Trong bài Đại biểu Quốc hội: "Thầy cô bây giờ sợ cả động vào người học sinh" đăng trên laodong.vn ngày 21/05/2019, có đoạn như sau:

"Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) bày tỏ nhiều trăn trở về các vấn đề “nóng” của ngành giáo dục, trong đó có việc giáo dục chạy theo thành tích, không cho học sinh “quyền” được lưu ban.
Ông nói: “Sao bây giờ giáo viên cái gì cũng sợ, đánh giá điểm thấp thì sợ học sinh buồn, cho các cháu lưu ban thì sợ cháu bị tổn thương. Thầy cô không dám đụng gì đến học trò vì sợ mạng xã hội chỉ trích…
Tôi rất băn khoăn, chẳng lẽ cha ông ta giáo dục thế hệ trước chẳng tốt hay sao. Phải chăng đổi mới là cứ phải làm khác cũ. Chúng ta ngược lại xem cha ông ta giáo dục thế nào. Ông cha ta chọn thầy cho con là phải “hay chữ dữ đòn”, yêu thương con là "yêu cho roi cho vọt".
Thế rồi thế hệ chúng ta đi học, ở lớp lưu ban là chuyện bình thường. Có bạn lưu ban 2,3 năm, tốt nghiệp cấp 2,3 tỉ lệ thấp là chuyện bình thường; nhiều trường chỉ 60- 80% tốt nghiệp. Các thầy cô trách phạt học sinh nhưng vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt là đúng, là bài học cho chúng ta hôm nay…” (https://laodong.vn/giao-duc/dai-bieu-quoc-hoi-thay-co-bay-gio-so-ca-dong-vao-nguoi-hoc-sinh-734539.ldo).

1. TÓM TẮT CÂU CHUYỆN.

- Một ngày của tháng 1.2019, cô giáo Lê Thị Quy, chủ nhiệm lớp 9B trường trung học cơ sở Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội phạt một học sinh nam (là một trong năm học sinh thuộc dạng "quậy" của lớp) quỳ.
- Sự kiện ấy đã qua đi như bao sự kiện trong cuộc sống này cứ tuần tư trôi xa, trôi xa.
- Bỗng dưng một ngày đầu tháng 5.2019, bức hình ai đó chụp em học sinh quỳ quay lưng về phía máy ảnh, quay mặt về hướng cô giáo, còn cô giáo đang ngồi tại ghế của mình và đang giảng bài, bay "tung tăng" trên trang mạng xã hội.
- Thế là ngày 11.5.2019 phòng Giáo dục Thường Tín chỉ đạo Hiệu trưởng trường Tô Hiệu đình chỉ công tác giảng dạy của cô giáo Quy.
- Ngày 13.5.2019, Hiệu trưởng trường Tô Hiệu đã quyết định tạm cấm cô giáo Quy dạy học một tuần.
- Thời gian này nhà trường và phòng Giáo Dục "mở rộng điều tra" với tất cả học sinh của lớp 9B về hành vi của cô giáo.
- Ngành Gáo dục cho rằng, cô giáo xúc phạm danh dự học trò.
- Sau một tuần bị đuổi việc, là thời điểm hết hạn bị đuổi, cô Quy vẫn chưa thể đế trường. Cô bị sốc nặng vì chấn thương tâm lý.
- Cho đến ngày 22.5.2019, cô Quy vẫn còn nằm bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, Thanh Trì, Hà Nội để điều trị.

2. Ý KIẾN RIÊNG.

- Kể từ đây, nếu TÂM HUYẾT có còn sót lại chút nào trong lòng những người thầy, thì những người thầy sẽ tự tay giết chết chính tâm huyết của mình.
Họ sẽ chẳng bao giờ dám HẾT MÌNH làm bất cứ điều gì để dạy, để uốn nắn, để sửa lỗi, để trao ban kiến thức, để tạo một nếp sống có đạo đức, để dẫn các em vào tương lai của các em và của dân tộc này bằng con đường công chính.
Hết mình làm chi mà phải rước họa vào thân!

- Người ta cho rằng, cô giáo xúc phạm danh dự học trò "quậy". Nhưng người ta xúc phạm cô giáo còn nặng nề gấp bội lần hơn, khi người ta công khai điều tra cô giáo của các em nơi chính các em, và công khai cho cả quốc gia này biết việc tạm đuổi việc cô giáo.
Rồi đây, ngày kia, nếu trở lại với nghề, cô giáo có còn đủ thể diện, đủ tự tin, đừng nói là để dạy, mà chỉ là để nhìn, để hiện diện, để nói với học trò của mình và học trò của cả trường??
Có thể từ đây người ta đã thui chột khả năng giảng dạy của người giáo viên!

- Không biết các học trò đã hiểu cách đầy đủ hai chữ "nhân cách", hay chỉ có thể dừng lại ở suy nghĩ rằng, mình là kẻ được bênh vực, là "cái rốn" của xã hội, là "trung tâm đặc biệt" của cuộc đời này, là thành phần mà dù ở khía cạnh nào cũng "bất khả động chạm đến"?...

- Nếu học trò không thể hiểu hết ý nghĩa lớn lao về nhân cách mà các em cần phải có, thì hành động phạt cô giáo tất yếu trở thành lời khuyến khích nguy hiểm: Các em có quyền tiếp tục thực hiện những kiểu "quậy", những kiểu phá phách mà các em đã từng thực hiện nó. Vì cuối cùng, các em vẫn là người đúng. Chỉ có cô giáo, người đã từng phạt các em, mới có lỗi. Có lỗi mới bị phạt nghỉ việc!

- Đất nước tôi ngày mai sẽ ra sao khi mà xã hội "đẻ ra" một thế hệ giáo viên không còn "TẬN TỤY" vì không dám tận tụy?
Sẽ ra sao khi mà hết lớp lớp học trò này đến lớp lớp học trò khác được bảo vệ "NHÂN CÁCH" bằng việc "hạ bệ" nhân cách của người lãnh trách nhiệm giáo dục chúng?

- Xin cám ơn các nhà giáo dục đã đặt dấu ấn về một nền giáo dục đúng nghĩa trên cuộc đời tôi.

Xin cám ơn các nhà giáo dục. Nhờ họ, mà đất nước tôi, dẫu vẫn nghèo, vẫn lạc hậu, lại giàu NHÂN CÁCH. Nó là quốc bảo đã tồn tại tự ngàn đời, qua vô vàn các thế hệ. Nó mới đúng là vẻ đẹp trên mọi vẻ của xã hội loài người.

Xin cám ơn các nhà giáo dục chân chính, vì dù phải trả giá, phải đánh đổi, phải chịu trăm ngàn áp lực, vẫn không muốn bỏ nghề, vẫn giữ lương tâm mình thẳng tắp như cây tùng, cây bách.
Chính nhờ khối lương tâm tùng - bách ấy, giữa một xã hội đầy biến động, bon chen, giành giật, gian trá..., vẫn còn nhiều tâm hồn thánh thiện...!

3. VÀI CÂU CHUYỆN THỰC TẾ.

Em tôi là giáo viên của một trường trung học phổ thông. Có lần, trong khi nói chuyện, chúng tôi đề cập vấn đề giáo dục, em tôi kể lại những nỗi buồn trong công tác giáo dục, do chính học trò của mình gây nên. Chẳng hạn:

- Trong một buổi đầu năm học mới, khi em tôi bắt đầu say sưa giảng, thì bỗng dưng, một học sinh nổi tiếng phá phách, từ chiếc bàn cuối lớp, lừng lững tiến về phía bục giảng.
Em tôi lên tiếng: "Em đi đâu đấy?". "Thưa thầy, em nhặt rác cho lớp sạch". Nói xong cậu học trò khom xuống lượm mẩu giấy nhỏ rồi đi thẳng ra ngoài lớp bỏ giấy. Chừng năm phút sau, cậu học trò lại lừng lững bước vào lớp. Đến gần chỗ em tôi đang đứng, cậu học trò lễ phép: "Xin phép thầy cho em vào lớp".
- Lâu lâu cậu học trò lại lấy điện thoại chụp hình bảng đen đã được ghi bài học, hoặc thu âm những lời giảng. Em làm thế không nhằm nâng cao kiến thức học tập, bởi tất cả các điểm số của em đều dưới trung bình. Em chỉ muốn phá bầu khí học tập của lớp và đe thầy giáo khiến thầy không dám nói bất cứ điều gì mà em không thích.
- Một lần khác, cũng đúng vào lúc em tôi đang giảng bài, cậu học trò lại đi từ cuối lớp lên phía bảng đen bật đèn. Năm phút sau, em lại lên tắt đèn. Em tôi hỏi tại sao bật rồi lại tắt, cậu học trò trả lời tỉnh bơ, nhưng lễ phép: "Thưa thầy, ánh sáng đèn chói bảng, em không ghi chép được".
- Có lần, sau khi em tôi lau bảng xong, nhưng còn sót một ít dòng chữ ở góc bảng. Đợi đúng lúc em tôi hút vào bài giảng, cậu học trò "thân thương" lại đi từ cuối lớp lên bục giảng: "Xin thầy cho em lau bảng cho sạch để có chỗ thầy viết".
- Rồi em lại đi nhặt nhạnh ở đâu nhiều mồ hóng (có người gọi là bồ hóng) và mạng nhện, đem treo trên cánh quạt trần của lớp học. Khi cánh quạt quay, mang theo tất cả những thứ đen đũi ấy lòng thòng quay theo, khiến tất cả các học sinh trong lớp đều phải chú ý.
- Mọi môn học, em chỉ có một quyển tập để viết chung tất cả. Nói đúng hơn, em không cần học. Tập vỡ chỉ là cho có mà thôi. Thích thì em viết vào. Không thích thì em ngồi đó, hoặc tìm cách chọc phá bạn bè...

Cứ như thế mà cậu học trò có không biết bao nhiêu chiêu trò để phá bỉnh các tiết học...

Các đồng nghiệp của em tôi đều ngao ngán khi nhắc đến tên em. Tiết nào mà các thầy cô phải lên lớp của cậu học trò này, họ đều phải tự nhủ: Mình phải gồng lên, phải chịu đựng, phải làm lơ, xem như em ấy không có trong lớp.

Đứa học trò "quậy" một cách "lễ phép" ấy đã trở thành gánh nặng cho các thầy cô phải đứng lớp, không làm gì được, không dám làm bất cứ điều gì với em... Nói cho đúng, các thầy cô sợ em theo nhiều nghĩa!

Em tôi kết luận: "Chúng em bây giờ là thầy giáo, chứ có phải làm thầy giáo đâu anh! Chúng em bị giảm thiểu, nói nặng hơn là, bị tước mất quyền làm một người thầy chân chính, nhiệt tâm từ lâu rồi!".

Thưa các thầy cô, tôi hiểu các thầy cô bị nhiều áp lực. Tôi thương những giáo viên hằng ngày phải đối diện với những học trò cá biệt như thế. Họ sẽ vô cùng khó xử. Phạt không dám. La mắng buổi sáng, buổi chiều đã có thể có clip nhảy múa trên internet. Họ hoàn toàn bất lực trước chính học trò của mình...