Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. Bài 21: Chiêm Thành bị phân hóa

Năm 1472, Bố Trì Tri, cháu của Trà Toàn, chạy về Panduranga (Giao Nam) xưng vương, hiệu Thái Da (Jayavarman Mafoungnan). Tân vương sai sứ sang Đại Việt xin thừa nhận và xin tiếp tục triều cống. Ranh giới phân chia hai nước được xác nhận tại đèo Cù Mông, cạnh chân núi Thạch Bi.

Vua Lê Thánh Tôn áp dụng chính sách bảo hộ, chia Chiêm Thành ra làm ba tiểu quốc, phong ba tiểu vương cai trị.

1. Bồ Trì Tri cai quản đất Giao Nam, tức Nam Chiêm Thành gồm Kauthara và Panduranga, bằng 1/5 lãnh thổ cũ, từ mũi Kê Gà trở xuống gồm 5 lãnh địa : Aya Tră (Nha Trang), Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Phan Rí (Parik) và Pajai (Phố Hài, gần Phan Thiết). Giao Nam (tức Panduranga) được độc lập về chính trị, kinh tế và tín ngưỡng nhưng phải triều cống nhà Lê. Kinh đô trong giai đoạn đầu đặt tại Virapura, tức Phan Rang.

2. Trà Toại cai trị đất Nam Phan : xứ Bồn Man, tức châu Quy Hợp (Tây Nguyên ngày nay và một phần cao nguyên Attopeu Nam Lào).

3. Một vương tôn Champa (người Thượng) khác cai quản đất Hóa Anh : lãnh thổ Aryaru cũ (Phú Yên).

Sau 1471, lãnh thổ của vương quốc Chiêm Thành phía nam (Kauthara và Panduranga) chỉ còn từ đèo Cù Mông đến mũi Kê Gà (cap Varella). Lãnh thổ Đại Việt mới kéo dài từ ải Nam Quan đến đèo Cù Mông. Phần đất Chiêm Thành cũ, gọi là Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) được chia thành ba vùng gồm Đại Chiêm tức Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi) và Đồ Bàn (Bình Định). Một tướng Chăm tên Bà Thái (Po Thai) làm tri phủ đất Đại Chiêm. Những quan Đại Việt cai trị Đồ Bàn và Cổ Lũy có quyền tiền trảm hậu tấu.

Hàng đoàn người Chăm, trong đó có nhiều gia đình vương tôn không chấp nhận sự cai trị của người Việt tại Cổ Lũy, chạy vào rừng sâu trên lãnh thổ xứ Láng Cháng (Luang Prabang, Bắc Lào) lánh nạn, một số vượt Trường Sơn chạy sang Chân Lạp định cư. Đây là cuộc di dân lần thứ tư sau các đợt di tản năm 986, 1285 và 1318. Lê Thánh Tôn đổi tên đất Cổ Lũy thành đạo Quảng Nam gồm 3 phủ (Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn) và 9 huyện.

Trên cao nguyên một lãnh tụ Chăm tên Công (còn gọi là Chăm Công) được sự giúp đỡ của vương quốc Láng Cháng tổ chức đánh phá các làng xã và đồn phòng thủ của quân Việt. Năm 1479, Lê Thánh Tôn mang đại binh gồm 180.000 người sang Láng Cháng dẹp loạn Chăm Công, truy đuổi vua Láng Cháng sang lãnh thổ Miến Điện. Vua Lê giao một vương tôn Chăm thân Đại Việt cai trị xứ Quy Hợp gồm 7 huyện và cho thành lập phủ Trấn Ninh giao cho một quan người Việt cai trị.

Tại Nam Bàn, Lê Thánh Tôn cho thành lập Thái bộc tư khanh, một bộ phận hành chánh chuyên lo đặt lại cho đúng qui chế họ tên của người Chăm theo đúng phiên âm Đại Việt. Vì người Chăm không có họ nên việc xét tên đặt họ rất khó khăn, nếu tên có nhiều chữ thì chỉ giữ lại ba chữ cuối : thí dụ như Tô Môn Tô Sa Môn viết thành Tô Sa Môn, Sa Qua Sa Oa Qua thành Sa Oa Qua...

Vua Lê còn ra lệnh cấm quan viên và dân chúng Việt chứa chấp người Chăm. Nhà Lê đưa những tội phạm biệt xứ gốc Kinh vào các châu Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (thuộc đạo Quảng Nam) khai phá đất mới. Những lưu dân này lúc ra đi, hoặc độc thân hoặc không được mang theo gia đình, một số đã lập gia đình với các thiếu nữ Chăm và sinh con đẻ cái. Con cái của những người này sau đó đã trở thành người Việt, quên hẳn gốc Chăm của mẹ và đã trở thành những người miền Trung. Người Chăm tại Phan Rang gọi những người Chăm mang hai giòng máu tại Quảng Nam và Bình Định là Chăm Hoi (người Việt gọi là Hời). Phụ nữ Chăm Quảng Nam và Bình Định lấy chồng Việt là chuyện thường, nhưng rất hiếm trường hợp phụ nữ Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận lấy chồng Việt, vì khác biệt tôn giáo, đa số theo đạo Chăm Bani (Hồi giáo cải cách).

Dân chúng Việt sống trên các lãnh thổ Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tức Indrapura cũ, thỉnh thoảng bị người Hroi, một bộ lạc gốc Malayo Polynesien cư ngụ trên Tây Nguyên, tràn xuống đánh phá, từ đó người miền Trung gọi chung tất cả những người có nước da đen đủi ở trần là Hời. Về sau danh xưng này được đồng hóa với người Chăm trước thế ky 15. Thật ra người Chăm lai Thượng hay Thượng gốc Chăm được người Chăm Phan Rang gọi là Chăm Pal, không liên quan gì đến người Chăm Hoi tại Bình Định. Họ là những người thuộc các bộ lạc Rhadé, Raglai, Churu v.v...

Năm 1478, Bố Trì Tri mất,em à Koulai lên thay và bị ám sát tại Lão Qua (Lào) năm 1505, con là Chakou Poulo kế nghiệp. Chakou Poulo lo mở mang xứ sở, giao hảo với Trung Hoa và được nhà Minh sắc phong năm 1515 và nhìn nhận vương quốc Nam Chiêm Thành cho tới năm 1543. Thuyền buôn ngoại quốc (Trung Hoa, Mã Lai, Khmer, Bồ Đào Nha và Hòa Lan) vẫn lui tới các hải cảng Panduranga buôn bán tấp nập trong những thế ky 16 và 17.

Đầu thế ky 16, người Chăm trong các vùng đất Thuận Hóa và Nam Bàn thường hay nổi lên đánh giết những gia đình người Việt đến định cư lập nghiệp. Đất Nam Bàn trở nên khó cai trị, việc quản trị sau đó phải giao cho những quan Việt. Được sự đồng ý của chúa Trịnh, vua Lê sai Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Hóa giữ yên bờ cõi phía Nam. Nhiều gia đình hoàng tộc Champa sinh sống trên vùng đất này chạy về Panduranga tị nạn. Một số dân cư Chăm sinh sống dọc các bờ biển miền Trung trở thành những nhóm hải tặc tổ chức cướp phá các đội thương thuyền ngoại quốc, nhất là của người Bồ Đào Nha và Hòa Lan, đi lại trong vùng để sinh sống. Địa Bàn hoạt động của các đám hải tặc là quanh các đảo Côn Lôn và Phú Quý.

Chiêm Thành trên danh nghĩa không còn được nhắc tới nữa, nhưng trong thực tế vương quốc Chiêm Thành đối với người Chăm vẫn tồn tại mặc dù đất đai bị thu hẹp. Sau này vào thời Nguyễn sơ, nhất là dưới thời Nguyễn Hoàng, vương quốc Chiêm Thành được nhìn nhận trở lại.