Covid19 và Lớp Học Trực Tuyến
Cơn mưa xuân nhè nhẹ ghé về. Từng mầm lá xanh nõn lung linh trong nắng. Giải mây tinh khôi trải ngang tháp chuông nhà thờ trông đẹp lạ thường. Những chú chim vẫn hòa lên các bản tình ca mỗi sáng. Trời reo vui nhưng sao lòng người cứ trĩu nặng. Bọn sinh viên mới hôm nào còn nhí nhố, thế mà giờ này chẳng còn một mống. Sân trường vắng lặng đến lạnh người. Covid tên hay nhưng lòng quá hẹp. Nàng vơ vội bao mảnh đời trên đường đi. Bởi vậy từng tiếng húng hắng hay cái thở dài của nàng cũng làm thế nhân run rẩy. Người giàu í ới bảo nhau ở nhà sống chậm để chặn cô. Còn kẻ nghèo chống cằm nhìn qua khung cửa suy về một phương thức làm sao có thể đi qua thêm một ngày dài. Họ cùng đường rồi nên chẳng còn sợ chết nữa. Đời họ vốn mang quá nhiều thứ không: không nhà, không việc làm ổn định, không vị trí xã hội, không kiến thức, không cơ hội, không có tiền để dành cho những ngày mưa gió, cũng không tương lai. Bất giác mỗi ngày trôi qua chẳng còn là những thời khắc sống chậm mà là những ngày chết chậm…
Các nơi, nhà thờ, trường học, quán xá, chợ búa đóng cửa. Trường đại học nơi tôi dạy cũng không là ngoại lệ. Trên 7000 sinh viên được lệnh ở nhà học trực tuyến. Nào là Kaltura, Zoom, BlackBoard. Nào là PowerPoints, Discussion Forums, Online Presentation. Gần 90% sinh viên lên mạng mỗi ngày để vào lớp: không đến nỗi tệ, phải không! Nhưng đã sang tuần thứ ba rồi mà cũng không thấy tăm hơi nó. Gửi điện thư đến 4 lần nó cũng chẳng hồi âm. Giờ này nó ở đâu và làm gì? Tại sao nó không vào lớp, làm bài, hay nộp bài? Hay là nó đã bị nhiễm Covid? Lắc đầu xua vội những ý tưởng không hay và thầm thĩ một lời nguyện ngắn cho nó và gia đình được bình yên.
Thật ra nó chả có gì là đặc biệt. Mọi sự đều trung bình: học trung bình, vóc dáng trung bình, ăn mặc cũng trung bình nốt. Chỉ có đôi mắt nó dường như lúc nào cũng mang nhiều tâm sự thì phải. Nó đến học ở đây nhờ hai nguồn tài trợ: một là tiền học bổng liên bang, hai là vài chục ngàn mà ngoại nó để lại trước khi mất. Thế nên tuy không thoải mái nhưng nó vẫn có thể xoay xơ tạm ổn mấy năm nay.
Vân vê chiếc phone trong tay, chẳng biết có nên gọi nó không nhỉ? Thật ra việc này nên để văn phòng tư vấn sinh viên lo thì hay hơn. Chần chờ mãi đến mấy hôm nhưng sao lòng cứ thấy bồn chồn quá. Bấm vội vài nút chiều nay và ngồi chờ. Điện thoại reo có 5 lần thôi nhưng dài cứ như cả giờ vậy. “Alô?” Nó trả lời. “Cha Trần đây, con khỏe không?” “Ổn cha à, mọi sự ổn.” “Con đang làm gì đấy? Mấy lớp học trực tuyến của con đến đâu rồi. Ba tuần nay cha không thấy con vô lớp. Con có sao hay có cần gì không?” Nó lặng yên đến cả 5 phút rồi nói: “Cha và mọi người bình an chứ?” “Này, cha là người đang hỏi con đấy. Con trả lời trước đi…”
Có ai đó đã viết: “Khi những miếng gạch bông lát nền biến mất, phía dưới lộ ra những mảng xi măng không đều.” Ở khuôn viên đại học này, các sinh viên tuy đến từ những hoàn cảnh khác nhau, nhưng các em có cơ hội khá đều trong việc tiếp cận kiến thức cũng như cuộc sống. Thư viện dồi dào, máy tính cũng sẵn, wifi phủ sóng khắp nơi, câu lạc bộ và nhà ăn mở cửa 24/24. Lẽ nào đó, cuộc đời tại đây như những căn phòng được lát những lớp gạch khá đều và đẹp. Khi các em được cho về nhà để học trực tuyến, lớp gạch ấy biến đi và những mảng xi măng không đều lộ ra. Nó chưa từng có một chiếc máy tính ra hồn. Khi Covid đến, bố mẹ nó mất việc gần như ngay lập tức. Miếng ăn mỗi ngày trở thành một nỗi trăn trở. Mà mất việc thì đồng nghĩa với bảo hiểm y tế cũng chẳng còn. Cả nhà nó cứ co rúm lại với nhau. Nói dại ai đó trong nhà bị dương tính thì không biết đào đâu mà trả mấy cái bill. Rồi còn cái vụ vào lớp trực tuyến, tiền không có thì nói chi đến kết nối mạng. Ngay cả cái phone cùi bắp nó đang xài cũng trả theo từng phút. Các mảng khấp khểnh trong đời nó lớn hơn nó tưởng.
“Rồi bây giờ con tính sao?” “Con cũng không biết nữa. Mấy lần chạy ra thư viện địa phương nhưng họ cũng đóng cửa vì Covid. Xung quanh con nhà ai cũng nghèo không xài internet nên không ké được. Con định đánh liều lang thang vào bệnh viện may ra nó có wifi chùa chăng. Nhưng lap top không có, dù tìm ra wifi thì cũng chẳng học trực hay gián tuyến được. Bao giờ cô ta đi hở cha?” Lần này đến phiên nó phải chờ. Lí nhí như một kẻ có lỗi: “Cha không biết con à?”
Ngắt phone nhưng câu cuối của nó cứ ám ảnh trong đầu: “Sống chậm thì dễ, nhưng chết chậm khó lắm cha ơi…” Miệng đắng ngắt và nước mắt lại thêm một lần trào mi. “Ôi Covid à, sao cô ác làm vậy?”
Cơn mưa xuân nhè nhẹ ghé về. Từng mầm lá xanh nõn lung linh trong nắng. Giải mây tinh khôi trải ngang tháp chuông nhà thờ trông đẹp lạ thường. Những chú chim vẫn hòa lên các bản tình ca mỗi sáng. Trời reo vui nhưng sao lòng người cứ trĩu nặng. Bọn sinh viên mới hôm nào còn nhí nhố, thế mà giờ này chẳng còn một mống. Sân trường vắng lặng đến lạnh người. Covid tên hay nhưng lòng quá hẹp. Nàng vơ vội bao mảnh đời trên đường đi. Bởi vậy từng tiếng húng hắng hay cái thở dài của nàng cũng làm thế nhân run rẩy. Người giàu í ới bảo nhau ở nhà sống chậm để chặn cô. Còn kẻ nghèo chống cằm nhìn qua khung cửa suy về một phương thức làm sao có thể đi qua thêm một ngày dài. Họ cùng đường rồi nên chẳng còn sợ chết nữa. Đời họ vốn mang quá nhiều thứ không: không nhà, không việc làm ổn định, không vị trí xã hội, không kiến thức, không cơ hội, không có tiền để dành cho những ngày mưa gió, cũng không tương lai. Bất giác mỗi ngày trôi qua chẳng còn là những thời khắc sống chậm mà là những ngày chết chậm…
Các nơi, nhà thờ, trường học, quán xá, chợ búa đóng cửa. Trường đại học nơi tôi dạy cũng không là ngoại lệ. Trên 7000 sinh viên được lệnh ở nhà học trực tuyến. Nào là Kaltura, Zoom, BlackBoard. Nào là PowerPoints, Discussion Forums, Online Presentation. Gần 90% sinh viên lên mạng mỗi ngày để vào lớp: không đến nỗi tệ, phải không! Nhưng đã sang tuần thứ ba rồi mà cũng không thấy tăm hơi nó. Gửi điện thư đến 4 lần nó cũng chẳng hồi âm. Giờ này nó ở đâu và làm gì? Tại sao nó không vào lớp, làm bài, hay nộp bài? Hay là nó đã bị nhiễm Covid? Lắc đầu xua vội những ý tưởng không hay và thầm thĩ một lời nguyện ngắn cho nó và gia đình được bình yên.
Thật ra nó chả có gì là đặc biệt. Mọi sự đều trung bình: học trung bình, vóc dáng trung bình, ăn mặc cũng trung bình nốt. Chỉ có đôi mắt nó dường như lúc nào cũng mang nhiều tâm sự thì phải. Nó đến học ở đây nhờ hai nguồn tài trợ: một là tiền học bổng liên bang, hai là vài chục ngàn mà ngoại nó để lại trước khi mất. Thế nên tuy không thoải mái nhưng nó vẫn có thể xoay xơ tạm ổn mấy năm nay.
Vân vê chiếc phone trong tay, chẳng biết có nên gọi nó không nhỉ? Thật ra việc này nên để văn phòng tư vấn sinh viên lo thì hay hơn. Chần chờ mãi đến mấy hôm nhưng sao lòng cứ thấy bồn chồn quá. Bấm vội vài nút chiều nay và ngồi chờ. Điện thoại reo có 5 lần thôi nhưng dài cứ như cả giờ vậy. “Alô?” Nó trả lời. “Cha Trần đây, con khỏe không?” “Ổn cha à, mọi sự ổn.” “Con đang làm gì đấy? Mấy lớp học trực tuyến của con đến đâu rồi. Ba tuần nay cha không thấy con vô lớp. Con có sao hay có cần gì không?” Nó lặng yên đến cả 5 phút rồi nói: “Cha và mọi người bình an chứ?” “Này, cha là người đang hỏi con đấy. Con trả lời trước đi…”
Có ai đó đã viết: “Khi những miếng gạch bông lát nền biến mất, phía dưới lộ ra những mảng xi măng không đều.” Ở khuôn viên đại học này, các sinh viên tuy đến từ những hoàn cảnh khác nhau, nhưng các em có cơ hội khá đều trong việc tiếp cận kiến thức cũng như cuộc sống. Thư viện dồi dào, máy tính cũng sẵn, wifi phủ sóng khắp nơi, câu lạc bộ và nhà ăn mở cửa 24/24. Lẽ nào đó, cuộc đời tại đây như những căn phòng được lát những lớp gạch khá đều và đẹp. Khi các em được cho về nhà để học trực tuyến, lớp gạch ấy biến đi và những mảng xi măng không đều lộ ra. Nó chưa từng có một chiếc máy tính ra hồn. Khi Covid đến, bố mẹ nó mất việc gần như ngay lập tức. Miếng ăn mỗi ngày trở thành một nỗi trăn trở. Mà mất việc thì đồng nghĩa với bảo hiểm y tế cũng chẳng còn. Cả nhà nó cứ co rúm lại với nhau. Nói dại ai đó trong nhà bị dương tính thì không biết đào đâu mà trả mấy cái bill. Rồi còn cái vụ vào lớp trực tuyến, tiền không có thì nói chi đến kết nối mạng. Ngay cả cái phone cùi bắp nó đang xài cũng trả theo từng phút. Các mảng khấp khểnh trong đời nó lớn hơn nó tưởng.
“Rồi bây giờ con tính sao?” “Con cũng không biết nữa. Mấy lần chạy ra thư viện địa phương nhưng họ cũng đóng cửa vì Covid. Xung quanh con nhà ai cũng nghèo không xài internet nên không ké được. Con định đánh liều lang thang vào bệnh viện may ra nó có wifi chùa chăng. Nhưng lap top không có, dù tìm ra wifi thì cũng chẳng học trực hay gián tuyến được. Bao giờ cô ta đi hở cha?” Lần này đến phiên nó phải chờ. Lí nhí như một kẻ có lỗi: “Cha không biết con à?”
Ngắt phone nhưng câu cuối của nó cứ ám ảnh trong đầu: “Sống chậm thì dễ, nhưng chết chậm khó lắm cha ơi…” Miệng đắng ngắt và nước mắt lại thêm một lần trào mi. “Ôi Covid à, sao cô ác làm vậy?”