Trời đã vào cuối thu. Mới đó mà rừng phong sau nhà đã bắt đầu thay áo. Không phải áo xanh biến thành áo vàng rồi bay đi ngay đâu. Không, đây là một chu kỳ đẹp vô cùng của thiên nhiên Canada. Khi cây phong cảm thấy cái lạnh hanh hanh thì họ nhà phong liền thì thầm gọi nhau thay áo. Màu vàng len lén một chút ở cuống lá. Màu vàng ngập ngừng cả tuần lễ rồi màu vàng mới lan ra. Rồi màu hồng mới hiện lên. Rất e ấp. Mãi rồi lá cây mới chuyển sang màu đỏ, rồi đỏ tươi, rồi đỏ thắm. Lá phong đổi màu theo độ ánh nắng. Vì tàng cây ngậm nắng ở những góc độ khác nhau nên nhịp chuyển màu cũng khác nhau. Và biến thành một tác phẩm màu đẹp tuyệt vời. Đồi phong biến thành một cuộc triển lãm , khách du lịch khắp nơi đổ đến đây để chiêm ngắm, để chụp hình, để tìm hứng làm thơ làm nhạc. Canada lớn hơn nước Việt Nam 30 lần mà chỉ có 33 triệu dân. Dân chúng chỉ sống ở phía nam sát miền biên giới với Hoa Kỳ, ngoài ra là rừng cây. Các cụ thử tưởng tượng một rừng cây xanh như vậy, mà bây giờ những mầu xanh vàng hồng đỏ chen lẫn nhau thì đẹp biết chừng nào. Dân Canada giỏi vẽ giỏi làm thơ làm nhạc có lẽ nhờ vậy.

Giữa mùa lá phong thay áo đẹp này thì nước Canada vừa xong cuộc tổng tuyển cử. Thủ tướng Justin Trudeau tái đắc cử ngày 21 tháng 10 vừa qua với một chính phủ thiểu số. Tổng số ghế quốc hội là 338, Đảng Tự Do của ông chỉ chiếm đưọc 157 ghế, nên ông còn cần cộng tác với một đảng khác nữa thì mới bền vững, chứ không thì nhiệm kỳ của ông rất mong manh. Hình như ông muốn cộng tác với đảng Tân Dân Chủ NDP có 24 ghế thì phải. Đảng Bảo Thủ đối lập đã chúc mừng ông ngay. Việc này làm tôi thấy dân Canada thật là văn minh tiến bộ, khác với dân Việt mình : đảng tôi mà thất bại thì không bao giờ chúng tôi công nhận kết quả của đảng anh, tôi sẽ tố cáo anh gian lận. Dân mình thường vậy đó. Cầu xin ông thủ tướng trẻ Trudeau mới 47 tuổi này theo kịp bước chân của ông bố ngày xưa. Các cụ nhớ Cụ Pierre Elliot Trudeau chứ, cụ là người đã mang Hiến pháp Canada từ bên Anh về nước, đã làm ông hàng xóm Hoa Kỳ nhiều phen chới với nhưng nể phục. Tên cụ Pierre Elliot Trudeau, viết tắt là PET, đã đưọc đặt cho phi trưòng quốc tế Toronto từ năm 2003.

Tháng 11 cũng là tháng nhớ tới những người đã khuất, lễ các chiến sĩ trận vong. Lễ này làm tôi nhớ tới bài thơ nổi tiếng ‘In Flankers Fields’ của thi sĩ John McCrae. Ông là một y sĩ trong quân đoàn Canada đi giải cứu u Châu ở Flankers vào thời Đệ Nhất Thế Chiến. Trên cánh đồng hoang Flankers này có một loài hoa dại tên là Poppy màu đỏ. Nhiều chiến binh Canada đã nằm xuống trên cánh đồng này. Y sĩ John McCrae xúc động dã làm ra bài thơ mô tả chiến trường đẫm máu và khóc thương đồng đội. Một lời thơ trong bài này đã được ghi trên đồng bạc mệnh giá 10 đô la. Các cụ đã thấy có nước nào in lời thơ trên đồng bạc chưa ? Các chiến binh Canada tử trận đã được chôn cất ở đây giữa cánh đồng đầy hoa poppy, nên bây giờ, hàng năm, các cựu chiến binh Canada vẫn đứng ở các ngã tư cài hoa poppy cho mọi người để ghi nhớ người xưa và việc xưa.

Tháng 11 này còn làm tôi nhớ tới những cái chêt đầy oan khiên. Như cuối tháng 10 vừa qua có xe tải đông lạnh chở 39 xác chết khi tới vùng Essex ở Anh quốc. Họ là những ai đây ? Báo chí quốc tế đang làm ầm lên việc này. LM Cao Gia An ở Quảng Trị nói rằng đây toàn là dân Miền Trung bỏ nước đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn nhưng đã bị lừa vào xe tải đông lạnh khi tới Anh. Trên mạng tôi thấy đăng một bài thơ của một cô gái mang tên Trà My trong số 39 nạn nhân này. Trước khi chết, cô gửi qua email cho mẹ ở nhà rằng con đang bị nghẹt thở. Bà mẹ đã cho phổ biến bài thơ đầy nước mắt này:

Mẹ ơi con khó thở. Con đang chết, mẹ ơi. Tổ quốc ơi, người Việt Đang chết ở xứ người.Tổ quốc ơi, hãy hỏi, Vì sao nhiều đồng bào, Phải mất tiền để chết. Xin hãy hỏi : vì sao ?

Qua hơi tàn của một em gái VN đang hấp hối này ta thấy có bóng dáng những gian dối, mánh mung, tham nhũng của những kẻ đang cầm quyền VN. Quốc hội VN vẫn nín khe...

Cũng trong tháng 10 vừa qua có cái chết của thứ trưởng giáo dục Lê Hải An. Báo chí đưa tin là ông ra hành lang lầu 8 và bị té xuống đất. Chả lẽ văn phòng của một thứ trưởng mà hành lang chật hẹp đến độ ra một cái là té liền sao ? Thật là vô lý. Nghe nóí ông thứ trưởng này đang tố cáo một số viên chức trong bộ giáo dục những tội ác gì đó . Kinh thật. Sống với những người CS, người dân phải sợ từng ngày. Kìa xem ngài Tổng Tịch Nguyễn phú Trọng đang khoẻ mạnh về thăm Kiên Giang có một ngày mà xém chết. Sợ qúa. Có luật nhân quả không các cụ ?

Đây là mấy cái chết gần. Xa hơn, tháng 11 chúng ta nhớ tới cái chết đầy oan khiên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông ODP trong làng tôi khi nghe tới cái chết này thì lửa trong lòng ông bốc lên. Ông bảo Cụ Diệm đã bị chết một cách vô cùng oan khiên vào ngày 2-11-1963. Cái chết này đã kéo theo cái chết của Tổng Thống Kennedy ngay 3 tuần sau đó. Cái chết này đã làm cho giáo hội Phật Giáo VN chia đôi, một nửa là phe Ấn Quang với thày Thích Trí Quang, một nửa là phe của thày Thích Tâm Châu. Sự đổ vỡ này cho tới ngày hôm nay vẫn chưa thể hàn gắn lại được. Sự đổ vỡ này đã khiến giáo hội Phật Giáo mất đi một ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự vĩ đại mà đáng lẽ ra phải có và sẽ oai hùng vô cùng, vì hồi 1963 sức mạnh của giáo hội Phật Giáo mạnh vô cùng, muốn gì cũng được . Báo chí còn ghi : Mọi sự cho việc xây chùa này đã sẵn sàng. Đất ở ngay trên đường Trần Quốc Toản Saigon rộng mênh mông. Tiền bạc dư thừa, tướng Dương Văn Minh và về sau tướng Nguyễn Cao Kỳ đổ vào biết bao nhiêu. Hoạ đồ đã vẽ xong, thật là nguy nga, tráng lệ, và hùng vĩ, xứng đáng là ngôi chùa đặc trưng quốc gia. Thế mà sự chia rẽ đã làm ngôi chùa không hề được khởi công. Dự án đã chết. Mấy nhà sư Bắc Kỳ chờ ngôi chùa này không được nữa mới quay ra xây chùa cho nhóm mình, đó là Chùa Vĩnh Nghiêm của Thày Thích Tâm giác, ở bên cầu Công Lý Saigon.

Kể đến đây rồi Ông ODP kết :Tất cả những sự kiện này có phải là do cái chết tức tưởi và oan khiên của Cụ Diệm không ? Cụ thiêng lắm.

Chị Ba Biên Hòa nghe nói về những sự dữ trên đây thì xin làng bàn sang chuyện khác, xin bỏ những chuyện liên quan tới tháng 11, con số 11 xui qúa. Cụ B.95 tròn xoe mắt hỏi ngay : Con số 11 xui lắm sao ? Chị Ba trả lời ngay : Dạ đúng. Này nha

Khi ta gặp nguy, ta gọi điện thoại 911, ba con số này cộng lại có phải là 11 không?

Biến cố 9/11 ở New Yrok bên Mỹ, 2 toà tháp đôi bị sập và bao nhiêu người chết, cộng ngang 3 con số này có phải là số 11 không?

Hai tòa tháp ấy đứng xa trông có giống con số 11 không?

New York là tiểu bang thứ 11 gia nhập liên bang Hoa Kỳ

Chữ New York City có 11 chữ.

Ngũ Giác Đài tiếng Anh là The Pentagon nơi bị bọn khủng bố tấn công cũng gồm 11 chữ

Máy bay American Airlines đâm vào 1 cao ốc có 92 hành khách, cộng ngang con số 9 với 2 có phải là 11 không? Còn máy bay United Airlaines đâm vào cáo ốc kia chở 65 hành khách, cộng 6 với 5 có phải là số 11 không.

Trên đây là những chuyện số 11 bên Mỹ, còn ở Việt Nam mình thì ông bà ta cũng kiêng con số 11. Chứng cớ : Tháng 11 cuối năm thì ông bà ta gọi là tháng Một, hai tháng cuối năm gọi là Một Chạp, còn tháng 1 đầu năm thì ông bà ta gọi là tháng Giêng,

Cụ B.95 nghe xong liền nói ngay : À há, bây giờ lão mới được nghe về con số 11 này. Nhưng thôi, xin nói những chuyện thời sự khác, vui hơn. Ông ODP liền kể :

Tin thứ nhất là Đức Cha Nguyễn Năng của giáo phận Phát Diệm ngoài Bắc được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục giáo phận Saigon trong Nam. Ngài sẽ là vị Tổng Giám mục thứ 4 của Saigon sau TGM Nguyễn văn Bình, Phạm Minh Mẫn và Bùi Văn Đọc. Khi nghe tin mừng này thì ai cũng vui, nhất là Cụ Chánh tiên chỉ làng. Cụ bảo hình như giáo phận Phát Diệm và giáo phận Saigon có duyên với nhau. Này nha : Đức Cha Nguyễn Bá Tòng gốc Saigon đang làm cha sở xứ Tân Định, thì 1933 được phong giám mục và được cử làm giám mục Phát Diệm. Bây giờ Đức Cha Năng đang làm giám mục Phát Diệm được cử làm Tổng Giám Mục Saigon. Có duyên với nhau quá chứ.

Tin thứ hai là tin về văn hoá. Ngày 8 tháng 11 này, GS Đỗ Khánh Hoan, một dịch giả danh tiếng quốc tế, sẽ ra mắt một bộ sách vĩ đại, ‘ Platon Toàn Tập’ tại trụ sở Hội Các Chuyên Gia VN ở Vaugham miền bắc Toronto . Xưa nay tôi chưa hề nghe có tác phẩm nào dài tới 2 ngàn trang cả. Xin mời các cụ nghe lời ban tổ chức :

... Platon là một nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, người đã khai sinh ra nền triết học Tây phương cách đây 2500 năm tại Hy lạp. Platon dùng thể văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng của mình về mọi lãnh vực của cõi nhân sinh, từ siêu hình học đến nhận thức luận, mỹ học, tình yêu, đạo đức và luật pháp. Platon để lại cho đời 42 đối thoại nhưng học giả đời sau xác định chỉ có 30 đối thoại là do chính ông chấp bút, số còn lại là ngụy tạo.

Toàn bộ 30 đối thoại của Platon đã được dịch ra tiếng Việt, in thành 2000 trang sách, được chia làm 2 tập. Giáo sư Đỗ Khánh Hoan đã dành hơn 10 năm trời để dịch sang Việt ngữ, từ nguyên tác tiếng Hy Lạp và tham khảo thêm từ những văn bản Anh, Pháp và Đức ngữ. Ngoài việc chuyển ngữ tác phẩm, giáo sư Đỗ Khánh Hoan còn chú thích cặn kẽ hầu giúp độc giả Việt bớt bỡ ngỡ khi tiếp xúc với triết học Tây Phương.

Buổi lễ ra mắt sách do ban giám đốc Học Viện Công Dân ở Houston sang Toronto tổ chức. Điều khiển cơ sở thuần túy văn hoá này là 2 vợ chồng ông bà Tiến Sĩ Nông Duy Trường và Tiến Sĩ Nguyễn Anh Lan.

Các cụ có bao giờ thấy một buổi ra mắt sách mà sách dài tơi 2000 trang chưa? Đây là một nét son của văn hoá Việt Nam. Các sách xuất bản và phát hành xưa nay của Học Viện Công Dân luôn luôn về văn hóa, các tác phẩm rất kén chọn, được các độc giả cả hải ngoại cả trong nước rất ái mộ. Các cụ ở xa muốn biết về bộ sách mới này cũng như các tác phẩm của Học Viện Công Dân và GS Đỗ Khánh Hoan, xin liên lạc qua email : icevn@icevn.org

Chị Ba Biên Hoà hỏi tôi : Có phải GS Đỗ Khánh Hoan cũng là dịch

giả cuốn ‘Lời Dâng’ thơ Tagore ngày xưa không ? Tôi biết rõ việc này nên đã trả lời ngay : Đúng vậy, cuối thập niên 1960 ở Saigon xưa, giới trẻ ai mà không có trong túi tập thơ nổi tiếng này. Chính GS Đô Khánh Hoan cho tôi biết tập thơ này đã tái bản 34 lần, tôi xin lập lại 34 lần, và ở VN hiện nay vẫn còn người in lậu. Thơ Tagore và lời dịch có lửa và có thần, các cụ ạ...

Xin tạm ngưng tin sách vở, để mời các cụ dự bữa ăn Lễ Tạ Ơn Canada ở nhà cụ Chánh, theo đúng truyền thống với món gà tây và bánh bí ngô. Gia đình Cụ Chánh được giáo xứ của Cha Paolo đứng ra bảo trợ từ trại tỵ nạn Pulao Bidong vào thập niên 1980. Cụ vẫn nói là mai mốt cụ nằm xuống thì con cháu cụ vẫn phải ghi nhớ lễ này.

Mở đầu bữa ăn là phần cầu nguyện. Cụ Chánh nước mắt rưng rưng đã cầu xin : Lạy Chúa, chúng con đội ơn Chúa đã sai Cha Paolo cứu chúng con từ trại tỵ nạn, đã khiến Cha Paolo coi chúng con như người anh em nghĩa thiết. Chúng con đội ơn Chúa đã cho chúng con một đời ấm no và hạnh phúc trên miền đất Canada thiên đàng này. Chúng con đội ơn Chúa đã cho chúng con bữa ăn đầy hương vị vừa Canada vừa Việt Nam này. Amen. Dân làng cùng lập lại lời Amen, và ngồi xuống bàn. Món đầu tiên do Chị Ba Biên Hòa và anh John nấu. Món gà tây ăn với sauce làm bằng nước trái mận, rồi món bánh bí ngô pumkin pie. Sau đó mới tới món chè bí ngô nấu với đậu xanh của Cụ B.95. Ôi, món bánh bí ngô Canada ăn với chè bí ngô VN, sao mà nó ngon thế này ! Ông ODP vừa cười vừa chỉ vào Anh John và Chị Ba : nó ngon và hợp nhau y như cặp vợ chồng hạnh phúc này. Nghe vậy, Chị Ba e thẹn cúi đầu, má chị đỏ hây hây, trông cô gái Biên Hòa bữa nay đẹp hết sức.

Và tiếng cười đã nổ ra từ đây. Anh John được cả làng yêu cầu mở đầu chuyện cười. Anh vui vẻ kể ngay : Tháng trước tôi kể chuyện bà Nguyễn Thị Hồng bóp dế một anh công an ở Saigon thành công. Sáng hôm nay tình cờ khi rở lại tập báo cũ năm 2001 tôi gặp một chuyện còn khiếp đảm hơn chuyện bóp cụ Hồ của bà Hồng trên đây. Chuyện xảy ra ngày 9.1.2001 ở bên Anh. Rằng có một chị sồn sồn kia tên là Carr ở tỉnh Tyneside, bữa đó đi dự tiệc cưới một người bạn thân. Không hiểu sao giữa bữa tiệc xảy ra vụ cãi nhau. Chú rể đánh cô dâu. Chị Carr thấy cô dâu là bạn rất thân của mình bị tấn công thì liền nổi máu anh hùng, xô chú rể té xuống, rồi xé quần chú rể ra, cắn đứt liền một viên bi. Báo chỉ kể có thế, không cho biết thêm chi tiết rồi chú rể sẽ ra sao...

Làng tôi lại cười ầm lên. Phe các ông thì thốt lên : Liền bà bên Anh dữ quá, liền bà Canada của chúng ta đâu có thế bao giờ. Phe các bà gật đầu đồng ý ngay : Đúng, liền bà Canada toàn những thánh nhân không à. Cụ B.95 hỏi ngay : Xin mấy bà kể tên mấy nữ thánh nhân Canada coi.

Phe các bà không được chuẩn bị việc này nên nín khe. Anh John liền nhảy vào lập công với vợ. Anh bảo chuyện thánh nhân thì anh không nhớ rõ, nhưng chuyện nữ nhân tài thì anh có nhiều. Chẳng hạn chuyện nữ ca sĩ nổi tiếng Céline Dion. Các cụ biết người ca sĩ danh tiếng này chứ. Rằng khi bà mẹ mang bầu lần thứ 13, bà thấy mệt mỏi quá nên định phá thai. Bà đem tâm sự phá thai này hỏi ý một ông cha linh hướng. Vị linh mục này đã hết lời khuyên nhủ bà đừng làm việc giết người . Bà hồi tâm và giữ thai. Rồi bà đẻ ra một đứa con gái. Đứa này chính là ca sĩ Celine Dion nổi danh khắp thế giới hiện nay của Canada. Cả làng vỗ tay vì chuyện hay qúa.

Nghe xong, cụ Chánh chắp tay như cầu nguyện lúc đầu bữa : Con đội ơn Chúa đã cho chúng con những phước lành, một Celine Dion, một Đỗ Khánh Hoan, một Học Viện Công dân.

TRÀ LŨ