Tôi có một người bạn đang dạy ở tiểu chủng viện Don Bosco. Vào giữa năm học 1968-1969, thình lình anh phải di chuyển về quê. Để tránh gây phiền phức cho nhà trường, anh nhờ tôi vào thay thế cho đến hết niên khóa. Vì tình bạn, tôi nhận lời nhưng trong lòng đầy mặc cảm.
Tôi là người ngoại đạo, nhà trường lại dành cho chủng sinh, những người được đào tạo để trở thành đại diện chính thức của Thiên Chúa, sẽ thay Ngài chăn dắt đàn chiên rải rác trên khắp quê hương. Mặc cảm của tôi là chuyện không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, chỉ qua một tuần lễ đầu, mặc cảm giảm bớt đi rất nhiều; các em chủng sinh đã trao cho tôi tình thương mến còn hơn cả một số trường phi tôn giáo mà tôi đã dừng chân trong quá khứ.
Khung cảnh trang nghiêm của ngôi trường, sự đối xử của các tu sĩ, lòng yêu mến của học sinh làm cho ngôi trường nhanh chóng thành nơi thân thuộc của tôi.
Trong trường, có một linh mục người Ý. Lần đầu tiên gặp Cha, tôi giật mình sửng sốt, miệng lẩm bẩm một cách tự nhiên:
- Don Quichotte de la Manche!
Do đó, hễ có dịp là tôi tìm cách ngồi bên Cha trò chuyện. May quá, Cha nói được tiếng Pháp. Những câu chuyện thì rất tầm thường, nhưng tôi thích thú vì được trao đổi lời nói với Don Quichotte bằng xương, bằng thịt của tôi.
Học sinh Don Bosco học giỏi lắm, hơn tất cả các trường mà tôi đã và đang dạy. Từ trước đến nay, học sinh các lớp rất ngán tôi vì tôi hay cho các em điểm không. Nhiều lần, học sinh gọi tôi là “chuyên viên nuôi vịt đẻ” vì những con số không mà tôi gọi là trứng vịt, được tôi ban phát rất rộng rãi và đều đặn. Số lượng trứng trong cả cuộc đời dạy học của tôi có lẽ đủ để làm tất cả bánh trung thu của một mùa trăng tháng Tám! Thế mà chưa bao giờ tôi đặt được một quả trứng vào sổ điểm của trường Don Bosco.
Có một lần, tôi suýt làm được việc đó, không phải một quả mà có thể một giỏ đầy. Câu chuyện thế nầy.
Trước năm 1975, các trường thường giao cho tôi dạy Vật lý Hóa học nhiều hơn là Vạn vật học. Vào các tiết cuối cùng của tuần lễ, tôi thường cho rất nhiều bài tập để các em tự làm trong ngày Chúa Nhật. Dạo đó, học sinh cứ đến Chúa Nhật là đi rong chơi chứ không đi học thêm đến kiệt lực như ngày nay. Cho nhiều bài tập để các em tự luyện và bớt đi rong chơi, tôi chủ trương như thế. Hôm đó là ngày thứ bảy, tôi cũng theo thông lệ, cho lớp mười một Don Bosco một đống bài tập.
Sáng thứ hai kế tiếp lại có giờ ở lớp nầy. Tôi góp tất cả vở bài tập của các em lên để kiểm tra. Hầu hết không làm bài hoặc làm chưa xong. Tôi giận dữ, không nói không rằng, dằn mạnh sổ điểm trên bàn và lật ra. Những quả trứng vịt tròn vo đang nhảy múa trong đầu tôi. Học sinh thấy nét mặt bực bội và thái độ bất thường của tôi nên cả lớp im phăng phắc, không khí căng thẳng như dây cung trong tay tôi đã kéo ra hết mức. Chỉ cần tôi buông tay là trứng vịt sẽ ào ào tuôn vào sổ điểm, mà một khi chúng nó đã nằm vào đó rồi thì sẽ nằm cứng luôn; tôi không bao giờ chịu sửa điểm trong sổ ở bất cứ trường hợp nào.
Tôi mở cặp ra để mò tìm cây bút, học trò ngồi im như những pho tượng, không dám thở mạnh, mở to mắt nhìn theo tay tôi. Có lẽ các em đã đoán được điều tệ hại sắp xảy ra rồi.
Bỗng nhiên, em trưởng lớp đứng bật dậy:
- Thưa thầy…
Tôi ngừng tay nhìn em trưởng lớp, chờ đợi câu năn nỉ để tôi đáp lại bằng câu la rầy thì những quả trứng càng thêm tác dụng. Em nuốt nước bọt và nói nhanh:
- Thưa thầy, ngày Chúa Nhật, chúng con bận việc suốt từ tinh sương đến chiều tối, không rảnh một phút nào.
Tôi ngạc nhiên, nhìn em không chớp mắt. Em cúi đầu xuống, nói một hơi không nghỉ, sợ gián đoạn sự trình bày:
- Dòng của chúng con tuân theo tôn chỉ của Thánh Don Bosco, cứu giúp trẻ bụi đời. Cứ mỗi ngày Chúa Nhật, từ sáng tinh mơ, hàng ngàn đứa trẻ bụi đời toàn thành phố quy tụ về đây. Chúng con quần quật suốt ngày với các em bé đáng thương đó: lo cho các em ăn uống, chơi đùa, ca hát, thi đấu thể thao, tắm rửa, vân vân…. Chúng con mệt nhoài. Buổi tối, sau khi các em ra về, chúng con còn nhiều việc bắt buộc cho một chủng sinh nên khi được đặt lưng xuống giường là chúng con không còn biết trời đất gì nữa.
Em nói xong, ngồi xuống. Cả lớp im phăng phắc nhìn tôi, chờ đợi phản ứng của thầy. Tôi cảm thấy lòng mình bị lương tâm ngoạm cho một miếng đau nhói. Nhưng may, nó nhả ra ngay vì tôi chưa kịp tung những quả trứng vịt vào sổ điểm các em.
Sau nầy, tôi được biết rằng em chủng sinh nào nhận một con số không trong sổ điểm là có thể đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi tiểu chủng viện. Hú vía cho tôi hôm đó!
*
* *
Trường Don Bosco là trường của nhà dòng Thiên Chúa giáo, nên vẫn là một tư thục. Lúc bấy giờ, các tư thục nói chung đều hồi hộp trong mỗi kỳ thi Tú tài. Trường nào có học sinh thi đậu với tỉ số đến bốn chục phần trăm thì đã đánh trống khua chiêng, quảng cáo ầm ĩ hòng thu hút học sinh cho năm học sau. Thế mà Don Bosco thì không bao giờ nói đến tỉ số học sinh thi đậu vì không có em nào thi rớt cả. Hiện tượng Don Bosco là hiện tượng khác thường của những năm trước 1975. Trái ngược với ngày nay, tỉ số học sinh thi đậu tú tài vượt trên chín chục phần trăm, là chuyện quá thường tình. Các bạn tôi đều công nhận trình độ cả thầy lẫn trò ngày nay thấp hơn xưa, nhưng tỉ số thi đậu vẫn cao vòi vọi. Lạ lùng hơn nữa, các tỉnh càng ở xa, trình độ càng thấp thì học sinh càng đậu nhiều, tỉ số một trăm phần trăm không hiếm cho cả một hội đồng thi. Ai cũng biết kỳ thi nào cũng có thí sinh bỏ thi hoặc bỏ cuộc nửa chừng, nên tỉ số đậu 100% có nghĩa là các em không muốn đậu cũng bắt buộc phải đậu luôn.
Tôi xin nhắc lại hiện tượng Don Bosco ngày ấy là một hiện tượng bất thường. Có hợp tác với trường thì thấy các em chủng sinh hoàn toàn xứng đáng với hiện tượng bất thường đó. Dạy ở trường nầy, các thầy đều phải thận trọng vì nếu lỡ dạy một chi tiết không chính xác, sợ e học sinh nhận ra. Thông thường, thầy giỏi, học trò sẽ giỏi. Ngược lai, trò giỏi, thầy cũng phải giỏi theo. Bài giảng của thầy phải được soạn một cách kỹ lưỡng để tránh sai sót, kiến thức của thầy phải được thường xuyên củng cố để trả lời chính xác những câu hỏi của học sinh, thế là các em đã giúp cho thầy thăng tiến trong nghề nghiệp. Những năm dạy ở Don Bosco, tôi đã nhận được điều tốt lành đó.
Còn nhỏ mà học giỏi thì con đường tri thức trong tương lai cũng rộng mở. Tôi biết không ít học sinh Don Bosco của tôi dạo đó, nay đã trở thành những linh mục, những giáo sư của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Điều đó tạo nên niềm hãnh diện, niềm vui sướng trong tuổi già của tôi. Trong đời nhà giáo, không có gì hạnh phúc bằng khi thấy học trò mình đã vượt xa mình về khả năng, về kiến thức hay về tư cách làm người.
Trong những “ngày xưa” đó, chủng sinh Don Bosco học giỏi mà chơi cũng không thua ai. Đội bóng đá của Don Bosco đoạt chức vô địch nhiều năm liên tiếp ở giải học sinh trung học. Tôi rất thích điều nầy vì lúc bé tôi mê đá banh hơn bất cứ trò chơi nào khác. Có lẽ, Pélé hay Maradona thời thơ ấu cũng mê chơi bóng cỡ như tôi là cùng. Có điều khác là hai người đó về sau trở thành ngôi sao được cả thế giới thán phục, còn tôi thì chẳng được ai khen ngợi.
Tuy vậy, khi nghe tôi thích bóng đá, các em rất hào hứng nên xúm lại năn nỉ tôi tham gia một trận với các em. Năn nỉ mãi thì tôi phải xiêu lòng và nhận lời. Tất cả học sinh nghe tôi ra sân trong sắc áo cầu thủ thì rất phấn khởi. Tôi được sắp vào đội banh lớp mười hai để tranh giải với đội banh lớp mười một. Khán giả đông lắm, có cả cha hiệu trưởng nữa. Tôi được các em xếp vào vị trí trung phong. Tôi đứng gần vạch vôi giữa sân và bỗng nhiên cảm thấy một niềm hãnh diện dâng lên trong lòng. Tôi nghĩ rằng, nếu mình đá được quả banh đầu tiên vào lưới của đối phương để nghe âm thanh hò reo tán thưởng của khán giả thì đó là điều tuyệt vời.
Cuộc chơi bắt đầu bằng tiếng còi khai trận thực dài của trọng tài. Quả banh được giao qua cho người thứ nhất. Em nầy chuyền ngay đến chân tôi. Tôi đang là cầu thủ được chú ý nhiều nhất trên sân. Tôi cố gắng chận được quả banh, chưa kịp đá đi thì một cầu thủ của phía đối phương phóng tới và rầm một cú như trời giáng, tôi ngã soài xuống đất, chân đau nhói, không đứng dậy ngay được. Tiếng còi khai trận chưa kịp tan thì tiếng còi ngưng trận vang lên.
Cầu thủ phạm lỗi vội vàng quay lại đỡ tôi đứng dậy nhưng sợ tôi không đứng vững nên hai người dìu tôi ra khỏi sân. Nhiều người kể cả trọng tài, xúm lại nắn bóp chân tôi. Không sao cả, chỉ trầy sơ, thoa chút dầu thì bớt đau. Trọng tài ra lệnh tôi trở vào sân, tôi từ chối. Cầu thủ và khán giả xúm lại năn nỉ tôi chơi tiếp, tôi cũng từ chối. Nghĩ đến ngày mai phải cà thọt bước lên bục giảng, tôi cảm thấy máu cầu thủ trong tôi bỗng nguội lạnh như đống tro tàn. Tôi vào sân vừa được mười giây và chạm banh được một lần. Thế là quá đủ rồi. Đến ông Chủ tịch FIFA, nếu xuất hiện và năn nỉ, thì tôi cũng từ chối thôi.
Học giỏi, đá banh giỏi, âm nhạc lại càng giỏi hơn. Dàn kèn của Don Bosco thì hay vô cùng. Dạo đó, nhiều cơ quan ở địa phương thường nhờ dàn kèn của Don Bosco đến làm lễ chào đón thượng khách ngoại quốc nữa kia. Trong trường, mỗi lần, dàn kèn trổi lên thì tôi ngưng mọi sinh hoạt bên ngoài và bên trong, mở tung các cánh cửa tâm hồn để âm nhạc tuôn vào.
Tôi còn nhớ rõ, gần mười năm sau, đúng ngày Noešl 1978, có ba học sinh Don Bosco ghé thăm tôi sau khi vĩnh biệt tiểu chủng viện. Mỗi em mang theo một cây kèn. Các em chơi liền hai bản thánh ca. Âm nhạc lập tức biến căn nhà lá vách đất ọp ẹp của tôi thành một thiên đường rực rỡ. Tôi đắm chìm trong niềm hoan lạc lạ kỳ. Tôi nhìn qua khung cửa sổ. Trên bầu trời xanh lơ, có vài dải mây bàng bạc lững lờ trôi. Đó là những cổ xe trời, dùng để chở các Thiên thần đi mừng Chúa Hài đồng giáng thế. Thiên thần nghe tiếng nhạc, vén mây nhìn xuống và mỉm cười.
Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi có một khái thị đột nhiên về tôn giáo, thăng hoa đến mức như vậy.
Sau hai bản thánh ca, các em ôm đàn đi mất, không bao giờ trở lại nữa.
Tôi xin trở lại câu chuyện năm 1969, ở trường Don Bosco. Tôi là người ngoại đạo, vào chủng viện, dạy thế cho bạn tôi trong một lục cá nguyệt, tức là một học kỳ mà thôi. Một lục cá nguyệt, thực là ngắn ngủi. Lúc đó, trường có sáu giáo sư ở ngoài vào dạy các môn khoa học và sử địa. Còn quốc văn, triết học và sinh ngữ thì do các tu sĩ trong trường đảm nhiệm. Các giáo sư, ngoại trừ tôi, đều là con chiên ngoan đạo.
Ngày cuối cùng của năm học, các thầy giáo ngồi lại với nhau, ăn bánh uống nước, nói chuyện phiếm. Một lát sau, linh mục hiệu trưởng lên bắt tay từng người và trao cho mỗi giáo sư một phong thư. Tôi biết bên trong có món thù lao tháng chót và một lá thư chữ đánh máy của nhà trường.
Tôi cũng biết thư gồm hai loại. Thư cám ơn suông, không nói gì thêm, thì năm học sau đừng đến nữa; thư cám ơn và hẹn tái ngộ thì năm học sau trở lại dạy. Tôi chắc mẻm là mình được thư cám ơn suông vì hôm nay, tôi hết hạn “hợp đồng miễn cưỡng” với nhà trường. Xin nhắc lại, tôi đến đây dạy không phải do lời mời chính thức của nhà trường mà chỉ tạm thời dạy thế cho bạn tôi đến hết năm học. Nếu rời nơi đây thì về việc tiền bạc, tôi không phải lo lắng gì cả vì trong một vài năm gần đây, tôi đã từ chối bớt một số giờ trường tư bên ngoài mà thù lao còn cao hơn ở trường nầy khá nhiều.
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy một nỗi buồn man mác khi phải từ giã ngôi trường nầy. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn hàng cây cao lung lay trong gió sớm. Chúng đã trở thành quen thuộc và kể từ nay tôi sẽ không còn trông thấy nữa. Tôi nhìn xuống sân banh, cỏ đã bắt đầu mọc xanh từng đám sau một tháng mưa đầu mùa. Trên cái sân vô tri vô giác nầy, tôi đã từng khoác áo cầu thủ và đã được những bàn tay thân yêu dìu ra khỏi cuộc chơi. Tôi nhìn qua chiếc cổng thâm nghiêm và cổ kính, nơi hằng ngày khi tôi bước qua thì đều có cảm giác đi từ cuộc đời trần tục để vào lĩnh địa của hiền hòa, chân thật và đạo đức. Tôi sắp xa nơi đây và chắc chắn tôi sẽ không quên ngôi trường nầy dù tôi chỉ mới đến dạy chưa tròn một niên khóa.
Cha hiệu trưởng đã đưa phong thư cho tôi; tôi cầm trong tay, định bụng về nhà đưa cả cho vợ tôi để cô ấy moi tiền ra đi mua sắm.
Năm người kia, trái lại, mở phong bì ra xem ngay. Ba lá thư cám ơn suông, hai lá thư hẹn tái ngộ. Hai người thì vui, ba người mặt thoáng buồn. Mọi người nhìn sang tôi và chờ đợi. Hiểu ý, tôi bóc phong bì ra. Tôi phải đọc lá thư đến hai lần: thư hẹn tái ngộ, nghĩa là, xin nhắc lại, trường mời sang năm đến dạy tiếp!
Cái mặc cảm người ngoại đạo của những ngày đầu mới đến đấy, tưởng đã biến mất khi năm học kết thúc, bỗng dưng trở lại trong tôi với lá thư nầy. Sau khi anh em đứng dậy chia tay, tôi bước xuống cầu thang thì gặp cha hiệu trưởng từ văn phòng đi ra. Tôi chận lại và vào đề ngay:
-Thưa Cha, Cha có biết con là người ngoại đạo hay không?
Cha ngạc nhiên nhìn tôi, nhưng khi thấy tôi vẫn còn cầm phong thư trong tay, Cha chợt hiểu. Ông mỉm cười trả lời:
- Tất cả mọi người đều là con chiên của Chúa, không riêng gì người có đạo. Thầy hãy an tâm và cố gắng làm theo lời Chúa dạy: luôn luôn tận tâm với học sinh, tại đây và ở mọi nơi mà thầy đến dạy.
Nói xong, cha siết chặt tay tôi và quay gót. Tôi đứng yên, nhìn theo tà áo đen chậm chạp di chuyển trong ánh nắng ban mai, lung linh, tràn đầy thánh thiện.
Tôi nghĩ thầm: “Tất cả mọi người đều là con chiên của Chúa. Có những con chiên ngoan đạo đã vào hàng ngũ chỉnh tề trong các thánh đường dưới chân tượng Chúa. Lại có những con chiên đang mải rong chơi ngoài đồng nội, quên cả giờ về cho Chúa điểm danh!”
Hôm đó, lòng tôn sùng tôn giáo trong tôi bùng lên cao ngút, tuy nhiên tôi vẫn là người ngoại đạo. Trong gia tộc tôi, mọi người đều theo đạo Phật cho nên tôi muốn mình vẫn là người ngoại đạo để không tạo khoảng cách có thể không tránh khỏi đối với gia đình và bà con thân thuộc. Tuy nhiên, tôi vẫn có lòng tôn sùng các đấng chí tôn của các tôn giáo, rất cảm động khi nghĩ đến đức từ bi, bác ái của các Ngài. Tôi cũng thường đề cao cái hay cái quý của tôn giáo với học trò tôi với lòng mong muốn mọi người thuộc các tôn giáo khác nhau thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Hiện tại, trên thế giới nhiều người đang thổi bùng sự mâu thuẫn tôn giáo đến thù hận và chém giết nhau một cách dã man. Dân tộc Việt Nam thì hiền lành nhưng người làm giáo dục phải biết lo xa, lòng khoan dung tôn giáo cần phải dạy cho mọi người nhất là cho giới trẻ thấm nhuần. Các thầy cô trẻ tuổi có đồng ý với tôi như thế không?