống hay chết, bao nhiêu kế hoạch và dự tính sẽ đi về đâu?
Hơn lúc nào, cuộc sống hôm nay giống như người lữ khách đang ngồi trên chiếc “thuyền nan” để vượt biển trần gian đầy khó khăn thử thách và trôi dạt về những bến bờ vô định. Cũng như biển khơi, lúc dâng cao sóng vỗ, lúc gió dịu trời êm…, biển đời cũng không thiếu những cung điệu buồn vui, những thăng trầm hạnh phúc, đau thương và khổ luỵ... Làm sao khi sống ở trần gian này mà tránh khỏi những “nhịp điệu, cung đàn” như thế…!
Nếu như “thuyền và biển” là nét đẹp thơ mộng trong “ngôn ngữ thi ca” dành cho những chuyện tình nam nữ:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió "
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố! (Xuân Quỳnh. Thuyền và Biển)
thì “thuyền và biển đời” cũng mang lại rất nhiều cảm xúc cho cuộc đời những người tu sĩ.
Thật vậy, khi tình yêu và lòng trung thành với lý tưởng, với ơn gọi còn ngự trị trong tâm hồn thì “sóng biển thế tục” cũng lặng êm; lúc đó “thuyền đời” lướt đi nhẹ nhàng trong rạng rỡ tin yêu hy vọng và cuộc đời đầy hạnh phúc. Nhưng khi “tình yêu phai nhạt”, thất tín, bất trung… thì “những cơn sóng thế tục” bủa vây giăng mắc; cuộc sống như bị dập vùi trong những trận cuồng phong dữ dội. Chính những lúc như thế, người tu sĩ mới thấy được con người thật quá mỏng manh yếu đuối, và việc bám víu vào hoa tiêu vững chắc là Đức Kitô chính là con đường bảo vệ, là điểm tựa an toàn nhất.
Chúng ta đừng quên, với chiếc thuyền của Phêrô, Chúa đã cho các môn đệ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và cũng là dịp để các ông thể hiện niềm tin của mình “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4). Với khả năng hữu hạn của con người, Phêrô chỉ có thể làm theo lệnh truyền của Chúa vì lòng vâng phục. “Vì lời Thầy, con xin thả lưới”. Thuyền của các môn đệ đang cùng với Thầy Giêsu vượt trùng khơi mịt mù trong cuồng phong bão táp xô đẩy “Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giêsu thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống, các ngài bị ngập nước và lâm nguy”(Lc 8, 23), “Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ”(Mt 8, 24).
Khi con thuyền chơi vơi giữa dòng bị sóng đánh chập chờn, sóng ập vào thuyền, bị giông tố dập vùi… cũng là lúc lòng người lữ khách âu lo, sợ hãi, chao đảo, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong đời. Nhưng trải qua bao giông tố cuộc đời, dù thế nào đi nữa thì chỉ còn một niềm hy vọng, một điểm tựa và một phao cứu hộ duy nhất là Chúa Giêsu, dù Ngài ngủ hay thức nhưng có Ngài hiện diện trên chiếc thuyền đời của ta thì chúng ta tin rằng mọi sự sẽ bình yên.
Cũng đừng quên, như những ngư phủ thường trông lên vì sao “Bắc Đẩu” để định vị và định hướng cho những cuộc hải hành, nhất là những khi trôi dạt lạc đường khi bão tố, những người tu sĩ cần ngước trông về một “Vì sao Bắc Đẩu” khác, như lời thơ:
Nên chỉ biết khi sang mùa biển động,
Thuyền có ra khơi xin nhớ hướng lên trời.
Có một vì sao Bắc Đẩu rạng ngời,
“Maris Stella”, Mẹ Maria chính là vì sao ấy !
Như chiếc thuyền nan chòng chành trên sóng nước, như biển cả bao la với muôn ngàn con sóng vỗ…, cuộc sống đời tu luôn đối diện với những khó khăn trở ngại, thất bại lo âu, thiếu cảm thông, thiếu cậy trông tin tưởng vào Chúa, và lắm lúc cũng ngả nghiêng theo từng cơn sóng… Chính trong những lúc như thế, người tu sĩ luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa, và hãy để cho Chúa dẹp yên những giông tố bão bùng trong biển lòng của mình. Có như thế, mỗi ngày chúng ta sẽ bình yên bước đi trên sóng nước bằng chính chiếc thuyền đời của mình với một niềm tin yêu phó thác vào tình yêu thương quan phòng của Chúa.
Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN